Vương Dương Minh/Phần nhì/VI-6
6. thân dân
Tùy phía đứng, đứng về phía tâm, hay đứng về phía vật, người ta huấn cỗ sách Đại Học khác nhau — Ngay như chữ « vật » trong tiếng « cách vật » mà Vương Dương Minh cũng kéo trở về tâm được, bằng cách định nghĩa « vật » là « sự ». Vật đã kéo được trở về tâm, thời không có gì mà Vương học không kéo được trở về tâm.
Tâm là gốc của Vương học. Bất kỳ một cử chỉ nào, Vương học cũng lấy để trau giồi con tâm. Con tâm mà được ròng theo thiên lý thời đã đến cõi thánh hiền. Nhưng nếu tâm đã được sáng suốt mà rồi ngừng lại đó thời khác nào tâm của Lão, của Phật — Tâm đã sáng suốt rồi, phải cùng trời đất muôn vật làm nhất thể — Đây là nghĩa « thân dân ».
Câu đầu sach Đại Học nói: « Đại học chi đạo, tại minh minh-đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện. »
大 學 之 道 在 明 明 德, 在 親 民, 在 止 於 至 善,
Qua chương sau lại có câu: « Tác tân dân » 作 新 民. Vì có chữ « tân » 新 trong tiếng « tân dân » nầy, mà Châu Hy bảo rằng trong tiếng « thân dân » ở trước kia phải đổi chữ « thân » 親 ra chữ « tân » 新.
Từ Ái đem hỏi Vương Dương Minh:
Trong câu tại thân dân Châu tử bảo phải đổi ra làm tại tân dân. Chương sau của sách Đại Học có lời tác tân dân. Xem như thế thì hình như chữ tân của Châu tử cũng có căn cứ. Thế mà tiên sinh cho rằng nên theo cựu-bổn của sách Đại Học mà đọc là thân dân, chẳng hay có căn cứ hay không?
Tiên sinh đáp:
Chữ tân trong câu tác tân dân, là chữ tân lấy nơi lời tự tân chi dân 自 新 之 民 Chữ tân ấy cùng chữ tân trong lời tại tân dân (sửa theo Châu Hy) là hai chữ tân không đồng nghĩa với nhau. Như thế há đủ gì làm căn cứ? Xuống các chương dưới sách Đại Học đều nói cái nghĩa thân dân. Xem như các câu sau nầy: « Quân tử hiền kỳ hiền, nhi thân kỳ thân; tiểu nhân lạc kỳ lạc nhi lợi kỳ lợi. »
君 子 賢 其 賢 而 親 其 親 小 人 樂 其 樂 而 利 其 利
« Như bảo xích tử » 如 保 赤 子 « Dân chi sở hiếu, hiếu chi; dân chi sở ố, ố chi. Thử chi vị dân chi phụ mẫu. »
民 之 所 好 好 之 民 之 所 悪 悪 之 此 之 謂 民 之 父 母
Xem những câu ấy ta thấy rõ đều có cái ý của chữ thân 親 — Chữ thân dân cũng có nghĩa như trong lời « thân thân nhân dân » 親 親 仁 民 trong Mạnh Tử. Chữ thân tức là nhân. Trong kinh Thơ phần « Nghiêu điển » có câu: « Khắc minh tuấn đức, dĩ thân cửu tộc — Cửu tộc ký mục, bình chương bách tính — Bách tính chiêu minh, hiệp hòa vạn bang. »
克 明 峻 德 以 親 九 族, 九 族 旣 睦 平 章 百 性, 百 性 昭 明, 協 和 萬 邦
« Khắc minh tuấn đức » tức là « minh minh đức » Từ câu « dĩ thân cữu tộc » tới « bình chương » tới « hiệp hòa » đều nghĩa là « thân dân ». Khổng tử nói: « Tu kỷ dĩ an bách tính ». « Tu kỷ » là « minh minh đức ». Còn « an bách tính » là « thân dân »— Nói « thân dân » tiện thị gồm ý nghĩa nuôi dạy — Nói « tân dân » là sai.
Cái nghĩa « minh minh đức thân dân » của sách Đại Học phải hiểu như thế nầy « Minh minh đức » là lập cái thể của tâm mình, cho mình được cùng trời đất muôn vật làm nhất thể. Còn « thân dân » là đạt cái dụng của tâm mình, cho mình được cùng trời đất muôn vật làm nhất thể.
