Về các cuộc biểu tình ở Nam kỳ vừa rồi

Về các cuộc biểu tình ở Nam kỳ vừa rồi  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập các số 6181, 6182, 6183, 6184, từ 26.6.1930 đến 30.6.1930

Trung lập ra chiều 23 đề ngày 24 Juin, Bổn báo Tổng lý có lời ngỏ cùng ông Nguyễn Phan Long, chủ nhiệm Đuốc nhà Nam, về sự lập những cái luận điểm (points de discussion) cho cuộc bút chiến của hai bên. Song Đuốc nhà Nam ra trưa ngày 24, nghĩa là sau số có lời ngỏ của Bổn báo Tổng lý, ông Long không có lời nào nói về sự đó hết. Như vậy tỏ ra là ông Long không biết cách làm báo đúng đắn, không kể lời chúng tôi vào đâu, không muốn theo đường bút chiến chánh đáng, tuyệt nhiên chúng tôi không có thể đem lẽ phải mà nói với ông được. Vậy Trung lập bắt đầu từ số nầy công kích một cách chánh thức, không đợi bên địch có nhận những luận điểm ấy hay không. Dầu vậy, chúng tôi cũng cứ giữ mà công kích nội trong vòng những luận điểm của chúng tôi đã lập lên ở hai số trước, thề quyết không hề công kích đến cá nhân nào. Nhưng đến khi nếu bên kia dùng cách tiểu nhân mà công kích cá nhân thì chúng tôi cũng phải bất đắc dĩ mà dùng cách ấy để đối phó lại với họ.

T.L.

I. CÁI THÁI ĐỘ HẪNG HỜ VÀ KIÊU CĂNG CỦA ÔNG NGUYỄN PHAN LONG, CÁC ÔNG HỘI ĐỒNG QUẢN HẠT, ĐẢNG LẬP HIẾN VÀ ĐUỐC NHÀ NAM

Đuốc nhà Nam ra ngày 23-24/6, ông Nguyễn Phan Long cả gan vu cáo cho Trung lập chúng tôi là binh vực đảng cọng sản, phản đối với phần đông quốc dân, mà lý do của ông không sung túc. Trong số Trung lập trước, chúng tôi đã phân cớ sự ấy cùng trên là chánh phủ, dưới là quốc dân rồi. Nếu sau nầy "ra trước mặt pháp luật" mà ông Long không đủ lẽ để binh vực cho lời nói khống tố của ông thì cái tội vu cáo, ông sẽ không chạy đi đâu cho thoát. Bởi vậy, về sự đó, chúng tôi không vội chi nói đến; hôm nay chúng tôi xin nối lời trong Trung lập ngày 21 Juin mà công kích cái thái độ ông Nguyễn Phan Long, của các ông Hội đồng quản hạt, của đảng Lập hiến, của Đuốc nhà Nam đối với các cuộc biểu tình ở Nam kỳ vừa rồi.

Điều thứ nhứt, chúng tôi công kích ông Nguyễn Phan Long, các ông hội đồng quản hạt, đảng Lập hiến không chăm chỉ về việc phận sự mình, ra dáng hẫng hờ, nhút nhát, gặp khi trong xứ có việc rối ren, trên chánh phủ nhọc lòng dưới nhơn dân bị hại mà nỡ ngồi yên, không đứng ra mà can thiệp.

Thật vậy, trong khoảng từ ngày 1er Mai đến ngày 4 Juin, có cả thảy gần đến mươi cuộc biểu tình, chính là lúc chánh phủ cần giữ cuộc trị an, sao không thấy các ổng đến quan Thống đốc mà phân trần lẽ gì, hay là đăng lên báo, lấy danh nghĩa đảng Lập hiến hay là danh nghĩa Hội đồng quản hạt mà chánh thức tuyên bố cho nhân dân về sự lợi hại làm sao? Đợi cho đến ngày 6 Juin, mọi nơi đã yên rồi, quan Thống đốc gõ điện thoại mời ông Long, ông ấy bèn cùng đồng liêu mình lên hầu chuyện quan Thống đốc; sau đó mới chịu đăng báo mà nói nầy nói kia thì đã trễ quá rồi.

