Việt thi/I-2
TIẾNG BẰNG TIẾNG TRẮC VÀ TIẾNG BỔNG
TIẾNG CHÌM
Tiếng bằng tiếng trắc. — Một thứ tiếng đan-âm như tiếng Việt-nam ta, nếu không theo luật bằng trắc, thì câu văn không có âm-hưởng, đọc lên nghe không hay. Nhất là làm thơ mà dùng tiếng không đúng luật ấy, thành ra thất luật, mất vẻ thơ.
Theo chữ quốc-ngữ, thì tiếng bằng là những tiếng có giọng êm-dịu và có thể đọc kéo dài ra được, như những tiếng thượng-bình-thanh, không có dấu huyền, và những tiếng hạ-bình-thanh, có dấu huyền. Tiếng trắc là những tiếng có giọng ngắn-ngủn, không đọc dài ra được, như những tiếng có chữ c, ch, p, t đứng ở cuối tiếng và những tiếng có dấu sắc, hỏi, ngã, nặng.
Vì âm-hưởng tiếng bằng và tiếng trắc khác nhau như thế, cho nên phải xếp những tiếng ấy cho khéo, thì tiếng nọ chế tiếng kia, thành ra một thứ âm-điệu nghe hay và dễ đọc. Nếu không, thì đọc lên trúc-trắc nghe chướng tai, không phải là văn nữa.