PHAN KẾ-BÍNH

23. Phong-cảnh Kiếp-bạc

Trời Nam riêng một cõi Doanh-bồng,
Sơn-thủy thiên-nhiên cảnh lạ-lùng.
Bắc-đẩu Nam-tào chia tả hữu,
Huyền-đăng trăm ngọn đá chông-vông.
Mấy chòm cổ-thụ bóng sầm-uất,
Một dãy cao phong thế trập-trùng.
Bãi nổi se sè hình lưỡi kiếm,
Nước trong leo-lẻo một dòng sông.
Véo-von vượn hót trên đầu núi,
Lác-đác hươu ăn dưới gốc thông.
Ráng tỏa chiều hôm chim ríu-rít,
Mây tuôn ban sớm khói mịt-mùng.

Phong-quang bốn mặt trông như vẽ,
Một tọa lâu-đài cao sát không.
Rèm ngọc sáng quang mây núi bắc,
Gác hoa bóng lộn sóng triều đông.
Đại-vương khi nhàn rê trượng trúc,
Theo sau một vài gã tiểu-đồng.
Khi đeo bầu rượu qua sườn núi,
Lúc dạo cung đàn bơi giữa dòng.
Thủng-thỉnh cuộc cờ khi gió mát,
Ung-dung ngâm vịnh lúc trăng trong.
Nghĩ mình thú hứng vui ngày sót,
Ngắm cảnh giang-sơn thỏa khúc lòng.
Tuổi già, cảnh thú, công-danh trọn,
Than ôi! Đại-vương thực anh-hùng.

CHÚ-THÍCH.— Kiếp-bạc là chỗ ở của Trần Hưng-đạo vương khi về trí-sĩ. Chỗ ấy là một nơi thắng cảnh thuộc tỉnh Hải-dương, sau là đền thờ đại-vương. — Nam-tào Bắc-đẩu là tên hai dãy núi ở hai bên đền Kiếp-bạc.— Huyền-đăng cũng là tên một dãy núi ở vùng ấy. — Ở giữa sông trước mặt có cái bãi nổi lên hình như lưỡi kiếm.