Vấn đề cải cải  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6218 (9.8.1930) ; số 6220 (12.8.1930) ; số 6221 (13.8.1930) ; số 6223 (18.8.1930)

I. MUỐN DUY TÂN CẢI CÁCH THÌ PHẢI BẮT TỪ HỌC THUẬT TƯ TƯỞNG MÀ DUY TÂN CẢI CÁCH TRƯỚC

Hồi nầy nhằm hồi chánh phủ Đông Pháp đương sửa soạn thi hành mọi sự cải cách cho dân Việt Nam. Đến ngày nay mới nói tới chuyện cải cách, nghe thiệt quá buồn, nhưng mà muộn màng còn hơn không có, dân Việt Nam chúng ta cũng nên mừng.

Cải cách cái gì ? Nói cải cách trơn thì nghe bông lông quá. Vì nghĩ vậy nên chúng tôi chưa vội bàn về vấn đề nầy. Đợi đến khi nào các cuộc hội nghị đề khởi ra những việc gì việc gì đã, bấy giờ chúng tôi sẽ bàn tới, thì mới xác đáng và thiết thiệt hơn.

Nhơn thấy bạn đồng nghiệp Đuốc nhà Nam vì bàn việc cải cách mà nhắc đến ông Nguyễn Trường Tộ làm cho chúng tôi cũng phải vội vã mà nói thêm mấy lời. Chúng tôi nói đây chỉ nói cái nguyên tắc (principe) của sự cải cách thế nào, chớ chưa nói đến cuộc cải cách mà chánh phủ định làm ra ở xứ ta.

Hỏi tại làm sao mà non một thế kỷ nay các nước phương Đông ta có phát sanh ra những cái vấn đề duy tân cải cách kéo thẳng tới bây giờ ? Chẳng có cớ chi khác hơn là tại có cuộc giao thông của Đông và Tây. Phương Đông gặp phương Tây, trăm sự gì cũng thua kém, người phương Đông không cải cách mà theo phương Tây thì chắc không sanh tồn nổi, cho nên phải duy tân cải cách. Ấy là bởi thế mà cũng bởi lý nữa.

Thật như bạn đồng nghiệp Đuốc nhà Nam nói, nước ta đã có người nói chuyện cải cách sớm lắm, giữa trào Tự Đức, ngang với trào Minh Trị bên Nhựt Bổn kia, tức như ông Nguyễn Trường Tộ là một. Mà chẳng những ông Nguyễn Trường Tộ, bấy giờ lại có nhiều ông khác.

Nhiều bức tấu sớ của Nguyễn Trường Tộ nói về chuyện cải cách mà không thi hành được, người cho rằng tại vua Tự Đức không nghe lời, tại các ông đại thần không chịu. Hỏi đến cái sở dĩ tại sao mà vua và đại thần không chịu thì người ta đều biết rằng tại bấy giờ ai nấy còn thủ cựu, không muốn duy tân.

Thủ cựu là thế nào ? Tức là giữ những tư tưởng cũ, những cái tổ truyền (traditions) xưa kìa xưa kỉa mà những cái ấy là thù địch với mọi sự mới, là trở ngại cho con đường cải cách.

Bởi vậy, ở một nước nào mà muốn cải cách thì phải cải cách tận gốc tức là cải cách ngay từ học thuật tư tưởng, để cho tiệt cái mống thủ cựu đi rồi mới làm gì đặng. Nói rõ ra mà nghe trước phải có những học thuật tư tưởng như người Tây rồi sau mới làm được mọi công việc như người Tây.

Các nhà cải cách của nước ta ngày xưa cho đến ngày nay nữa cũng vậy, chỉ lo cải cách cái ngọn mà không biết lo cải cách về học thuật tư tưởng.

Hồi bấy giờ như ông Nguyễn Trường Tộ, hay là ông Phạm Phú Thứ, hay là anh em ông Lê Viện, Bắc kỳ, từ bực đại thần cho đến sĩ phu, từ hạng Tây học cho tới Hán học, cũng chỉ có một cái kiến thức giống nhau. Ông nào cũng chỉ nghĩ rằng mua tàu, mua súng, luyện binh, mọi sự gì đồi tệ chốn triều đình thì sửa sang chỉnh đốn lại, ấy là đủ giữ được nước, đủ làm cho nước được cường thạnh ; còn ngoài ra sự ấy không biết cái gì khác.

