Việc bẻ bác người ta không phải là việc chơi

Việc bẻ bác người ta không phải là việc chơi  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 122 (10. 3. 1932) và Trung lập, Sài Gòn, số 6679 (Phụ trương văn chương số 45, thứ bảy 12. 3. 1932).

Lời trách ông Nguyễn Duy Thanh và ông P.B. nào đó trong Trung lập

Người Tây đã đành, mà người Tàu cũng vậy, từ xưa đến nay, trong đám sĩ phu họ hay có một cái thói quen nhã lắm mà cũng có ích lắm, là viết thơ đàm đạo việc học với nhau; những bức thơ ấy kêu bằng "bức thơ luận học".

Bạn đồng học cùng nhau, hay là không đồng học, chỉ nghe tiếng nhau mà thôi, họ cũng viết thơ cho nhau mà nghiên cứu các vấn đề thuộc về học vấn. Hoặc về văn chương, hoặc về triết lý, hoặc về lịch sử..., có những chỗ còn nghi ngờ hay người nầy với kẻ kia không đồng ý, thì họ đem ra mà biện luận cùng nhau, cật nạn cùng nhau. Hai bên đều lấy cái tri thức, cái ý kiến của mình mà cọ với nhau, cọ thét rồi nó như sắt với đá cọ thét mà bật ra lửa, nghĩa là nẩy ra được ít nhiều ánh sáng của chơn lý. Ở bên Tàu, cái thói quen ấy, giữa đám học giả ngày nay thì lại càng thạnh hành lắm.

Việc viết thơ luận học cùng nhau, ta muốn coi nó là một trò chơi giải trí, như là đánh cờ tướng, vẽ sơn thủy cũng được, nhưng nó lại còn có ý cao thượng hơn những trò kia, cho nên nói rằng "nhã lắm". Nhờ sự luận biện cật nạn trong khi viết thơ qua lại mà rồi một hay nhiều cái nghi đề được giải quyết, chơn lý được rõ ra, cho nên nói rằng "có ích lắm".

Sự có ích ấy ai cũng thấy rồi; ở đây tôi lại chú ý ở một sự có ích khác, là nơi người ta hay bỏ qua đi. Trong sự viết thơ luận học ấy, tôi thấy ra là một cách rất hay, tập cho người ta luận biện mọi sự.

Nhứt là trong khi mình tiếp được bức thơ của người bạn, mình phải đọc cho thật kỹ, mình phải lãnh hội hết thảy cái ý  trong thơ mà đừng hiểu lầm, rồi mình mới trả lời được. Trong khi trả lời, mình ưng thuận lời của bạn thì mình cũng phải trưng dẫn lời bạn ra sao, vì cớ nào mà mình đồng ý; còn mình muốn phản đối thì lại càng phải cẩn thận lắm: lời bạn thế nào, ý bạn thế nào, mình phải thuật lại cho thiệt đúng rồi mới hạ lời mà công kích được.

Thế thì tôi có thể nói rằng sự viết thơ luận học, ngoài cái ích làm sáng chơn lý ra, lại còn cái ích tập cho người ta nghị luận nữa. Tôi sở dĩ đem việc ấy mà nói vào đây là cốt trọng ở chỗ đó.

Tôi lại cũng có thể nói: Ai muốn viết văn nghị luận cho hay,  muốn viết báo cho lành nghề, nhứt là muốn làm một tay tướng tài về bút chiến trong làng báo, thì từ trước nên lợi dụng sự viết thơ luận học mà tập rèn đi. Không khó gì hết, các bậc thanh niên trong ngoài hai mươi tuổi, có chịu qua giáo dục phổ thông rồi, đều có thể làm được.

Vậy mà từ xưa đến nay tôi chưa hề thấy trong người Việt Nam chúng ta, có ai từng làm. Tôi đọc không được nhiều, chớ cũng được đôi chục cái văn tập của các bậc tiền bối, mà chưa từng thấy có một bức thơ nào là bức thơ luận học. Một chút đó, cũng đủ thấy cái tánh chất của người mình khác nhau với người Tàu người Tây xa quá, vậy mà cũng ra bộ hơn hớn, vỗ bụng mà chịu lấy cái tiếng khen là "dân ham học" hay sao?