明 明 德 者 立 其 天 地 萬 物 一 體 之 體 也 親 民 者 達 其 天 地 萬 物 一 體 之 用 也,
(Đại Học Vấn. Dương Minh Toàn Tập tục biên.) Một đàng chỉ về thể, một đàng chỉ về dụng của một con tâm duy nhất. Cho nên « minh minh đức » tất phải ở chỗ « thân dân », mà « thân dân » là để minh cái minh đức vậy.
故 明 明 德 必 在 於 親 民, 而 親 民 乃 所 以 明 其 明 德 也,
(Đại Học Vấn.)
Giải nghĩa chữ « thân » như thế Vương Dương Minh đứng về phía « tâm » mà nói. Thân dân tức là sửa mình, làm cho sáng cái đức sáng của mình mà tìm đường thân yêu gần gũi dân. Như thế tức là cứ ở cái tâm của ta. Còn nếu theo Tống nho, nói « tân dân » tức là cứ ở ngoài tâm của ta, lấy dân làm đối tượng. Tống nho chỉ nhằm nơi vật, bỏ mất cái gốc đi, mà đi sửa sang cái ngọn.
Châu Hy cho rằng: « sự sự vật vật giai hữu định lý » 事 事 物 物 皆 有 定 理 Vì thế, chạy theo mọi sự mọi vật, mà mất cái gốc, không biết ngừng ở chỗ nào.
Sách Đại Học có câu: « Tri chỉ nhi hậu hữu định » 知 止 而 後 有 定. (Biết chỗ dừng mà sau mới có định được). Dừng đây là dừng ở chỗ « chí thiện » (止 於 至 善) Nếu theo Tống nho, cầu chí thiện ở sự sự vật vật, thời là đi ra ngoài rồi. Chí thiện là bổn thể của tâm. Thời chỉ là phải « minh minh đức » cho đến chỗ chí tinh chí nhất (至 精 至 一) là được.
« Người đời không biết rằng chí thiện là ở nơi lòng ta, mà đi tìm nó ở ngoài, cho rằng sự sự vật đều có định lý Bởi thế họ đi cầu chí thiện ở trong mọi sự mọi vật, thành ra chi ly quyết liệt, lầm lẫn rối ren, không biết cái hướng nào có được nhất định.
人 惟 不 知 至 善 之 在 吾 心 而 求 之 於 其 外 以 爲 事 事 物 物 𤽤 有 定 理 也, 而 求 至 善 於 事 事 物 物 之 中, 是 以 支 離 決 裂 錯 雜 紛 紜 而 莫 知 有 一 定 之 向,
(Đại Học Vấn).
Song le không phải nói thế là nói rằng ta nên rời sự vật mà cầu chí thiện. Mà ta chỉ phải ròng theo thiên lý cho đến cực điểm đừng để một mảy may nhân dục xen vào, thời sự vật ấy sẽ nắm được ngay.
Dưới đây phỏng dịch bài ký Thân Dân Đường của Vương Dương Minh viết ra năm ất dậu (1525).
Thân Dân Đường ký.
Minh-đức là cái tính của trời phú cho người vốn sáng suốt thiêng liêng không mờ, mà vạn lý do đó mà ra. Con người đối với cha mẹ nào ai không biết phải có hiếu; đối với anh nào không biết phải có đễ; đối với sự vật cảm ứng nào ai không tự nhiên thấy rõ... Cái sự sáng suốt thiêng liêng ở lòng ta đó muôn ngàn xưa cũng đồng có như thế, không bao giờ mờ ám, cho nên gọi là minh đức. Nếu nó hư mất đi là vật dục vậy. Minh cái minh đức là xua cái tệ của vật dục, để bảo toàn sự sáng suốt của cái bổn thể của con tâm.