Đuốc nhà Nam ngày 23 Juin, ông Long có binh vực cho mình rằng vì các cuộc biểu tình hồi đầu không có ý cọng sản, đến sau thấy có ý cọng sản, nên các ổng mới can thiệp vào, như vậy thì sự can thiệp của các ổng không phải là muộn. Song chúng tôi phải lấy sự thực làm chứng, để tỏ ra rằng lời đó là lời nói quanh.

(Kiểm duyệt bỏ)

Ông lại hỏi chúng tôi làm sao biết ngày 4 Juin thì mọi việc biến động đã yên. – Sao lại không biết? Hễ thấy không có biểu tình ở đâu nữa hết thì biết là yên chớ sao? Mà không yên sao đặng? Có người nào là người liều mạng mãi được sao mà không yên?

Mà đừng nói dài lời làm chi! Cái bổn phận các ông làm Hội đồng quản hạt là phải can thiệp ngay vào việc nầy từ hồi đầu. Cái mục đích can thiệp để làm gì? Là trước cho chánh phủ vững nền trị an, sau cho anh em dân nghèo khỏi bị thiệt mạng.

Đáng lẽ các ông phải can thiệp mà xin chánh phủ đổi cách đối phó rồi, hà tất đợi đến một tháng trời làm chi?

(Kiểm duyệt bỏ)

nếu các ông quả có lòng yêu nước thương dân thì cái lòng ấy há để các ông ngồi yên mà ngó hay sao?

Theo các lẽ trên đó thì trong cuộc biến động mới rồi đây, hết thảy các ông là người có phận sự đều tỏ ra cái thái độ hẫng hờ, thờ ơ, nhút nhát, chẳng được việc gì cho chánh phủ và quốc dân hết.

Chúng tôi nói các ông nhút nhát, là vì thấy cái thái độ hẫng hờ thờ ơ ấy mà biết rằng hồi đầu các ông sợ đủ ba bên bốn bề, sợ chánh phủ, sợ quốc dân, sợ cọng sản, mà không dám can thiệp. Sau có ông De Lachevrotière tố cáo các ông trong báo La Dépêche, các ông mới sởn tóc gáy lên; kế đến quan Thống đốc mời, rồi các ông mới thậm thà thậm thụt mà đến hầu chuyện ngài. Nhút nhát như vậy mà lại còn nói cầu cao nữa. Đuốc nhà Nam nói rằng có quan Thống đốc mời mới đến; nếu không thì các ông có đến làm chi? có can thiệp làm chi?

Bây giờ chúng tôi hỏi thiệt các ông. Các ông có dám nhận rằng nhờ các ông can thiệp từ ngày 6 Juin mà cuộc biến động mới yên không? Nếu các ông không nhận thì sự can thiệp của các ông ra vô ích. Bằng các ông nhận thì, quả thiệt các ông dám xóa bỏ hết những công cán của quan Toàn quyền, quan Thống đốc và của các quan võ, của các tòa cảnh sát, của cả đội pháo binh. Lý sự sờ sờ ra như vậy, chúng tôi đố các ông chạy đường nào cho khỏi mang tiếng hẫng hờ, thờ ơ, nhút nhát?

Lại còn nếu các ông nhận sự yên ổn nầy là nhờ công can thiệp của các ông thì người ta lại có thể chỉ ngay vào mình các ông mà nói rằng chính các ông là cọng sản. Cái chứng cớ rành rành ra đây nầy: Sao chánh phủ dẹp cả tháng không yên mà các ông chỉ ra nói mấy tiếng thì yên liền? Như vậy, duy có chính các ông là cọng sản hiệu lịnh tự các ông cho nên mới buông ra và thâu vào dễ dàng như vậy.

Nhưng cái đó là nói mà nghe, chớ Trung lập có phải tiểu nhân như ai đâu mà hòng vu cáo cho người ta. Tuy vậy, biết đâu được? Nếu chính mình các ông là cọng sản thì ai biết được?