Bởi dân tộc mình là cái dân tộc xưa nay chưa hề đem chuyện học ra mà bàn luận, chưa hề viết thơ luận học cho nhau, nên ngày nay bắt ra làm việc ấy thì phải ngớ nghết, thì phải trăm cái trăm lạ, chẳng khác nào gái mới về nhà chồng! Thấy vậy mà tôi cầm lòng không đậu, có mấy lời xin khuyên anh chị em hết thảy, nếu có muốn nghị luận việc nầy việc khác thì nên tập rèn trước đi, nên viết thơ luận học cho nhau trước đi.

Gần đây có xảy ra hai việc làm cho tôi lấy làm lạ vô cùng, vì nó không có thể xảy ra được mà cũng xảy ra. Vả chăng, cái việc bẻ bác người ta, không phải là việc chơi, phải cẩn thận cho lắm mới được. Khi muốn bẻ bác người nào, cốt phải biết rõ cái sự chủ trương của người ấy thế nào, và theo mình, cái sự chủ trương ấy là không phải, như vậy thì mình mới dám bẻ bác. Đã vậy mà lại còn phải nhớ chỗ nầy nữa: mình biết người ta quấy rồi, nhưng cái phải của mình, mình căn cứ vào đâu; mình có căn cứ vững chãi, thì mới dám vịn lấy đó mà bẻ bác người ta. Người nào ưa bẻ bác, gặp chi bẻ bác nấy, mà lại không làm theo cái cách trên đó thì  chỉ có coi việc bẻ bác là việc chơi, mới cả gan không sợ gì hết như vậy.

Tôi chẳng nói xa nói gần gì hết. Cho được chỉ thiệt ra hai việc đã nói móng đến trên đó, tôi phải đem ông Nguyễn Duy Thanh cùng ông P.B. nào không biết, có bài trong báo Trung lập ra đây mà nói chuyện và để lời thiết trách hai ông.

Mục "Vai ngự sử trên đàn văn" của Phụ nữ tân văn độ trước, ký tên C. D., ấy là tự tay tôi viết. Số 99, một đoạn nói về ba chữ "sâu nhái tiếng" như vầy:

"Thấy tờ báo kia hay dùng chữ "sâu nhái tiếng" mà dùng đi dùng lại nhiều lần lắm. Đôi khi có chua dưới ba chữ ấy, nói rằng bởi chữ "ứng thanh trùng" của Hán văn mà ra.

Sâu nhái tiếng, cứ theo văn nghĩa cả câu trong khi họ dùng thì có ý ví với sự nói theo, sự nói phụ họa với kẻ khác, cũng như con "sâu" nầy nghe con "sâu" kia kêu mà kêu theo. Nghĩa như vậy thì đúng, không có sai lầm chi hết.

Nhưng chúng tôi nói đây là nói về cách đặt chữ. Theo lẽ thì cách đặt chữ như vậy không trôi; ba chữ "sâu nhái tiếng" không thành lập được là một danh từ (terme).

Chữ "trùng" 蟲 trong Hán văn, theo tiếng Việt Nam thì chia làm hai: sâubọ. Sâu không cánh mà bọ có cánh. Vậy như sâu rọm, sâu đo, sâu keo, sâu xanh... phàm kêu là sâu thì đều không cánh cả. Còn bọ hung, bọ chét, bọ vừng, bọ hong,... phàm kêu là bọ thì đều có cánh cả.

Mà bất kỳ còn trùng nào, nó kêu (kỳ thiệt không phải kêu) là nhờ ở cánh; như con dế, con ve ve,... tuy ta không kêu nó là bọ nhưng phải sắp nó về giống bọ, vì nó có cánh. Còn giống sâu, không có cánh thì không kêu; không kêu thì có tiếng ở đâu? Thật vậy, có ai hề nghe con sâu rọm, con sâu đo, nó lên tiếng bao giờ!

Vậy chữ "trùng" trong cái danh từ "ứng thanh trùng" ấy, muốn nói ra tiếng ta thì phải nói là bọ, chớ không được nói là sâu, vì sâu không có tiếng...

