Về lối thơ mới sau bài Tình già
Vừa mở ra đã có người lo cột lại!
Mấy lâu nay, tôi gặp ông thanh niên nào, nói chuyện vừa bén nhau một lúc rồi tôi cũng phải than thở với ông ấy rằng cái thanh niên (la jeunesse) của xứ ta nó phi thường (anormal) quá, thanh niên là danh, chớ thực thì là già! Đừng kể người cổ hủ như các ông Nguyễn Khắc Hiếu làm chi; tới cái người từ nhỏ chịu giáo dục mới trọn vẹn mà cựa cái gì ra cũng nhắm trước nhắm sau, lo bảo thủ, sợ có hại cho tiền đồ nước nhà về mặt này không thì về mặt khác. Tôi chán quá, nhiều lúc tôi không buồn nói chuyện với họ nữa.
Chẳng phải là họ tỉnh thức bằng lý trí, gặp việc gì cũng biết dùng lý trí xem xét suy nghĩ mà họ lo làm vậy đâu. Phải họ lo cách ấy thì tôi đã cầu lấy. Cái này, coi kỹ ra thì chỉ bởi họ nặng tình với cái cũ quá đó thôi. Còn không nữa thì là họ bắt chước: nghe người ta nói bảo tồn thì họ cũng nói bảo tồn; vả lại, trong nước ta ngày nay, người nào ra mặt bảo tồn thì được xã hội tôn kính, cho là nhà đạo đức và ái quốc, nên họ cũng sa vào trong cái bẫy hư danh ấy mà không biết lui ra.
Tuổi tôi nhiều hơn tuổi họ, nhưng tôi không hề chịu làm như họ. Tôi làm theo cái điều mà lý trí của tôi cho là phải, hay là nói lương tâm tôi cũng được. Cái việc không đáng bảo tồn mà bảo tôi hô lên rằng nên bảo tồn, rồi cho tôi cái huy hiệu "đại ái quốc" hay là "lão thành đạo đức" thì tôi, nói thật, lạy nó cả nón, chứ không dám nhận đâu.
Bởi vậy, hiện nay đối với những người nào đã được xã hội tặng cho những cái huy hiệu ấy thì tôi phải lấy làm ngờ lắm, tôi không tin. Vì tôi nghĩ, ở nước mình giờ này thì nên làm thế nào kia, chớ khư khư bảo tồn như những người ấy đâu phải là ái quốc?
Tôi vừa tiếp được Đông tây số 147, ra ngày 17 Février thấy bài Đôi lời về lối thơ mới của người ký tên Thượng Minh, mà cầm lòng không đậu, phát ra mấy lời trên đó; có trong bụng làm sao thì ra làm vậy, tôi chẳng dè dặt làm chi.
Việc Thượng Minh bàn đây không phải là một vấn đề lớn trong xã hội; nhưng xem đó thì cũng thấy được cái tính bảo thủ đáng ghét của bà con trẻ ta vậy.
Lại rốt bài, Thượng Minh cũng nói không phải phản đối Phan Khôi, có điều bàn thêm cho rộng; dầu có nói vậy đi nữa là tôi cũng thấy mà tức mình.
Thấy người ta nói trái mình mà tức mình, điều đó, tôi thề rằng tôi chẳng bao giờ có. Tôi chỉ tức mình vì cái lẽ: tôi vừa mới mở ra thì Thượng Minh đã lo xắn tay mà cột lại!
Một việc cải cách rất nhỏ, cải cách về lối làm thơ, mà người ta còn lôi kéo nhùng nhằng như vậy, huống chi là việc cải cách về tư tưởng, về chế độ gia đình xã hội, ông Nguyễn Khắc Hiếu ông cho rằng "cái nạn Phan Khôi" cũng phải.
