Vấn đề sách ngụy  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông tây, Hà Nội, số 110 (30.9.1931)

Ngày xưa, lúc ta học chữ Hán mà chỉ chuyên tập rèn văn chương khoa cử, không chú trọng về nghĩa lý, thì cốt xem cho được nhiều sách là hơn, biết được nhiều điển cố mà đem dùng ra là hơn, không kể sách nào là chân là giả. Cao hơn một bậc nữa, có người biết là sách giả mà những điển cố trong nó cũng cứ việc dùng; vì thấy lợi cho văn chương thì dùng, chứ có trọng về nghĩa lý đâu mà hòng sợ nó có hại đến nghĩa lý!

Cái học nghĩa lý không cho phép dùng càn như thế. Bởi vậy mới phát sinh ra cái vấn đề sách ngụy.

Sách ngụy là sách người đời sau làm ra mà mạo tên người đời xưa. Trong học giới các nước, sự ngụy mạo này thỉnh thoảng cũng có, mà duy có ở nước Tàu là nhiều. Người Tàu hay làm ngụy như thế, có kẻ cho là bởi một cái tình thế riêng trong học giới họ từ xưa, không đáng thâm trách làm chi; nhưng điều ấy vào đây không thiết lắm, nên lược đi không nói.

Trong sự học nghĩa lý, nhận cho sách ngụy có hại, cái hại ở chỗ này. Ví dụ sách Khổng Tử gia ngữ, trong đó có nhiều lời cho là nói ra tự miệng đức Khổng, nhưng kỳ thiệt không phải đức Khổng đã từng nói như thế, điều ấy đã có chứng cớ hiển nhiên và được nhiều người công nhận rồi. Nay trong khi chúng ta nghiên cứu về cái học của đức Khổng, nếu vô ý mà đem những lời ấy vào, kể là lời của ngài, thì tự nhiên cái kết luận của ta về sau sai lầm, làm đức Khổng ra một người khác, không còn phải là đức Khổng nữa. Như thế là có hại đó.

Vấn đề sách ngụy phát sinh ra trong học giới nước Tầu đã lâu. Non một ngàn năm nay đã có người nghi cho sách Chu Lễ không phải của ông Chu Công làm ra, nghi cho sách Tả truyện không phải văn đời Xuân Thu, cùng là sách khác, hoặc nghi là ngụy cả, hoặc nghi là có một phần ngụy. Nhưng cũng chỉ nghi vậy mà thôi, chứ chưa ai tìm ra được chứng cớ xác tạc để đoán hẳn là ngụy. Mãi đến nho nhà Thanh đây, chừng non ba thế kỷ nay, nhờ có cái học khảo chứng mới biện biệt được những sách nào là sách ngụy và kêu tên nó ra. Thậm chí có sách từ xưa tôn là kinh điển, mà ngày nay rõ ràng là sách ngụy, làm cho nó mất hẳn cả thế lực và địa vị đi. Bởi đó, sự phát kiến (découverte) sách ngụy này, người ta cho như là một trận bão hay một trận động đất trong học giới vậy!

Kinh Thư, một trong sáu kinh, theo lời truyền từ xưa là sách đã trải qua tay đức Khổng san định. Nhưng hiện Kinh Thư ta thấy ngày nay đó có phải chính là Kinh Thư ngài san định không? Sự đó bấy lâu cũng đã thành ra vấn đề và đến nhà Thanh mới giải quyết xong: sách ấy hết một phần là ngụy vậy.

Muốn nói đầu đuôi việc này cho rõ, phải nói nhiều mới được: đây tôi chỉ nói lược theo như lời chua ở trang 22 trong sách Trung quốc lịch sử nghiên cứu pháp của Lương Khải Siêu, vắn tắt mà dễ hiểu hơn:

Theo lời người đời Hán truyền lại, nói Kinh Thư đời xưa có 3210 thiên, đức Khổng dọn còn hơn 100 thiên, đến nhà Tần thì mất đi. Hồi nhà Hán, do Phục Sinh truyền lại 18 thiên, chia làm 33 quyển, kêu bằng Kim văn Thượng thư. Sau đó Khổng An Quốc truyền thêm 16 thiên nữa, kêu bằng Cổ văn Thượng thư. Thứ Cổ văn Thượng thư ấy đã ra rồi lại bị mất đi lần nữa.

Việc này đã thành ra một cái công án lớn hai ngàn năm nay! Nó gồm trong mấy câu hỏi này: Kinh Thư có phải chỉ 100 thiên mà thôi chăng? Đức Khổng san định chỉ có 100 thiên, hay là còn nữa? Cổ văn Thượng thư của Khổng An Quốc đó là thực hay giả? Những vấn đề ấy đều chưa giải quyết được.

