Biên dịch:Về Bài giảng trên Núi của Chúa chúng ta

Về Bài giảng trên Núi của Chúa chúng ta
của John Wesley, do Wikisource dịch từ tiếng Anh


Các ngươi tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn. Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn này, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước thiên đàng. Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trỗi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng.
Phúc âm Matthew 5: 17-20


1. Trong số nhiều lời đàm tiếu khác nhau về Chúa Giê-xu là Đấng ”bị loài người khinh dể và chối bỏ”, có một điều không phải là không đúng, ấy là Ngài dạy những điều mới lạ, rao giảng một tôn giáo mới được khẳng định bởi những giáo huấn của Ngài mà người Do Thái xem là mới lạ; hoặc là họ chưa hề biết đến, hoặc có ý nghĩa khác, hoặc quá sâu sắc và mạnh mẽ so với những giáo huấn tôn giáo họ vẫn thường nghe. Hơn nữa, ý niệm về sự thờ phụng Thiên Chúa với “tâm linh và lẽ thật” vẫn còn khá xa lạ với họ là những người cho đến lúc ấy chẳng biết gì khác hơn là những nghi thức tôn giáo, niềm tin đối với họ chẳng có gì khác hơn là “hình thức bên ngoài của lòng tin kính”.

2. Do đó, có một số người mong đợi Chúa Giê-xu hủy bỏ cựu giáo, mang đến cho họ một tôn giáo mới, theo cách nghĩ của họ, sẽ giúp họ vào thiên đàng dễ dàng hơn. Song, Chúa chúng ta bác bỏ ý tưởng này, cùng những hi vọng hão huyền và cả những lời vu khống.

Sau đây, chúng ta sẽ suy ngẫm từng câu trong bài giảng này của Chúa chúng ta:

I. sửa

1. Thứ nhất, “Các ngươi tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.”

Nếu là luật tế lễ hoặc luật nghi thức Moses phổ biến cho dân Israel, chứa đựng tất cả huấn thị và thánh lễ liên quan đến nghi thức híến tế trong đền thờ, thì Chúa chúng ta đến để hủy bỏ chúng. Về vấn đề này chúng ta có thể tìm thấy sự hậu thuẫn trong lời chứng của tất cả sứ đồ chứ không chỉ Barnabas và Phao-lô, hai vị này đã phản ứng mạnh mẽ với những người dạy rằng tín hữu Cơ Đốc cần phải “tuân giữ luật pháp Moses” [1]; cũng không chỉ Sứ đồ Peter là người đã khẳng định rằng tuân giữ luật pháp nghi lễ là “thử Thiên Chúa” và là “gán cho môn đồ một cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng chưa từng mang nổi.” Như thế, tất cả sứ đồ, trưởng lão, cùng hội thánh đã đồng lòng tuyên cáo rằng buộc phải tuân giữ luật nghi lễ là “khuấy rối và làm biến loạn lòng anh em”, cũng như xác quyết rằng “Chúa Thánh Linh và chúng tôi lấy làm tốt mà chẳng gán gánh nặng gì hơn trên anh em.” Về điều này, Chúa Giê-xu đã “xóa tờ khế chép trong các giới mạng, vốn chống và nghịch chúng ta; Ngài cũng triệt nó đi mà đóng đinh trên thập tự giá.”

2. Song, Chúa Giê-xu đến không phải để hủy bỏ luật đạo đức là luật được chép trong Mười Điều răn và đươc củng cố bởi các tiên tri. Luật đạo đức không bao giờ bị hủy bỏ. Trong khi luật nghi lễ được ban hành nhằm mục tiêu kiềm chế một dân tộc bất tuân và cứng cổ thì luật đạo đức, ngay từ buổi sáng thế, được chép không phải trên bảng đá, nhưng trong lòng người khi họ được tạo dựng bởi bàn tay của Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, những dòng chữ đã một lần được khắc ghi bởi ngón tay của Thiên Chúa dù dần dà trở nên nhạt nhòa do tội lỗi của con người, vẫn không bị xóa sạch hoàn toàn một khi chúng ta vẫn còn chút ý thức về thiện và ác. Toàn thể nhân loại trong mọi thời đại phải tuân giữ luật đạo đức, không phụ thuộc vào thời gian, nơi chốn, cũng không phụ thuộc vào hoàn cảnh luôn thay đổi; nhưng phụ thuộc vào bản chất của Thiên Chúa, bản chất của con người, và mối quan hệ bất biến giữa Chúa và người.

