Xâm quyền hay ngoại thủy: Sứ tòa làm việc của tỉnh đường

Xâm quyền hay ngoại thủy: Sứ tòa làm việc của tỉnh đường  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 12 (9 Avril 1935), trang 1.

THẾ MÀ ĐÒI TRỞ LẠI ĐIỀU ƯỚC 1884!

Cuối năm ngoái, khi Hội đồng Dân biểu Trung Kỳ sắp tan nhóm, ông Nghị trưởng toan đọc bài diễn văn bế mạc mà rồi vì phần đông trong viện không biểu đồng tình nên rút cục ông không đọc, và cũng rút cục kỳ hội đồng ấy bế mạc không có diễn văn: ấy chẳng bởi cớ gì lạ, chỉ bởi trong bài diễn văn toan đọc đó, ông Nghị trưởng muốn xin nhà nước trở lại lý hành theo điều ước 1884.

Theo điều ước 1884, quyền nội trị hai xứ Trung, Bắc Kỳ còn về vua quan ta, không có mỗi việc đều do chánh phủ Bảo hộ chủ trương hoặc can thiệp như chế độ hiện hành bây giờ. Làm người dân Việt Nam, được thế, lẽ đáng lấy làm vừa lòng lắm mới phải, cớ sao phần đông nghị viên Dân biểu lại không chịu?

Phần đông nghị viên trong viện Dân biểu không chịu, thì chắc phần đông nhân dân trong hai xứ cũng không chịu. Thế thì sao ông Nghị trưởng, người có tư cách đại biểu cho toàn viện, cho cả nhân dân, lại muốn đứng xin?

Trong trường chánh trị có nhiều điều quỷ quắc, hơi nào mà hỏi mà nói cho thêm rầy. Bài này, chúng tôi không cốt đi tìm cho ra cái cớ đó; chúng tôi chỉ lấy một việc mới xảy ra để chứng rằng cái điều ước 1884 là không có thể trở lại, và dù có thể đi nữa cũng chẳng nên trở lại làm gì, cho trong nhân dân những người nào chưa biết rõ lợi hại thì được biết rõ mà thôi.

Chúng tôi nói đây cốt vì chỗ lợi hai của nhân dân mà nói. Chúng tôi tin mình không phải kẻ táng tâm mà muốn duy trì cuộc Bảo hộ cho được với vũ trụ cùng dài. Nếu còn có ai ngờ vực, lấy điều đó cáo chúng tôi, thì chúng tôi cũng khuyên họ, thà đừng đọc bài này nữa mà cứ nhắm mắt chửi đại báo Tràng An là hơn!

Vừa chừng một tháng nay, trong một tỉnh nọ có trát sức châu tri rằng từ nay, chánh, phó tổng, lý trưởng được công cử rồi, đi lãnh bằng để bắt đầu phục dịch, thì không lãnh tại tỉnh như trước nữa, mà phải đến lãnh tại tòa, nghĩa là lãnh tại tay quan Công sứ. Trong trát có nói kèm một câu, hình như để cho đỡ bớt sự đột ngột, rằng lãnh bằng ở quan Sứ như thế, trong khi đó, ngài sẽ khảo vấn tổng lý mỗi người ít câu để nghiệm biết cái tài việc quan của họ, rồi về sau, người nào được tín dụng lâu dài, người nào bị bãi truất cũng do đó mà định.

Vả chăng, chánh, phó tổng, lý trưởng là những chức thuộc về dân sự chứ không vào ngạch quan lại; từ trước họ chỉ lệ thuộc về phủ, huyện sở tại, chứ cũng ít khi được thấy mặt các quan tỉnh. Tỉnh đường mà coi đến việc cắt đặt tổng lý, sự đó mới có chừng vài mươi năm nay. Mà làm như thế, dân gian cho là không tiện bằng trước, vì tổng lý phải lòn cúi nhiều cửa quan, đã phủ huyện rồi còn tỉnh.

Tuy vậy, trong việc hành chánh, việc như thế cũng đáng kể là việc rất nhỏ, có ai thừa công mà đi xét đến làm gì.

Ấy thế mà ngày nay, trong tỉnh nọ, tòa Sứ phải làm đến cái việc mà tỉnh đường đã nhẹ thể xuống mà làm, là việc phát bằng cho các chánh, phó tổng và lý trưởng. Nó càng là việc nhỏ, càng làm cho chúng ta để ý nhiều hơn.

Quan tỉnh phát bằng cho tổng lý thì có làm sao mà quan Công sứ phải chịu khó chăm chút việc nhỏ mọn dường ấy? Ai hay nghĩ, thử nghĩ xem nào!