Bài tiếp đây sẽ nói về điều thứ hai.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6181 (26.6.1930)

II. CÁI THÁI ĐỘ HẪNG HỜ VÀ KIÊU CĂNG CỦA ÔNG NGUYỄN PHAN LONG, CÁC ÔNG HỘI ĐỒNG QUẢN HẠT, ĐẢNG LẬP HIẾN VÀ ĐUỐC NHÀ NAM (tiếp theo)

Điều thứ hai. – Theo như điều thứ nhứt đã kể trong số hôm qua thì cái phận sự các ông buộc các ông phải can thiệp vào các cuộc biểu tình ngay từ ban đầu. Đừng nói đến sự nhân dân bị thiệt mạng làm chi, hễ là một bên chánh phủ, một bên dân có sự không hiểu ý nhau mà sanh ra rắc rối là các ông phải đứng làm thông ngôn liền cho hai bên mới được. Cái nầy, ông hội đồng Dược ngày 25 Mai gặp quan Toàn quyền ở miệt dưới mới chịu mở miệng nói mấy lời. À! té ra may có ngài xuống đó gặp ổng ổng mới có được mấy lời ấy, không thì thôi, hội đồng đi đằng hội đồng, dân đi đằng dân, chánh phủ đi đằng chánh phủ! Vậy mà cũng đòi ra gánh lấy phận sự, làm đại biểu cho dân, là đại biểu cái gì?

Tuy vậy mà chúng tôi cũng khá khen cho ông Dược, còn hơn các ông kia là người ở sát một bên quan Toàn quyền quan Thống đốc đây mà vẫn cứ làm lơ. Làm lơ cho đến chừng quan trên gõ điện thoại mời mới chịu tới. Các ông sao mà tình tệ dữ quá vậy?

Chúng tôi vẫn biết trong cuộc biến động lần nầy là có nhiều nỗi khó khăn lắm. Cái phận sự các ông tuy buộc các ông phải can thiệp từ đầu, nhưng trong sự can thiệp đó có dễ chi! Cho nên các ông sợ khó mà làm thinh nằm nhà, đợi cho đến quan trên mời, mới chịu ra, cái đó tuy đáng trách mà cũng còn lượng thứ cho các ông được. Lượng thứ, vì sự can thiệp là khó, đã khó thì còn ai nỡ ép các ông?

Cái chỗ đáng trách các ông hơn nữa là các chỗ kiêu căng của các ông.

Chúng tôi không hiểu vài bài tuyên ngôn của các ông trong Đuốc nhà Nam từ ngày 7 Juin về sau đó mà được có hiệu nghiệm là bao nhiêu? Nếu quả những lời ấy thiệt có đắc lực lắm như thang thuốc hồi dương sanh mạch, bịnh đã tắt hơi rồi, đổ vô liền sống lại, thì sao trước đó một tháng trời mà chủ bịnh chẳng thèm mời thầy, mà thầy cũng chẳng hề mang gói đến? Sau khi người ta đã xài đến những vị thuốc mãnh liệt làm cho con ma đau sợ mà chạy mất rồi, các ông mới đem tới vài liều thuốc bột mà đổ, có ăn thua gì đâu mà các ông muốn bợ lấy cái tiếng hậu dược thành công? Mà vài liều thuốc bột đó các ông có đổ trót cả được đâu, các ông nhớ lại có phải là đổ vô mà bị phun ra hết một mớ hay không? Cái thí dụ nầy chúng tôi muốn nói bóng về sự những truyền đơn khắp nơi rải ra phản đối các ông sau khi can thiệp.

Cái sự người ta phản đối các ông nó hoặc giả có nhiều nguyên nhơn, song một cái nguyên nhơn chắc chắn là trách các ông sao can thiệp vào hơi trễ quá. Bây giờ muốn kiếm cớ gì mà nói lại chẳng được, nhưng chính hồi đó dư luận ở ngoài ai cũng chỉ trích các ông muôn miệng một lời như vậy.

