Viết chữ quốc ngữ phải viết đúng

Viết chữ quốc ngữ phải viết đúng  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 31 (5.12.1929), để trả lời bài của ông Đặng Công Thắng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 30 (28.11.1929)

Bác lại bài ông Đặng Công Thắng con ông Đặng Thúc Liêng

Phụ nữ tân văn, trong một số trước, tôi có bài Chữ quốc ngữ ở Nam kỳ, đại ý muốn cổ động người mình viết quốc ngữ cho đúng, trong đó tôi có nói động đến ông Nguyễn Chánh Sắt và ông Đặng Thúc Liêng. Làm sao tôi lại nói động đến hai ông ? Cái cớ, tôi đã nói rõ trong bày ấy, đây không kể lại làm chi thêm rườm.

Sau đó, được bài “phúc biện” của ông Đặng Công Thắng con ông Đặng Thúc Liêng gởi đến, chúng tôi đã đăng vào số trước.

Có người nói : theo cái “ca” Đặng tiên sanh (chỉ ông Thúc Liêng), khi người ta nói với mình mà mình muốn nói lại, thì tự mình nói lấy là phải, chớ sao lại để con mình ứng đối với người ta ? Ấy là tiên sanh muốn kiêu ngạo chơi đó, đừng trả lời mà mang lận.

Nhưng tôi nghĩ : Tôi nói đây là vì chữ quốc ngữ mà nói. Mà hễ nói ra thì mong cho có người biện bác lại để càng thêm vỡ lẽ. Vậy thì Đặng tiên sanh dầu có đem tới cháu mình ra viết thơ cho tôi để phúc biện, tôi cũng vui lòng mà trả lời, chớ đừng nói là con.

Bài phúc biện của ông Thắng, ngoài sự biện hộ cho cái tên ông thân mình ra, có nhiều chỗ chỉ trích tôi. Nhứt là câu trong đoạn đầu, nói tôi “có nhiều cái thuyết cầu kỳ, bất hiệp chân lý”, mà không chỉ rõ cái thuyết gì, tại làm sao cho là cầu kỳ và bất hiệp. Lại rốt bài, tặng tôi một câu thơ : “Khả lân lao tác khách, thả mạc háo vi sư”, có ý chế nhạo tôi là người Trung kỳ, sao đã vô đây kiếm ăn còn làm phách. Cái đó là do tầm con mắt của ông Thắng thấy tôi làm sao thì tôi ra làm vậy ; nhưng tôi là tôi, tôi không cần cãi nhau với ổng.

Tôi viết bài nầy trả lời, là vì ông Thắng muốn biện hộ cho cha mình mà lại phạm tới sự thần thánh của chữ quốc ngữ, ấy là ổng có ý nói : chữ quốc ngữ viết thế nào thông nghĩa thì thôi, không cần viết đúng, vì không có hàn lâm viện, không có mẹo luật.

Tôi thì nói quốc ngữ phải viết đúng. Tôi nhận cho lời ổng nói đó là làm rối loạn chữ quốc ngữ, có hại cho công việc chúng tôi đương cổ động, nên tôi phải lấy lẽ mà cãi lại, bác cái lời của ông đi, vì sợ thiên hạ nghe lời ông mà sai lầm càng ngày càng hơn.

Theo lời ông Thắng thì cái chữ “Liêng”, tên ông thân ổng, là do ông Trương Vĩnh Ký và ông Huỳnh Tịnh Trai biểu viết làm vậy, vì hồi đó chưa có tự vị nào hết. Sự đó là việc riêng nhà ổng, thiệt hư thế nào, tôi đâu có biết. Vả lại, tôi đâu có biết ông Trương Vĩnh Ký, ông Huỳnh Tịnh Trai là “bạn cố nhân” với ông Đặng Thúc Liêng !

Ông Thắng lại viện cái lẽ rằng chữ tên là danh từ riêng, có thể thêm bớt được, coi như tên người Tây thì biết. Cái lẽ ấy tôi cũng vẫn biết. Huống chi “cái tên, phải theo người có tên”[1]” nghĩa là người có tên viết tên mình thế nào, thì người khác phải kêu và viết theo thế ấy; tôi lại cũng hiểu lẽ ấy rồi nữa, nên trong bài của tôi, tôi cũng viết là Đặng Thúc Liêng mà không viết là Đặng Thúc Liên.

Tôi hiểu vậy rồi, mà tôi còn nói lại, là vì lẽ khác. Tôi đã nói rõ rằng nếu là chữ thì phải viết là “Liên” mới đúng, còn viết là “Liêng” thì trật, vì hai chữ phát âm không giống nhau, bởi vậy mới một chữ không g, một chữ có g. Không cần phải nói theo tự vị làm chi, cho ông lấy cớ rằng hồi đó chưa có tự vị, nay tôi chỉ nói gọn rằng : Hễ ai biết phát âm cho đúng, thì trong khi thấy chữ , phải viết quốc ngữ là “Liên” chớ không viết “Liêng” được.

Tôi nói thế mà ông lầm ra nghĩa khác, ông nói rằng tôi “cắt nghĩa chữ “Liêng” là nôm và “Liên” là chữ”, rồi lại đem phân bì với chữ “vương” là vua và “vương vấn”, chữ “quốc” là nước và “chim quốc”, mà nói rằng “nôm chữ lẫn nhau, không sao đâu”, thì cái đó là ông lầm.