Như vậy là nghĩ lầm. Các nước Tây sở dĩ mạnh là có nhờ những lợi khí đó thật, song đó chẳng qua là cái ngọn, mà cái gốc là ở học thuật tư tưởng kia. Ngày nay có nhiều người đọc sử các nước Tây, ai cũng biết lẽ ấy rồi không cần cắt nghĩa làm chi.

Một nước muốn cải cách mà chỉ cải cách cái ngọn, tức là về phương diện vật chất, thì sự cải cách ấy không có hiệu quả gì. Vả lại, nếu còn có những cái tư tưởng cũ nó gàn ma, thì cũng khó mà cải cách dầu là về phương diện vật chất. Theo như lời tục truyền, hồi trào Tự Đức có mấy ông đi sứ Tây về, khoe bên Tây có những đèn điện và nước máy, cả trào bèn lấy lẽ “hỏa viêm thượng thủy nhuận hạ” ra mà bẽ bác, cho là nói láo, “khi quân”, thế đủ biết rằng nếu chẳng đổi những tư tưởng cũ đi thì trong óc chẳng khi nào dung được sự cải cách duy tân vậy.

Bấy giờ tuy không làm theo hết mọi sự cải cách của ông Nguyễn Trường Tộ hoặc của ông khác chớ cũng có thi hành một ít. Tàu và súng thì không mua được chớ cũng có của nước Pháp tặng cho, vậy mà có dùng làm gì được đâu, rốt cuộc phải đem mấy chiếc tàu qua Hương Cảng mà bán cho Ăng Lê. Còn cũng có phái học sanh đi du học ngoại quốc, song le chẳng có hiệu quả gì hết, vì ai nấy còn giữ những tư tưởng cũ, là cái không thể dung được với khoa học, với mọi công việc của người văn minh như người Pháp.

Bây giờ mình nghĩ lại rồi tiếc, chớ nghĩ cho chín, giá hồi bấy giờ có nghe lời các nhà cải cách đó mà chỉ cải cách những cái ngọn thì rồi trăm việc cũng thành ra cẩu thả, chẳng ăn thua gì. Đừng nói mấy ông kia, ông Nguyễn Trường Tộ là nhà Tây học, sở trường khoa kiến trúc, một tay đã dựng nên mấy cái nhà thờ lớn bên nầy và bên Hương Cảng, vậy mà đến tư tưởng thì cũng còn giữ cũ, coi mấy bài sớ của ông thì biết. Đại khái ông chủ trương rằng học thuật thì vẫn y theo Khổng Mạnh, còn cái thuật phú cường thì làm theo Thái Tây. Hồi đó cho như vậy là đắc sách lắm, song bây giờ người ta biết rõ rồi, làm như vậy có được đâu ?

Bây giờ người ta biết rõ ra trong một xã hội, hễ học thuật tư tưởng hướng về mặt nào thì sự sanh hoạt cũng nghiêng chiều về mặt nấy. Phải có học thuật tư tưởng như người Tây rồi mới có sự sanh hoạt như người Tây. Còn theo học thuật tư tưởng của Khổng Mạnh, thì không đời nào phát sanh ra khoa học mà mong có những đèn điện nước máy cùng những chế độ tòa án, chế độ nghị viện được.

Jésus-Christ nói phải lắm, ngài dạy rằng : “Không ai xé một miếng áo mới mà vá áo cũ. Nếu vậy, áo mới phải rách và cũng không xứng với áo cũ. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ. Nếu vậy, rượu mới làm nứt bầu ra ; rượu chảy mất và bầu cũng phải hư đi”. Cái lẽ sờ sờ ra như vậy, sao người ta không chịu hiểu cho không biết !

Đây chúng tôi không nói đến sự cải cách của chánh phủ hiện thời. Nói riêng về sự cải cách của người An Nam ta từ trước đến giờ, trải bao phen có những phong trào nầy phong trào khác song chưa có lần nào đả động đến học thuật tư tưởng hết. Bởi chúng tôi thấy mà ai nấy cũng thấy, những phong trào ấy phồng lên rồi xẹp xuống, chẳng cầm được vững, chẳng đỗ được bền, ấy là vì không có học thuật tư tưởng mới để làm cốt yếu như muối mặn để nêm canh.

Do lẽ ấy, bây giờ muốn cải cách gì đó thì cải, song theo ý chúng tôi nhận cho sự cải cách về học thuật tư tưởng là cốt yếu hơn.

