Về sự công kích dùng chữ nho dạy tiểu học

Về sự công kích dùng chữ nho dạy tiểu học  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6712 (23. 4. 1932)

Cách nay hơn một tháng, ông Lê Trung Nghĩa có diễn thuyết ở khuyến học hội mà nói rằng nên đem chữ nho dạy tiểu học hay ấu học chi đó. Ấy là theo lời các báo đã đăng. Lạ một điều là một bài diễn thuyết nói chuyện hệ trọng như thế mà ở Sài Gòn có bốn năm tờ báo hằng ngày chẳng có tờ nào đăng bài diễn thuyết ấy hết.

Tôi đã không đi nghe mà cũng không thấy được nguyên văn bài diễn thuyết của ông, chỉ thấy trên các báo nói ông Nghĩa diễn thuyết bảo phải đem chữ nho và ngũ kinh tứ thơ mà dạy cho con nít thì tôi nhận là một sự hại cho nên đã viết nhiều bài mà công kích sự ấy. Trong lúc đó, không thấy ông Lê Trung Nghĩa nói chi, cũng không thấy báo nào có bài của ông phản đối lại.

Nhưn sau đó tôi có gặp ông Lê, ông nói rằng hôm ông diễn thuyết, ông không bảo đem chữ Hán mà dạy, ổng chỉ bảo nên dịch những điều hay trong ngũ kinh tứ thơ ra mà dạy đó thôi.

Khi ấy tôi trả lời cho ông, tôi nói rằng nếu như lời ông nói đó thì tôi cũng đồng ý, có việc gì đâu mà phản đối. Tôi phản đối là phản đối sự bắt con nít học chữ nho kia. Lúc ấy coi ý ông Lê lấy làm tiếc rằng vì bài diễn thuyết của mình không đăng báo nên mới có sự công kích ấy; thì tôi cũng tỏ một ý như ông vậy, phải chi tôi biết ý ông Lê chỉ muốn dịch những bài hợp thời trong kinh truyện mà dạy như ông nói đó thì tôi đã chẳng công kích rồi.

Thế là hai bên hiểu ý nhau.

Mới đây trên Công luận lại có đăng một bài của ông Nghĩa mà đăng sau khi ông ấy gặp tôi. Bài ấy lời lẽ thế nào, tôi chẳng kể làm chi; chỉ xin kể cái thơ của ông viết cho tôi mới rồi, sau khi có bài trong báo Công luận đó, cho liệt vị độc giả biết.

Thơ của ông Lê Trung Nghĩa gởi cho tôi như vầy:

« Saigon, le 22 Avril 1932

Cùng Phan tiên sanh nhã giám

Tôi rất lấy làm phiền mà thấy Công luận báo đăng bài của tôi trả lời cho tiên sanh. Bài ấy tôi viết ra bữa 19 Mars, trao cho bộ biên tập Công luận bữa 20 Mars. Tôi đi Trà Vinh đến 2 Avril về Sài Gòn, tôi lại Công luận xin rút bài ấy về, vì tôi nghĩ không nên đăng làm chi. Một vị trong bộ biên tập trả lời rằng bài ấy lộn đâu đó tìm chưa thấy. Tôi liền nói vậy cứ tìm cho được rồi trả cho tôi hoặc xé bỏ chớ đừng có đăng ra.

Bữa 19 Avril tôi gặp tiên sanh ở báo quán P.N.T.V., tiên sanh và tôi có nói chuyện với nhau về việc ấy rồi, tôi giải sự hoài nghi của tiên sanh, tiên sanh rõ ý tôi.

Không dè sáng hôm 21 Avril bộ biên tập C.L. lại đem bài ấy in ở trương 6. Không nói ra, tiên sanh cũng đoán được sự buồn của tôi sau khi đọc bài ấy trên tờ C.L.

Vậy tôi có mấy lời nầy xin tiên sanh hiểu ý của tôi, chẳng bao giờ có cái cử chỉ hèn hạ như vậy, nghĩa là gặp mặt nhau nói chuyện phải quấy rồi, còn đăng bài nhắc chuyện cũ nữa.

Kính chúc tiên sanh bình an.

Nay kính

Lê Trung Nghĩa[1]

Ruelle Rousseau 109 Saigon

Tái bút: Tiên sanh trọn quyền dùng cái thơ nầy để đăng báo ».

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Lê Trung Nghĩa (1905-1948), nhà báo ở Nam Kỳ.