Duy có một điều đã được giải quyết, là trong Kinh Thư thông hành ngày nay có một phần bởi người đời Đông Tấn làm giả, chứ không phải nguyên bổn của Khổng An Quốc. Sự đó đã trải qua mấy ông Thanh nho là Diêm Nhược Cừ và Huệ Đống[1] khảo chứng mà thành ra cái án rắc rối.

Nay cử 28 thiên đã được nhận là thực ra đây (vì sợ làm cho câu văn lòng thòng, tôi lược đi, ai muốn biết rõ, tìm sách ông Lương mà đọc). Còn bao nhiêu thiên khác, xin chớ nhận nó là sử liệu mà trưng dẫn tới.

Cứ như lời ông Lương nói đó thì trong Kinh Thư ta học thuở nay chỉ có 28 thiên thực, còn kỳ dư là giả, thế mà lâu nay ta vẫn học!

Ông Diêm Nhược Cừ có làm ra sách Thương thư Cổ văn sớ chứng, chuyên để biện 16 thiên kêu bằng Cổ văn Thượng thư ra hồi đời Đông Tấn là sách ngụy, cho đến sách Thượng thư truyện nói là của Khổng An Quốc mà cũng ra hồi đời Đông Tấn đó, cũng là ngụy nữa. Mà cuốn sách của họ Diêm đó đã được công nhận trong học giới nước Tàu hai trăm năm nay, dầu kẻ muốn phản đối cũng chẳng kiếm ra chứng cớ gì để nạn lại ông.

Sự phát kiến của họ Diêm nghiễm nhiên thành ra một cuộc cách mạng về tư tưởng: ấy lại là sự người ta không ngờ!

Nguyên trong Cổ văn Thượng thư về thiên Thuấn điển, có 16 chữ như vầy: Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy linh duy nhất, doãn chấp khuyết trung. Tống nho nhận 16 chữ ấy là cái tâm pháp của các thánh đời xưa dùng mà truyền đạo thống cho nhau. Cái nền Lý học Tống nho cũng lấy 16 chữ ấy làm đá tảng. Họ Diêm đã nhận ra sách ấy là ngụy, tức nhiên cái tâm pháp cũng mất giá trị và đá tảng cũng lung lay. Nhưng, nào những vậy thôi, họ Diêm còn phăng lần tới mà kiếm được cái gốc 16 chữ ấy là ra từ Đạo kinh nữa. Sự ấy càng chứng tỏ ra cái học của Tống nho chẳng những dính dấp với Thiền tôn mà cũng dính với Lão Tử vậy.

Nay người ta đã biết chắc rồi, như sách Bổn thảo mà nói của Thần Nông, Tố vấn nội kinh của Hoàng Đế, Chu Lễ của Chu Công, Lục thao âm phù của Thái Công, Quản tử của Quản Trọng… đều là ngụy cả. Ông Lương Khải Siêu nói rằng nếu những sách ấy mà cho là thật, thì lịch sử Trung Hoa thành ra một cái quái vật, vì cái thuyết xã hội tiến hóa không còn thích dụng nữa và cái lý pháp nhân quả cũng sẽ bị phá hoại đi vậy.

Trong sách Trung Quốc lịch sử nghiên cứu pháp chỗ nói về ngụy thư, có một đoạn, tôi nêu dẫn vào đây làm kết luận bài nầy. Ông Lương Khải Siêu nói rằng:

Những sách ngụy nào đã trải qua người xưa khảo định chắc chắn rồi, thì chúng ta phải biết hết mới được. Nếu không biết mà đem nó ra dẫn dụng hoặc khảo chứng, luống nhọc công mình mà thôi. Như trong Kinh thư, thiên Dận chinh, có chép việc nhật thực hồi vua Trọng Khang nhà Hạ: gần đây học giới bên Âu châu đem việc ấy nghiên cứu, nhiều người làm sách chuyên luận về việc ấy mà tranh biện với nhau. Họ không biết rằng thiên Dận chinh thuộc về Cổ văn Thượng thư, đã bị cho là sách ngụy rồi, thì việc nhật thực trong đó có phải là sử liệu thật đâu, đem ra nghiên cứu vô ích. Cho nên, sự nhận biết sách nguỵ là một cái thường thức của nhà học giả phải có, chớ có bỏ qua.

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Diêm Nhược Cừ (1637-1740) nhà kinh học thời Thanh; Huệ Đống (1697-1758) học giả thời Thanh.