Tổng lý đến lãnh bằng tại tỉnh thì có thiệt hại gì cho họ sao mà quan Công sứ phải cho họ lãnh bằng tại tòa? Ai hay nghĩ, hãy nghĩ thêm chút nữa xem nào!

Hẳn là có vì một việc không tốt gì đó xảy ra trong lúc viên tổng, thầy lý nào đó lãnh bằng tại tỉnh, nên quan Công sứ mới buộc lòng làm như thế. Nhưng việc đó dù chúng tôi có biết cũng chẳng nên nói vào đây, vì nó là một việc nhỏ lại rất nhỏ, chẳng báu xót gì, chẳng xứng đáng gì.

Chúng tôi chỉ nhân việc nhỏ ấy mà động đến vấn đề hơi lớn. Làm như quan Công sứ đó, theo điều ước 1884, chẳng là xâm quyền sao? Làm ông Công sứ mà đến phát bằng cho tổng lý là việc của hàng phủ huyện ngày xưa, thì bảo là xâm quyền còn ai cãi được?

Nhưng với quan Công sứ ấy, chúng tôi có chỗ tương lượng, cho nên, thay vì bảo là xâm quyền, thà chúng tôi bảo là “ngoại thủy”.

Trong cuộc cờ tướng, hai người đánh với nhau, sự thắng bại, hai người chịu lấy trách nhiệm, gọi là “đương cuộc”. Nhưng khi người đương cuộc nếu là tay cờ thấp, gặp nước khó, lúng túng không biết đường đi, hay là đi bậy làm cho hao quân tổn tướng, thì những người ngồi coi ở ngoài có quyền nói vào, thậm chí thò tay vào bàn cờ cũng được, kêu là “ngoại thủy”. Có điều này, ai biết chơi cờ tướng cũng đều công nhận: gặp nước nào mà người đương cuộc đi dại, thì dù cấm, dù đánh cho chết, người ngồi ngoài cũng phải nói vào, quá hơn nữa, cướp lấy quân cờ mà đi.

Quan Công sứ làm việc ấy mà chúng tôi không nỡ trách, là vì chúng tôi biết ngài ngứa mắt lắm trong khi thấy quan tỉnh cứ lo đi nhặt mấy con “tốt biên” mà quên rằng “sĩ tượng” nhà mình đã gãy rồi, người ta “chiếu tướng” cho vài nước nữa là bí!

*

* *

Cái điều ước 1884 đến nay như đã thành ra người chết đứng lâu rồi, không thể sống lại, mà dù có làm cho sống lại được cũng vô ích. Nó chết đứng là vì, từ đấy về sau, việc hành chánh của Nam triều, việc gì cũng như việc lãnh bằng tổng lý này hết; các quan kinh ngoại, quan nào cũng như quan tỉnh này hết: ai nấy đi liều đi lĩnh giữa thế cờ lúng túng, làm cho các ông Bảo hộ phải thò tay vào mà ngoại thủy, rồi lâu ngày người bàng quan trở nên người đương cuộc.

Thì như việc thi cử ngày xưa là việc xa với cái quyền hạn bảo hộ không biết mấy ngàn cây số mà chỉ vì từ khoa Bính ngọ, các quan trường ăn tiền thí sinh, đem kẻ dốt lên đè đầu kẻ hay chữ, vỡ ra không biết bao nhiêu vụ kiện, từ đó trong trường thi mới có chức giám khảo hay giám sát bằng quý quan.

Kể thêm một chút nữa như việc phong sắc thần các làng, là việc ông Tây chẳng còn biết là gì hết, thế mà lần nào cũng phải có Tòa Khâm can dự đến thì mới khỏi kiện hay là mới dứt kiện.

Tại ông thầy thuốc nọ làm cho người bệnh kia chết đứng đi, rồi bây giờ mong người bệnh ấy sống lại dưới tay ông thầy thuốc ấy, thì thật là câu chuyện khó nghe, hoặc người ta muốn đùa chúng ta hay sao chớ.  

Nói thế nghĩa là điều ước 1884 đã vì quan An-nam mà bị tiêu diệt, bây giờ không có lẽ cũng ở dưới quyền quan An-nam đó mà nó lại phục sinh (Trừ ra khi nào toàn thể quan An-nam có sự thay đổi lớn không kể). Mà nghiệm xem ngày nay quan Công sứ phải làm đến việc của quan tỉnh, đủ biết một ngày kia nếu quyền nội trị thu về quan ta, trở lại điều ước 1884, thì nhân dân chỉ hại thêm chứ không có lợi.

Chúng tôi tin rằng tổng lý lãnh bằng tại quan Công sứ là có lợi cho họ hơn là tại tỉnh, vì không có hại tức là có lợi. Thế thì đường nào có lợi cho dân, ta hẵng theo đường ấy, không nên ao ước sự viển vông làm gì.

PHAN KHÔI