Có người phân bì với nước Nhựt Bổn. Ừ được, để số tới sẽ nói chuyện cải cách ở Nhựt Bổn.

II. CUỘC DUY TÂN CỦA NHỰT BỔN CŨNG BẮT TỪ HỌC THUẬT TƯ TƯỞNG MÀ DUY TÂN TRƯỚC

Tiếp theo bài trước tôi lấy nước Nhựt Bổn ra làm chứng, để cho biết rằng hễ một nước mà muốn duy tân cải cách thì phải bắt đầu duy tân cải cách từ học thuật tư tưởng trước, bằng chẳng vậy thì sự duy tân cải cách không có bao giờ thành công.

Ở nước ta đã có nhiều người biết sự cải cách là cần cho nước mình, song trong khi ấy lại cũng muốn duy trì cái học thuật tư tưởng cũ. Họ cho sự khí cựu mưu tân[1] là nguy hiểm. Cho nên trong ý họ muốn rằng về học thuật tư tưởng thì cứ theo Khổng Mạnh, còn các việc cơ xảo thì theo Tây ; rồi họ nói : kìa Nhựt Bổn đó, người ta vẫn làm như vậy mà được việc. (Cái ý đây tức là cái ý của một hạng học giả nước ta hiện giờ như hai ông Trần Trọng Kim và Phạm Quỳnh ; tôi nhớ hai ông nầy từng tỏ ra cái ý ấy, song trong khi viết bài nầy tôi không tìm ra nguyên văn mà trưng dẫn.)

Như vậy thiệt là đáng buồn ! Té ra cái óc của người Việt Nam ở thế kỷ XX nầy cũng chẳng khác gì cái óc hồi thế kỷ XIX ! Ông Nguyễn Trường Tộ, ông Phạm Phú Thứ ở năm bảy chục năm về trước cũng đã nghĩ như vậy rồi mà có kết quả gì đâu!

Người nước mình có một cái thông bịnh, là bàn bạc việc gì không chịu xét cho đến nơi, không chịu tìm những chứng cứ, không chịu căn cứ ở sự thiệt trên lịch sử, mà hay tóm tắt bao quát muôn việc vào trong một câu một lời. Tức như cuộc duy tân của Nhựt Bổn mà người ta cho rằng chỉ duy tân về phần vật chất còn về phần tinh thần vẫn giữ theo tinh thần cũ của Khổng Mạnh, của phương Đông, thì thật là lầm lắm, tôi chẳng biết dựa vào đâu mà nói thế.

Chúng ta đây chẳng phải người Nhựt và cũng không ở đồng thời với cuộc duy tân hồi Minh Trị, vậy thì về việc ấy, cái chưn tướng nó thế nào, chúng ta chỉ có một cách căn cứ vào lịch sử, là chắc chắn hơn hết, chớ còn nói vu vơ ở ngoài, chẳng có giá trị gì đâu.

Tôi đọc bộ Nhựt Bổn duy tân tam thập niên sử, thấy mở đầu ra, người ta đổ cái công duy tân ấy về cho các thầy giáo đời bấy giờ, chỉ nghĩa rằng nhờ sự giáo dục đổi mới tư tưởng của người Nhựt nên mới có cuộc duy tân ấy. Tuy vậy, hiện nay không có bộ sách ấy trong tay tôi, tôi phải lấy chứng cớ ở bộ khác.

Hiện tôi có bộ Nhựt Bổn văn học sử, trong đó, chương VI, nói về hiện đại văn học, kể từ Minh Trị nguyên niên (1868) về sau, tuy là sách nói về văn học nước Nhựt, song kể cái phong trào tư tưởng hồi đó thật là rõ ràng dễ thấy. Lại sách nầy dầu tác giả là người Trung Quốc, mà lấy tài liệu của các bản sử người Nhựt, cho nên cũng đáng tin nữa.

