Vấn đề cải cách cho phụ nữ

Vấn đề cải cách cho phụ nữ  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 118 (28. 1. 1932)

Phàm cải cách, nên lấy sự hay sự phải làm chuẩn đích, không nên lấy việc lớn việc nhỏ làm trọng khinh

Dân tộc nào, xã hội nào mà có sự cải cách, ấy là vì chế độ phong tục của họ đương giữ có nhiều điều hủ bại không thích hiệp với hoàn cảnh. Như trong xã hội phụ nữ Việt Nam ta lâu nay phát ra nhiều vấn đề, mà vấn đề nào cũng có ý ngả về mặt cải cách, thì cũng chỉ vì chế độ phong tục cũ của ta có nhiều điều không hiệp với tình hình sanh hoạt của chúng ta hiện thời đó thôi.

Theo ý chúng tôi, hễ việc gì đã thành ra vấn đề, tức là nó đã có chỗ không dung nhau với hoàn cảnh, ta nên xét xem cẩn thận và tìm phương mà bổ cứu đi, bất luận việc ấy là nhỏ hay lớn, bởi vì việc hủ bại lớn thì có cái hại lớn, việc hủ bại nhỏ thì có cái hại nhỏ, tổng chi là có hại.

Thế mà có kẻ đối với chúng tôi lại không đồng ý, kẻ ấy không ai lạ, tức là mấy ông lão thành đạo đức, mấy ông chuyên trọng cái văn minh tinh thần và thiếu điều nhổ nước miếng trên cái văn minh vật chất.

Nói về phụ nữ, đại khái như, hồi trước không cho học, bây giờ bắt phải học, mấy ổng ừ được; nhưng hồi trước bới đầu, bây giờ cho hớt tóc, mấy ổng nói không cần. Thế là vì sự học thuộc về tinh thần, cho nên cho phụ nữ đi học, mấy ổng biểu đồng tình; còn sự hớt tóc thuộc về vật chất, để phụ nữ hớt tóc, mấy ổng  phản đối.

Nhiều ông đã phô ý kiến mình lên trên báo, muốn cho phụ nữ ta cũng có học thức, có tài nghề như phụ nữ nước người, chớ còn sự ăn mặc, sự trang sức, miễn thế nào xong thì thôi, không cần phải cải cách những cái đó làm chi. Tóm lại là mấy ổng muốn cho người ta có cái hồn của thế kỷ hai mươi, nhưng cái xác thì cứ giữ cái xác của thế kỷ mười chín về trước cũng được; về cái xác, mấy ổng không để ý tới đã đành, mà cũng ưng cho mọi người đều không để ý tới như mấy ổng nữa.

Chúng tôi xin nói với mấy ổng rằng: Không được; nói như mấy ông là không được. Không luận về tinh thần hay về vật chất, hễ điều gì không tiện là phải cải cách. Mấy ông nói: "Miễn thế nào xong thì thôi"; nhưng mà nó không xong, thì mới tinh sao? thì mấy ông mới tính sao?

Việc gì về tinh thần, họ cho là việc lớn, có cải cách thì cải cách những việc ấy; việc gì về vật chất, họ cho là việc nhỏ, không cần cải cách. Như vậy là họ trọng việc lớn mà khinh việc nhỏ. Nhưng chúng tôi đã bảo rằng không được, phàm cải cách, nên lấy sự hay sự phải làm chuẩn đích, chớ không nên lấy việc lớn việc nhỏ làm trọng khinh.

Việc nhỏ, còn gì nhỏ hơn đôi giầy của đàn bà ta đi dưới chưn? Độc giả hãy xem bức thơ đăng kế đây, ngày nay nó đã thành ra vấn đề rồi.

"Tân An, le 11 Novembre 1931

Trình Quý báo P.N.T.V.

Thưa Quý báo, tôi viết bức thơ nầy cho Quý báo cốt thuật chuyện tôi bị sút giày trong đêm hội chợ 7 Novembre hầu để bàn về sự sửa đổi đôi giày của phụ nữ ta thế nào cho gọn gàng.

Tối hôm ấy, tôi thấy đông đảo muốn trở về; mà tiếc thay, chưa thấy đặng những món khéo của đàn bà An Nam chưng dọn bên trong xa, nên tôi phải bặm môi, chưn cố kềm lấy giày mình mà chen vô cho đặng! Tới cửa rồi, tôi vừa đưa tay ra mua giấy, thì cuồn cuộn sau lưng chẳng khác gì lượn sóng thần, xô tới làm cho tôi xửng vửng; gượng đứng ngay dậy thì đôi gót giày của tôi chúng đạp chặt cứng rồi, hết sức bình sanh tôi lôi ra được một chiếc, còn chiếc kia thì trăm ngàn cái chưn khác đã dậm chặt xuống đất rồi. Khi lọt được vô trong kia thì chưn có giày, chưa không, bối rối trăm bề, tấn thối lưỡng nan! May đâu người bạn lẹ trí, kêu đứa bé áo quần dơ dáy – theo ý tôi tưởng ấy là bọn móc túi – chỉ chừng cho, mướn một đồng bạc cho nó ra kiếm. Nó đi một chặp rồi đem lại một chiếc giày, coi ra thì không phải giày của tôi, nhưng hơi tương tợ! Nó lượm được của một cô nào khác cũng bị sút như tôi hay là nó đạp gót người ta cho sút ra rồi giựt lấy? Dấu hỏi ấy đến nay còn ở trong trí tôi hoài.