Có điều các ông không nghĩ, chớ trong đám các ông có nhiều người chỉ một mình mà gánh hai cái gánh, ấy là những người đã làm đại biểu cho dân lại còn có chưn trong đảng Lập hiến nữa. Cái trách nhiệm của một người dân biểu thế nào, các ông há còn phải đợi ai cắt nghĩa? Song đến cái trách nhiệm của đảng viên Lập hiến, có lẽ vì đã lâu ngày quá rồi các ông quên.

Mười năm về trước, chính ông Albert Sarraut đã đặt cái tên "Constitutionnaliste" mà dịch ra kêu bằng Lập hiến đó là nghĩa làm sao? Có phải là cho các ông hiệp lại những người đồng chí định lập một cái đảng hành động ở dưới quyền chánh phủ Pháp, nhấc cái trình độ nhân dân cao lên, ngõ hầu một ngày kia lập cho xứ nầy một nền hiến pháp không? Nếu các ông cũng hiểu nghĩa "Lập hiến" như chúng tôi vậy, thì cái trách nhiệm ấy nó nặng là dường nào.

Hồi bình nhựt, đảng các ông làm những việc gì trong mười năm nay, - cái lịch sử nầy cũng vinh quang lắm! - để sau rồi chúng tôi sẽ nhắc lại. Song chỉ nói trong một lúc biến động nầy đây, cái đảng nghĩa của các ông đó, nếu các ông mà nhớ ra, thì nó có thúc giục các ông, bắt phải can thiệp ngay từ đầu không? Trời đất ơi! lấy theo cái thái độ hẫng hờ của các ông mà đoán thì quả thiệt các ông đã trả lời rằng "không"! Nói riết rồi nó cũng ra một thứ tuồng như trên kia: đảng đi đằng đảng, dân đi đằng dân, chánh phủ đi đằng chánh phủ!

Ừ! thầy thuốc đổ thuốc vô mà kẻ bịnh phun ra, lẽ đáng xách gói mà đi cho sớm. Cái nầy lại còn đứng nói giang ca, văn nầy thế nọ, ý muốn tranh công với những thứ mạch dược kia nữa, thì cái kiểu lương y ấy còn ai xài được nữa ư?

Chúng tôi chẳng nói vu cho các ông chút nào hết. Chính trong báo Đuốc nhà Nam đã muốn đổ cái công "xử trí" về các ông, cho đến trong tờ Tribune Indochinoise cũng vậy nữa. Như vậy mà chúng tôi gia cho các ông hai chữ kiêu căng, thiệt là xác đáng, không có oan cho các ông chút nào đâu.

Thiệt tình Trung lập chúng tôi trước kia đối với Đuốc nhà Nam, chẳng có gì ác cảm hết. Nhưng từ khi thấy cái thái độ của tờ báo ấy như vậy, chúng tôi nghĩ mà cười thầm. Chúng tôi tưởng không thể nói ngay làm chi cho mất lòng, thì nói tránh nói ghé, một là cho đỡ sự tức cười, hai là hoặc giả các ông thấy mà tỉnh ngộ chăng. Chẳng dè ông Long lại nhè chỗ đó trách chúng tôi nhiều lời thậm tệ. Thôi để rồi số tới chúng tôi sẽ giải nghĩa chỗ đó.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6182 (27.6.1930)

III. TẠI SAO LUÔN TRONG MẤY SỐ TRUNG LẬP CƯỜI ĐUỐC NHÀ NAM

"Khi đáng cười thì cười, người ta chẳng nhàm sự cười của nó." (Luận ngữ)

Những luận điểm chúng tôi lập ra lần đầu có ba điều của Đuốc nhà Nam trách Trung lập, mà hai điều trên thì chúng tôi cắt nghĩa rồi trong số ra ngày 23 Juin; còn một điều chót, xin giải minh ra hôm nay.

Điều ấy như vầy: Đuốc nhà Nam trách Trung lập sao có xỏ xiên châm chọc mình, và reo cười giễu cợt trong khi nhà nước có việc.