Thượng Minh, – tôi không biết kêu là ông, là bà hay là cô – Thượng Minh này, tôi xin nói cho mà nghe. Lối thơ mới ấy, một là Thượng Minh phản đối, một là Thượng Minh tán thành và cổ động cho nó, chỉ có hai lẽ ấy mà thôi; chứ còn làm như Thượng Minh là không có nghĩa.
Làng thơ bên Pháp lâu nay có nảy ra một lối thơ mới kêu là "Thi tự do" (vers libre). Nó đã không niêm, không luật, không hạn chữ, cũng không có vần nữa. Bên Tàu chừng hơn 10 năm nay cũng có lối thơ mới ấy rất thịnh hành.
Lối thi tự do của họ đó, tôi phản đối. Bỏ luật, bỏ niêm, không bắt hạn chữ thì tôi chịu; nhưng bỏ vần đi thì tôi không chịu. Tôi nói: Thơ khác với văn là chỉ nhờ có vần.
Làm như họ thì chỉ là một bài văn xuôi (prose) rồi đem viết riêng ra mỗi câu một hàng chớ không phải là thơ (vers). Theo cái nguyên tắc ấy tôi mới thành lập lối thơ mới của tôi, tức như bài Tình già. Bài này, không niêm, không luật, không hạn chữ, nhưng mà phải có vần, ấy là tôi làm nó ra theo như cái nguyên tắc tôi đã lập.
Thượng Minh đồng ý với tôi chỗ đó, nhưng khác với tôi là va muốn có hạn chữ, sáu chữ vào một câu. Lấy lý do gì? Thượng Minh nói dễ bật cười lắm, nói rằng: "Duy đã ép câu nọ phải có vần với câu kia, thì cũng lại cần có quy tắc nhất định… Nếu vần mà ở cuối câu cả… thì nhất định bài đó phải ép mỗi câu có bao nhiêu chữ; chứ phóng quá ra để cho mỗi câu cứ muốn bao nhiêu chữ cũng được thì rồi nó có khác văn xuôi là mấy?..."
Thượng Minh nói vậy cũng như bắt người ta trả nợ mà không đưa văn tự ra! Nói nghe hay! Ép có vận mà không ép có quy tắc nhất định, lại chẳng được hay sao? Lấy cớ gì mà nói được rằng "đã ép câu nọ có vần với câu kia thì cũng lại cần có quy tắc nhất định"? Ba chữ "cũng lại cần" là nghĩa gì? Thượng Minh cần mà Phan Khôi đây không cần, lại chẳng được sao? Làm sao hễ bài thơ đã bỏ vần vào cuối câu thì nhất định bài đó phải ép mỗi câu là bao nhiêu chữ? Toàn là cái sự không có lý (vô lý chi sự), Thượng Minh nói, tôi nghe chẳng lọt tai.
Thượng Minh sửa bài thơ Tình già của tôi thành ra mỗi câu 6 chữ, như vậy thì sao lại kêu là "thơ mới" được.
Như, của Thượng Minh sửa lại đó thì nó là thể "lục ngôn cổ phong", đó Thượng Minh!
Tôi xin các ông đi, đừng có làm như Thượng Minh nữa. Lối thơ mới ấy của tôi, có đứng được thì để, không đứng được thì bỏ đi, chớ đừng có điều đình, tôi đã "bất điều đình" mà!
Sau bài Tình già, tôi xin trình thêm bài này nữa:
ĐIẾU CÔ THANH VÂN
Đáng đánh cái thầy điều dưỡng ở Cai Lậy,
Lừa cô Thanh Vân sa vào bẫy!
Cô thảm, cô sầu,
Cô theo kiếp Lục châu,
Cô gieo mình xuống lầu.
Thế là cô tự tử,
Cô không kịp đọc "Số mùa xuân" của Phụ nữ!
Bài này có trọn tính chất quảng cáo, không có gì là hay; nhưng tôi lục trình ra đây cho biết cái lối thơ mới ấy đặt thế nào cũng được, không phải một thế như bài Tình già mà thôi.
PHAN KHÔI