Van bạn đồng nghiệp Nhành lúa xin đừng nói sai sự thật

Van bạn đồng nghiệp Nhành lúa xin đừng nói sai sự thật  (1937) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 28 (20 Février 1937), trang 1, 6; số 29 (27 Février 1937), trang  1, 6.

"Báo Nhành lúa[1] ra đời để binh vực quyền lợi bình dân nhưng đồng thời cũng để công kích Phan Khôi nữa”. Mới rồi có người nói với tôi như thế. Nói như thế mà có lẽ đúng. Bởi vì ngay từ số 1, báo ấy đã có bài thóa mạ tôi rồi. Nếu chẳng là việc dự định từ đầu thì đâu có làm được sốt dẻo dường ấy?

Tôi rất vui lòng tiếp thọ những lời người ta công kích tôi bất kỳ là ai. Nhưng tôi rất ghét và cũng rất khinh cái thói bịa chuyện ra hay nói sai sự thực đi để công kích một người. Báo Nhành lúa trong số đầu, công kích tôi mà tôi chẳng hề đáp lại, xin nói ngay là vì tôi đã khinh những lời của báo ấy.

Cái bài khống cáo tôi trong số 1 báo Nhành lúa, đại để dẫn những lời tôi đã viết mà dẫn một cách trái với lương tâm: hoặc sửa nguyên văn của tôi, hoặc trích lấy một câu trong một đoạn, hoặc cố ý hiểu nghĩa nầy ra nghĩa khác, làm như thế để có đường mà công kích, thì sự công kích thật là vô giá trị. Trừ ra chỉ có điều công kích sự hút thuốc phiện, tôi cho còn là chánh đáng hơn, dù là sự thuộc về đời tư.

Tôi dù có hư hèn thế nào chứ tôi dám tự phụ cả đời tôi nói ra lời nào cũng ngay thật. Cho nên khi tôi thấy một người nói không ngay thật thì tôi phải khinh đứt đi. Những người ấy, tôi cho đừng nói với họ là hơn, vì họ không đáng cho mình nói với.

Về việc riêng của tôi thì tôi nghĩ như vậy. Nhưng đến khi người ta nói sai những sự thực đã xảy ra giữa công chúng và có quan hệ đến công chúng thì tôi cần phải đính chánh lại. Nhân tiện tôi cũng van xin người ta, tức là bạn đồng nghiệp Nhành lúa, rày về sau đừng làm cách ấy nữa.

Về cuộc hội nghị báo giới ở Huế ngày 23-1-37, trong báo Nhành lúa số 4 có nói sai mấy chỗ. Nếu bạn đọc tin những lời của báo ấy là thật, thì tôi sẽ hóa ra một người khiếm nhã, vô lý, bất cận nhân tình mà người ta chưởi mấy cũng đáng. Nhưng, sự thực, tôi đã đến thế đâu!

Trong lời “biên bản”, báo ấy đăng rằng:

“Anh em cử ông Phan Khôi làm chủ tịch... Nhưng ông Phan Khôi cho việc cử chủ tịch không quan hệ cho lắm, ông muốn biết tất cả những người đến dự cuộc hội nghị nầy có giấy má gì chứng nhận mình là người làm báo không đã...”.

Buổi nhóm hôm ấy có 29 người. Trừ các ông ở báo Nhành lúa ra cũng còn được 20 người. Tôi dám chắc 20 người nầy đều làm chứng cho tôi rằng tôi không hề nói như vậy.

Sau khi người ta cử tôi làm chủ tịch, tôi nói:

“Tôi xin để cái vấn đề chủ tịch lại sau, trước hết đồng nhân chúng ta nên giải quyết vấn đề nầy: Thế nào là người làm báo.

Vì, theo tôi nghĩ, hôm nay chúng ta nhóm lại đây, mục đích để bàn những việc binh vực quyền lợi cho một đoàn thể cùng làm một nghề nghiệp với nhau. Chúng ta xưng mình là người làm báo, vậy thì cũng nên chỉ rõ cái định nghĩa của người làm báo là thế nào. Làm như thế, vì e trong đám ngồi đây có người không phải là người làm báo, không đồng quyền lợi với chúng ta mà cũng bàn vào việc của chúng ta thì hỏng mất.

Vậy cứ như ý kiến tôi, người làm báo nên chia mấy hạng: một là những người hoặc làm chủ nhiệm, hoặc làm chủ bút, hoặc làm trợ bút một tờ báo nào ở đây mà ai nấy đều biết và công nhận rồi thì không cần có gì nữa. Hai là những người mới vào giúp việc một tờ báo nào mà anh em chưa biết thì phải có ông chủ nhiệm báo ấy nhận thực cho. Ba là những người ở đây mà làm phóng viên hoặc trợ bút cho một tờ báo ở nơi khác thì cần phải trình ra cái “carte de presse” của mình. Ngoài ra còn có những người trước kia có làm báo mà bây giờ không làm nữa thì có nên kể là người làm báo không, sự ấy tôi xin nhờ đồng nhân giải quyết”.