Đó, xin độc giả ghi lấy điều Đuốc nhà Nam trách chúng tôi như vậy đó, rồi xem xuống dưới nầy là những lời tự biện hộ lấy của chúng tôi.

Có thiệt. Sự chúng tôi châm chọc Đuốc nhà Nam thì có thiệt, nhưng nói rằng xỏ xiên thì khí quá. Lại giễu cợt và mỉm cười thì có, chớ có đâu đến nỗi cười reo? Mỉm cười và cười reo, một đàng là do sự nói ra không tiện, một đàng là do sự quá vui, khác nhau xa lắm. Chúng tôi há phải là kẻ mất lương tâm đâu mà lại lấy làm quá vui trong dạo nầy?

Trong Trung lập có mục "Những điều nghe thấy", ấy là chúng tôi đổi đi một chữ của cụ Nguyễn Du để giãi tỏ một vài chỗ "đau đớn lòng" của chúng tôi. Trong mục đó, tác giả thường dùng lối văn giả ngộ, pha trò, để phẩm bình mọi sự chạm đến tai mắt mình, mà ở trong có ngậm một cái ý chua cay tha thiết. Chẳng dám chắc rằng sự phẩm bình trong mục ấy là có ích gì cho xã hội, song dám chắc rằng bất kỳ ai, đã đọc mục ấy, cũng phải chứng nhận cái "cười ra nước mắt" của kẻ thương đời.

Trong Kinh Thi, là sách mà ông cha ta đã đọc mấy mươi đời nay có phần Quốc PhongTiểu Nhã, tại đó luôn luôn có những bài thơ phúng thứ. Phúng thứ nghĩa là chế nhạo châm chọc. Các nhà giải kinh có nói về chỗ đó rằng: Cái lối thơ phúng thứ ấy hay lắm, kẻ nói ra không phải tội, mà kẻ nghe đủ để răn mình. Gặp khi nào hay là việc gì mà không có thể nói thẳng ra được, thì dùng lối văn đó thiệt có phần đắc lực lắm. "Những điều nghe thấy" của tờ báo nầy là tổ thuật cái ý sâu của Phong, Nhã đó.

Trung lập từ ngày 2 Mai trở đi mỗi số đều có bài trong mục ấy luôn luôn. Duy từ hạ tuần tháng Mai bước qua cho đến nửa tháng Juin, thì bữa có bữa không, có khi tiệt hẳn luôn cả tuần lễ chẳng có bài nào hết; cho đến "Ý kiến Trung Lập" cũng vậy. Sự đó chẳng phải chúng tôi dám xao lãng sự điều độ trong nghề nghiệp mình đâu; nhưng cái cớ nó, là tại… độc giả mạnh ai nấy hiểu[1].

Giá mà đừng có chuyện chi hết thì chúng tôi há chẳng muốn ngồi tề tĩnh cho khỏe hay sao, lại cười làm chi cho đau ruột? Song le, cuộc thế cớ trêu, việc người lắm nỗi, bỏ thì thương, vương thì nặng, nặng thì vương.

Bắt đầu từ ngày 16 Juin, Trung lập nơi mục "Những điều nghe thấy" mới lại có bài "Người đàn bà giỏi thiệt"; kế ngày 17 có bài "Mất quyền làm thinh"; ngày 19 có bài "Dân ngu"; cho đến ngày 21 là khi Trung lập đã có sự lôi thôi, nói qua nói lại với Đuốc nhà Nam rồi, chúng tôi tính cười một bữa cho hả hơi, bèn có bài "Kêu hùn lập hội". Bây giờ đây, trước mặt Đuốc nhà Nam và trước mặt độc giả, mà chúng tôi lại đi chối ngược chối xuôi hay sao? Nếu vậy chẳng là chúng tôi hèn lắm đi giờ? Chúng tôi phải rón rén mà khai thiệt ra rằng trong mấy bữa đó chúng tôi cười là là cười Đuốc nhà Nam vậy, Đuốc nhà Nam làm lơ mà đi đi thì thôi, còn Đuốc nhà Nam xây quoái lại[2], hỏi cười ai, thì Trung lập phải thú thiệt với người bạn mới vừa "xẻ chiếu", của mình rằng: Tôi cười anh!