3. “Ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.” Ngài đến để thiết lập luật pháp trong sự đầy trọn: Ngài đến để làm sáng tỏ những điều còn ẩn giấu. Ngài đến để công bố ý nghĩa thật và trọn vẹn của các điều răn. Ngài đến để soi tỏ sự sâu nhiệm, sự toàn diện của từng điều răn, sự tinh tuyền và ý nghĩa thuộc linh của luật đạo đức là điều vượt quá sự hiểu biết của con người.

4. Đó là điều mà Chúa chúng ta đã diễn giải cách tuyệt vời trong Bài giảng trên núi. Không phải Ngài giới thiệu một tôn giáo mới, nhưng là tôn giáo đã có từ ban đầu – xét về bản chất, đã hiện diện từ buổi sáng thế. Tôn giáo ấy, đến từ Thiên Chúa kể từ lúc con người được hà hơi để trở nên một linh hồn sống, được làm chứng bởi luật pháp và các tiên tri trong các thời đại kế tiếp, nhưng chưa bao giờ được giải nghĩa đầy đủ, cũng chưa bao giờ được thấu hiểu cho đến khi chính Tác giả của nó hạ cố đến và giảng giải cho nhân loại về ý nghĩa thật của nó, cùng lúc xác nhận rằng luật pháp không hề thay đổi, nhưng tiếp tục có hiệu lực cho đến ngày tận thế.

II. sửa

1. “Ta nói thật cùng các ngươi (lời dẫn uy nghiêm biểu thị tầm quan trọng và sự chắc chắn của điều sắp được nói đến), đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.”

Một chấm một nét là một cách nói ngụ ý không một điều răn nào hoặc một phần nào trong luật đạo đức, dù nhỏ nhất, có thể coi là không quan trọng và bị hủy bỏ.

“Sẽ không qua đi.” ou mh parelqh apo tou nomou. Hai lần phủ định được sử dụng nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của thông điệp, và từ parelqh ở đây không chỉ đơn giản là chỉ về tương lai, nói về một điều sắp xảy ra, nhưng là một mệnh lệnh, ấn định một điều phải xảy ra. Đây là từ biểu thị thẩm quyền, thể hiện ý chí và quyền năng của Đấng mà lời phán của Ngài là luật lệ của trời và đất, và lời ấy là vĩnh tồn.

2. Từ lời dạy này của Chúa Giê-xu, chúng ta học biết rằng không hề có mâu thuẫn nào giữa luật pháp và phúc âm, và luật pháp cũng không cần phải qua đi để phúc âm được làm trọn. Thật vậy, phúc âm không thay thế luật pháp và ngược lại, nhưng cả hai hòa hợp trọn vẹn với nhau. Vâng, cũng chỉ là một câu chữ nhưng nếu được xem xét trong các khía cạnh khác nhau, thì chúng sẽ là một phần của luật pháp hoặc là một phần của phúc âm. Như thế, giáo huấn “Ngươi hãy hết lòng yêu kính Chúa là Thiên Chúa ngươi,” khi được xem là điều răn thì là một phần của luật pháp, khi được xem là lời hứa thì là một phần của phúc âm - phúc âm tức là những mạng lịnh của luật pháp được trình bày như những lời hứa. Theo đó, sự nghèo khó trong tâm linh, sự thanh khiết của tấm lòng, và bất cứ điều gì khác được ấn định trong luật thánh của Thiên Chúa, chẳng là gì khác hơn là những lời hứa vĩ đại và quý báu, nếu được nhìn trong ánh sáng phúc âm.

3. Do đó, có một sự nối kết chặt chẽ giữa luật pháp và ân điển mà chúng ta có thể nhận biết được. Một mặt, luật pháp tiếp tục dọn đường và chỉ lối cho chúng ta đến với phúc âm; mặt khác, phúc âm dẫn chúng ta đến sự đầy trọn chân xác của luật pháp. Lấy thí dụ, luật pháp đòi hỏi chúng ta phải yêu Thiên Chúa, yêu người lân cận, khiêm nhường, nhu mì, và thánh khiết. Chúng ta cảm thấy mình không đủ sức theo đuổi một nếp sống như thế; vâng, đó là điều bất khả đối với con người. Song, nếu chúng ta xem đây là lời hứa của Thiên Chúa ban cho chúng ta tình yêu thương ấy, làm cho chúng ta trở nên khiêm nhường, nhu mì và thánh khiết: Chúng ta cầm giữ phúc âm, nắm chặt tin mừng; chúng ta sẽ tiếp nhận những điều ấy qua đức tin; “sự công chính của luật pháp sẽ đầy trọn trong chúng ta,” qua đức tin vào Chúa Cơ Đốc Giê-xu.