Chúng tôi biết dịch như vậy là sai, nhưng muốn sửa lại thì không sửa được. Thôi, ta bỏ ba chữ "sâu nhái tiếng" đi mà đừng dùng nữa là hơn.

Vả, sự dịch thành ngữ, tục ngữ ngoại quốc cho nhập tịch tiếng ta, là sự ích lợi nên làm. Có điều phải dịch cho hay mà đừng làm hại tiếng ta mới được. Chúng tôi muốn bỏ ba chữ ấy vì sợ dùng nó lâu thành quen, rồi nó sẽ phá cái luật chia loài trùng ra sâu và bọ trong tiếng ta, ấy là điều có hại đó vậy".

Sự chủ trương trong bài đó cho đến bây giờ tôi cũng vẫn còn nhìn là phải. Tuy rằng sau đó có người ký tên Ngổ dân gởi bài phản đối, bài ấy có đăng trong Phụ nữ số 103, tôi cũng chẳng phục tình; trừ ra một điều người ấy có nhắc tích Dương Miến đau "bịnh ứng thanh trùng" là có ích cho tôi, vì trong khi viết bài kia, tôi quên lửng cái điển ấy. Không viết mà biện lại với Ngổ dân, là bởi hồi đó tôi có từ chức ở báo nầy hết một độ.

Nay hẵng lui một bước, nhận cho lời phản đối của Ngổ dân có nhiều chỗ phải mà tôi cũng theo đi; còn một chỗ sâu không tiếng, bọ có tiếng, không làm lộn xộn được, là tôi cũng vẫn còn giữ chặt. Giữ chặt chỗ ấy, tôi chỉ có ý thận trọng cho sự phân loại (classification) của khoa học trong tiếng ta sau nầy, chớ không phải là bởi tư  ý muốn cho mình được thắng. Thật thế, trong tiếng ta đã chia ra, không tiếng gọi là sâu, có tiếng gọi là bọ, nay trở nói sâu có tiếng, danh thiệt trái nhau, có hại cho đường khoa học về sau rất nhiều.

Bổn ý tôi phản đối ba chữ "sâu nhái tiếng" chỉ có thế mà thôi, nguyên văn của tôi đã có lục lại y như trên đó, vậy mà trong bài "Ý của tôi về tiếng Việt Nam" của ông Nguyễn Duy Thanh (Phụ nữ số 119) nói về việc ấy, đã nói sai đi tất cả. Một đoạn gần cuối bài của ông, nói như vầy:

"Cho đến mới rồi, có người dịch chữ "ứng thanh trùng" ra "sâu nhái tiếng", quan ngự sử ngài lại bẻ hành bẻ hẹ mãi, rồi nói rằng để chữ "ứng thanh trùng" hơn, chớ đem chữ "sâu nhái tiếng" vào thì xấu cái tiếng An Nam đi".

Ông còn nói chi chi nhiều nữa, nhưng mà thôi, hẵng trích ra cái chỗ rất cốt yếu là đoạn trên đó, rồi xin ai nấy đem mà gióng thử với nguyên văn cái bài "Ngự sử đàn văn" của tôi trên kia thử ra sao. Tôi có hề bảo để nguyên chữ "ứng thanh trùng" là hơn đâu mà ông Nguyễn Duy Thanh vu cho tôi như vậy. Tôi có bảo bỏ ba chữ "sâu nhái tiếng" đi, nhưng không phải bởi sợ xấu tiếng An Nam đi như lời ông Thanh nói, mà chỉ bởi cố ý giữ vững cái sự rõ (précis) trong tiếng ta để tiện sự phân loại trong khoa học về sau đó thôi.

Thế thì ông Nguyễn Duy Thanh căn cứ vào đâu mà nói tôi (ngự sử là tôi) đã phô những lời ấy? Ông đã bắt được tay day được cánh ở hồi nào mà ông dám vu oan giá hoạ cho người ta?

Cái cách nghị luận hàm hồ như vậy người mình hay dùng luôn luôn. Tôi biết ông Thanh trong khi viết bài đó có ý tìm cho được nhiều chứng cớ về sự khinh tiếng An Nam, tìm ở nơi ông Hồ Duy Kiên, ông Bùi Quang Chiêu, ông Bùi Huy Đức, ông Phạm Quỳnh, ông còn lấy làm không đủ, ông phải vớ tới "quan ngự sử" của Phụ nữ tân văn nữa. Ông không kể sự thiệt ra sao, cốt chỉ muốn chưng nhiều ra cho rậm đám.