- Làm sao chú lại được cười tôi?

Nếu Đuốc nhà Nam hỏi câu ấy thì Trung lập khỏi phải trả lời, chỉ xin Đuốc nhà Nam giở mấy số Trung lập ngày 21, 26, 27 Juin ra mà coi; và về phần độc giả, chúng tôi cũng chỉ xin như vậy. Ba bài trường thiên trong ba ngày ấy của Trung lập sẽ trả lời thế cho chúng tôi tại làm sao dám cười Đuốc nhà Nam, cười đảng Lập hiến, cười các ông Hội đồng quản hạt, cười ông Nguyễn Phan Long.

Coi cho kỹ ba bài đó thì thấy ra các ông hết thảy đều có cái thái độ hẫng hờ nhút nhát đối với thời cuộc mới rồi. Các ông đợi cho sự biến động đã yên rồi mới đăng đàn diễn thuyết, thì khác nào trong một lớp tuồng kia, hai ông tướng đánh trận nhau đã chán, trên sân khấu vắng tanh, rồi có năm bảy chàng kia đội mão quạ vác cờ ra huội huội! Nếu các ông coi hát gặp lớp tuồng ấy mà nín cười được, thì các ông mới mạnh miệng mà cấm chúng tôi cười cái lớp tuồng của các ông.

Huống chi thứ chất hơi kêu bằng gaz lacrymogène[3] kia mà quả là thứ đáng dùng để thay cho súng, thì làm sao hơn một tháng trời chẳng đem ra mà hiến kế cho quan trên? giá nhà hóa học Nguyễn tiên sanh hiến cái kế ấy ở ngày 1er Mai, thì nhà nước đánh ngay giây thép về Tây mua đem qua, cũng còn kịp dùng trong những cuộc biểu tình tối hậu ở Hóc Môn, Đức Hòa là hai nơi mà tình hình nghiêm trọng hơn hết. Hỡi gaz lacrymogène ơi! nhà ngươi làm hề trước mặt chúng ta, biểu chúng ta sao đặng mà chẳng cười?

Cái cười nầy không phải là cười dại đâu. Cười cho thiên hạ biết cái lòng yêu nước thương dân là vậy đó! Cười cho thiên hạ biết cái phận sự dân biểu và đảng viên Lập hiến là vậy đó! Cái cười dẫu có ngàn vàng chưa dễ mua ấy mà bị trách ư?

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6183 (28.6.1930)

IV. Ý KIẾN TRUNG LẬP VỀ VẤN ĐỀ RUỘNG ĐẤT[4]

Cuộc bút chiến Đuốc nhà NamTrung lập từ hôm phát ra tới nay, lời lẽ của hai bên thế nào, tưởng độc giả đều rõ hết. Bên Đuốc nhà Nam, sau khi đã nhận lỗi, trong số ra ngày 27, chỉ rút lại còn có một cột để nói chuyện với chúng tôi, mà nói một cách lơ lơ lửng lửng, nghe buồn quá. Tuy trong ngày ấy ông Long cũng có viết trong Tribune Indochinoise ra giọng khinh Trung lập nữa, nói rằng từ rày bài bút chiến với Trung lập chỉ đăng vào phụ trương Đuốc nhà Nam nhưng coi bộ ông đuối rồi chừng như không muốn đánh nữa, nếu chẳng thế thì sao câu ấy không viết trong báo quốc ngữ mình mà lại viết trong báo chữ Tây? À! chúng tôi biết tánh và ý ông rồi, cũng bằng lòng để cho ông đứng xây mặt lại mà thở một lát rồi sẽ hay.

Hôm nay chúng tôi xin đáp câu hỏi của Đuốc nhà Nam ép Trung lập trả lời mấy bữa nay.

Trước khi đáp, xin có mấy lời nhắc lại. Số là hôm trước ông Long hỏi chúng tôi hai câu: một là Trung lập có về phe với cọng sản hay không? hai là có tán thành hay không tán thành điều yêu cầu của dân biểu tình xin chánh phủ lấy ruộng đất nhà giàu chia cho nhà nghèo?