Sao lại « minh minh đức » là tại nơi « thân dân »? Phàm cái đức không có thể không-không mà làm sáng nó được. Người nào muốn minh cái đức của lòng hiếu, ắt phải thân với cha mẹ mà rồi sau cái đức của lòng hiếu mới có thể minh được; muốn minh cái đức của lòng có đễ, ắt phải thân với anh mà rồi sau cái đức của lòng đễ mới có thể minh được. Nói về nghĩa vua tôi, chồng vợ, bằng hữu, cũng thế. Cho nên minh minh đức tất phải tại nơi thân dân Mà thân dân là sự lấy để mà minh cái minh đức. Minh đức với thân dân vì thề cho nên cũng là một sự mà thôi. Con người là tâm của trời đất. Dân là chỉ về cái ngoài ta đối với ta mà nói 民 者 對 己 之 稱 也. Tuy nói rằng dân mà chỉ chung cả trời đất sự vật trong đó 曰 民 焉 則 三 才 之 道 拳 矣 Nói về vua tôi, về chồng vợ, về bằng hữu, mà suy ra đến điểu thú cỏ cây, đều cũng là khá lấy để thân đó; đều cũng là khá lấy để cầu tận cái tâm của ta; khá lấy để tự minh cái minh đức của ta. Ấy cho nên nói rằng minh minh đức nơi thiên hạ, cho nên nói rằng gia tề, quốc trị, thiên hạ bình.
Minh minh đức phải ngừng ở chỗ chí thiện. Bởi sao thế? Bởi như muốn minh cái minh đức mà lại huyền hão lông bông, không nhắm tới quốc gia thiên hạ thời không biết minh minh đức ở nơi thân dân. Xưa Lão với Phật phải cái tệ ấy. Muốn thân dân mà không biết nhân ái trắc đát, thời là không nên việc thân dân để lấy làm sáng cái đức sáng. Xưa cũng vì thân dân thiếu nhân ái trắc đạt như thế nên Ngũ Bá mới đâm ra công lợi. Ấy trước sau hai cái tệ, đều là bởi không biết « chỉ ư chí thiện ».
Chí thiện là cái qui tắc của sự minh đức thân dân đến cực điểm. Cái tính của trời phú cho người, vốn nó chí thiện thuần túy, nó sáng suốt thiêng liêng không mờ ám, nó là phát kiến của chí thiện, nó là bổn thể của sự minh đức, nó là cái gọi là lương tri vậy.
Lương tri phát kiến chí thiện, hễ thị thời nó nhận là thị, hễ phi thời nó nhận làm phi; nó là cái qui tắc của tâm ta thiên nhiên mà có, không hề dung chút nghĩ nghị thêm bớt nào trong đó. Nếu có chút nào nghĩ nghị thêm bớt vào thời là tư ý tiểu trí 私 意 小 智 chớ không phải là chí thiện nữa.
Người đời chỉn không biết chí thiện là ở nơi tâm của ta, lại dùng tư ý để đi tìm nó ở bên ngoài, cho nên mới mờ ám cái qui tắc thị phi đi (norme de la vérité) đến nỗi ngổn ngang quyết liệt, thành ra nhân dục buông lung, thiên lý mất tuyệt, rồi mà cái học minh đức thân dân bị đại loạn. Cho nên « chỉ chí thiện » nơi minh đức, thân dân, không khác nào qui củ đối với hình tròn hình vuông; không khác nào xích độ đối với dài vắn; không khác nào quyền hành đối với nặng nhẹ. Tròn vuông không dừng ở nơi qui củ, thời sai cái độ 度 đi; dài vắn không dừng ở nơi xích độ, thời trái với cái chế 制 đi; nặng nhẹ không dừng nơi quyền hành, thời mất cái chuẩn 準 đi; minh đức thân dân mà không dừng nơi chí thiện, thời đâu còn cái tắc 則 cho nó nữa.
Thật hành nghĩ thân dân, Vương Dương Minh đã làm qua: hoặc thuở làm Tri-huyện Lư Lăng, lập lại Thân Minh Đình, hoặc thuở làm Tuần Phủ Nam Cam đặt ra « hương ước ».
Nam Cam Hương-Ước
Tư cho dân các ngươi.
Người xưa có lời: « Bồng sinh ma trung, bất phù nhi trực. Bạch sa tại nê, bất nhiễm nhi hắc »
蓬 生 蔴 中, 不 扶 而 直, 白 沙 在 泥 不 染 而 黑.
