Văn vận nước ta ngày trước với bây giờ

Văn vận nước ta ngày trước với bây giờ  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 8 (19 Septembre 1936), trang 1

Văn học trong một nước thịnh hay suy, ngày xưa người mình đổ cho cũng có tại vận số nên hay gọi là "văn vận".

Văn vận nước ta ngày trước thịnh nhất là Bắc Kỳ, rồi đến Trung, Nam Kỳ. Từ Nam Kỳ thuộc về nước Pháp, theo một văn hóa khác, người ta kể như ở đó không có văn vận nữa. Mà trong lúc ấy thì ở Bắc và Trung Kỳ, văn vận cũng mỗi ngày một suy.

Vài mươi năm nay, khoa cử bỏ, học đường lập, cả ba kỳ cùng theo một học thuật mới, một văn hóa mới, thành ra cả nước trở lại có một văn vận chung và cũng mới.

Ấy là một điều đáng mừng cho dân tộc. Giá không có cái cơ hội biến đổi ấy thì văn hóa của nòi giống ta đành phải chịu chia rẽ và cũng đến ngày dần dần tồi bại.

Ngày nay thì cả dân tộc Việt Nam có chung một văn vận mà cái văn vận ấy có khác với thuở trước.

Thuở trước, muốn chiêm nghiệm văn vận thịnh hay suy, người ta coi ở mỗi khoa thi đỗ nhiều hay ít. Như làng Hành Thiện ở Nam Định, mỗi khoa thi đỗ đến chín mười cử nhân, người ta cho là thịnh. Còn hai tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận, mỗi khoa chỉ đỗ được vài ba tú tài, cho là suy.

Bây giờ cũng có thi, cũng có đỗ, sự thi đỗ cũng còn là điều đắc ý của kẻ học, nhưng, cái văn vận của một nước, người ta đã không trông vào đó nữa rồi.

Ngày nay, văn vận thịnh hay suy, người ta chiêm nghiệm ở sự xuất bản báo chí và sách vở nhiều hay ít. Nơi nào có nhiều báo nhiều sách làm cho nơi ấy ra vui vẻ, hoạt bát, cái ý vị của sự sống trở nên dồi dào hơn. Còn nơi nào ít báo, vắng sách thì nơi ấy tự nhiên trình ra cái quang cảnh buồn tẻ, u trệ, thô kệch, thiếu ý vị của sự sống.

Thế cho biết cái văn vận ngày nay là quan hệ với sinh mạng của một dân tộc, chứ không phải chỉ quan hệ với một hạng người đỗ đạt rồi do đó làm nên phú quý như hồi trước.

Nói theo cách đó thì văn vận ngày nay thịnh nhất là Bắc Kỳ, thứ đến Nam Kỳ, rồi thứ nữa mới đến Trung Kỳ.

Vì cứ theo hiện trạng, báo và sách xuất bản ở Hà Nội nhiều hơn, Sài Gòn ít kém Hà Nội, và Huế lại ít kém Sài Gòn.

Về văn học, cái sức hèn yếu của xứ Trung Kỳ thấy ra tỏ rõ lắm. Tức như một sự xuất bản báo, đã ít hơn hai kỳ kia lại còn bị hai kỳ kia đè lên nữa. Thường thường, độc giả của Trung Kỳ lại ưa đọc báo của Sài Gòn, Hà Nội, nhất là Hà Nội và vì đó mà các báo Trung Kỳ báo nào cũng kém số xuất bản.

Bây giờ người ta đã hiểu rằng mọi sự trong xã hội, cho đến văn hóa nữa, thịnh hay suy cũng đều coi theo kinh tế. Thế thì phải lắm: Trung Kỳ, về mặt kinh tế còn kém hai xứ kia, nên văn hóa cũng phải kém theo.

Người mình hay khoa trương ở chỗ coi Huế là chỗ Đế đô, văn vật thanh danh hơn chỗ khác, mà thực sự nó thua sút như thế đó, còn khoa trương nữa hết?

Người Trung Kỳ có nghĩa vụ phải mở mang thêm kinh tế cho xứ mình để văn hóa cũng trổi lên cho kịp Nam và Bắc. Nhưng chúng tôi tưởng cái nghĩa vụ ấy, trước hết, triều đình và chánh phủ Bảo hộ nên đảm đương lấy.

Thuở trước, Triều đình thấy từ Quảng Bình trở vào, văn vận thua ngoài Bắc, thì từ tỉnh ấy về Nam có đặt ra ngạch học sinh tùng tỉnh để khuyến khích kẻ học. Bây giờ vẫn có sự cấp học bổng, nhưng một sự ấy không đủ, còn phải làm nhiều cách khuyến khích khác.

Năm ngoái có nghe Bộ Giáo dục treo giải thưởng văn chương, mà rồi vắng, những lời đăng trên các báo thông tin lúc bấy giờ chỉ là những lời làm cho người ta nghi hoặc.

Thưởng hàm Hàn lâm viện cũng là một cách khuyến khích. Chúng tôi không rõ trong ý các nhà văn có ai mong được sự thưởng ấy không. Nhưng nếu Triều đình đã có thưởng viện hàm thì đáng lẽ những người có văn tài được thưởng trước. Thế mà lạ lắm, bấy lâu những kẻ được hàm Hàn lâm hầu hết là kẻ không biết chữ. Cứ thế mãi rồi cái hàm ấy nó phải thành ra vô giá trị.

Một cái kinh đô có thể bỏ mấy chục vạn bạc ra trang hoàng hai bên bờ sông cho đẹp, cất mấy dãy nhà hội chợ nguy nga để mỗi năm dùng đến một lần, lập trường vận động lộng lẫy để thỉnh thoảng cung cho cuộc đánh quần, đá bóng, thì há lại không có thể bỏ mấy chục ngàn ra để làm mọi việc bồi dưỡng cho văn hóa nước nhà?

Phải làm sao cho cái trình độ văn hóa ba xứ ngang nhau thì trong sự tiến bộ khỏi có chênh lệch mà tiến bộ mới chóng. Việc ấy phải nhờ chánh phủ, vì chỉ có chánh phủ mới đủ sức mà nâng xứ Trung Kỳ lên cho kịp hai xứ kia.

Xin các ngài đương đạo chớ coi là việc bất cấp mà bỏ qua.

SÔNG HƯƠNG