Tôi xin cắt nghĩa chỗ đó. Vả, nôm chữ có khi lẫn nhau thiệt, như chữ vương chữ quốc ông nói đó thì vốn là lẫn nhau, vì nó phát âm như nhau : đó là đồng âm mà khác nghĩa. Còn chữ “Liên = “ với chữ “Liêng”, phát âm khác nhau : đó là khác âm và khác nghĩa. Tôi nói đây là về cái vấn đề phát âm, chớ không về cái vấn đề nôm với chữ. Ông chớ nên lầm mà nói ra càng sai như vậy.

Ông nói người Tây viết chữ tên mình hoặc thêm hoặc bớt, cái đó được ; còn ông nói tên chữ Hán như tên Khôi tôi mà cũng có thể thêm bớt, là không được. Tên tôi là , chớ không phải , và như ông biết. Khôi, còn nhiều chữ đồng âm nữa, mà hễ chữ nào thì riêng chữ ấy, chớ có đâu thêm bớt được như ông tưởng lầm. Vả lại, nếu chữ thì phải viết bằng, có lẽ nào bỏ chữ mà thế chữ vào được ? Nếu ông viết như vậy thì người ta phải cho ông là không thuộc mặt chữ. Thiệt tình, nếu ông ít thông chữ nho thì đừng nói bướng mà người ta cười. Hoặc giả ông có ý đem cái tên là “thằng giặc Khôi” mà kiêu ngạo tôi nữa chăng ? Nếu quả vậy, cũng không hại chi !

Đến như ông nói : “Văn tự quốc ngữ, mẹo luật không ai bày ! Hàn lâm viện đâu ?... Bây giờ quý hồ viết cho thông nghĩa...” Tôi xin ông đi, đừng nói ngang vậy không được !

“Văn tự quốc ngữ !” ông nói vậy cũng như nói “nôm na cha bá láp”, ông có ý khinh thị nó đó chi ? Rất không nên đó ông. Ông là một vị thanh niên nước Nam, công phu gầy dựng tiếng mẹ đẻ sau nầy ông cũng có một phần, sao lại buột miệng nói như vậy ? Bởi nó không có mẹo luật nên mình phải làm cho có mẹo luật, không có Hàn lâm viện thì mình phải làm cho có Hàn lâm viện; nếu lấy cớ ấy mà muốn viết thế nào thì viết, rốt lại là hại cho mình lắm đó, ông đừng có dể dưng[2].

Ông nói “Quý hồ viết cho thông nghĩa”, là có ý không cần đúng chữ. Trời ôi ! ông lầm quá. Thế gian có thứ chữ nào viết không đúng chữ mà lại thông nghĩa được ? Cho tôi vô phép nhắc lại cái tên của lệnh nghiêm một lần nữa. Chữ ấy, nếu là tên, thì viết “Liêng” còn bỏ qua được ; chớ nếu gặp chữ hay là [3] mà ông cũng viết là “liêng”, thì theo thức giả và theo tự vị, phải kể là bất thông đó ông.

Tôi lấy thêm một cái thí dụ nữa để ông càng hiểu hơn. Như chữ “chẳng lẽ” nghĩa là “chẳng có lẽ”, mà nếu theo lời ông thì viết ra “chẵn lẻ” cũng được. Nhưng nếu viết theo chữ sau đó thì lại thành ra nghĩa khác, nghĩa nó là đôi và chiếc (pair et impair). Tự người nào phát âm không rành thì viết ra có khác, mà đọc ra không khác; song người phát âm rành thì phải đọc ra khác và hiểu nghĩa cũng khác liền. Vậy mà ông muốn đánh xô bồ làm một, có được đâu[4].

Chẳng những một mình ông, tôi thấy có nhiều người cũng nói như ông vậy. Họ nói : quốc ngữ viết thế nào cũng được, không cần phân biệt t với c, có g với không g. Nói vậy thì sao họ học chữ Pháp họ lại phải viết theo từng nét ? Sao họ không viết là Ving đi mà lại phải viết Vingt ? Sao họ không nói J’alle, tu alles, il alle đi, mà lại phải nói Je vais, tu vas, il va ?

Tôi mong rằng rày về sau đừng có ai nói như ông nữa mà làm cho tôi thương tâm quá ! Vì trong sự nầy tôi thấy ra cái tánh nô lệ của người ta. Các anh bồi, từ phòng khách cho đến phòng ăn, phòng ngủ của ông Tây thì các ảnh giữ quét dọn sạch sẽ luôn ; còn đến chỗ xó của vợ chồng ảnh nằm thì tha hồ là dơ dáy. Song nô lệ cách nầy còn được; chớ nô lệ cách kia thì thôi, hết mong gì nữa !

Với ông Đặng Công Thắng, tôi nói chửng[5] mà thôi. Còn những chữ ông cho là tôi lầm, ông trích ra mà không nói lầm thế nào; và những chỗ tôi viết không lầm mà tại nhà in in sai, thì tôi không biện bạch làm chi. Vì tôi nghĩ rằng nếu tôi có lầm hay là tôi đến dốt đi nữa, thì cũng không đủ cho tôi tự biết lấy, có đâu đợi đến ông Đặng Công Thắng chỉ cho tôi.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Câu này dịch theo một câu chữ nho, nguyên văn là “danh tòng chủ nhân”, xuất ra trong sách nào mà tôi quên đi (nguyên chú của Phan Khôi)
  2. Dể dưng : coi nhẹ, xem thường
  3. Liên hoa : hoa sen ; liên tòa : tòa sen (trỏ nơi thờ Phật)
  4. Xin độc giả chú ý coi chữ “chẳng lẽ” với “chẵn lẻ”, không những khác nhau vì chữ g mà lại vì dấu hỏi dấu ngã nữa (nguyên chú của Phan Khôi)
  5. Chửng : chừng ấy (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)