Câu hỏi thứ nhứt, chúng tôi đã lấy lời của Đuốc nhà Nam mà chứng minh ra là nó không thành lập được. Vì trong khi báo ấy cáo Trung lập về phe với cọng sản thì cũng cáo luôn Trung lập một tụi với Homberg, thế là nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong, tự mình phản đối lấy mình, còn đem cái câu vô lý ấy mà hỏi ai được? Huống ở trong còn có cái ý xấu dắt người xuống giếng, bị bạn Công luận vạch ra chi hậu, bên kia hình như cũng hối ngộ, nên trong số mới rồi chỉ để còn có một câu sau mà thôi.

Câu hỏi thứ nhì là do câu thứ nhứt mà ra; nay câu thứ nhứt đã đổ đi thì câu thứ nhì còn đứng với ai được? Lẽ thì Bổn báo cũng bỏ luôn đi không đáp, song sẵn dịp [ . . . . . . . . ][5] cũng chẳng mất chi [ . . . . . . . . ][5] là ích lợi nữa, thì đáp [ . . . . . . . . ][5].

Mấy hôm trước chúng tôi thấy ông Long viết trong Đuốc nhà Nam, kể những lịch sử cọng sản bên Nga về chế độ ruộng đất thế nào, thiệt chúng tôi chẳng buồn đọc đến. Vì chúng tôi tuy văn kiến không rộng bằng ông, chớ cũng đọc được những sách nói về cọng sản bên Nga, vừa chữ Tây vừa chữ Tàu, chừng chỗ năm mười bộ. Đọc thét rồi chúng tôi chẳng biết thế nào mà tin cả, đành phải đánh vài ba cái dấu hỏi rồi để đó.

Huống chi cái sự dân biểu tình xin chia ruộng thiệt là một việc chẳng thành ra vấn đề. Phải chi cái việc ấy có ai gợi ra giữa Hội đồng quản hạt thì hoặc giả nó thành vấn đề chăng; chớ cái nầy, thứ họ xin thập ngộ như vậy, có ăn thua vào đâu mà nghiên cứu làm chi cho nhọc trí? Có ai muốn được bụng những tay điền chủ lớn thì họ nghiên cứu lấy, chớ chúng tôi đây chỉ cho là câu chuyện vu vơ, chẳng đáng nói làm chi.

Chúng ta ở dưới cái chế độ tư sản thì cứ nói chuyện tư sản. Chữ "tư sản" đây chúng tôi dùng để chỉ nghĩa là "của riêng". Của riêng tức là ai giỏi làm ra của thì cứ việc giữ làm của mình, muốn mua đất bao nhiêu thì mua; hay là không muốn mua đất mà mua vàng cũng tùy ý. Cái chế độ ấy là cái chế độ hiện thời của ta đây, sao không nói, mà lại đi nói những chuyện đâu đâu?

Thiệt vậy, câu chuyện tư sản đây mà nói còn chưa xong, huống chi là câu chuyện cọng sản! Đất ruộng của dân nghèo đem mồ hôi nước mắt khai khẩn ra mà còn chưa giữ được huống chi là nói đến chuyện lấy đất ruộng nhà giàu mà chia cho nhà nghèo. Thôi, nên dẹp những chuyện vông vông vẩn vẩn không đâu vào đâu ấy lại một bên, mà nói chuyện thiết thiệt giữa xã hội nầy là hơn.

Về miệt đông nam xứ Nam kỳ như mấy hạt Sóc Trăng, Cà Mau, Rạch Giá, thường xảy ra những vụ kiện ruộng đất luôn luôn. Tức như vụ đồng Nọc Nạn mới cách vài ba năm trước đây là một. Vụ nầy lại còn ghê gớm đến nỗi đổ máu nữa, hẳn ai cũng còn nhớ chết hết một người Pháp với năm người An Nam. Có người nói rằng cái túi bạc của chú Bang nọ giao cấu với lòng căm tức của một gia đình ông Hương chủ Luông, rồi đẻ ra thằng con, đặt tên là thằng cọng sản.

