Xung quanh việc kinh thành Huế thất thủ
NHÂN GIẶC GIÃ LÀM GIÀU
sửaNgày nay trong thế giới có người nhân gặp chiến tranh mà làm giàu to. Tức như hồi đại chiến nhiều kẻ phát tài vì buôn bán đầu cơ chỉ một món hàng phẩm tím.
Lúc Kinh thành thất thủ cũng có lắm kẻ làm giàu, nhưng nhờ cách khác.
Người ta nói hồi đạo ngự[1] chạy ra có chở theo mấy trăm đài[2] vàng bạc châu báu. Khi đi ngang miệt gần Kim Luông, có tin báo quân Pháp đuổi theo, quan binh hoảng hốt, bỏ bớt những đài ấy lại. Rồi những người ở gần đó sáng ra gặp được đem về làm của, về sau có mấy nhà trở nên cự phú.
Một viên quản trong đội Phấn nghĩa tên là quản Dụng cũng là một người điệu những đài vàng bạc đi theo đạo ngự. Ông ấy giấu lại một đài và chôn ở nơi nào đó. Sau ba bốn năm, quản Dụng trở về đào lên, lấy của ấy cho vay mua ruộng, trở nên giàu lớn. Nhưng đến bây giờ con cháu đã suy tàn.
Việc quản Dụng này, ở Huế có nhiều người vẫn nhắc đến.
ĐÁNH GIẶC MÀ ĐI COI
sửaĐời thừa bình đã lâu, không ai biết giặc giã là gì, nên trong lúc ông Thuyết đánh Tây, có nhiều đàn ông đàn bà rủ nhau đi coi, vì họ tưởng cũng như đánh giặc trong tuồng hát bội.
Cho đến các bà chúa, các cung nữ hồi đó cũng đi coi, người ta thấy đứng sắp hàng dựa bờ sông Gia Hội.
Một người trong đám đi coi kể chuyện lại: Lúc đầu, vào hồi rờ rờ đất, súng ta ở bên thành bắn qua, người ấy thấy bao nhiêu đạn rơi xuống sông hết, nên vẫn cứ đứng coi không sợ. Sau đến súng bên kia bắn, thấy đạn đi trên trời vun vút, sợ quá, người ấy bỏ về không coi nữa.
Có người còn nhận ra được hai tiếng đạn khác nhau: đạn của ta kêu đùng! hoét … hoét! Đạn của Tây kêu đùng! veo … veo … veo …
THỌ XUÂN VƯƠNG VỚI CUỘC THẤT THỦ
sửaNgài Thọ Xuân vương hồi đó đã trên 80 tuổi mà còn mạnh.
Hồi 10 giờ sáng ngày 23 ngài mới biết Tây vào thành rồi, liền đi với mấy người con cháu về nhà quê lánh nạn. Ngày 25, ông Nguyễn Văn Tường tìm biết được chỗ ngài ở, viết thơ mời ngài về. Ngày 27, ngài có vào hội thương với ông De Champeaux rồi xin phép vào thăm Hoàng thành.
Thuở đó, đức ông đi ra thường có đem theo những gối, tráp, bình phong, v. v… Khi ở trong Hoàng thành ra cửa Hiển nhân, lính Tây đứng gác đó, thấy những đồ ấy của ngài thì tịch thu lấy hết, vì tưởng rằng đồ lấy trộm trong các miếu ra và vì hồi đi vào họ không để ý. Sau ngài ra nói với ông De Champeaux mới lấy lại được.
Trong lúc không có vua, chánh phủ Pháp tôn ngài làm chức Nhiếp lý quốc chánh. Bao nhiêu giấy má gởi đi các tỉnh đều đóng ấn Thọ Xuân Vương thảy cả. Ngài nhiếp lý quốc chánh cho đến khi đức Đồng Khánh lên ngôi.
Trong lúc ngài làm Nhiếp lý, người Pháp bảo ngài nếu muốn dọn vào trong Nội mà ở họ cũng cho, và bên Tòa còn xin sai lính sang gác cửa phủ ngài nữa, nhưng ngài đều từ chối.
Có kẻ nói: Hồi đó giá ngài Thọ Xuân muốn làm vua thì được ngay, chỉ ngài không chịu làm.