Về đoạn đó đại ý tác giả nói rằng : Cuộc duy tân của Nhựt Bổn bấy giờ thật có quan hệ với văn học, mà văn học của Nhựt Bổn lúc đó lại là một nền văn học mới, nó sản sanh ra bởi người Nhựt đã du nhập các tư tưởng của Âu - Mỹ ; rồi kể ra có bốn điều cốt yếu như sau nầy :

1 – Cái tư tưởng công lợi của Âu - Mỹ. – Cái tư tưởng nầy do ông Phước Trạch Dụ Kiết (1834-1901) mở mang ra. Ông từng kêu to lên bảo phải phá hoại những văn hóa phong tục cũ, là cái chế độ phong kiến còn sót lại, phải phá hoại cái đó rồi mới kiến thiết được cái văn minh theo như các nước phương Tây. Ông có làm ra nhiều sách cổ động về tư tưởng mới, nhứt là có một cuốn nói về dùng thứ chữ gì để dạy học, thì trong đó ông biểu phải bỏ chữ Hán (Vì hồi đó Nhựt Bổn cũng trọng chữ Hán như ta thuở xưa). Đến nay người ta nhìn nhận rằng người Nhựt bấy giờ mà biết có “thiệt học” và có cái tinh thần tự do độc lập là nhờ ông.

2 – Cái tư tưởng tự do của nước Pháp. – Cái tư tưởng nầy do ông Bản Viên Thôi Trợ đề xướng. Lại có mấy ông khác nữa dịch những sách như sách Dân ước luận[2] cũng vào phái nầy. Vì họ thấy rằng sau cuộc cách mạng lớn của nước Pháp các dân tộc bên Âu châu đều khuynh hướng về dân quyền tự do, họ quyết rằng Nhựt Bổn cũng phải có cái khuynh hướng ấy thì mới làm cho nước nên mạnh được. Nhà làm sử nói rằng cái tư tưởng nầy dấy lên sau cái tư tưởng công lợi, vì có nó, lúc bấy giờ trong việc chánh trị có nhiều sự đổi thay.

3 – Cái tinh thần của Cơ đốc giáo (tức là Cứu thế giáo Christianisme), khi nói như vậy không có chia ra Cựu giáo (Catholique) và Tân giáo (Protestant). Cơ đốc giáo truyền sang Nhựt từ năm 1549, song bấy giờ chỉ như là mê tín thôi ; người Nhựt thiệt biết cái tinh thần Cơ đốc giáo là từ đầu trào Minh Trị. Bấy giờ có một tín đồ của đạo ấy, tên là Tân Đảo Tương xướng lên cái thuyết lấy Cơ đốc giáo mà cảm hóa quốc dân Nhựt Bổn, nếu chẳng vậy thì không có thể đem cái tinh thần văn minh mà truyền bá cho họ. Ở Tô Kiêu hồi đó Phật giáo thạnh hành lắm ; ông ấy lập tại đó một giáo hội kêu là “Đồng chí xã” để tuyên truyền cái chủ nghĩa bác ái và hy sanh của giáo chủ Jésus.

4 – Cái chủ nghĩa quốc gia của nước Đức. Ông Gia Đằng Hoằng Chi chịu cái ảnh hưởng của học giả nước Đức, làm ra sách Nhân quyền tân thuyết để phản đối lại cái tư tưởng tự do của nước Pháp đã nói trên kia. Sau đó ông lại khuynh hướng về cái học thuyết Đạt Nhĩ Văn[3], xướng ra cái thuyết “ai mạnh nấy hơn”, tức là quốc gia chủ nghĩa về tấn hóa luận.

Bốn cái tư tưởng chọi với nhau trong một thời đại bấy giờ, có ảnh hưởng đến chánh trị và văn học rất lớn, bây giờ bất kỳ là ai không có thể chối cãi được.

Nhẫn lên đó, tôi lấy ở một cuốn Nhựt Bổn văn học sử mà lược dịch ra. Những cái sự thiệt ấy còn có thể đem mà tra xét lại và so sánh với các sách khác nữa. Nó là một cái chứng cớ hiển nhiên, nó là cái nhân của bao nhiêu cái quả, cuộc văn minh của Nhựt Bổn hiện thời là bởi nó mà ra ; vậy mà người ta muốn từ chối cái nhân ấy đi, thế là muốn xáo bậy cả lịch sử, có đặng đâu?

Bây giờ đây cũng có một vài người Nhựt bảo phải duy trì cựu học, bảo phải nghiên cứu đạo Khổng Mạnh, song đó là chuyện bây giờ ; chớ còn 50 năm về trước, quả nhiên họ đã đánh đổ hết thảy tư tưởng cũ mà thâm nhập tư tưởng mới, cho nên sự cải cách của họ mới dễ dàng và cuộc duy tân của họ mới thành công được. Đó là tôi cứ theo lịch sử Nhựt Bổn mà nói, chẳng phải tôi nói bậy.