(nghĩa là: cỏ bồng sinh trong đám cây gai không đỡ mà thẳng, cát trắng lộn trong bùn chẳng nhuộm mà đen). Dân tục mà thiện hay ác, há chẳng do nơi tích tập mà khiến vậy hay sao? Trước kia, dân mới chiêu phủ thường bỏ tông tộc, lìa xóm làng, tủa ra bốn phương mà làm điều hung bạo. Như thế há bởi tính của những dân ấy có khác người, há bởi người có tội gì? Chẳng qua cũng là do nơi quan Hữu Ty trị dân không có đạo, dạy dân không có phương. Còn về phần các ngươi thời phụ lão tử đệ không sớm dạy răn trong gia đình, để cho lần lần con em bị thói vô tố trong ngõ hẻm nhiễm theo. Không ra công dụ dỗ khuyến khích, không có cách hiệp hòa đoàn kết, mà lại hoặc khi phẫn nộ khích nhau, hoặc khi giảo ngụy hại nhau. Bởi thế mà càng ngày càng theo về với đều ác. Thời Hữu Ty của quan ta, với phụ lão tử đệ của dân ngươi, đều phải chia nhau mà chịu trách nhiệm.
Ô hô! Sự đã qua không thể kịp nữa, sự chưa tới còn có thể truy ra. Cho nên nay ta đặc biệt lập cái hương ước nầy để hòa hiệp dân các ngươi. Từ rày, phàm dân đồng-ước các ngươi đều nên hiếu với cha mẹ, kỉnh huynh trưởng, dạy dỗ con cháu, hòa thuận với xóm giềng, ma chay giúp lẫn, hoạn nạn xót nhau, điều thiện cùng khuyên gắng; điều ác cùng răn he, dứt kiện bỏ giành, giảng lấy tín, trau lấy hòa mục, cốt làm ra dân lương thiện, cho thành phong tục nhân hậu
Ô hô! Người tuy chí ngu, mà khi trách người thời ắt sáng; người có thông minh mà khi trách mình thời ắt quang. Phụ lão tử đệ dân các ngươi chớ nên cưu mang cái tội ác cũ của dân mới chiêu phủ mà không ăn ở tử tế tốt lành với chúng hễ chúng; có một cái niệm lành, tức là chúng nên người lành. Chớ nên tự thị là lương dân mà rồi không trau mình, hễ một cái niệm của các ngươi mà ác, tức là các ngươi đã nên người ác vậy. Người ta mà thiện ac chỉ do trong một cái niệm mà thôi. Các ngươi hãy cẩn thận suy xét lời ta. chớ lơ lảng!
1. Trong dân đồng ước, chọn lấy những người nào tuổi cao mà có đức, được dân chúng kính phục, một người suy làm Ước-Trưởng, hai người làm Ước-Phó. Lại chọn bốn người công trực, quả đoán suy làm Ước-Chánh 約 正, bốn người Thông-Đạt minh sát, suy làm Ước Sử 約 史; bốn người tính kiện liêm cần suy làm Tri-Ước 知 約, hai người tập thuộc lễ nghi suy làm Ước-Tán 約 贊
Sắm ra ba quyển văn bộ. Một quyển chép tên những người đồng ước cùng việc ra vô hằng ngày do Tri Ước coi sóc lấy — Còn hai quyển, thời một quyển chép việc chương thiện 彰 善 một quyển chép việc củ quá 紏 過 do Ước Trưởng coi sóc lấy
2. Người đồng ước mỗi lần nhóm, bỏ ra ba phần tiền, đưa cho Tri-Ước đặng chi tiêu về việc ăn uống. Đừng xài lớn, miễn là đừng cho đói khác thời thôi.
3. Kỳ nhóm cứ định vào ngày rằm. Như ai có tật bịnh hay bận việc gì không đến được, phải cho Tri Ước hay trước. Nếu vô cớ mà không đến, thời bị ghi vào sổ có lỗi, và phải nộp một lượng bạc, bỏ vào việc công dụng.