Chúng ta có thể tiến xa hơn để nhận biết rằng mỗi một điều răn trong sách thánh đều là một lời hứa ẩn giấu. Bởi lời tuyên cáo uy nghiêm này, “Nầy là giao ước ta sẽ lập với họ; Sau những ngày đó, Ta sẽ đặt luật pháp ta vào lòng họ, và ghi tạc trong trí họ”[2] mà Thiên Chúa cam kết thực hiện trong chúng ta mọi điều răn của Ngài. Như thế, khi Ngài muốn chúng ta “cầu nguyện không thôi”, “vui mừng mãi mãi”, và “thánh khiết như chính Ngài là thánh” thì Ngài sẽ làm trọn những điều này trong chúng ta theo như lời phán dạy của Ngài...

III. sửa

1. Lời Chúa dạy chúng ta, “Ta phán cùng các ngươi rằng, nếu sự công chính của các ngươi chẳng trỗi hơn sự công chính của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng.”

Thầy thông giáo, như được đề cập trong Tân Ước, là những người kiên trì chống Chúa. Họ là những biện ký, những người chuyên về học thuật, theo như danh xưng dành cho họ. Họ không phải là luật sư theo như cách hiểu của chúng ta ngày nay, mặc dù thuật từ nomikoi cũng được dùng đến trong các bản dịch của chúng ta. Họ là chuyên gia về luật của Chúa, không phải luật của người. Nhiệm vụ chuyên biệt của họ là đọc và diễn giải luật pháp và lời tiên tri, trong các hội đường. Họ là những nhà thuyết giáo của dân Do Thái. Như thế, nếu dựa trên từ nguyên, chúng ta có thể gọi họ là những nhà thần học. Họ xem việc nghiên cứu thần học là nghề nghiệp chuyên môn của mình; họ cũng được xem là những nhà trí thức hàng đầu của dân tộc Do Thái thời ấy.

2. Còn những người Pha-ri-si thuộc về một cộng đồng cổ xưa của người Do Thái; từ nguyên trong tiếng Hebrew nghĩa là biệt lập hoặc tách rời, nhưng không phải là tách khỏi quốc giáo. Họ chỉ tự biệt riêng ra cho nếp sống khắc kỷ, nghiêm nhặt trong từng lời ăn tiếng nói. Họ sốt sắng tuân giữ luật pháp đến từng giáo huấn chi tiết nhất: dâng phần mười bạc hà, hồi hương, và rau cần. Họ làm như vậy để được tôn vinh, nể trọng như là những người thánh thiện nhất.

Nhiều thầy thông giáo thuộc về dòng Pha-ri-si. Phao-lô chẳng hạn, ông thụ giáo một thầy thông giáo, lúc đầu ở Đại học Tarsus, về sau tại Jerusalem, dưới chân Gamaliel (một trong những thầy thông giáo hoặc học giả luật uyên bác nhất thời ấy), một lần trước Tòa Công luận, ông đã nói, “Tôi là người Pha-ri-si, con của một người Pha-ri-si.” (Công vụ 23: 6). Còn trước Vua Agrippa ông nói, “tôi theo phe nghiêm nhặt hơn hết trong đạo chúng tôi mà sống hoàn toàn là người Pha-ri-si.” (Công vụ 26: 5). Thường thì các thầy thông giáo và dòng Pha-ri-si đồng thuận và phối hợp tốt với nhau, do đó Chúa chúng ta thường đánh đồng họ với nhau như chúng ta sẽ thấy trong trường hợp sau đây. Ở đây, họ được nhắc đến như là các giáo sư tôn giáo ngoại hạng; các thầy thông giáo được xem là những người khôn ngoan nhất, còn người Pha-ri-si là những người thánh thiện nhất.