Cái tình thế nước mình bây giờ đây cũng còn chẳng khác hồi Tự Đức là mấy vì mọi người cũng còn ôm chặt cái tư tưởng cũ, cho nên tôi nói rằng nếu muốn cải cách thì cũng phải làm như Nhựt Bổn, bắt đầu từ học thuật tư tưởng mà cải cách trước đi. Tiếp đây tôi còn đem cái tình hình xã hội Nhựt hồi trước mà so với ta bây giờ.

III. CÁI TÌNH THẾ XÃ HỘI NHỰT BỔN CÒN DỄ CẢI CÁCH HƠN XÃ HỘI TA NGÀY NAY ; CHO NÊN TA LẠI PHẢI RA SỨC NHIỀU HƠN NHỰT BỔN

Bài trước tôi đã kể rõ ra cuộc duy tân Nhựt Bổn cách 50 năm trước đây, là bắt từ học thuật tư tưởng mà cải cách ; tôi đã dựa vào lịch sử Nhựt Bổn mà lấy chứng cớ rõ ràng, không phải tự tôi muốn nói chi thì nói.

Bây giờ có nhiều người An Nam ta hay phân bì cái quốc vận của ta hồi Tự Đức với của Nhựt Bổn hồi Minh Trị, họ cho rằng nước ta gặp vận rủi, còn Nhựt Bổn gặp vận may, cho nên cuộc duy tân của họ được thành công.

Tôi không tin cái thuyết định mạng (fatalisme), cho nên người ta nói đó tôi coi là vô giá trị. Tôi chỉ căn cứ ở lịch sử mà tin rằng nước Nhựt Bổn nhờ biết cải cách tận gốc, cải cách từ học thuật tư tưởng cho nên được thành công. Còn ta, không nhè chỗ gốc ấy mà đánh đổ, cứ toan bắt chước người Tây, làm theo cái ngọn, cho nên cuộc duy tân cải cách của ta không được thiệt hiện ra là phải lắm.

Hồi Tự Đức đã vậy rồi, mà cho đến bây giờ cũng còn vẫn giữ cái thói cũ ấy. Trăm sự sanh hoạt hằng ngày cũng muốn theo Tây hết, đi muốn đi xe điện xe hơi, ở muốn ở nhà lầu nhiều từng, thắp muốn thắp đèn điện cho sáng, mà còn đòi học thuật tư tưởng lại cứ đòi theo Khổng Mạnh thì kỳ quá ! Tôi xin hỏi : Trong sách của Khổng Mạnh há có những cái của mới lạ ấy hay sao ?

Lạ hơn nữa là từ Nam chí Bắc, đâu đâu cũng ưng được những dân quyền, tự do, đâu đâu cũng đàm đạo những chuyện nhơn dân đại biểu, nói tóm lại, cả nước đều khuynh hướng về mặt dân trị[4] hết, vậy mà lại biểu phải giữ đạo Khổng Mạnh là lý gì ? theo Khổng Tử thì “dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi” ; “thứ nhân bất nghị”[5], thì dân còn dự vào việc chánh trị sao được ?

Cho nên đối với thời cuộc nước ta, nếu nói cải cách cho có chuyện mà chơi thì thôi, bằng nếu muốn cải cách cho đúng đắn, mong sự mình làm cho thành công thì tôi quyết rằng thế nào cũng phải nhè học thuật tư tưởng mà cải cách trước. Nghĩa là bỏ hết mọi sự tin tưởng cũ nếu nó là phản đối với các công việc mới.

Trước kia tôi đã nói : Hồi trào Tự Đức, người ta lấy câu “hỏa viêm thượng, thủy nhuận hạ”, mà cãi lại với ông sứ thần ở bên Tây về, khoe bên ấy có đèn điện và nước máy ; ngày nay cũng vậy, người ta nếu còn tin câu “dân bất khả sử tri” của Khổng Tử, thì cũng sẽ không có ngày nào thiệt hành được hai chữ dân quyền.

Lại so sánh tình thế của ta với tình thế Nhựt Bổn, thì thấy rằng sự cải cách của ta còn phải có lòng quả quyết và dùng nhiều công phu hơn Nhựt Bổn mới được.

Nói về tình thế xã hội Nhựt Bổn hồi Minh Trị, bấy giờ họ tuy chịu học thuật tư tưởng cũ của Tàu, song những cái dở của Tàu họ lại khỏi bị, cho nên việc cải cách của họ cũng có phần dễ dàng hơn.

