Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
4. Bình giặc Lợi Đầu

4. bình giặc lợi đầu

Giặc Lợi Đầu là giặc hung ác, giảo trá còn hơn giặc Hoành Thủy, Thũng Cương nữa. Đại tặc thủ là Trì Trọng Dung bàn cứ một phương, tiếm xưng vương hiệu, ngụy thiết quan chức. Các huyện Ông Nguyên 源 翁, Long Xuyên 川 龍, Thỉ Hưng 興 始 (trong tỉnh Quảng Đông) Long Nam 南 龍, Tín Phong 豐 信, An Viễn 遠 安, Hội Xương 昌 會 (trong tỉnh Giang Tây) đã không biết bao phen bị giặc Lợi Đầu vây đánh thành trì, sát hại quan quân, đốt làng đốt xóm, bắt giết nam phụ lão thiếu, Lang binh đã đánh qua vài lần rồi, đều không thành công. Cho biết chúng gian hùng là hơn hết, chúng là nguồn cội của quân giặc trong ba tỉnh Quảng Đông, Hồ Quảng, Giang Tây.

Những sào huyệt Lợi Đầu liên-giới với hai tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, thế tụ tập, mà giặc lại ngoan giảo Còn những sào huyệt Hoành Thủy, Thũng Cương tiếp cảnh với tỉnh Hồ Quảng, số giặc tuy đông mà cái thế ly tán Vương Dương Minh xét tình thế như vậy, đề nghị đánh Hoành Thủy trước, rồi đánh Thũng Cương, cuối cùng sẽ hiệp với binh Quảng Đông mà đánh Lợi-Đầu. Ấy chẳng khác đẻo gỗ cứng, trước hãy đẻo chỗ dễ, mà rồi sau sẽ đẻo đến cái mắt cái gu.

Tháng 9 năm Chánh-Đức thứ mười hai (1517) quyết nghị đi đánh Hoành Thủy tiên sinh đưa lời Cáo dụ cho quân giặc Lợi Đầu, lo rằng trong khi binh mắc đi chính tiểu, giặc thừa hư nổi dậy. Lời cáo dụ làm cảm động lòng chúng. Có nhiều tù trưởng, như Lư Kha 珂 盧, Hoàng Kim Sào 巢 金 黄 dẫn chúng ra đầu chiêu. Duy đại-tặc thủ Trì Trọng Dung không chịu nghe, mà nói rằng: Ta làm giặc không phải mới một năm, còn quan phủ lại chiêu dụ không phải mới một lần Nay đưa cáo dụ nữa, có gì lấy làm bằng để mà dám chắc sẽ yên được với quan phủ Ta hãy chờ xem bọn Hoàng Kim Sào đi ra đầu chiêu, coi có hệ chi không, rồi ta sẽ làm theo sau, cũng không muộn gì.

Bọn Lư Kha, Hoàng Kim Sào đến, Vương Dương Minh tha tội cho cả, lại thành thật vỗ về chúng. Chúng nguyện tự đầu. Tiên sinh mới thả năm trăm người bọn họ cho tòng chinh, ra trận Hoành Thủy.

Khi phá xong Hoành Thủy rồi, Trì Trọng Dung bắt đầu lo sợ. Hắn khiến em là Trì Trọng An dắt hai trăm đồ đảng già yếu tới xin đầu chiêu. Ý là muốn làm kế hoãn-binh và để trinh thám luôn tình hình hư thật đợi kỳ làm nội ứng. Tiên sinh rõ suốt cái mưu ấy. Song cũng nhận tất cả cho đầu chiêu. Đến khi đi đánh Thũng Cương, tiên sinh khiến Trì Trọng An dẫn hai trăm đồ đảng của hắn lên chận nẻo Thượng Tân. Là cốt làm cho chúng phải ra xa đường, có muốn về hưởng ứng với binh của Trì Trọng Dung cũng không về kịp. Đối với bọn chúng, bề trong tiên sinh lo cảnh ngự nghiêm nhặt, mà bề ngoài làm ra bộ lơi lỏng cho chúng yên lòng

Tiên sinh ngầm cho gọi đến những dân bị giặc phá hại các vùng gần đó. Trong một tuần có mấy chục người đến kể tội quân giặc Lợi Đầu. Họ cho biết giặc nầy giảo trá đệ nhất, không sợ nhà nước điều lang-binh tới đánh. Vì chúng nói: Lang binh hợp tập phải lâu, có đến cũng phải mất nửa năm trời, mà đến thời không ở lâu được, ta chỉ lánh đi một tháng là xong chuyện.