Rồi đây chúng tôi có dịp sẽ đem tang chứng ra. Đây chỉ nói sơ vài câu đại khái. Ở những miền nhiều đất hoang ấy, có những kẻ đến đó thí công khai phá trải năm mười năm, lập gia cư ở tại chỗ, hằng năm gieo trồng và thâu huê lợi. Vậy mà thình lình có những tay nhiều tiền lại có thế lực, tự nhiên sai đầy tớ vác cày xuống đất họ mà cày! Hỏi thì té ra mấy ông nầy có làm đơn trưng thuế rồi, ruộng thì là của người kia nai lưng kịch ra khai phá trong bao nhiêu năm song cái quyền sở hữu thì lại khi không mà thuộc về cái anh to tiền lớn thế nọ.

Vậy rồi làm sao? Có làm sao đâu? Cứ hễ có giấy mực ở quan là được ruộng; còn người kia tuy có công lao thiệt, có nhà cửa ở đó thiệt, song le dốt nát không có đơn trưng khẩn, không có lập bô, không có đóng thuế điền thì là thua. Biết vậy rồi thì cái người bị cướp đó ngậm hờn nuốt giận mà chịu phép cả đời làm tá điền; còn ông giàu kia, xưa là kẻ cướp nay là chủ nhà, vênh mặt lên làm ông điền chủ mà càng ngày càng thêm giàu vậy. Trong đám bị cướp đó phần nhiều nín thinh mà chịu; còn những người tức quá không nín được thì âu chi là liều chết theo với cái mồ hôi nước mắt của mình, tức như bà con ông Hương chủ Luông.

Đó là cái vấn đề ruộng đất ở Nam kỳ ngày nay có một chỗ trọng yếu nhứt là chỗ đó. Ai muốn nghiên cứu và giải quyết vấn đề ruộng đất thì nên chăm chỉ vào chỗ nầy. Chớ còn sự lấy ruộng nhà giàu chia cho nhà nghèo, có lẽ là sự người ta nói giỡn, cũng như nói "gỡ cái mặt trăng xuống cho em chơi" là nói láp dáp mà nghe kẻo buồn. "Tán thành hay không tán thành?" - Chúng tôi thấy trong câu hỏi ấy có cái khí vị trẻ con lắm, không chịu được!

Rất đỗi ruộng của nhà nghèo cháy da phỏng trán khai khẩn ra mà nhà giàu đoạt lấy, đòi lại còn không đặng thay; vậy mà biểu lấy ruộng của nhà giàu chia cho nhà nghèo, thiệt là chuyện mèo đẻ ra trứng! "Tán thành hay không tán thành?" – câu ấy mà lại đem hỏi chúng tôi sao? Thiệt chẳng thà chưởi chúng tôi, chúng tôi còn không giận!...

Các ông trong đảng Lập hiến, các ông Hội đồng quản hạt quả có ý làm tiêu cái họa cọng sản thì nên chịu khó điều tra cái vấn đề nói trên đó, xét của người nào thì xin chánh phủ lấy mà trả cho người ấy, đặng cho dân chúng ở yên dưới cái chế độ tư sản mà làm ăn, khỏi bị cướp bóc là hơn, chớ xin đừng hỏi chúng tôi tán thành hay không tán thành cái điều yêu cầu kia làm chi.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6184 (30.6.1930)

   




Chú thích

  1. Có thể tác giả muốn nói đến hoạt động của sở kiểm duyệt
  2. Xây quoái lại (chữ "quoái" viết không đúng) có lẽ như "xoay ngoái lại"
  3. Gaz lacrymogène: hơi cay; khí làm chảy nước mắt
  4. Bản gốc bị rách, đề mục chỉ còn mấy từ "Ý kiến trung (...) ruộng (...)"; người sưu tầm (Lại Nguyên Ân) tạm đoán tên mục như trên
  5. a ă â Các chỗ này báo gốc bị rách, mỗi chỗ mất từ 1 đến 4 từ