3. Trước tiên, không dễ dàng để xác định thế nào là “sự công chính của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si”. Chúa chúng ta đã đưa ra một bảng liệt kê chính xác những đức hạnh mà một người trong số họ đã tự nhận. Người ấy đã trình bày cách mạch lạc và chi tiết về sự công chính của mình, có lẽ khó mà tin rằng người ấy đã bỏ sót điều gì. Thật vậy, người ấy đi đến đền thờ để cầu nguyện, chỉ để phô trương những đức hạnh của mình mà quên đi mục đích của sự cầu nguyện. Thật ra người ấy chẳng cầu nguyện gì cả mà chỉ cố bảo cho Chúa biết mình khôn ngoan và tốt lành biết bao, “Lạy Chúa, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế này. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và dâng một phần mười về mọi món lợi của tôi.”[3] Như thế, sự công chính của người ấy có ba phần: Thứ nhất, “tôi không giống những người khác,” tôi không phải là kẻ bóc lột, gian trá, bất công, cũng không phạm tội ngoại tình; tôi cũng “không giống người thâu thuế này.” Thứ hai, “Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần.” Và sau cùng, “Tôi dâng một phần mười về mọi món lợi của tôi.”

4. “Tôi không phải như người khác.” Đây không phải là điều tầm thường. Không phải ai cũng có thể phát biểu như vậy. Có thể hiểu người ấy muốn nói như thế này, “Tôi không để mình bị cuốn theo lối sống của mọi người. Tôi không sống theo nếp cũ, nhưng sống bằng lý trí; không bắt chước người ta, nhưng tuân giữ lời Chúa. Tôi không phải là kẻ bóc lột, gian trá, bất công, cũng không ngoại tình, mặc dù những tội lỗi này phổ biến giữa mọi người, ngay cả trong vòng những người được gọi là dân Chúa; (bóc lột ở đây là loại tội lỗi mà luật pháp loài người không thể trừng phạt vì là loại hình lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc sự túng quẫn của người khác mà kiếm lợi, điều này xảy ra khắp mọi nơi), người ấy cũng không giống người thâu thuế, người ấy không hề phạm tội lỗi nào công khai hoặc kín giấu; nhưng là một người trong sáng, chân thật, sống cuộc đời không chỗ trách được.

5. “Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần.” Có nhiều điều đáng quan tâm trong câu nói này. Tất cả người Pha-ri-si nghiêm túc đều kiêng ăn hai lần trong tuần: vào mỗi thứ Hai và thứ Năm. Thứ Hai họ kiêng ăn để kỷ niệm sự kiện Moses nhận hai bảng đá được ghi chép bởi ngón tay của Thiên Chúa; thứ Năm họ kiêng ăn để tưởng nhớ việc Moses ném hai bảng đá ấy, khi mắt ông chứng kiến cảnh dân chúng nhảy múa chung quanh con bò vàng. Trong những ngày này, họ không ăn gì cả cho đến ba giờ chiều; thời điểm họ bắt đầu dâng tế lễ buổi chiều trong đền thờ. Cho đến thời điểm ấy, họ thường ở trong đền thờ để sẵn sàng mà phụ giúp trong lễ hiến tế, và tham dự lễ cầu nguyện chung. Giữa hai thời điểm này, họ cầu nguyện riêng với Chúa, tra cứu Kinh Thánh, đọc luật pháp và các sách tiên tri, rồi dành thì giờ để suy ngẫm những điều đã đọc. Như thế, “kiêng ăn một tuần lễ hai lần” có thể xem là vế thứ hai trong sự công chính của người dòng Pha-ri-si.

6. “Tôi dâng một phần mười về mọi món lợi của tôi.” Người Pha-ri-si tuân giữ điều này ở mức độ nghiêm nhặt nhất. Không có ngoại lệ nào, dù là đối với những chi tiết nhỏ nhặt nhất, ngay cả những món như bạc hà, hồi hương và rau cần. Họ không hề giữ lại gì trong điều mà họ xem là thuộc về Thiên Chúa; nhưng hằng năm dâng đủ một phần mười mọi món lợi của họ, bất kể chúng là gì.

Vâng, đối với một số người Pha-ri-si là những người tuân giữ luật pháp nghiêm nhặt hơn (như được tìm thấy trong những văn bản cổ của người Do Thái), họ không chỉ dâng phần mười cho Chúa, thầy tế lễ và người Lê-vi, họ còn dành thêm một phần mười nữa để dâng cho Chúa bằng cách giúp đỡ người nghèo và làm các việc lành. Họ dâng cho Chúa tất cả những gì họ tin là thuộc về Ngài. Như thế, từ năm này sang năm khác, tổng cộng họ dâng đến một phần năm lợi tức của họ.