4. Ước sở phải đặt ra ở chỗ nào đường sá quân bình, chọn chùa đình rộng lớn mà đặt. Chương thiện thì nên dùng lời rõ ràng mà quyết trực. Củ-ác thì nên dùng lời kín đáo mà uyển chuyển. Ấy là đạo trung hậu. Như có người không có đễ, thời đừng nói ngay rằng không có đễ, mà chỉ nên nói « nghe tên mỗ đối với với huynh trưởng lễ còn có chỗ chưa được đủ. Ta chưa dám tin quyết, chép ra đây để chờ xem. Phàm củ ác đều nên theo lệ như thế. Nếu có cái ác nào khó thể cải, thời đừng củ trách mà khiến cho không có chỗ dung, hoặc lại xui cho thêm ác. Tốt hơn là Ước Trưởng Ước phó, nên trước liệu nói ngầm hơn thiệt với người làm ác, khiến cho hắn tự thú, và cùng nhau khuyến dụ tưởng lệ hắn, gây cho hắn cái thiện niệm, rồi mới chép chuyện ra, khiến cho hắn có thể cải sửa. Nếu thật không có thể cải, nhiên hậu mới củ trách mà biên vào bộ củ quá. Nếu lại cũng chưa cải lỗi được, thời bẩm bạch lên quan trên. Nếu lại còn chưa sửa cải nữa thời người đồng ước phải bắt giải đến quan, mà minh chánh cái tội của hắn. Còn như thế không bắt được, thời hiệp mưu với quan phủ xin binh tru diệt.
5! Phàm người trong đồng ước có sự gì nguy nghi, nan xử, thời Ước Trưởng nên nhóm người đồng ước lại, đặng tài xử, khu hoạch cho bao giờ lý sự rẽ ròi rồi thời thôi, chớ không được ngồi yên nhìn mà sanh nạnh, để cho người ta đến hãm vào tội ác. Như thế tội sẽ về Ước Trưởng, Ước Chánh các người.
6. Những kẻ ở ngụ trong lúc nạp lương, thường thường hay náu mình nơi nguyên tịch để làm lụy người cùng một giáp. Từ nay về sau Ước Trưởng cùng các người phụ trách khác phải khuyên chúng hãy về cho kịp nơi ước mà thừa ứng, bằng như giữ thói cũ thời phải cáo báo quan trên trừng trị, đuổi đi khỏi nơi nương ngụ.
7. Những nhà giàu có lớn, đất nầy, với những thương khách xứ khác lại, cho vay lấy lời, phải theo thường lệ, không được tính kê lời. Hoặc có kẻ nghèo khó không trả nổi, nên lượng lý mà khoan dung. Có những kẻ bất nhân lộng quyền tính kê lời giựt đất ruộng người ta làm cho dân cùng không chỗ kêu ca phải theo trộm cướp. Từ nay về sau, ai bị những kẻ ấy hại, hãy cáo với Ước Trưởng, bắt chúng thường lại. Còn ai có nợ trả không đủ số, thời khuyên chủ nợ để cho thong thả trả đủ. Ai trả quá số thời bắt chu nợ trả số dư lại. Ai co cượng không nghe, hãy suất kẻ đồng ước kêu lên quan trên.
8. Trong hương lân thân tộc, vãng vãng có kẻ vì chút phẫn uất gì bỏ theo giặc mà phục thù, tàn hại dân lương thiện, làm thành đại hoạn. Từ nay về sau có sự đấu ẩu bất bình nên cáo với Ước Trưởng, xin công luận thị phi. Ước Trưởng hoặc có nghe biết nên hiểu dụ giải thích. Ai còn dám vọng vi như cũ, hãy suất kẻ đồng ước trình quan tru lục.
9. Kẻ quân người dân, nếu có ai ngoài thì ra mặt lương thiện, mà trong ngầm thông với đạo tặc, bán trâu bán ngựa cho chúng, hay bao tin tức cho chúng, để lấy lợi riêng cho mình mình, ương hại đến muôn dân, thời Ước Trưởng hãy suất người đồng ước chỉ ra mà trừng răn, không tuân sẽ trình quan cứu trị
10. Quan lại, nghĩa dân, tổng giáp, lý lão,... các hạng người, ai có lạm quyền vào làng xóm đòi lấy của cải gì, Ước Trưởng hãy suất đồng ước trình quan truy cứu.
11. Xưa kia dân cư các trại bị dân mới chiêu dụ làm hại, thật nói ra bất nhẫn. Nay đã hứa tự tân, đất ruộng của cải bị chiếm đều đem trả lại, thời chớ nên nhớ thù xưa, mà làm rối loạn địa phương. Ước trưởng nên hiểu dụ, khiến cho ai giữ bổn phận nấy Ai không nghe trình quan trị tội.