Sau đó tôi còn nói thêm nữa:

"Mấy lời tôi nói nãy giờ chỉ là đưa ra một cái vấn đề quan trọng để chờ đồng nhân giải quyết, chứ tôi không nhất định phải làm theo ý kiến của tôi. Vả lại, tôi còn bày tỏ thêm điều nầy: Sau khi đã giải quyết thế nào là người làm báo rồi, mở cuộc hội nghị, thì duyệt có những người gọi là người làm báo ấy mới có quyền bàn cãi; còn những người không liệt vào hạng đó sẽ là người dự thính mà thôi...”.

Bạn đọc thử nghĩ: trong một cuộc hội nghị, trước khi bắt tay làm việc, tôi yêu cầu người ta giải quyết một vấn đề như thế, có phải là sự chánh đáng không? Có phải là một việc mà đám hội họp nào cũng cần phải làm trước hết không? Thế mà người ta đã chẳng muốn làm theo tôi thì chớ, khi về nhân viết bài đăng báo, còn cắt cụt những lời của tôi đi để làm tôi ra người bất nhã, thì tôi không hiểu được cái lương tâm của người ta là thế nào!

Theo ý các ông ở báo Nhành lúa thì cuộc hội nghị đầu tiên nầy nên rộng rãi để được nhiều người tham gia vào mà bàn bạc. Nhưng tôi thì không nghĩ như thế. Tôi muốn rặt những người làm báo bàn việc binh vực quyền lợi của nghề làm báo, chứ tôi không cầu các ông làm quan, các ông làm thầu khoán tham gia vào làm gì, vì các ông ấy không cùng làm một nghề với tôi, không cùng một quyền lợi với tôi. Nếu nói nên rộng rãi thì sao chẳng mời hết thảy các ông các bà hàng phố vào cho càng thêm rộng rãi?

Người mình có thói làm việc cẩu thả, vì thế mà thường hỏng việc. Trong khi đề xuất cái vấn đề trên đây, tôi không có ý hà khắc như người ta tưởng, tôi chỉ muốn làm việc cho đâu ra đó mà thôi. Tôi sợ rằng trong đám nếu có một ông làm thầu khoán hay làm quan, ông không thiết gì cái quyền lợi của nghề báo, rồi khi bàn việc, ông đâm ngang vào bằng những câu ương ngạnh thì có phải là thiệt cho mình không? Thật đấy, cái ý “rộng rãi” của các ông chỉ là một thói cẩu thả mà đem ra làm việc gì cũng đều sẽ hỏng. Tôi mong các ông chừa cái thói cẩu thả ấy đi mới mong làm nổi những việc lớn. [HẾT KỲ 1]

Trong tờ biên bản lại nói:

“Ông Nguyễn Xuân Lữ đứng lên đề nghị nên lập một liên đoàn (?) báo giới ở Trung Kỳ. Ông Phan Khôi đứng dậy phản đối, ông cho người mình chưa đủ sức để thảo điều lệ lập một liên đoàn thì khoan nói đến chuyện lập liên đoàn đã...”

Một đoạn đó cũng sai; tôi nói khác kia, không hề nói như vậy.

Trước hết tôi xin đính chánh một điều lầm về sự dùng chữ: hôm đó bàn về sự lập nghiệp đoàn chứ không phải liên đoàn.

Tôi có phản đối sự lập nghiệp đoàn, nhưng những cái lý do tôi dùng mà phản đối là khác kia, chứ tôi không hề nói “người mình chưa đủ sức thảo điều lệ”.

Lý do của tôi: 1/ Nghiệp đoàn là cái lợi khí của phái lao động dùng để đối phó lại nhà tư bản. Chúng ta đương ở dưới một chính phủ theo chế độ tư bản, trong pháp luật hiện hành chưa hề có chữ “nghiệp đoàn”, mà ta nói đến chuyện lập nghiệp đoàn trong một buổi nhóm họp, như thế, tôi sợ là chúng ta hành động ra ngoài pháp luật, nên tôi không tán thành. 2/ Vả lại, nếu lập nghiệp đoàn báo giới thì theo đúng nghĩa nó, có phải là chỉ những người viết báo và làm việc trong nhà báo đoàn kết với nhau mà thôi chăng? Nếu phải vậy thì tôi là chủ báo tôi sẽ không ở trong nghiệp đoàn ấy, nên tôi không dự.