7. Đó là sự “công chính của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si;” sự công chính, xét theo nhiều khía cạnh, vượt quá sự suy nghĩ của nhiều người vốn đã quen với cách dâng tiền thông thường. Có lẽ anh em sẽ nói, “Ồ, đây chỉ là sự dối trá và giả hình, ai cũng biết họ là bè lũ đạo đức giả.” Rõ ràng nhận xét này đúng với một số người trong bọn họ, những người chẳng hề quan tâm đến đạo giáo, không kính sợ Chúa, cũng không hề muốn làm đẹp lòng Ngài. Họ chẳng hề quan tâm đến sự vinh hiển danh Chúa, nhưng chỉ tìm kiếm sự tôn vinh từ con người. Đây chính là những người mà Chúa chúng ta đã nhiều lần lên án và quở trách nặng nề.[4] Nhưng không phải bởi vì có nhiều người Pha-ri-si là kẻ đạo đức giả nghĩa là tất cả người Pha-ri-si đều giống như thế. Càng cần phải biết rằng đạo đức giả không phải là đặc điểm căn cốt của người Pha-ri-si. Đạo đức giả không phải là điểm đặc thù của dòng Pha-ri-si như nhiều người vẫn nghĩ. Đúng hơn, như nhận xét của Chúa chúng ta, họ là “những kẻ cậy mình là người công bình mà khinh dể kẻ khác.” Đây mới đúng là tính cách đặc thù của họ. Những người Pha-ri-si này không thể là kẻ giả hình, họ thực sự tin rằng mình là người công chính, và vì vậy mà khinh dể kẻ khác. Lúc đang tán dương những đức hạnh của mình trước Thiên Chúa, người Pha-ri-si cầu nguyện trong đền thờ thành thật tin rằng mình là người công chính. Do đó, người ấy không phải là kẻ đạo đức giả; người ấy không thấy mình có điều gì thiếu chân thật. Người ấy thưa với Chúa điều mình nghĩ, đó là mình tốt hơn người khác nhiều lắm.

Sứ đồ Phao-lô là một minh chứng cho điều này. Ông không chỉ nói về nỗ lực của mình sau khi tiếp nhận đức tin Cơ Đốc, “Tôi vẫn gắng sức cho có lương tâm không trách móc trước mặt Thiên Chúa và trước mặt loài người.” (Công vụ: 24: 16) mà còn thuật lại thời kỳ ông còn là một người thuộc dòng Pha-ri-si, “Hỡi anh em, trước mặt Thiên Chúa, tôi đã ăn ở trọn lương tâm tử tế cho đến ngày nay.” (Công vụ 23: 1) Vì vậy, có thể nói Phao-lô là một người Pha-ri-si chân thật cũng như sau này ông là một Cơ Đốc nhân chân thật. Ông không hề giả hình khi bách hại hội thánh cũng như ông không hề đạo đức giả khi rao giảng đức tin mà ông từng bách hại. Như thế, chúng ta có thể bổ sung điều này cho “sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si,” – đó là sự chân thật khi họ tin rằng mình là người công chính, và mọi việc họ làm là để hầu việc Chúa.

IV. sửa

1. Nhưng, lời Chúa phán, “Nếu sự công chính của các ngươi chẳng trỗi hơn sự công chính của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chẳng thấy nước thiên đàng.” Một lời công bố uy nghi và trang trọng, đòi hỏi sự quan tâm nghiêm cẩn và sâu sắc của bất cứ ai được gọi bằng danh của Chúa Cơ Đốc. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu xem như thế nào là sự công chính trỗi hơn sự công chính của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, cần phải biết hiện nay sự công chính của chúng ta có bằng sự công chính của họ chưa.

2. Thứ nhất, người Pha-ri-si là người “không giống những người khác”. Về đạo đức bên ngoài họ tốt đặc biệt. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có dám sống tốt dù phải chịu đơn độc? Hay là chúng ta chỉ muốn trôi theo dòng đời? Đã nhiều lần chúng ta không dám sống theo sự soi dẫn của niềm tin và lý trí chỉ vì chúng ta không muốn bị người khác xem là lập dị? Thường khi đối với chúng ta nỗi sợ bị coi là lỗi thời còn lớn hơn nỗi sợ bị trượt khỏi sự cứu rỗi? Chúng ta có đủ can đảm lội ngược dòng – đối đầu với thế gian – để “vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục người ta”? Nếu không làm được như vậy, người Pha-ri-si đã vượt qua chúng ta ngay trong bước đầu tiên?