"Thương thay cho chủ mầy, bởi chiếc giầy mua một đồng bạc kia! chủ mầy còn vô phước hơn ta nữa!

Bấy giờ tôi không dám ra, chờ cho trống bớt, bỗng người bên cạnh cũng bị xảy ra một chuyện hơi giống như chuyện tôi.

Cô ấy ở giữa đất Sài Gòn nầy, tay lịch thiệp già giặn, dư biết những kiểu ăn cắp của bọn gian phi trong thành phố, nhứt là vào mấy đám hội đông. Bởi có bầu đứng lâu mỏi cẳng, bèn rủ nhau, cô, ông chồng cô và người bạn lên ngồi trên cái cây ngăn ngang sân banh vợt với chỗ quay số. Cô ngồi vừa yên, ngó xuống thì đôi giầy của cô ai thổi mất rồi! Thời may có người quen nhường đôi dép cho cô mang mà về, bằng không thì đã phải lội vớ bộ về nhà.

Xin chớ ai trách cô lơ đĩnh. Bị cái cây ngăn ngang ấy hơi cao, ngồi thõng chưn không tới đất, đành phải thả giày xuống rồi ngồi mà coi chừng. Không ngờ mới liếc mắt coi chừng lần thứ nhứt thì ai đã lận lưng đâu mất! Ấy là một sự rủi ro, dầu ai cũng phải bị, không thể tránh đặng.

Xin chị em hãy nghĩ mà coi, nếu giày của phụ nữ Việt Nam ta nó cứ dính hoài trong chưn như giày của đàn bà Tàu, đàn bà Âu Mỹ và Nhựt Bổn thì có đâu những sự lôi thôi như thế? Cũng vì đôi giày không dính với chưn mà nhiều khi chị em ta phải nhút nhát, và cũng có lẽ vì nó một ít mà chị em ta chậm chạp trên đường tấn bộ, chẳng chơi.

E có ngày chị em ta còn phải chết vì nó! Ví dụ ở giữa đường có sự gì nguy cấp xảy ra: nước ngập hoặc lửa cháy, không thì quân hung hoang đánh cướp, mà ta cứ đi lững thững với đôi giày trật trìa trật trọi ấy, liệu có thể tránh được mà giữ cho còn tánh mạng không? – Gặp mấy hồi đó thì phải bỏ giày đi, ai biểu tiếc nó làm chi? – Hẳn có người nói với ta như vậy. Nhưng ai ôi! Nếu sắm đôi giày ra mà một lần nguy cấp là một lần bỏ, thì cũng chẳng nên sắm đôi giày!

Tôi còn nhớ trong cuộc tiếp rước cô Maryse Hiltz năm ngoái, mấy bà sang trọng nhà ta hình như cũng có gặp việc lôi thôi giày dỏn như chúng tôi, nên chi bấy giờ ông trạng sư Trịnh Đình Thảo có khuyên mấy bà mấy cô khá mau mau sửa kiểu giày mình lại. Nhưng mấy bà vẫn cứ lo sửa kiểu áo, kiểu dù, khăn cho mới lạ, còn phần giày dép là sự cần thì lại làm lơ đi, nên tôi mới viết mà nhắc tới kẻo mấy bà quên.

Ước gì có người suy nghĩ thế nào mà chế ra cho phụ nữ ta một kiểu giày mới, vừa đẹp, vừa gọn gàng mà cốt là cho dính vào chưn như giày của phụ nữ các nước, thì chắc là có nhiều người hoan nghinh lắm.

Vậy xin Quý báo đăng bức thơ nầy của tôi lên báo hầu để trưng cầu ý kiến của chị em. Lý sự phân minh, lợi hại quan hệ như thế, tưởng chị em ắt sẽ biểu đồng tình cùng tôi vậy.

Nay kính

Mlle N.T.G. (Tân An)

Đọc bức thơ trên nầy, các bạn nữ lưu ta ý nghĩ thế nào? Hoặc giả có ai phản đối, thì cũng chẳng ngoài cái điều chúng tôi đã liệu.

Có lẽ có ông nào bà nào đó lại giở sách cũ ra: đàn bà con gái lo học hành cho khôn ngoan, lo việc tề gia nội trợ cho tươm tất, chớ còn lo trau chuốt cái mã cho xinh, đồ trang sức trong mình cho đẹp thì có làm gì? Giày với dép! dính chưn với không dính chưn! Đời ông đời bà ta, giày không dính chưn đó mà có làm sao đâu; khéo bày ra cho thêm nhiều chuyện!