MỘT NGƯỜI BỒI BỊ GIẾT BỞI TAY MỘT VIÊN ĐỘI PHẤN NGHĨA
sửaVào khoảng trước thất thủ, những người bồi bếp ở với các quan Tây tại Huế phần nhiều là người Sài Gòn, chớ người đàng ngoài này rất ít. Ấy là tại lúc đó ở đây người ta đối với người Pháp đương có ác cảm, rồi ác cảm luôn tới những kẻ làm ăn với họ. Tuy vậy, hạng bồi bếp bấy giờ vẫn được gọi bằng “cậu”, họ đi ra vẫn hách dịch chẳng vừa.
Có người thuật chuyện rằng:
Cậu Tám người Sài Gòn, và Phó người Huế, và Cang người Quảng Nam, ba người đều là bồi bếp, kéo nhau đi chơi lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng 5, sau khi quân ta đã vỡ chạy, quân Tây đã nhập thành. Ba người đi chơi như thế, vì tưởng bên Tây đã thắng, đi ra để làm phách bắt nạt thiên hạ chơi.
Ba người đều bận đồ cụt trắng, đầu bịt khăn điều. Phải biết màu điều thuở đó là màu riêng của ông Hoàng bà Chúa, mà họ bịt khăn điều thì ai cũng cho là xấc.
Họ đi giữa đường phố Gia Hội là phố rất sầm uất lúc bấy giờ.
Thình lình một đội lính Phấn nghĩa thua chạy, xuống khỏi cầu Gia Hội rồi đốt cầu đi – vì cầu thuở đó còn là bằng săng.[3] Họ chạy đến giữa phố thì gặp ba người.
Cang và Phó ở Huế đã lâu thuộc các đường hẻm nên vừa thấy bọn kia thì thoát thân trốn được. Duy cậu Tám ở Sài Gòn mới ra, ngớ nghết nhè giữa đường mà chạy hoài, sau bị đuổi kịp, cậu chạy tách ra ngõ sông.
Trong bọn lính Phấn nghĩa, một viên đội phóng theo cậu Tám một cây mác. Không trúng. Cậu Tám, chẳng lành chớ, cúi lượm cây mác phóng lại viên đội cũng không nhằm. Thế rồi viên đội cầm cây mác ấy chạy xuống bến, bắt cậu Tám chặt đầu tại đó.
Sau ba ngày, cái đầu và thây cậu Tám nổi lình bình dựa bờ sông, làm cái bến đó bị bỏ hèn lâu, không ai đến tắm hay gánh nước.
Cũng không rõ đầu và thây cậu Tám sau rồi trôi đi đâu hay là có ai chôn cho không. Nhưng sau một vài tháng, cậu Năm Khang và cậu Sáu Sĩ, bồi của ông De Champeaux và cậu Đỏ, con nuôi của ông ấy, ba người đều là người Sài Gòn cả, nghĩ cậu Tám là là bạn đồng nghiệp lại đồng châu với mình, bèn bỏ tiền ra thuê người đi tìm viên đội giết cậu Tám để trả thù, nhưng tìm không được. Họ chung nhau làm lễ vớt vong, và chiêu hồn đắp nấm cho cậu Tám.
Tên Cang, hiện nay đương còn, bờ trên 70 tuổi, nhập tịch vào một làng gần Huế, làm tri bộ.[4]
THÁI ĐỘ TÔN THẤT THUYẾT TRƯỚC NGÀY HĂM BA
sửaTa xem sách hay là nghe kể chuyện lại cũng thấy cái thái độ ông Thuyết trước khi làm càn ngày hăm ba rất là lúng túng mà vô lý.
Một ông cụ 76 tuổi ở Huế kể chuyện:
Hơn một tháng trời trước ngày ấy, nhân người Pháp có yêu cầu thêm những khoản gì đó, trong triều mở cuộc hội nghị để bàn nên đối phó làm sao. Hội nghị mở mấy lần mà ông Thuyết không chịu đến. Đình thần cho đi mời mấy tin, ông cũng cứ nói mình có bệnh không thể vào.