Trong sự học, người ta biện luận cùng nhau, không ai dùng cách ấy bao giờ. Duy có ở Trung kỳ ngày nay, về sự kiện cáo, chưa có chế độ mới, còn theo lối cũ, thì có một bọn quân sư thầy kiện, họ hay làm đơn khai cho bên nguyên bên bị đối nại nhau, thì mới dùng cách ấy mà thôi. Bọn ấy, họ không kể sự thiệt là gì cả, miễn cái gì có thể giúp được cho sự "già mồm" của họ thì họ bợ vào. Ông Nguyễn Duy Thanh, học sanh du học ở Paris, "điện máy chuyên nghề" là một nhà khoa học mai sau đó, cái đức của  nhà khoa học là gì, ổng nên biết mà giữ lấy, há lại nên đi bắt chước cái thói quân sư thầy kiện ấy sao? Phải ai mà dùng cách ấy thì cái lỗi còn nhẹ; một nhà khoa học như ông Nguyễn Duy Thanh, thì không có thể dung thứ được, mà tôi tưởng, hôm nay ông biết ra, ông cũng không có thể tự dung thứ cho mình.

*

* *

Hôm gần Tết, tôi ngồi tại tòa soạn Phụ nữ tân văn, bỗng nghe có người kêu tôi trong máy nói. Tiếng một người quen, hỏi tôi về một bài thơ chữ nho mà người ấy không biết xuất xứ ở đâu. Cứ như tôi biết thì bài thơ người ấy đọc có sai mấy chữ, tôi bèn đính chánh lại, và chỉ ra xuất xứ trong sách Tùy Viên thi thoại.

Ít hôm sau, số Tết của Đuốc nhà Nam ra, té ra bài thơ ấy được đăng lên, có dịch ra Quốc âm nữa; người viết ký tên Bích Vân cũng có nói rằng lấy ra từ Tùy Viên thi thoại, theo như lời tôi.[1]

Ra ngoài Tết, vào ngày thứ bảy 13 Février, Trung lập lại ra một số đặc biệt nữa, trong có một bài, đề là "Chữa lại một bài thơ", ở dưới ký tên P.B., nguyên văn như vầy:

"Số báo đặc biệt Đuốc nhà Nam trương thứ tám có bài của Bích Vân tiên sanh nói về thi thoại Tàu Tây, có dẫn chuyện một ông thầy chùa ăn trứng gà, phạm nhằm giới cấm, bị quan bắt được, làm cung trạng bằng bài thi tứ tuyệt như vầy:

Hỗn độn càn khôn nhứt khẩu bao,
Dã vô bì huyết dã vô mao.
Lão tăng đới nhĩ Tây phương khứ,
Miễn tại nhơn gian thọ nhứt đao.

Dịch nôm:

Hỗn độn càn khôn có một bao,
Thịt da nào đã có gì đâu.
Lão tăng đưa nó về Tây Trúc,
Cho khỏi mai sau chịu một dao.

Soạn giả nói rằng nhớ trong tập Tùy Viên thi thoại của Tàu.

Tuy khi viết mấy hàng nầy bên cạnh mình chẳng có tập văn kia mặc dầu, tôi cũng dám đoan rằng không bao giờ quyển Tùy viên lại in vào một bài thơ như trên kia. Ông Tùy Viên là một bậc nho sĩ, lẽ đâu lầm lạc như Bích Vân tiên sanh!

Câu thứ nhứt: Hỗn độn càn khôn khẩu nhứt bao. Nếu dùng chữ hỗn độn thì không được dùng chữ càn khôn. Cái thời gian trời đất chưa phân biệt, chưa có, người Tàu đặt tên là đời hỗn độn. Đã là hỗn độn thì chẳng có trời đất. Hỗn độn càn khôn đi cặp với nhau không có nghĩa gì hết. Trong sách Ấu học tầm nguyên có câu: "Hỗn độn sơ khai, càn khôn thỉ điện, khí chi khinh thanh, thượng phù vi thiên, khí chi trọng trược, hạ ngưng vi địa". Hết đời hỗn độn rồi trời đất mới dựng lên. "Nhứt khẩu bao" lại càng không có nghĩa nữa, trứng gà là một cái bao, miệng đâu mà miệng!

