Việt thi/Tựa
TỰA
Phàm một nước đã có văn-học là có văn lhơ. Văn thơ là cái tinh-hoa của một dân-tộc, đã tiến lên đến cái trình-độ đã cao về đường văn-hóa. Có văn thơ thì tiếng nói của người ta mới mỗi ngày một đẹp-đẽ và dồi-dào thêm ra, tính-tình và tư-tưởng của người ta mới biểu-lộ ra một cách tao-nhã và thanh-kỳ. Bởi vậy cho nên những đời thịnh-trị bao giờ cũng quí văn thơ.
Có người nói văn thơ là một thứ nghệ-thuật vô-ích về đường thực-tế. Có ích hay không là ở sự người ta biết dùng hay không biết dùng. Lấy lời văn hay mà truyền-bá những tư-tưởng mới đẹp và những việc trong-sạch ngay-chính để chữa-sửa những nết xấu-xa mà mở rộng cái trí biết của người ta, thì sao lại là vô-ích? Nếu lại dùng lời văn khôn-khéo xảo-quyệt mà xui-dục người ta làm những điều gian-ác lừa-dối, thì không những là vô ích, mà lại còn hại biết bao nhiêu.
Vậy lợi hay hại, là ở sự dùng phải hay trái, chứ không phải ở văn thơ. Trái lại, ta nên xem văn thơ như một bảo-vật và nên trau-giồi cho được toàn hảo toàn mỹ. Đó cũng là một sự nhu-yếu trong sự học tương-lai.
Xưa kia ta chỉ học chữ, không ai học nôm. Nôm là tiếng nói thông-thường của người nước ta, chữ là lối viết chung cho những nước đồng văn như nước Tàu và nước ta, chỉ có người đi học mới biết chữ. Người đi học lấy đạo Nho làm cốt, cho nên gọi thứ chữ ấy là chữ nho. Đời xưa người đi học chỉ tập làm văn bằng chữ nho, chứ không tập làm văn nôm. Tuy nhiên, người ta đã có tiếng nói riêng, thì thế nào cũng có khi cao-hứng mà thốt ra những bài văn bài thơ bằng tiếng nôm. Vì vậy từ cuối đời Trần về sau, cái trình-độ văn-học của ta đã lên cao, có nhiều người dùng quốc âm làm những bài văn bài thơ rất có giá-trị.
Tiếng nôm ta và chữ nho đều là tiếng đan-âm, cho nên ai đi học đã làm được thơ chữ, thì cũng làm được thơ nôm. Thơ nôm của ta, trừ hai lối thơ riêng là thơ lục-bát và thơ song-thất lục-bát, còn là theo qui-tắc thơ chữ mà làm, như thơ cổ-phong, thơ luật hay thơ tuyệt-cú v.v. Có nhiều bài thơ nôm rất tài-tình và có ý-nghĩa chẳng kém gì thơ chữ nho. Ấy đủ rõ là tiếng nước ta không nghèo-hèn và có thể có cái tương-lai rực-rỡ vậy.
Từ khi có chữ quốc-ngữ thành ra thứ chữ phổ-thông, thấy nhiều người thích làm thơ, mà không hiểu hết những qui-tắc các lối thơ, nhất là hay sai-lầm về sự gieo vần cho đúng. Thiết nghĩ, ta nên bàn rõ những cách dùng tiếng bằng tiếng trắc, cách gieo vần cho đúng và kê rõ những qui-tắc các lối thơ, để sau này ai muốn làm thơ, xem cho dễ hiểu.
Ngoài những mục ấy, sách này còn góp-nhặt một ít thơ cổ, để ai thích chơi thơ, xem cho vui. Có nhiều bài thơ cổ, đã in ra ở các sách, song có bài ở chỗ này, thì cho là tác-phẩm của người này, ở chỗ khác lại cho là tác-phẩm của người khác, rất là khó phân-biệt cho đích-xác được. Dù sao, thì những bài thơ ấy đều là tinh-hoa của văn-học nước nhà, ta đừng nên để mất-mát đi.
Ở đầu cái mục chép những thơ cổ ấy, có một mục chép những tiểu-sử của các thi-nhân có thơ nhặt vào đây, biên theo từng thời-đại, trừ những người chưa biết rõ, thì hãy chép qua-loa, đành để khuyết nghi. Còn những bài thơ không biết đích là tác-phẩm của ai, thì để xuống cuối cùng cho là của Vô-danh thị.
Sách này và sách Đường thi dịch ra Việt-văn đã khởi làm từ khi tôi ở Chiêu-nam. Sau về Huế và ra Hà-nội, nhân khi nhàn-hạ, mới sửa-đổi lại cho thành sách. Mong rằng những sách ấy bổ ích được ít nhiều cho văn-học của nước nhà, ấy là một điều thỏa-thích cho tấm lòng không bao giờ quên sự học của quốc-dân sau này.
Ngày 15 tháng mạnh hạ năm Bính-tuất (1946)
Lệ-thần TRẦN TRỌNG KIM