Nghe lời ấy tiên sinh nghĩ: « Binh không có thế giữ một mực thường phải nhân sự biến hóa bên địch mà chế thắng mới được 勝 制 而 化 變 敵 因 在 勢 常 無 兵 » Thế giặc nay khu khu giữ lấy cái mực thường, chờ lang binh đi qua rồi sẽ nổi dậy. Vậy thì không cần phải điều lang binh mà cũng sẽ dẹp được giặc Lợi Đầu.

Phá xong giặc Thũng Cương, rằm tháng chạp binh về tới Nam khang, bọn Lư Kha, Hoàng kim Sào đến báo tin cho tiên sinh hay:

Giặc Lợi Đầu thấy Thũng Cương bị phá rồi thời kinh sợ lắm, nên đã điểm tập binh chúng, hiệu triệu tù trưởng xa gần phong cho làm nào là tổng binh, nào là đô đốc, dự bị khi binh tam tỉnh giáp công, sẽ đồng thời tịnh cử chiến thủ. Chính bọn Lư Kha cũng được phong tước, có cả ấn tín văn bằng,

Tiên sinh bèn sai người đưa rượu thịt đến dụ các tù trưởng Lợi Đầu, để xem biến động ra sao. Chúng sợ, không dám giấu. Nhưng nói trớ ra, bảo rằng: Dân của nhà nước mới chiêu dụ được ở Long Xuyên 川 龍, là bọn Lư kha, Trịnh Chí Cao, Trần Anh, ỷ cậy nơi oai quyền của quan-binh, toan đánh thình lình bọn chúng để trả thù riêng, nên bọn chúng phải lo phòng bị chớ không có ý gì dám toan chống lại quan binh. Thật ra, bọn Lư Kha, Trịnh Chí Cao, Trần Anh cùng chúng giặc vẫn cừu thù nhau. Bọn ba người ấy có hơn ba ngàn đồng đảng. Xa gần bị Trì Trọng Dung bức hiếp, bọn ba người ấy chống cự lại cho nên chúng giặc thâm thù tối kỵ.

Tiên sinh làm bộ tin lời giặc. Và lại làm bộ căm giận bọn Lư Kha sao dám chuyên giữ binh quyền muốn giết người để báo thù riêng. Đó rồi tiên sinh truyền hịch về Long Xuyên khiến bọn Lư Kha phải thú tội. Một mặt tiên sinh truyền cho quân giặc Lợi Đầu hãy đốn gỗ dọn đường, để hồi binh sẽ tự Lợi Đầu đánh xuống mà thảo trừ bọn Lư Kha.

Giặc tưởng thật. Lại lo có khi tiên sinh giả cớ mà đánh chúng. Cho nên nửa mừng nửa sợ. Chúng bèn cho người đến tạ, xin đừng làm nhọc quan binh, để bọn chúng hết sức phòng ngự cũng được.

Khi Lư-Kha đến báo tin có biến, Vương Dương Minh muốn nhờ Lư Kha để gạt giặc nên đã mật ngữ; « Ta sẽ giả làm tội trạng ngươi. Ngươi hãy chịu ba mươi trượng và cầm tù vài tuần. » Nay làm bộ nghe lời giặc Lợi Đầu, tiên sinh đòi Lư Kha đến mắng inh ỏi: « Nhà ngươi thiện binh[1] toan cừu sát dân mới đầu chiêu. Tội nhà ngươi đáng chém đầu. Nhà ngươi còn đặt đều vu khoát. Trì Trọng Dung đã đưa em ruột lại đầu chiêu, nguyện lãnh binh báo hiệu, là thật có lòng hướng hóa, chớ phải đâu toan việc chống cự quan binh ». Nói xong truyền lịnh trói Lư Kha, dẫn đi chém đầu.

Khi ấy bộ hạ Trì Trọng An có mặt tại đó. Thoạt tiên thấy Lư Kha đến, chúng sợ hãi lắm. Đến khi nghe tiên sinh hạch tội như vậy, thời lại mừng, phục xuống lạy hoan hô tiên sinh mà kể tội lỗi của Lư Kha. Tiên sinh làm bộ giục chúng hãy làm cụ trạng, đặng tiên sinh bắt hết thuộc đảng của bọn Lư Kha chém đầu.