Nguyên văn của người ta như vầy: "Hỗn độn vị phân định nhứt bao", nghĩa là: lúc đời hỗn độn chưa chia thì định chừng có một bao mà thôi. Tác giả ví trứng gà cũng như đời hỗn độn, còn lộn xộn chỉ một cục tròn tròn có bao ngoài. Vậy mới liên tiếp xuống câu thứ nhì: "Dã vô bì huyết dã vô mao". Câu thứ ba: "Lão tăng" phải để "Kim tăng". Thầy chùa đâu được xưng hô với quan là "lão" bao giờ? Có xưng thì xưng "bần tăng" mà thôi. Kim tăng là "nay thằng thầy chùa nầy" hay là "tôi" cũng được. Cung khai đâu dám xấc xược như thế!

Đến câu thứ tư, nguyên văn: Miễn hậu nhơn gian hạ nhứt đao, soạn giả lại sửa là: Miễn tại nhơn gian thọ nhứt đao. "Miễn hậu" nghĩa là kiếp sau, ngày sau. Có ý nói rằng cho khỏi ngày sau làm con gà mà phải bị người ta cắt cổ. Sửa lại "miễn tại" yếu xịu, thật không ăn thua gì hết. Có lẽ soạn giả trong khi viết bài không chịu tra cứu lại cho kỹ càng để sai mất nguyên văn, đánh mất sự hay một bài thơ cổ.

Tôi xin chữa lại là muốn đem của César trả lại cho César chớ không có ý gì khác. Xin soạn giả biết cho. – P.B."

Trên đây tôi trích đăng nguyên văn của ông P.B. trong Trung lập, chớ không sửa đổi hay bỏ bớt một chữ nào hết. Đọc qua bài báo đó, làm cho tôi sửng sốt cả người!

Tùy Viên thi thoại, sách ấy, tôi đọc đã 25 năm nay, từ lúc tôi 19 tuổi, tuy những chỗ khác thì tôi quên, chớ gặp chỗ ấy tôi nhớ thì tôi nhớ chỉ giăng. Vậy mà người kia lại nói rằng không có trong Tùy Viên thi thoại thì tôi tức lắm.

Ném tờ báo Trung lập ấy xuống, tôi đi thẳng Chợ Lớn mua một bộ Tùy Viên thi thoại. Tùy Viên thi thoại có nhiều bản in, mà gần nay lại có một bản in mới nữa kêu là "thạch ấn", in bằng đá. Bản nầy thâu rút lại, chỉ có bốn cuốn, mà chữ nhỏ quá, rất khó coi. Vì bản mới lạ mắt, lại chữ nhỏ như con kiến, làm tôi kiếm hoài hầu nửa tháng mà không thấy, thật bực mình. Nhưng tôi không ngã lòng, quyết rằng chỉ có khi họ tái bản họ bỏ bài thơ ấy ra thì mình mới không gặp, bằng không thì thế nào cũng gặp. Quả nhiên về sau tôi kiếm được.

Tùy Viên thi thoại mà ở về Bổ di, cuốn 1, tờ thứ hai, phía sau (vì một tờ hai phía), hàng thứ nhứt, nguyên văn như vầy:

人 施 得 心 大 師 雞 子 四 十 ; 師 大 吞 咽 ; 人 笑 之 ; 師 作 偈 云 : 混 沌 乾 坤 一 口 包 ; 也 無 皮 血 也 無 毛 ; 老 僧 帶 爾 西 天 去 ; 免 «得» 人 間 受 一 刀 .   

Theo như đây thì chỉ nói như vầy:

"Người ta cho ông Đắc Tâm đại sư bốn chục trứng gà; đại sư nuốt lống; người ta cười cho; đại sư làm bài kệ rằng: vân vân..."

Khi ở trong máy nói, tôi cũng không hề nói sự quan bắt và làm lời khai, cái đó tại người viết bịa ra hay là còn thấy ở đâu nữa thì tôi không biết. Còn bài thơ, tôi đọc tây thiên mà người ấy viết ra tây phương; lại tôi cũng nói miễn tại, là theo bản kia, mà bản thạch ấn nầy thì miễn đắc; miễn đắc, theo ý tôi thì không bằng miễn tại.