Sau đình thần cậy ngài Thọ Xuân vương viết thơ mời ông Thuyết, thơ nói khẩn khoản lắm mà ông Thuyết vẫn mần ngơ.
Chịu không được, đức Từ Dũ phải có dụ chỉ ra truyền cùng ông Thuyết: Hễ ông không chịu vào hội nghị thì đình thần cứ việc phụng chỉ tiếp nhận hết thảy những khoản người Pháp yêu cầu, về sau ông không được nói chi hết.
Lời dụ chỉ ấy ra mấy ngày thì ông Thuyết cử sự. Người ta cho rằng bấy giờ ông cảm thấy sự cô độc: cả triều theo một phe, còn có một mình ông đi một thế, cho nên ông tức mà làm liều.
MỘT BÀ ĐẦM ĐÒI BẮN ÔNG NGUYỄN VĂN TƯỜNG
sửaTrước khi ông Tôn Thất Thuyết bỏ Kinh thành chạy, có truyền thả những tù phạm trong ngục Trấn phủ ra, cho chúng nó đi đánh giết người Pháp.
Một tên tù trong bọn chúng không biết làm thế nào đã lọt được vào trong đồn Mang Cá mà giết mất một ông quan Ba.
Sau đó mấy ngày, khi ông Nguyễn Văn Tường đã ở Kim Luông trở về Huế, thương thuyết quốc sự với các quan Pháp; ông đương ngồi thảo giấy tờ trong tòa Sứ thì một bà đầm chạy xộc xộc vào, chĩa súng sáu ra đòi bắn ông.
Những người Tây cùng ngồi với ông Tường vừa thấy thì xúm nhau, kẻ dựt súng kẻ dằng tay bà ấy lại. Còn ông Tường thì tái mặt, chẳng biết bà ấy đòi giết mình vì cớ gì.
Sau hỏi ra thì bà đầm đó là vợ ông quan Ba ở Mang Cá đã bị chết bởi tay tên tù bữa trước.
Nhờ ông De Champeaux hòa giải, bảo rằng việc gì sẽ có hai nhà nước xử đoán, bà không được tự tiện làm ngang. Khi ấy bà mới chịu thôi.
THƠ ÔNG NGUYỄN VĂN TƯỜNG
sửaNgười ta truyền tụng một bài thơ của của ông Nguyễn Văn Tường làm trong lúc thất thủ Kinh đô, đại ý để tỏ tâm sự mình sao không chạy theo vua Hàm Nghi mà ở lại. Thơ bằng chữ Hán vốn tám câu mà chỉ nhớ được bốn câu, tức là nửa bài sau:
山 色 千 重 傷 祟 輦 |
Sơn sắc thiên trùng thương túy liễn |
(Dịch nghĩa: Đạo ngự đi chui rúc trong núi non hẻo lánh nghĩ đáng thương xót thật. Song lòng tôi thì lại quyến luyến chốn sân rồng. Việc này phải hay quấy mặc đời sau. Người ta phải nghĩ: Xã tắc với quân vương, bên nào khinh, bên nào trọng?)
THUYẾT NAM PHÂN THUYẾT, TƯỜNG TRIỆU BẤT TƯỜNG
sửaNgười mình xưa nay vốn sẵn tính hay chế diễu. Nay gặp một việc tai hại, người chết nhà tan, mà các quan chịu không có sức gì cứu dân, quần chúng không những căm tức, còn tìm cách chế diễu nữa. Nhất là chế diễu hai quan phụ chánh Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết.
Trong các câu hài hước còn truyền tụng có câu này nghe cũng hay hay: Thuyết nan phân thuyết, Tường triệu bất tường. Tên là Thuyết mà không biết phân thuyết; chế Tôn Thất Thuyết kém bề ngoại giao. Tên là Tường (lành) mà chẳng có điềm lành; có ý diễu Nguyễn Văn Tường sau bị đi đày, v.v…
HỮU QUÂN HỒ HIỂN ĐÒI CHÉM NGUYỄN VĂN TƯỜNG
sửaNgười ta nói trong đêm 22 rạng mặt 23, ông Thuyết dậy quân đánh người Pháp thì ông Tường đã lẻn lên Kim Luông, ở trong nhà Chung đạo. Khi đạo ngự[5] đức Hàm Nghi và đức Từ Dũ đi ngang Kim Luông, ông Tường mặc áo rộng ra đón xa giá đức Từ Dũ, can xin ngài đừng đi và mời vào nhà Chung.