Cho đem giam Lư Kha, tiên sinh mật sai người bảo Lư Kha làm bộ giận cho bọn Trì Trọng An tin thật. lại bảo sai người về Long Xuyên triệu tập đảng chúng, nói rằng chờ Lư Kha về sẽ nổi dậy.

Một mặt khác, tiên sinh cho sinh viên Hoàng Biểu 黄 表 và Thích tuyển-quan Lôi Tế 雷 濟 sang dụ Trì Trọng Dung, nói cho hắn đừng nghi hoặc, cùng dụ kẻ thân tín của hắn, bảo khuyên hắn nên ra đầu hàng.

Mưu mô ấy đã sấp xong, tiên sinh giả cách hết còn lo gì đến hoạn lưu tặc nữa. Ngày 20 tháng chạp sư về đến Cam Châu tiên sinh hạ lịnh cho trong thành:

« Nay các sào huyệt của giặc ở Nam An đã quét sạch, còn dân mới chiêu dụ ở Lợi Đầu thời thành tâm hướng hóa. Từ rày địa phương khỏi còn phải lo sợ gì nữa. Giờ đây gặp buổi đại chinh đã dứt, thời trời lại hòa, mùa màng thêm được, dân gia nên kèn, trống, đèn, đuốc, mở cuộc ăn mừng to tác đi. Hai mươi năm mới lại một lần: lao khổ lâu quá, nên tạm nghỉ, vui chơi là phải »

Đó rồi các đường, các ngõ trong thành Cam Châu đèn đuốc sáng choang, trống kèn rộn rịp

Tiên sinh giải binh, cho về với mùa màng, rằng không phải ra trận nữa. Tiên sinh cũng lại khuyên Trì Trọng An đem bộ thuộc về Lợi Đầu giúp anh trong việc phòng thủ, lại nói với: « Lư Kha tuy bị cầm tù ở đây, mà chắc đồ đảng của hắn cưu oán, coi chừng chúng thình lình đánh Lợi Đầu trong khi các ngươi không kịp liệu đến »

Trì Trọng An về thuật lại việc tiên sinh bắt tội Lư Kha và thuộc đảng, chúng giặc nghe lấy làm mừng, mà thôi nghĩ đến việc phòng bị.

Bọn Hoàng Biểu, Lôi Tế ở bên cạnh Trì Trọng Dung nhỏ to khuyên giải: « Quan phủ đãi người rất hậu, sao người không thân hành đến một phen để tạ tình? Huống chi nay bọn Lư Kha bị giam cầm tức tối, ngày đêm xót-xa, tố cáo người mãi, xin quan phủ bắt cầm người lại. Nếu quan phủ nghe theo cho lịnh bắt người mà người không diện ứng, thời lời tố cáo cũa bọn Lư Kha hóa ra có thật chứng. Chi bằng nay không đợi bắt mà ra mắt, rồi diện tố tội ác bọn Lư Kha, thời quan phủ sẽ tin lòng người, mà xét lại sự gian trá của bọn Lư Kha định sát hại người ». Những kẻ thân tín của Trì Trọng Dung cũng cho ý kiến ấy là phải, nên chi nói vào Trì Trọng Dung, suy nghĩ, rồi xuôi theo. Hắn bảo cùng chúng tặc: « Như muốn duỗi ra, trước phải co lại 若 要 伸 先 用 屈. Nay ta cũng nên đến Cam châu một phen, để luôn tiện khám phá cách kỹ lưỡng của thành nầy », Bèn nghị định, suất chín-mươi ba người bộ hạ đều là những tay tù trưởng hung hãn theo mình sang Cam Châu.

Được tin đích xác Trì Trọng Dung đã lên đường, Vương Dương Minh cho người lẻn đến huyện của hắn mà điểm binh, phân tiệu đạo, chờ có báo hiệu sẽ phát khởi. Lại sai Mạnh Tuấn đến đốc tập binh của bọn Lư Kha ở Long Xuyên. Nhưng đường về Long Xuyên phải đi ngang qua Lợi Đầu, tiên sinh nghịch liệu sẽ làm dao động quân giặc, cho nên làm riêng một cái bài cho Mạnh Tuấn dầm đi « bắt » đảng thuộc của bọn Lư Kha. Quân giặc nghe Mạnh Tuấn đến, quả nhiên chận đường tra hỏi. Mạnh Tuấn đưa bài ra cho chúng xem, chúng mừng rỡ, lại đưa đường cho mà đi chóng. Tin quyết rằng đi bắt đảng thuộc của bọn Lư Kha, chúng không giới ý nữa.