Nước ta từ hồi đời Trần về sau, bắt chước Tàu dùng khoa cử mà thủ sĩ, lần lần bắt chước đến kinh nghĩa thi phú, nạp hết bao nhiêu cái óc thông minh vào trong sự vô dụng, cái hại ấy mãi đến năm 1920 mà trừ. Chớ Nhựt Bổn không có sự hại đó, bắt chước cái gì, chớ làm kinh nghĩa thì họ nhứt định không bắt chước, bởi vậy trong hàng sĩ phu họ ít có sự hủ bại như sĩ phu ta. Ấy là một điều dễ cho họ.

Ta lại còn bắt chước Tàu tin địa lý, ngày giờ bói khoa, cùng các sự mê tín khác. Nhựt Bổn thì không có như vậy. Người Nhựt Bổn chết thì chôn ngồi, chớ không chôn nằm như ta. Họ sắm cái hòm vuông như cái rương chữ thọ của ta, uốn cái xác cho ngồi lên rồi liệm vào mà chôn. Họ nói chôn như thế thì ít hao đất. Lại làng nào làng nấy có sắm riêng nghĩa địa, chết thì chôn sắp lớp, chớ không coi địa lý. Thiệt người Nhựt Bổn từ xưa đến nay chẳng biết địa lý phong thủy là gì. Đại để trong xã hội họ ít có sự mê tín nhảm nhí, dân tộc của họ cũng phát đạt về lý trí gần giống như Tây, cho nên khi tiếp rước cái học thuật tư tưởng mới của Tây thì tiện lắm. Ấy là hai điều dễ cho họ.

Những tư tưởng hủ bại những mê tín nhảm nhí của người An Nam mình ở hồi Tự Đức cũng còn lưu truyền lại y nguyên đến bây giờ. Ngày nay tuy đã bỏ khoa cử, học trò không còn làm kinh nghĩa thi phú nữa, song cái quan niệm của họ đối với sự học thì cũng vẫn còn y cái quan niệm ngày xưa, nghĩa là học để thi đậu làm quan, để vinh vợ ấm con, ăn sung mặc sướng. Trong sĩ phu mà có cái quan niệm ấy thì mong gì đến chuyện cải cách duy tân ?

Khó đổi thứ nhứt là cái óc của dân chúng. Trong dân chúng ta, trừ ra người có đạo không kể, còn thì hết thảy đều tin bậy tin bạ, tin những sự không đáng tin. Đi đâu một bước thì coi ngày coi giờ ; trong nhà một tháng cúng cấp không biết mấy lượt ; thậm chí đau không biết uống thuốc, đành phó sanh mạng mình cho thầy phù thủy ; lại còn những kẻ dại dột, học “gồng” học ghiếc gì đó, đem xương thịt mà chọi lại với súng gươm… Những sự mê tín ấy mà không trừ cho tiệt, thì đố làm tài nào mà cải cách được, mà trông văn minh tấn bộ như người ta được !

Cái óc của con người ta không có thể trong một lúc mà đựng được hai thứ mới và cũ. Vậy nên hễ muốn duy tân theo mới thì cần phải rửa cho sạch hết cái óc cũ ấy đi, rồi mới tiếp nhận những cái mới được. Vậy mà hiện bây giờ đây, những nhà ngôn luận đại gia, làm khuôn làm mẫu, cầm cân nẽ mực cho đồng bào, lại còn bo bo thủ cựu, đòi duy trì những cái đạo đức luân lý cũ tám mươi đời, thế thì còn mong gì duy tân cải cách được ư ?

Quốc dân ta nếu không cải cách thì thôi, bằng muốn cải cách thì phải ra sức càng nhiều hơn người Nhựt Bổn hồi Minh Trị, mà phá trừ cái tư tưởng cũ cho sạch hết rồi mới nói chuyện cải cách được. Bằng chẳng vậy mà cứ bữa nay nói cải cách đến mai nói cải cách, thì cũng như bọn ông Nguyễn Trường Tộ hồi Tự Đức, tôi dám quyến là chẳng có một mảy công hiệu gì.

IV. CUỘC CẢI CÁCH CỦA NƯỚC TÀU RÚT LẠI CŨNG PHẢI CẢI CÁCH ĐẾN HỌC THUẬT TƯ TƯỞNG MỚI HƠI CÓ CÔNG HIỆU

Trong bài Vấn đề cải cách II tôi đã lấy chứng cớ ở lịch sử Nhựt Bổn mà quyết luận rằng cải cách nước ấy sở dĩ thành công được là nhờ cải cách tận gốc, nhè học thuật tư tưởng mà cải cách, cho nên họ mới có được sự tấn bộ rực rỡ như ngày nay. Mà chẳng những Nhựt Bổn thôi đâu, nước Tàu cũng vậy.