Đức Từ Dũ có troàn thế nào thì không biết, nhưng vừa khi ông Tường tâu dứt tiếng thì ông Hồ Hiển, vốn chức Hữu quân, quản Cấm binh, sung bộ giá đại thần, tuốt gươm ra, chỉ vào mặt ông Tường mà nói rằng: “Nguyễn Văn Tường, ông là phụ chánh, nước nhà vua chúa đến nỗi nước này mà ông lại ở đây sao? Tôi chém đầu ông nếu ông dám gàn đạo ngự lại !” Ông Tường nghe thấy thế, thui thủi bỏ đi.
Bởi sự đó, ông Nguyễn Văn Tường căm ông Hồ Hiển.
Sau khi ở Kim Luông trở về Huế, trước khi bị đày, ông Tường còn dự việc nước được ít lâu. Trong thời kỳ ấy, ông Tường làm hết cách để trả thù ông Hồ Hiển.
Lấy cớ ông Hồ Hiển đi theo luôn ông Tôn Thất Thuyết, ông Tường khiến làm án ông Hồ Hiển, tịch cả gia sản và bắt giam đến vợ con. Sau còn thả các con ông Hồ Hiển ra, lạc hạn cho, bắt phải đi tìm ông Hồ Hiển trở về cho kỳ được. Nhưng ông Hồ Hiển đi biệt tích, về sau cũng không nghe tin tức ông ở đâu.
HĂM BA THÁNG NĂM CÓ QUỐC TẾ
sửaỞ gần cửa Nhà đồ, phía trong thành, có một cái đàn nhỏ bằng gạch quét vôi trắng. Trước đàn hai hàng dương liễu cao vút, trên đàn và chung quanh đàn cỏ mọc um sùm. Đó là đàn Âm hồn nhà nước xây lên để tế chung những người bị thiệt mạng trong ngày Kinh đô thất thủ. Mỗi năm gần đến ngày 23 tháng 5, nha Hộ thành phái lính đến quét dọn qua loa. Tối 22 sang 23, hồi 4 giờ sáng, bộ Lễ cho đưa ba mâm hào soạn, trầu rượu, trầm trà vân vân lên tế. Thường có một quan Đô thống hoặc Chưởng vệ bên võ khâm mạng đi tế, lại thuộc bộ Lễ chấp sự.
Trong lúc tế có đọc một bài văn bằng chữ nho, có đoạn sau như vầy:
嗟 嗟 諸 靈
莫 莫 致 為
或 從 王 事
或 止 邦 幾
風 塵 乍 動
兵 火 橫 羅
骷 髏 隊 裡
魂 魄 安 依
天 地 愁 為
草 木 堪 悲
言 念 及 此
倍 却 凄 其
玆 遵 常 典
特 用 菲 儀
精 誠 所 格
靈 爽 有 知
尚 饗
Phỏng dịch: Thương thay các vong linh vì ai xui khiến! Hoặc theo việc quan, hoặc ở trong thành, gặp cơn gió bụi, giao lửa nghênh ngang. Xương khô chất đống, hồn phách biết nương đâu. Trời đất cũng sầu, cây cỏ xiết thương. Càng nói đến càng nghĩ đến càng thêm thê thảm. Nay theo lệ thường đưa các tế nghi, lòng thành đã thấu, linh thiêng hãy chứng cho, xin hưởng.
Chú thích
- ▲ đạo ngự: ở đây ý nói chuyến đi (ra ngoài cung) của vua;
- ▲ đài: đồ đan bằng tre, rộng miệng rộng lòng, đựng đồ đi đường, có hai người khiêng (Huình Tịnh Paulus Của: sđd.)
- ▲ săng: tên một loài cây; cây cối nói chung (Huình Tịnh Paulus Của: sđd.)
- ▲ tri bộ: chức hay giữ bộ sổ trong làng (Huình Tịnh Paulus Của: sđd.)
- ▲ đạo ngự: ở đây ý nói chuyến đi, đoàn đi (ra ngoài cung) của vua.