Ngày 23 tháng chạp nhuần bọn Trì Trọng Dung tới Cam Châu. Thấy các dinh đều bãi quan binh, mà đường sá trong thành thị thời đèn treo rực rỡ, trò diễn linh đình, rõ cuộc ăn mừng náo nhiệt, Trì Trọng Dung tin chắc rằng nhà nước quả không động binh nữa. Hắn đút của hối lộ cho ngục tốt để hội kiến Lư Kha. Thấy Lư Kha quả bị còng trong ngục, thời mừng, sai người về bao thuộc đảng của hắn, nói rằng: « Nay việc ta mới được vẹn toàn ».

Chẳng ngờ đương đêm Vương Dương Minh thả bọn Lư Kha, khiến mau về Long Xuyên đợi lịnh phát binh. Rạng ngày bày tiệc to khao bọn Trì Trọng Dung, để hoãn kỳ về của chúng. Tiên sinh lại sai ít kẻ tham tùy theo ở chung với bọn Trì Trọng Dung, đem áo thụng xanh, đem hia, dạy chúng tập lễ, để dò xét coi chí ý bọn chúng hướng về phía nào Xét ra chúng tham tàn khôn thể cảm hóa — Sĩ dân đều bảo rằng: « Ấy là nuôi giặc để chác hại. » Tiên sinh bấy giờ quyết ý trừ bọn Trì Trọng Dung. Cách vài ngày chúng từ tạ xin về, tiên sinh bảo: « Từ đây đến Lợi Đầu phải mất tám, chín ngày đường. Mà năm đã hầu tàn, trong tết chắc là không về kịp đến nhà, Rồi lật bật phải quay trở lại chúc tết, cũng rõ thật lao khổ Nghe rằng Cam châu tết nầy có cuộc lễ, đèn đuốc nên vui, âu là nhà ngươi lưu lại, ra giêng sẽ về »

Ít ngày sau Trì Trọng Dung lại từ tạ xin về — Tiên sinh bảo: « Tiếc quá! Nay chưa khảo thưởng ngày tết, biết làm sao giờ? »

Ngày mồng 2 tết, độ bọn Lư Kha đã về đến Long Xuyên, và binh chắc đã đại tập rồi, tiên sinh cho lịnh quan liên ngày sau thiết tiệc ở cung Tường-Phù 祥 符 — Giáp sĩ đã phục khắp rồi — Trì Trọng Dung và bộ hạ kéo vào, đều bị cầm hết — Tiên sinh đem cáo trạng của Lư Kha ra tra tấn, chúng đều thú nhận. Liền bị hạ ngục.

Liền đêm đó tiên sinh khiến người đến huyện Long Xuyên, khắc kỳ ngày mồng 7 tháng giêng đồng thời nhập sào. Trước đó tin Trì Trọng Dung đưa về nói Cam châu đã bãi binh, quân giặc ỷ-y nên trê tràng cuộc phòng bị. Nay thình lình nghe bốn phía binh giồn tới, chúng sợ hãi thất thố, chia quân ra chống cự mà hơn một ngàn quân tinh nhuệ của chúng thời chúng kéo đi cứ nơi hiểm ở núi Long Tử 龍 子 嵿. Một đội quân binh đáp áp tới, giặc bại tẩu. Rượt theo được chừng một dặm, thời phục binh của giặc ào ra bốn mặt. Mấy đạo quan binh khác xông vào đánh trước, đánh sau, đánh hông bao bọc quân giặc. Bấy giờ chúng đại bại, rả chạy la hét rền các hang núi — Quan binh thừa thắng đuổi theo lên phía bắc khắc phục được Thượng, Trung, Hạ, Tam Lợi. Đánh rốc mấy ngày sau nữa, cho đến hôm 16 tháng giêng, phá được nhiều sào huyệt của giặc, phần giết được, phần bắt được cùng những đồ vật thật nhiều.

Quân giặc ở các sào huyệt tan rã chạy, những đứa còn tinh ranh, hợp nhau rút vào chỗ ách hiểm để tự cố, trong núi Cữu Liên đại-sơn 九 連 大 山.