Bây giờ chúng ta đi tiếp. Chúng ta có thể cầu ngụyện với Chúa như người Pha-ri-si đã làm, “Tôi không làm hại ai: tôi không cố ý phạm tội. Tôi không chịu làm bất cứ điều gì lương tâm cáo trách.” Anh em có làm được như thế không? Anh em có dám chắc về điều ấy? Anh em không hề làm điều có thể cắn rứt lương tâm? Nếu như anh em không ngoại tình cũng không bất khiết trong lời nói và hành động, anh em đã là công chính? Chuẩn mực cao cả của sự công chính, cũng như lòng thương xót, là “Bất cứ điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ.”[5] Anh em có bước đi theo lề luật ấy? Có bao giờ anh em nhất định không làm điều anh em không muốn người khác làm cho mình? Có phải anh em không hề lợi dụng người khác? Có phải anh em không hề thủ lợi do sự thiếu hiểu biết của người khác, cũng không lợi dụng người khác lúc họ khó khăn? Nếu anh em đang kinh doanh: có bao giờ anh em bán món hàng cao hơn giá trị thật của nó? Có bao giờ anh em lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người khác để thu lợi? Nếu anh em làm vậy mà không thấy áy náy thì anh em là kẻ bóc lột tán tận lương tâm! Có bao giờ anh em vội nâng giá bán khi thấy khách hàng đang cần, cũng không thể tìm đâu ra món hàng ấy? Nếu vậy, sự công chính của anh em không thể nào sánh được với sự công chính của người Pha-ri-si.

3. Thứ hai, người Pha-ri-si chăm chỉ sử dụng các phương tiện ân điển. Mỗi tuần họ kiêng ăn hai lần hoặc hơn, họ tham dự lễ hiến tế. Họ chuyên cần cầu nguyện giữa hội chúng và ở chốn riêng tư, họ cũng siêng năng đọc và nghe giảng Kinh Thánh. Hằng ngày, anh em có nghe, đọc và suy ngẫm Kinh Thánh? Anh em có vui mừng khi nghe người ta bảo, “Chúng ta hãy cùng đến nhà Chúa?” Anh em có sốt sắng, kiên tâm trong thói quen cầu nguyện ở chỗ riêng tư? Anh em không thể chịu đựng nổi nếu một ngày qua đi mà không cầu nguyện? Anh em có dành một giờ mỗi ngày để cầu nguyện với Cha trong nơi kín nhiệm? Hay là một tuần một lần? Một tháng một lần? Ôi, người tín hữu Cơ Đốc đáng thương! Trong ngày đoán xét, người Pha-ri-si sẽ đứng dậy mà lên án anh em. Vì sự công bình của họ vượt quá sự công bình của anh em như các từng trời cao hơn đất vậy!

4. Thứ ba, người Pha-ri-si dâng một phần mười về mọi món lợi của mình. Tấm lòng của họ rộng rãi biết bao! Họ là người làm nhiều việc lành. Chúng ta có được như họ chưa? Có ai trong vòng chúng ta hào phóng như họ trong các việc lành? Có ai trong vòng chúng ta dâng một phần năm tài sản và lợi tức cho Chúa? Giả sử lợi tức của chúng ta là một trăm pound[6] mỗi năm, chúng ta có dâng hai mươi pound cho Chúa để giúp đỡ người nghèo, nếu là năm mươi pound, chúng ta có dâng mười pound; chúng ta sẽ dâng tiền nhiều hơn hoặc ít hơn? Còn trong nỗ lực sử dụng các phương tiện ân điển của Thiên Chúa - tham dự các thánh lễ - hầu giúp chúng ta tránh điều ác mà gắn bó với điều thiện, sự công chính của chúng ta có thể sánh bằng với sự công chính của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si chưa?

