VII. QUI KẾT

Vương Dương Minh là bậc công thần vĩ đại của triều Minh. Nhưng khi mất rồi không còn tước ấm, không được tặng thụy, và đạo học của tiên sinh lại bị cấm, cho là ngụy học.

Quan Thiển-sự bấy giờ. là Hoàng Oản, môn nhân của tiên sinh, dâng sớ biện trung. Trong lời sớ có đoạn tóm tắt và dẫn gốc Vương học.

« Đạo học của Vương Thủ Nhân có ba cái đại yếu.

« Một là: Trí lương tri. Vốn thật người xưa đã dạy. Trí tri lấy nơi Khổng tử! Lương tri lấy nơi Mạnh tử, trong thuyết « tính thiện ».

« Hai là: Thân dân. Ấy cũng là của người xưa đã dạy. Trong cựu bổn sách Đại Học nói về thân dân, tức là nói về sự « thân với bách tính không thân », như « thân hiền lạc lợi cùng với dân cùng đồng sự ưa ghét, mà hành cái đạo « Khiết củ »[1]. Ấy là Thủ Nhân theo cái nghĩa của cựu bổn sách Đại Học, không phải tự sáng ra thuyết mới.

« Ba là: Tri hành hiệp nhất. Ấy cũng là của người xưa đã dạy (Kinh Dịch) nói: « Tri chí, chí chi. Tri chung, chung chi. » Chỉ là nhất sự.

Đạo học của Thủ Nhân không sai đạo thánh... »

(Sớ của Hoàng Oản Niên Phổ)

Vương-học không sai đạo thánh, theo lời Hoàng Oản.

Nhưng lối Vương Dương Minh giải thích đạo ấy có khác lối Tống nho, là lối đương thời tôn sùng, cho nên bị coi là ngụy học.

Ấy là chưa kể sự tiên sinh сựс lực công kích Châu Hy và công nhiên nhìn nhận Lục Cửu Uyên là phải.

Môn nhân hỏi tiên sinh: « Lương tri có một mà thôi Cớ sao Văn Vương làm thoán Châu Công làm hệ, Khổng tử làm tán cho kinh Dịch lại mỗi nhà thấy lý riêng không đồng nhau? » Tiên sinh đáp: « Thánh nhân sao có thể câu nệ được như thể chết cứng? Hễ đại yếu đồng nhau về lương tri thời mỗi nhà mỗi thuyết khác nhau có hại gì? Như trúc trong một vườn kia, hễ đồng có nhánh có mắt như nhau, thời là đại đồng Nếu câu nệ, nhất định cho mỗi nhánh mỗi mắt phải là bao dai, bao lớn. in như nhau, thời là không phải diệu thủ của tạo hóa nữa, »

問 良 知 一 而 已 文 王 作 象 周 公 繫 爻 孔 子 贊 昜 何 以 各 自 看 理 不 同 先 生 曰,, 聖 人 何 能 拘 得 死 格 大 要 出 於 良 知 同 便 各 爲 說 何 害? 且 如 一 園 竹 只 要 同 此 枝 節 便 是 大 同: 若 杓 定 枝 枝 節 節 都 要 高 下 大 小 一 樣 便 非 造 化 妙 手 矣,

Truyền Tập Lục, hạ.)

Lời ấy Vương Dương Minh nói cho Văn Vương, Châu Công, Khổng tử, mà cũng có thể tự nói cho mình, để trả lời những ai vu cáo ngụy học.

Sự thật tiên sinh chỉ muốn đem đạo nho trở về gốc nguồn của nó, là nơi tâm. Với « tâm » tiên sinh tìm ra được viên đá chốt (clef de voûte) của đạo nho.

Trong « tâm » lương tri là đại bổn.

Lương tri là cái tâm nhận thị phi, thiện ác, một cách thiên nhiên mà rõ ràng. Không cần phải học tập mà rồi sau mới hay, không cần phải nghĩ ngợi mà rồi sau mới biết, đó là lương tri.

Lương tri là bổn thể của tâm. Nó là thái hư, cho nên « vô tri vô bất tri » cũng như mặt trời « vô chiếu vô bất chiếu ».

Vì thái hư, cho nên bổn thể của lương tri không động, không tịnh, mà ở vào chỗ động tịnh gặp nhau.

Chỗ đó tức là chỗ « trung » trong câu « doãn chấp quyết trung » của kinh Thơ, và trong câu « vị phát chi trung » của sách Trung Dung.

Trung, là không thiên về bên nào cả. Không thiên về bên động, cũng không thiên về bên tịnh. Trung là ở vào chỗ động, tịnh gặp nhau, không phân biệt với nhau. Chỗ « trung » như thế, nếu mượn danh từ số học, ta có thể gọi là chỗ « cực hạn » của hai cái động và tịnh.