Nước Tàu là một chỗ ổ đẻ ra văn hóa phương Đông, những học thuật tư tưởng cũ bám vào trong đầu người ta đã thâm căn cố đế, vả lại là một nước lớn, đất rộng người đông, nên sự cải cách của họ phải chậm hơn Nhựt Bổn.

Nay xem xét lại lịch sử Trung Huê trong khoảng ba bốn mươi năm trở lại đây, thấy ban đầu họ cũng giữ tư tưởng cũ thiệt gắt, toan bắt chước người Tây nội những cái lợi khí văn minh mà thôi ; song như vậy không có thể thành tựu được, về sau họ cũng phải cải cách đến học thuật tư tưởng.

Nguyên nước Tàu giao thông với phương Tây từ hồi đời Minh, nghĩa là cách hơn 200 năm về trước kia. Bấy giờ có một mớ giáo sĩ phương Tây qua Tàu, truyền cho người Tàu những món Số học và Thiên văn học. Hai món học nầy của Tàu được phát đạt và chơn xác hơn xưa là nhờ đó. Tuy vậy, người Tàu cũng còn tự phụ lắm, họ tưởng học thuật phương Tây chỉ có thế mà thôi, nên họ cũng vẫn còn khinh.

Đến cuối đời Mãn Thanh, hồi Quang Tự, các nước Tây đem những tàu đồng súng sắt qua làm khuấy rầy họ một lúc, vả lại người Tây còn trổ ra nhiều thứ kỹ xảo tỏ ra rằng phải có học thức mới làm nên. Người Tàu thấy mà khiếp, song lại còn làm phách. Bấy giờ có một bọn học giả xướng ra cái thuyết “Tây học tự Đông nhi lai”, họ tìm những chứng cớ quàng xiên để chứng rằng bao nhiêu sự học vấn bên Âu châu đều là từ Trung Quốc truyền sang hết. Cái thuyết ấy có sách Tây học xiển vi làm đại biểu.

Chẳng biết trong khi người ta đến đè đầu khỏ[6] óc mình mà mình làm như vậy thì có ích gì. Đừng kể sự họ nói đó là láo làm chi, dầu cho người Tây học của Tàu đi nữa mà bây giờ họ giỏi thì mình phải làm sao cho bằng họ, chớ làm phách làm lối, khoe cái giàu xưa của mình ra mà được việc gì ?

Người Tàu phách lối thì cứ việc mà phách lối, còn người Tây đè đầu khỏ óc thì cứ việc mà đè đầu khỏ óc. Sau khi bị thất bại bởi những điều ước nầy điều ước nọ, bọn sĩ phu Tàu chửng mới hoảng hồn, tuy vậy, cũng còn chưa chịu một mực theo Tây. Bấy giờ bọn Trương Chi Động xướng ra cái thuyết “Trung học vi thể, Tây học vi dụng”. Họ nói rằng những sự học về luân lý chánh trị, người Tàu có thừa rồi, nên giữ lấy cái đó làm cốt, nước Tàu có thiếu là chỉ thiếu về khoa học, cái nầy thì phải học theo Tây để cung cấp cho sự cần dùng. Cái thuyết nầy chẳng khác nào cái thuyết cải cách của người An Nam ta hồi Tự Đức và hiện bây giờ, bảo rằng trăm việc kỹ xảo thì theo Tây song luân lý đạo đức thì phải giữ gìn Khổng Mạnh.

Người Tàu theo cái thuyết ấy một lúc mà thấy chẳng có công hiệu gì, bị ăn hiếp cứ vẫn còn bị ăn hiếp, mà về đường kỹ xảo cũng chẳng thấy tấn bộ chút nào. Khi ấy phái Khương, Lương mới nổi lên.

Khương Hữu Vi đem ông Khổng Tử tô điểm ra như ông Jésus-Christ, lại sửa sang ngũ kinh tứ thơ lại cho ra như các sách của hiền triết bên Tây. Song le, mọi sự ở đời, giống gì nó ra giống nấy, có bao giờ làm dối mà được. Học thuyết của Khương, Lương thạnh hành lên một độ, nhưng không hiệp với trào lưu xã hội, về sau ai cũng chán.