5. Dù cho sự công chính của chúng ta có sánh bằng sự công chính của người Pha-ri-si thì chúng ta sẽ được gì? “Ta phán cùng các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trỗi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng.” Song, như thế nào là trỗi hơn sự công chính của người Pha-rí-si? Sự công chính của Cơ Đốc nhân trỗi hơn sự công chính của người Pha-ri-si ở điểm nào? Sự công chính Cơ Đốc trỗi hơn ở chỗ, Thứ nhất, tuân thủ tinh thần của luật pháp. Hầu hết người Pha-ri-si, bất kể họ nghiêm túc cẩn trọng tuân giữ luật pháp đến đâu, thường được khuyến khích, theo truyền thống của các trưởng lão, xem nhẹ một số điều răn có tầm quan trọng không kém. Như thế, họ tuân giữ cực kỳ nghiêm nhặt điều răn thứ tư[7] - đến nỗi trong ngày Sabbath họ không dám bứt bông lúa mì; nhưng lại tỏ ra khinh suất đối với việc tuân giữ điều răn thứ ba[8] - thiếu ngay thẳng trong giao tiếp, ngay cả thề dối. Như thế, sự công chính của họ là thiên lệch; trong khi đó, sự công chính Cơ Đốc là toàn diện. Tín hữu Cơ Đốc không tuân giữ chỉ một điều răn, hoặc một phần luật pháp của Thiên Chúa mà bỏ qua phần còn lại, nhưng tuân giữ tất cả điều răn, yêu quý và trân trọng toàn bộ luật pháp, xem luật pháp của Chúa là quý hơn vàng ròng và châu báu.

Trong thực tế, có những thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si nỗ lực tuân giữ toàn bộ luật pháp, như vậy, họ đã chạm tới sự công chính của luật pháp. Nghĩa là họ không chỗ chê trách trong việc tuân giữ văn tự của luật pháp. Tuy nhiên, sự công chính Cơ Đốc vượt quá sự công chính của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si ở chỗ Cơ Đốc nhân tuân giữ cả văn tự và tinh thần của luật pháp. Một sự tuân phục phát xuất từ đáy lòng và được thể hiện trong lối sống. Như vậy, nếu xét theo tinh thần của luật pháp, sự công chính Cơ Đốc trỗi hơn sự công chính của người Pha-ri-si, và đây là điều Chúa chúng ta đã chứng minh trong toàn thể nội dung của bài giảng trên núi. Sự công chính của họ chỉ là bề ngoài, sự công chính Cơ Đốc từ bên trong. Người Pha-ri-si “rửa bề ngoài chén và mâm,” nhưng người Cơ Đốc thanh tẩy tấm lòng. Người Pha-ri-si khổ nhọc để có thể trình cho Chúa các loại công đức, nhưng tín hữu Cơ Đốc đến với Chúa bằng tấm lòng thánh khiết. Một người cố cắt bỏ lá, trái của tội lỗi; người kia đốn bỏ tận gốc rễ vì không hề thỏa lòng với sự tin kính trong hình thức cho đến khi sự sống, Chúa Thánh Linh, và quyền năng cứu chuộc của Thiên Chúa được cảm nhận tại nơi sâu thẳm nhất của linh hồn.[9]

Như thế, không làm hại người khác, làm điều lành, tham dự các thánh lễ (sự công chính của người Pha-ri-si) tất cả chỉ là hình thức bên ngoài; ngược lại, nhận biết tình trạng nghèo khó trong tâm linh, than khóc, nhu mì, đói khát sự công chính, yêu người lân cận, sự thanh khiết của tấm lòng (sự công chính Cơ Đốc) là từ bên trong.

V. sửa

1. Hỡi anh em là những người mang danh thánh và đáng tôn kính của Chúa chúng ta, trước hết hãy xét xem có phải sự công chính của mình còn thua kém sự công chính của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si. Anh em có dám sống “không giống người khác”, đứng một mình và trở nên hình mẫu tốt lành dù đơn độc. Hay là anh em “hùa theo đám đông” và làm điều ác giống như họ. Chớ sống theo cách “có họ cùng mình” nhưng hãy bước đi theo sự soi dẫn của lý trí và đức tin bởi vì “mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Thiên Chúa.” Chớ đi theo con đường dẫn đến sự chết chỉ vì nó khoảng khoát và có nhiều người đang đi.[10] Có phải con đường anh em đang đi là con đường rộng rãi, đông người, và đang được chuộng? Nó đang dẫn đến sự hư mất. Chớ để mình bị đoán phạt chỉ vì hùa theo đám đông! Hãy giữ mình khỏi tội lỗi như tránh xa loài rắn độc. Ít nhất, cũng đừng hãm hại ai. “Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỷ.”[11] Đừng đứng trong đám đông ấy. Đối với tội lỗi bên ngoài, ân điển của Thiên Chúa đã đủ cho anh em rồi.