Sơn thế núi Cữu Liên cao tuyệt, chắn ngang hơn mấy trăm dặm, bốn bề dốc đứng, quan binh không có thể tấn công nổi. Lại phía bên kia núi có những số trăm tặc sào Nếu quan binh tấn bức quá, thì giặc ắt chạy vào mấy tặc sào kia, hợp nhau mà chống cự, chế thắng chúng không là sự dễ gì. Bây giờ nếu muốn phục quân phía sau núi, thời việc làm cũng phải nửa tháng mới có thể được. Như vậy, chậm quá, không kịp việc. Chỉ còn có một đường có thể thông tới chỗ giặc bàn cứ. Đường ấy lại nằm dưới bực hẩm, mà giặc đã cứ hiểm trên cao rồi, chúng ném đá lăn gỗ thời quan binh cũng chết sạch.

Vương Dương Minh bèn lập ra một cái mưu. Tiên sinh chọn hơn bảy trăm quân tinh nhuệ, bắt chúng mặc y phục của giặc vừa thâu hoạch được, giả làm giặc bại tẩu, thừa lúc tối chạy xông vào tặc sở, cứ đường gian đạo dưới bực hẩm mà qua núi. Giặc ngỡ là đồng đảng, không đánh. Rạng ngày mới hay, uà ra xung kích Nhưng quan binh đã cứ hiểm, trên dưới ráp đánh, giặc cự không nổi. Chạy ra ngả nào cũng bị quan binh chận đường đánh. Đánh mãi đến ngày mồng 8 tháng 3 là dẹp xong giặc. Kết quả, trong vòng hai tháng, từ mồng 7 tháng giêng đến mồng 8 tháng 3, phá được 38 sào huyệt, bắt giết được 29 đại tặc thủ; thứ tặc thủ bị giết 318 đứa; bọn theo giặc bị giết 2006 đứa; phù lỗ được 890 đứa; trâu, ngựa 122 con; khí giới 2870 món, vàng bạc 70 lượng,

Có hơn hai trăm người già yếu bị chúng giặc bức hiếp chạy theo vào núi Cữu Liên, kêu gào thống khốc; xin đầu chiêu. Xét chúng thành tâm đều cho đầu.

Vừa thuở trời mưa dầm không ngớt ngày đêm, người lại bị tật dịch nhiều, mà mùa màng đã tới, ai ai cũng nghĩ đến ruộng nương; huống nữa binh khởi từ tháng 2 năm trước, đanh Chương Châu, rồi Hoành Thủy, Thũng Cương, đến nay hơn một năm ngoài, chưa từng được nghỉ ngơi mấy lát; thế tất phải hoàn sư để nghỉ ngơi.

Tiên sinh nghĩ đến sách cửu an trường trị, thân hành đi xem xét địa lý, coi chỗ nào nên lập huyện, thiết ải. Xong rồi tiên sinh lưu binh phòng thủ mà rút quân về, cụ sớ xin lập huyện Hòa Bình 和 平 ở xứ Lợi Đầu. Triều đình y tấu thiết huyện. Nay huyện ấy vẫn còn.

Ngoài ra việc chính, tiên sinh lưu tâm đến việc học mới lập ra học xã.

Tiên sinh bảo rằng phong tục của dân không lành là bởi giáo hóa không sáng tỏ.

Người xưa dạy người tất dạy lấy nhân tuân. Lớp sau nầy khởi lên cái phong thói tập từ chương, thì cái giáo hóa của tiên vương phải mất dấu đi. Ngày nay vảng-vảng có những kẻ cho ca thi tập lễ là sự không thiết thời vụ. Nghĩ như thế là có ý kiến của kẻ mạt-tục dung bỉ, sao đủ biết được cái ý lập giáo của cổ nhân?... Nay dạy con trẻ duy nên lấy trung, tín, lễ, nghĩa, liêm sỉ làm chuyên vụ. Phương pháp tài bồi hàm dưỡng phải dùng ca thi để phát khởi chí ý; tập lễ để túc tỉnh uy nghi; đọc sách để khai tri giác.

Nay giặc đã hơi bình rồi, nỗi khốn đốn của dân cũng tạm dứt, thời nên lo việc di phong dịch tục Bấy giờ nơi học xã đón thầy đến dạy trẻ ca thi tập lễ. Không bao lâu khắp dân gian hôm sớm nghe tiếng ca vang, mà ríu-ríu thành phong tục lễ nhượng.

  1. Thiện là tự chuyên, không kể lệnh bề trên.