Ấy, không được, nói thế là không được. Sự sửa giày theo như trong bức thơ trên đây là thuộc về vấn đề tiện và không tiện, chớ chẳng thuộc về vấn đề đẹp và không đẹp. Ở đời nay, cái đời chuộng mỹ thuật nầy, cái đẹp cũng là một sự cần, nhưng trong việc nầy còn chưa nói tới nó, chỉ nói một cái tiện mà thôi, cũng đủ làm cho chúng ta không thể không chú ý đến rồi.

Giày không dính vào chưn, nó phải có lúc sút ra mà mất đi, ấy là sự rất không tiện. Phải làm thế nào cho nó dính với chưn thì là tiện hơn. Treo cái mục đích bằng chữ "tiện" trước con mắt, bởi vậy đàn bà Việt Nam không thể nào bỏ qua hay là làm lơ sự cải cách về đôi giày của mình.

Hoặc còn có người nói: Phụ nữ thì ở trong khuê các, chớ ai biểu lăn lộn vào đám đông làm chi cho mất giày? Lời cật nạn ấy chưa chắc là khỏi vào tai chúng ta, vì đời nay vẫn còn nhiều pho tượng chạm bằng đạo đức cũ. Muốn đáp lại câu ấy cũng không khó, chúng tôi chỉ nói rằng phụ nữ ngày nay không chịu ở trong khuê các nữa, họ phải ra gánh vác công việc xã hội, họ phải chen vào đám đông, là đủ rồi. Chen vào đám đông mà giày không dính chưn thì sút mất, vì sự cần, họ phải sửa lại.

Duy có lời biện bác kế đây là hơi nghe được, nhưng xét kỹ mà tôi, cũng chưa hết lẽ, lời ấy như vầy:

– Phàm nói sự cải cách cho phụ nữ, phải nhắm việc nào là việc chung cho toàn thể hãy nên cải cách; chớ còn đôi giày, chẳng qua một món đồ dùng của một hạng phụ nữ sang trọng mà thôi, bàn luận làm gì cho thất công? Ai khươi vấn đề ấy ra, sao chẳng sợ mang tiếng giàu vì giàu, sang vì sang, còn mặc kệ kẻ nghèo không đoái đến?

Ấy không, đừng sợ, nếu phụ nữ ta có lo đến việc giày dép cũng chẳng đến nỗi mang tiếng gì đâu. Phàm luận việc gì thì phải luận riêng từng việc, mà làm việc gì cũng tẻ riêng ra từng việc mà làm. Đem việc nầy xấp nhập vào việc kia, thì nói không bao giờ dứt mây được.

Hạng nghèo có riêng việc của hạng nghèo, thì hạng giàu há chẳng có riêng việc của hạng giàu sao? Phụ nữ Việt Nam đã chung nhau lập Hội Dục anh – còn nhiều việc khác nữa, – ấy là việc làm cho hạng nghèo đó; thế thì phàm những việc gì tiện lợi cần ích, dầu chí cho hạng giàu đi nữa, phụ nữ ta há lại nên bỏ sót? Giàu nghèo là một cái hiện trạng đương nhiên, ở dưới chế độ tư bổn ngày nay không thể xóa đi được; thế thì có lẽ nào bởi sự tiện lợi cần ích của hạng giàu mà không lo, vì họ cũng choán một phần không phải ít mà?

Nói lẽ gì đi nữa, đôi giày của đàn bà An Nam hễ là bất tiện cho họ thì phải sửa đổi, trừ ra cấm họ đừng mang giày chi hết thì khỏi phải cải cách chi hết, nhưng liệu có thể nào làm được việc ấy không?

*

* *

Tôi viết bài nầy không trọng ở sự sửa giày mà trọng ở sự cải cách cho phụ nữ. Bởi vậy về đôi giày nên sửa thế nào, tôi để riêng cho mấy tay xảo nghệ suy nghĩ và chế tạo, tôi không nói tới, tôi chỉ tỏ đồng ý với bức thơ trên đó mà nói rằng nó là đáng sửa mà thôi.

Tôi chủ trương rằng bất kỳ cái gì hễ bất tiện và có hại cho ta thì ta nên bỏ mà tạo ra cái mới để thay vào. Chẳng những về sự cải cách cho phụ nữ, đến cả sự cải cách chung cho quốc dân cũng vậy. Biết nó là bất tiện và có hại rồi mà còn bo bo giữ lấy là quê! Nếu là cái ngai của mười tám đời Hùng Vương truyền lại mà nó choán chỗ, không có đường cho ta đi, ta cũng nên dẹp nó lại một bên, vậy xin ai chớ có quá nặng lòng vì quốc túy.

Sự cải cách là sự "y nguyên cả một cái", không có chia ra đâu. Bởi vậy từ nhỏ cho tới lớn, từ vật chất cho tới tinh thần, hễ đáng cải cách là cải cách; nếu cải cách là hay, là phải, là tiện, là ích thì cứ việc cải cách, không còn nên dục dặc làm gì.

P. K.