2. Thứ hai, liên quan đến các thánh lễ, chớ để sự công chính của anh em thua kém sự công chính của người Pha-ri-si. Chớ bỏ qua cơ hội nào để tuôn đổ linh hồn mình với Thiên Chúa trong sự cầu nguyện, giữa hội thánh hay nơi kín nhiệm. Chăm chỉ mà dự phần vào bánh và nước là sự thông công với thân và huyết của Chúa Cơ Đốc. Hãy sốt sắng tra xem Kinh Thánh, đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày và đêm. Về việc sử dụng các phương tiện của ân điển, anh em hãy thường xuyên và cẩn trọng tham dự mọi thánh lễ, để có thể sánh với (ít nhất là cho đến khi trỗi hơn) “sự công chính của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si.”

3. Thứ ba, hãy lấy hết của cải mình mà làm từ thiện. Ai đói, hãy cho họ ăn. Ai khát, hãy cho họ uống. Ai rách rưới, hãy mặc cho họ. Hãy hết sức mình làm bất cứ điều gì Ngài phán bảo. Anh em có thể làm mọi sự qua Chúa Cơ Đốc là đấng ban sức cho anh em, và hãy biết rằng ngoài Ngài chúng ta chẳng làm được gì cả.

Trên hết mọi sự, hãy để sự công chính của anh em “trỗi hơn sự công chính của các thày thông giáo và người dòng Pha-ri-si.” Tôn giáo của anh em là gì? Có phải là sự công chính bên ngoài hoàn hảo nhất? Hãy đi xa hơn nữa. Tôn giáo của anh em phải là tôn giáo của tấm lòng. Hãy nhận biết mình nghèo khó trong tâm linh, bé nhỏ, thấp hèn, kém cỏi, và bất khiết; hãy hạ mình tận bụi đất trước “tình yêu của Thiên Chúa trong Giê-xu Cơ Đốc Chúa chúng ta.” Hãy cẩn trọng: Anh em như người đang kề cận bờ vực, hoặc sẽ hưởng sự vinh hiển vĩnh cửu, hoặc sẽ rơi vào hồ lửa đời đời. Hãy để linh hồn anh em ngập tràn với sự hòa nhã, dịu dàng, nhẫn nại đối với mọi người; và hướng về Thiên Chúa, Đấng Hằng sống, mà khao khát Ngài, mong ước trở nên giống như Ngài, và vui thỏa trong Ngài. Hãy hết lòng yêu Chúa và yêu thương mọi người. Trong tinh thần ấy, hãy làm việc và học biết nhẫn nại trong mọi sự. Như thế, sự công chính của anh em sẽ “trỗi hơn sự công chính của các thày thông giáo và người dòng Pha-ri-si”, và anh em sẽ được gọi vào vương quốc thiên đàng.

Chú thích sửa

  1. Công vụ các Sứ đồ 15: 5
  2. Hê-bơ-rơ 10: 16
  3. Phúc âm Lu-ca 19: 11, 12
  4. ”Ê-sai đã nói rất đúng về các ngươi là kẻ giả hình, như có chép: Dân này lấy môi miếng tôn kính ta, nhưng lòng họ cách xa ta lắm. Họ tôn thờ ta là luống công, vì dạy giáo lý bằng điều răn của loài người.” – Phúc âm Mác 7: 6-7
  5. Phúc âm Ma-thi-ơ 7: 12
  6. Pound (ký hiệu: £): Bảng Anh, đơn vị tiền tệ chính thức của Anh Quốc, 1 pound bằng 100 xu (pence)
  7. ”Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.” – Xuất Ai Cập ký 20: 8
  8. ”Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi,” – Xuất Ai Cập ký 20: 7
  9. “Vì từ trong lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn.” – Phúc âm Matthew 15: 19
  10. ”Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.” – Phúc âm Matthew 7: 13-14
  11. I Giăng 3: 8, "Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỷ; vì ma quỷ đã phạm tội từ lúc ban đầu."

Xem thêm sửa

   Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:
 

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 
 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


 

Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.