Xúc cảnh
của Nguyễn Đình Chiểu

Bài này nằm trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp.

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông[1],
Chúa xuân[2] đâu hỡi, có hay không?
Mây giăng ải bắc[3] trông tin nhạn,
Ngày xế non nam[4] bặt tiếng hồng.
Bờ cõi xưa đà chia đất khác,
Nắng sương nay há đội trời chung.
Chừng nào thánh đế[5] ân soi thấu,
Một trận mưa nhuần rửa núi sông.

   




Chú thích

  1. Gió từ phương đông tới, tức gió mùa xuân
  2. Mùa xuân đưa lại sức sống mới cho muôn loài, cho con người. Do đó nó được gọi là Chúa xuân. Ở đây ý nói Tổ quốc độc lập (vì Tổ quốc độc lập thì mọi người dân có hạnh phúc)
  3. Ải vốn có nghĩa chỗ đất hiểm trở, chật hẹp, quạnh hiu. Ải cũng có nghĩa chỗ giáp giới giữa hai nước. Ở đây, ải bắc có nghĩa là phương bắc xa xôi
  4. Núi ở phương nam. Ở đây, non nam là phương nam (cũng có thể nói là Nam Bộ lúc này đã bị chiếm đóng hoàn toàn)
  5. Vị vua đáng tôn kính. Trong điều kiện ý thức hệ phong kiến còn thống trị, Nguyễn Đình Chiểu không thể không nói đến thánh đế, nhưng đó là vị vua lý tưởng mà ông ước mơ