Đây là ách yếu của Vương học.

Số học, từ khi Descartes mở đường giải tích kỷ hà 解 析 幾 何 (géométrie analytique), nó bước qua giai đoạn phi thường linh hoạt, khiến cho về sau Leibniz và Newton đi đến phép vi phân (infinitésimal). Với phép vi phân, nơi « cực hạn » bao nhiêu những vấn đề số học trước khi không giải quyết được đã giải quyết hết.

Với cái « trung » của « vị phát » Vương Dương Minh cũng dẫn về chỗ « cực hạn » mà giải quyết được hết những vấn đề trong đạo nho.

Chỗ đó hiệp nhất tâm và vật; hiệp nhất tri và hành; hiệp nhất cách vật và thành ý; hiệp nhất cùng lý và tận tính; hiệp nhất bác văn và ước lễ; hiệp nhất duy tinh và duy nhất; hiệp nhất minh thiện và thành thân; hiệp nhất minh đức và thân dân.

Ngoài chỗ « vị phát chi trung » Vương học chẳng thành, mà lời Tử Tư nói: « Sách Đại Học là chương đầu của sách Trung Dung » cũng khó hiểu 子 思 括 大 學 一 書 之 義 爲 中 庸 首 章 (Truyền Tập Lục, thượng).

Với « vị phát chi trung » Vương Dương Minh đem tất cả trở về tâm mà tâm học mới thành, mà nhân luân chi học mới có nơi căn cứ.

Trong « vị phát chi trung » thân, tâm, ý, tri, vật, mới có thể cùng là một cái tâm mà thôi. « Nhưng mà chỉ về chỗ sung tắc mà nói thời gọi là thân; chỉ về chỗ chủ tể mà nói thời gọi là tâm; chỉ về chỗ tâm phát động thời gọi là ý; chỉ về chỗ ý linh minh thời gọi là tri; chỉ về chỗ ý thiệp trước thời gọi là vật: tất cả thật chỉ là một cái mà thôi ».

但 指 其 充 塞 處 言 之 謂 之 身 指 其 主 宰 䖏 言 之 謂 之 心 指 心 之 發 動 䖏 謂 之 意 指 意 之 灵 明 處 謂 知 之 指 知 之 涉 着 䖏 謂 之 物 只 是 一 件,

(Trả lời Cửu Xuyên. Truyền Tập Lục, hạ).

Thân, tâm, ý, tri, vật, cùng là một, cho nên sách Đại Học vòng hai chiều biện chứng-pháp[2] mà nói: « Muốn tu thân, trước phải chánh cái tâm; muốn chánh tâm, trước phải thành ý; muốn thành ý, trước phải trí tri; trí tri tại cách vật Vật cách rồi thì tri sẽ chí; tri chí rồi thời ý sẽ thành; ý thành rồi thời tâm sẽ chánh; tâm chánh rồi thời thân sẽ tu; thân tu rồi sau gia mới tề; gia tề rồi sau quốc mới trị; quốc trị rồi sau thiên hạ mới bình ».

Trước sau một đời tư tưởng, Vương Dương Minh quây quanh một con tâm, với những vấn đề tu thân, chánh tâm, thành ý, trí tri, cách vật, mà một năm trước khi nhắm mắt, tiên sinh tóm tắt để dặn dò môn nhân như dưới đây.

Năm đinh hợi (1527) ngày 8 tháng 9, rời Thiệu Hưng đi dẹp giặc Tư Ân, Điền Châu, tiên sinh dặn Tiền Đức Hồng 錢 德 洪 và Vương Kỳ 王 畿 từ rày về sau luận học với học giả, phải cốt yếu căn cứ nơi bốn câu tông chỉ nầy:

1. Không thiện, không ác: ấy là thể của tâm.

2. Có thiện, có ác; ấy là sự động của ý.

3, Biết thiện, biết ác; ấy là lương tri.

4, Làm điều thiện, xua điều ác: ấy là cách vật

無 善 無 悪、,是 心 之 體
有 善 有 悪、,是 意 之 動
知 善 知 悪、,是 良 知
爲 善 去 悪、,是 格 物

(Dương Minh toàn tập Niên Phổ)


HẾT

  1. Khiết: đo lường (mesurer). Củ: thước chuông (equerre). Đạo khiết củ dạy lấy mình làm gốc để thân dân. Xem sách Đại Học.
  2. — Double marche dialectique. Phép dialectique nầy, là phép nghiên cứu trong triết học, thí dụ như trong bài Psychologie et métaphysique của Jules Lachelier.