Ngoài hai lý do ấy, tôi có nói thêm rằng muốn lập một nghiệp đoàn, điều cần thứ nhất là phải nghĩ đến sự thảo điều lệ. Trong chúng ta đây có ai đủ sức thảo được điều lệ ấy chăng? Như không có người thảo được thì phải nhờ đến các luật sư mới được.

Mấy lời nói thêm ấy không quan hệ lắm, tôi chỉ có ý nhắc nhủ một sự đáng dự bị cho những người muốn làm việc phải lo mà dự bị.

Theo sau câu hỏi của tôi, ông Nguyễn Xuân Lữ đứng dậy trả lời rằng chính ông đã viết thư gởi vào ông Nguyễn Văn Sâm ở Sài Gòn xin bản điều lệ sẵn của liên đoàn (?) trong ấy.

Sau lời đáp ấy, tôi làm thinh, không nói gì nữa về vấn đề đó. Trong trí tôi nhận thấy ngay sự mập mờ lộn xộn của các ông đương muốn làm việc, tức là các ông trong báo Nhành lúa.

Cái hội của các nhà báo trong Nam chỉ là hội liên hữu (amicale); ta ở đây đã toan lập một nghiệp đoàn (syndicat) cho báo giới thì gởi xin điều lệ của hội ấy làm gì? Có lẽ ông chủ nhiệm Nhành lúa tưởng rằng bản điều lệ của Hội Liên hữu báo giới Sài Gòn là được việc cho cái nghiệp đoàn báo giới ở Trung Kỳ mà các ông định lập chăng?

Tờ biên bản lại nói:

“Trả lời cho ông Phan Khôi, ông Nguyễn Xuân Lữ nói rằng: Trong lúc tiếp hai ông hội đồng Tạo, Mai, quan Toàn quyền ngỏ ý sẽ cho phép lao động được lập liên đoàn (?) thì thiết tưởng ngài đối với anh em làng báo không hẹp hòi gì mà không cho. Ông Phan Khôi và vài người nữa một mực nhất định không nên lập".

Thật là nói tầm bậy! Tôi không có khi nào bảo nhất định không nên lập nghiệp đoàn.

Sau khi nghe ông Lữ nói quan Toàn quyền cho lập nghiệp đoàn, tôi nói: Như thế thì được. Nhưng phải đợi đến khi nào có mệnh lệnh đành rành của ngài ban bố ra đã. Vả lại trong lúc đó, cái nghiệp đoàn báo giới sẽ lập ở Trung Kỳ nếu không phải là cái đoàn thể riêng của những người làm báo đối với các chủ báo binh vực quyền lợi cho mình, nghĩa là chỉ có cái tiếng nghiệp đoàn mà đoàn viên lại gồm cả chủ báo và người làm báo ‒ như cái Syndicat de la Presse của người Pháp ở Sài Gòn ‒ thì bấy giờ tôi sẽ dự vào nghiệp đoàn ấy.

Tôi phản đối là phản đối sự hành động ra ngoài pháp luật, chứ còn hành động theo pháp luật thì bao giờ tôi cũng tán thành. Sao báo Nhành lúa lại đặt điều ra mà nói tôi bảo nhất định không nên lập nghiệp đoàn?

Ngoài sự hành động không theo pháp luật, còn có những ý kiến mập mờ lộn xộn nữa, tôi cũng không có thể dung nạp được. Trong cuộc hội nghị báo giới ở Huế ngày 23-1-37 mà tôi không đồng ý với các ông ở báo Nhành lúa được là chỉ vì có thế.

Ngoài cái biên bản sai lạc ấy, trong số 4 báo Nhành lúa còn có bài của ông Nguyễn Xuân Lữ, đề là “Gỡ mặt nạ những nhà viết báo phản động ở Huế”, khi nói về tôi, cũng sai lạc như thế. Thật tôi không có hơi sức đâu mà cải chánh cho hết được.

Một người hay một tờ báo cũng vậy, nếu có ít nhiều lòng tự ái, tự trọng, thì không khi nào đặt điều hay nói sai sự thực để vu cáo người khác, vẫn biết sự vu cáo nầy có thể thoát ra ngoài pháp luật. Thế mà báo Nhành lúa thì cứ mải miết làm cái điều đáng sỉ nhục ấy, có nhiều người đối với nó đã phải lấy làm lạ vô cùng!

Nầy là lần đầu tôi đối đáp với bạn đồng nghiệp mà cũng có lẽ là lần chót nếu báo Nhành lúa cứ đeo đuổi theo sự gian dối đáng sỉ nhục ấy để công kích tôi.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Nhành lúa – tuần báo, số 1 ra ngày 15.1.1937; bị cấm sau số cuối cùng: số 9 (19.3.1937); chủ nhiệm Nguyễn Xuân Lữ, thư ký tòa soạn Hải Triều; tòa soạn: phố Jules Ferry, Huế.