12. Dân mới đầu chiêu, đã có ý làm lành, thời hãy tự khắc trách tội trước, mà cải quá tự tân, lo cày lo dệt, buôn bán bình thường. nghĩ việc ăn ở theo lương dân chớ theo danh mục trước mà cam tâm làm hạ lưu, chác lấy họa làm tuyệt diệt. Ước Trưởng cùng các người kia hãy thời thời hiểu dụ. Ai còn theo dấu cũ bất lương, trình quan trừng trị
13. Trai gái trưởng thành, đều nên kịp thời cưới gả. Hoặc có sự nhà gái trách sính lễ không đầy đủ, nhà trai trách giá trang chẳng bỉ bàng thời Ước Trưởng cùng các người kia hãy tỉnh dụ người ta. Từ nay tùy theo nhà giàu nghèo xứng nhau hãy tùy thời cưới gả.
14. Đám tang đám táng cha mẹ, y khâm quan quách, tùy gia thế giàu nghèo, miễn cho hết lòng hiếu đạo. Ngoài ra hoặc chay đàn to tác, hoặc yến nhạc linh đình nghiêng gia phí của đều không ích gì cho người chết. Ước Trưởng cùng các người hãy tỉnh dụ người trong ước, một niềm tôn lễ chế. Bằng ai còn theo quấy cũ, hãy chép vào sổ củ ác cho là kẻ bất hiếu,
15. Trước ngày nhóm một hôm Tri Ước phải lo coi việc quét tước ước sở, chưng bày nơi ước đường, đặt cáo dụ bài và hương án quay về hướng nam. Ngày nhóm, đồng ưóc đến đủ rồi, Ước Tán đánh ba hồi trống ai nấy đều phải sấp thứ tự đứng trước hương án, quay mặt về hướng bắc mà quỳ xuống, nghe Ước Chánh đọc cáo dụ. Đọc xong, Ước Trưởng nói cho mọi người: « Từ nay về sau, đồng ước chúng ta vâng lời răn dạy, tề tâm hiệp đức, đều quay về làm đều lành. Nếu có hai ba lòng, ngoài lành trong dữ, thần minh tru diệt. » Chúng đều nói lắp lại: « Nếu có hai ba lòng, ngoài lành trong dữ, thần minh tru diệt. » Rồi tái bái, bưng, mà lần lượt trở ra hội sở, phân đông tây mà đứng. Ước Chánh đọc hương ước xong, lớn tiếng lên nói: « Đồng minh chúng ta, nên tuân hương ước. » Chúng đều dạ Rồi đông tây giao bái, hưng, kế ai nấy lần lượt tựu vị. Mỗi người trẻ phải ba lần chuốt rượu cho kẻ già — Tri Ước đứng dậy, đặt chương thiện-vị ở đường thượng, quay về hướng nam, để viết mực bày sổ chương thiện ra. Ước Tán đánh ba hồi trống, ai nấy phải đứng dậy. Ước Tán xướng xin cử thiện. Chúng đều nói: « Ấy tại Ước sử ». Ước sử bước ra, đến chương thiện vị, cất tiếng lên nói: « Tên mỗ có đều thiện nầy. Tên mỗ sửa được đều lỗi nầy. Xin chép vào cho đồng ước cùng khuyên nhau ». Ước chánh hỏi khắp mọi người: « Thế nào? » Chúng nói: « Ước sử kể rất nhằm ». Ước Chánh bèn dắt người làm được việc thiện ra chỗ chương thiện vị đứng ra hai phía đông tây. Ước sử lại nói với mọi người: « Tôi chỉ kể được có như thế. Ai có biết gì khác xin nói ». Nếu ai có biết thời nói ra, không thời nói: « Ước sử kể thế là phải ». Ước Trưởng, Ước Phó, Ước Chánh đều tựu lại chương thiện vị. Ước Sử chép xong vào sổ. Ước Trưởng nâng chén cất tiếng lên: « Người mỗ hay làm được điều thiện nọ, người mỗ hay sửa được đều lỗi nọ, thật là hay tu thân. Người mỗ hay, khiến người trong thân tộc làm được đều thiện nọ, sửa được đều lỗi nọ, thật là hay tề gia. Phỏng khiến người người được như thế, thời phong tục sao lại không hậu. Phàm