Vương Dương Minh/Phụ lục-2
2. — Hà lậu hiên ký
何 陋 軒 記
Ngày xưa ông Khổng-tử muốn đi ra ở chín nơi rợ mọi, người ngoài hiểm là cô-lậu. Ông Khổng-tử nói rằng quân-tử ở đó, có cô lậu gì. Thủ Nhân nầy vì có tội phải trích ra làm quan ở trạm Long-Tràng. Đất Long Tràng xưa kia là chỗ hoang-viễn, thuộc về phần hóa ngoại, ngày nay thì là nơi yếu địa, để chiêu-phủ man-di, nhưng phong-tục ở đó vẩn còn mọi rợ như xưa. Người ngoài đều cho ta là tự nơi thượng-quốc đi ra hẳn coi đất ấy là cô-lậu, không có thể ở được. Thế mà ta ở đó vài tháng, lại có phần yên-thích và vui-thú. cần lấy những điều người ta bảo rằng đất ấy là cô-lậu mà đất ấy thực chẳng có cô lậu chút nào. Chỉ dân ở đấy thì thắt nút để ghi việc, tiếng nói như tiếng chim, ở thì ở núi, đồ ăn mặc thì đồ lông gai, không có cái vẻ cung-thất y-quan, cái lễ văn-sức đưa đón gì cả, nhưng còn là thói thuần bàng chất-phác của đời xưa truyền lại đó. Vì đời thượng-cổ chế-độ phép-tắc còn chưa đủ, dân nào mà chẳng thế, không có thể cho thế là cô lậu được. Chao ôi! những thói ăn gian nói dối, xanh vỏ đỏ lòng, lật mặt như bàn tay, miệng xơn-xớt dạ ớt ngâm, người thượng quốc ta chưa tất đã khỏi đâu, Như thế mà lại áo mũ rườm rà, lễ-nghi trang-sức, thì người thượng-quốc ta chẳng phải là hủ-lậu đấy ư? Người mọi rợ thì họ không biết những lối ấy, họ chỉ ăn ở giản-đan, nói-năng xỗ-xã, họ chỉ có thế mà thôi. Đời chỉ biết so-sánh những bề ăn ở, những cách nói năng, mà cho họ là hủ-lậu, ta đây không bảo là phải. Kỳ-thủy ta đến đó, không có nhà mà ở, phải ở vào chỗ cây cỏ gai góc um-thùm, thì uất-ức lắm. Sau thiên-cư sang ở trai Đông-phong, vào chỗ hang đá mà ở, thì lại ẩm thấp-tối tăm. Dân ở đất Long-Trang, kẻ già người trẻ, hằng ngày lại thăm nom ta, mừng rằng ta không cho đất ấy là cô lậu-mà có ý buồn. Vì ta có từng sửa sang ra một cái vườn ở cạnh nơi rừng rậm, dân ở đấy họ bảo rằng ta vui-thú đấy. Họ mới cùng nhau đi đẵn cây chở gỗ, đem về chỗ đất ấy làm ra một cái hiên để cho ta ở. Ta nhân trồng lên những cây tùng cây trúc, những các thứ hoa, và các thứ có thể làm vị thuốc được ở xung quanh hiên. Trong hiên thì bày biện ra chỗ nầy là ngoại đường, chỗ nầy là nội-thất, chỗ nầy là tiền-xế, chỗ nầy là hậu-phòng nào cầm-thư, nào đồ-họa, mọi đồ giảng-tụng du-thích lược đủ. Học trò ở nơi khác lại học, cũng dần dần sum-họp vui-vầy. Rồi những người đến chơi cái hiên của ta, chẳng khác gì đến chơi những nơi văn-nhã ở chốn đô-thành, mà ta cũng quên hẳn cái cảnh ta là cái cảnh ở nơi rợ mọi vậy. Nhân đặt tên là Hà-lậu-hiên, để chứng thực lấy lời ông Khổng-tử. Than ôi! cái cảnh tượng văn-minh trong thượng-quốc ta, thì điển-chương lễ-nhạc, do những bậc thánh-nhân ở lịch-đại chế-tác ra mà truyền lại cho ta, mọi rợ họ không có, ta bảo họ là cô lậu cũng phải. Về sau nầy thượng-quốc ta khinh miệt đạo đức, chuyên chuộng pháp luật, cái thuật ăn thịt người ra tay, uống máu người ra mặt, không thể làm được, thì lại sinh ra cái thói quỉ-quyệt gian-trá, vô sở bất-chí, cái phong thật-thà còn đâu nữa. Dân rợ mọi kia, há không phải là dân tốt; ví như hòn ngọc còn ở trong hòn đá, cây gỗ chửa nẩy dây mực, tuy xù-xì mộc-mạc, nhưng còn có thể thi-hành được những sự gọt đẽo giũa mài, sao lại bảo họ là hủ-lậu được; ấy ông Khổng-tử sở-dĩ muốn đi ra ở chín rợ đấy dư! Thực có người quân-tử ở đó mà giáo-hóa họ tưởng cũng không khó gì Nhưng ta chửa phải là người quân tử vậy hẵng xin thuật ra mấy lời ký để đợi người quân tử sau nầy.
Vân Nguyễn Đôn Phục, trong
Nam Phong số 109, Hà-Nội
septembre 1926).
Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng ở Hoa Kỳ vì nó được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929.
Tác giả mất năm 1954, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 60 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.