Nói cho đúng thì một tay Lương Khải Siêu biến đổi được cái óc người Tàu nhiều lắm, thế nhưng đem so với bọn sau nầy thì họ Lương cũng còn là tay thủ cựu.

Người Tàu vì còn chưa cạo hết những tư tưởng cũ ở trong óc đi, nên trong mấy năm đó tuy đã đánh đổ Mãn Thanh, lập nên Dân quốc, nhưng mọi việc trong cũng vẫn còn hư bại. Nước thì nước Dân chủ mà óc của dân chúng thì là óc nô lệ, bởi vậy hồi Dân quốc ngũ niên (1916), Viên Thế Khải mới nổi lên xưng hoàng đế.

Liền trong năm ấy, sau khi họ Viên đổ rồi, ngày 5 tháng tư, khắp cả nước Tàu có cuộc vận động rất lớn về văn hóa kêu là “Tân văn hóa vận động” hay là “Tứ ngũ vận động”. Cuộc vận động ấy do những học sanh nam nữ khắp cả nước Tàu chủ trương, họ dấy lên mà kêu gào đánh đổ những học thuật tư tưởng cũ, những đạo đức luân lý cũ. Cuộc vận động nầy có ảnh hưởng lớn lắm, nên chúng ta nói rằng cuộc duy tân cải cách của người Tàu mới bắt đầu từ đó, có lẽ đúng hơn.

Cái động lực của cuộc “Tứ ngũ vận động” đó chỉ từ một bài báo mà ra. Tháng giêng năm ấy, Trần Độc Tú là một nhà có tư tưởng mới rất kịch liệt ở nước Tàu, viết một bài xã thuyết đăng trên tạp chí Tân thanh niên, đề là Năm 1916. Bài ấy đại khái nói rằng người Tàu từ năm 1915 về trước, bao nhiêu những tội ác, những sỉ nhục bởi học thuật đạo đức mà ra thì bắt đầu từ năm 1916 nầy phải ăn năn đổi đời, mà cái trách nhiệm ấy là ở bọn thanh niên v.v. Kế đó, cái chương trình về tư tưởng của bọn thanh niên thế nào, có bày tỏ ra từng điều thật rõ, đại ý khuyên cho mỗi người phải có óc độc lập tự chủ, đừng làm nô lệ ai hết và cũng đừng làm nô lệ của thánh hiền đời xưa nữa.

Tiếp đó lại có cuộc cải cách về văn học của Hồ Thích đề xướng ra. Người Tàu từ trước làm văn bằng văn ngôn ; bắt đầu có cuộc cải cách nầy, người ta mới làm văn bằng bạch thoại. Làm văn bằng bạch thoại thì văn với tiếng nói đồng nhứt với nhau, làm cho sự tấn hóa của xã hội thêm mau ra vậy.

Nước Tàu ngày nay tuy cũng còn lộn xộn chưa yên song đó chỉ là về một phương diện chính trị, chớ còn về các phương diện khác thì thấy tấn bộ hơn hồi trước nhiều lắm, ấy là cái công của bọn Trần Độc Tú và Hồ Thích ở trên lịch sử Trung Quốc sau nầy.

Đó, Nhựt Bổn đã vậy mà Tàu cũng vậy, họ phải cải cách tư tưởng học thuật trước rồi sau mới đủ lòng tin mà cải cách mọi sự khác, sự lý rất là hiển nhiên. Người Việt Nam mình nếu muốn cải cách, cũng phải làm như họ.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Khí cựu mưu tân : bỏ cái cũ lo làm cái mới
  2. Dân ước luận : có lẽ cuốn Le Contrat social (1762, cũng được dịch là Khế ước xã hội), tác phẩm của nhà Khái sáng Pháp J.J.Rousseau (1712-78)
  3. Đạt Nhĩ Văn : tên đọc theo âm Hán hóa của Charles Darwin (1809-82)
  4. Dân trị : dịch từ chữ démocratie, vốn cũng được dịch là “dân chủ”, “dân quyền
  5. Luận ngữ : Thái bá, VIII : 10. “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi” = dân là những kẻ [mà những người bề trên] có thể sai khiến chứ không thể làm cho hiểu biết. “Thứ nhân bất nghị” = Thường dân thì miễn bàn ; thường dân thì không thể bàn luận
  6. Khỏ : cốc, gõ (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)