đồng ước chúng ta nên nắm giữ đấy làm phép tắc ». Rồi dâng rượu cho người làm được điều thiện. Người làm được điều thiện chuốt rượu lại cho Ước Trưởng, mà nói: « Đó lấy gì đủ làm thiện! Nhọc Ước Trưởng quá lời tưởng miễn, tôi thật thẹn thuồng, dám chẳng mài giũa để khỏi phụ lời dạy của Ước Trưởng. » Rượu xong, tái bái, tạ Ước Trưởng, Ước Trưởng đáp bái, hưng, ai về chỗ nấy. Tri Ước dẹp tiệc chương thiện. Rồi chuốt ba từng rượu. Xong, Tri Ước đặt củ-quá-vị dưới thềm, quay về hướng bắc, để bút mực bày sổ củ quá ra. Ước Tán đánh ba hồi trống, ai nấy phải đứng dậy. Ước Tán xin củ quá. Chúng nói lên: « Ấy tại Ước sử ». Ước sử bước đến cũ quá vị, cất tiếng nói: « Nghe người mỗ có đều lỗi nọ. chưa dám chắc như thế, còn chép để chờ sau xem tính. Lẽ nào? » Ước Chánh hỏi khắp mọi người, hỏi: « Lẽ nào? » Chúng nói: « Tất là Ước sử có ý kiến » Ước chánh bèn dắt người làm lỗi đến củ quá vị đứng quay về hướng bắc. Ước sử lại nói với tất cả: « Tôi chỉ nghe có thế còn ai nghe gì khác xin nói ». Ai có nghe tức nói ra. Bằng không thời nói: « Ước sử nghe như thế là phải » Đó rồi Ước Trưởng, Ước Phó, Ước Chánh đều bước đến củ quá vị đứng ra hai bên đông tây. Ước sử chép xong, Ước Trưởng nói với kẻ làm lỗi: « Tuy nhiên không hành phạt. Hãy mau cải sửa ». Kẻ làm lỗi quỳ xuống, nói: « Tôi dám nào chẳng phục tội! » Rồi đứng dậy chuốt rượu, quỳ xuống uống mà nói: « Dám đâu không mau sửa lỗi, để nặng lòng lo cho Ước Trưởng ». Ước chánh, Ước Phó, Ước sử đều nói: « Chúng ta không hay sớm dụ, để người hãm vào chỗ lỗi ấy, cũng sao cho khỏi tội! » Rồi đều chuốt rượu tự phạt. Kẻ làm lỗi lại quỳ xuống nói: « Tôi đã biết tội. Ước Trưởng tự phạt lấy, tôi dám đâu không tự hành phạt lấy tôi. Nếu tôi hứa tự cải được, ắt xin Ước Trưởng chớ uống rượu phạt, tôi lấy làm may! » Rồi chuốt rượu tự phạt.. Ước Chánh Ước Phó, hoặc nói: « Người hay dõng cảm chịu trách như thế, là hay thiên về đường làm lành. Chúng tôi cũng được miễn tội rồi vậy » Rồi dẹp chén rượu. Kẻ làm lỗi tái bái. Ước Trưởng đỡ dậy. Ai về chỗ nấy. Tri Ước dẹp tiệc củ quá. Lại chuốt hai từng rượu. Rồi dùng bữa. Cơm xong, Ước Tán đứng dậy đánh ba hồi trống, xướng « thân giới ». Chúng đứng dậy. Ước Chánh đứng ra trung đường, cất tiếng nói: « Ô hô! Phàm người đồng ước chúng ta, minh đức thân giới, ai không điều thiện, ai không điều ác. Làm thiện tuy người không hay, mà chứa điều thiện lâu ngày tự nhiên điều thiện giồn lại mà không giấu được. Làm ác nếu không biết cải, chứa điều ác lâu ngày tất đến nỗi điều ác giồn lại mà không thể xá được. Nay có điều thiện được người chương ra, khá lấy làm mừng. Nếu rồi cho là đã thiện mà tự thị, thời sẽ lần vào cõi ác vậy. Có điều ác mà người củ trách khá lấy làm thẹn. Nếu hay ăn năn tự cải, thời sẽ lần vào cõi thiện vậy. Người thiện ngày nay chưa khá tự thị là thiện. Người ác ngày nay há trọn đời ác sao? Phàm đồng ước chúng ta hãy gắng lấy ». Chúng đều nói: « Dám chẳng gắng! » Rồi ra thứ tự đứng đông tây giao bái, mà đi về.