Việc đành rành có trong sách hẳn hòi như vậy đó, mà cái ông P.B. là ông nào lại dám cãi đi, nói rằng quyết không có trong Tùy Viên thi thoại và còn chữa bậy của người ta nữa?

Chỗ ông ấy đính chánh bài thơ lại, có để câu "nguyên văn của người ta như vầy", nói vậy là nghĩa làm sao? Nguyên văn ấy là nguyên văn ở đâu? Ông Huyền Vân nói bài thơ đó là như thế và xuất sách Tùy Viên; ông P. B. nói không phải như thế và không có ở Tùy Viên, thì ở đâu? Ở đâu mà có được cái nguyên văn ấy, sao ông P.B. biết mà lại không dẫn ra làm chứng? Thiệt là ngang quá! Thiệt là loạn quá! Thiệt là to gan quá! Hèn chi người ta nói "điếc không sợ súng" thì phải!

Người ta do trong sách chép ra, mình chẳng có bằng cớ nào hết, dám lấy cái biết được một lá mít mà chữa lại. Chữa lại bậy bạ hết, rồi lại dám nói người ta "đánh mất cái hay của một bài thơ cổ", như vậy, tôi tưởng con người họ, chẳng còn có một chút gì là sự lý hết thê!

Hỗn độn càn khôn, sao lại dám nói là không có nghĩa? Thứ đồ sách "Ấu học" mà dám viện lấy bằng cứ để cãi lại người ta! Trời ôi! không biết người Việt Nam ở thế kỷ nầy, sao lại có người điên đến thế!

Tôi chẳng hơi nào mà giải bài thơ ấy ra đây cho thấy nó có nghĩa làm chi. Tôi chỉ khuyên ông P.B. nào đó đi mua bộ Tùy Viên thi thoại như tôi, về lật cuốn Bổ di I ra mà chỉ ngay tờ thứ 2, phía sau, hàng đầu hết thì có bài thơ ấy, rồi nó có nghĩa hay không sẽ biết.

Việc bẻ bác người ta, không phải là việc chơi, tôi đã nói từ trên đầu bài nầy rồi. Bẻ bác mà như ông Nguyễn Duy Thanh và ông P.B. đây thật là khinh suất quá, tàn bạo quá, lấy không làm có, lấy có làm không; phải trách nặng các ổng một lần cho các ổng biết.

Cứ như ý tôi, muốn nghị luận, muốn bẻ bác, thì ít nào cũng phải có tập rèn mới được. Muốn tập rèn, thì ta hãy viết thơ luận học cùng nhau như tôi nói trên kia.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Đoạn sau của bài này cũng đăng Phụ trương văn chương số 45 của báo Trung lập (12/3/1932) với mấy lời của Toà soạn như sau: Nơi tờ phụ trương văn chương của Trung lập đặc biệt ra hôm sau Tết, chúng tôi có đăng một bài đề là Chữa lại một bài thơ, của ông P.B., một bạn độc giả ở Lục tỉnh đã gởi đến. Số là khi tiếp được bài thơ ấy, chúng tôi không có sẵn bộ Tuỳ Viên thi thoại ở bên cạnh mình, mà nói thiệt tình, thì cũng đã làm biếng không ra công tìm kiếm mà tra xét cho kỹ. Bởi thấy bài lai cảo của ông P.B. văn lý nghe cũng thông thông, nên chúng tôi yên trí rằng trước khi làm một việc bẻ bác như thế, chắc bề nào ông cũng đã có dụng công tra cứu rồi mới dám nói quả quyết chớ. Không dè hôm nay lại may mắn được Phan Khôi tiên sanh chỉ cho chúng tôi thấy rằng trong bài đó ông P.B. đã nói sai nhiều chỗ. Mong rằng sự chỉ trích của P.K. tiên sanh sẽ là một bài học chung cho các nhà viết văn về cái đức thận trọng. Biết chắc rồi sau hãy nói, không thì thôi, chớ không ai ép! − TRUNG LẬP