Văn tế sống vợ
của Trần Tế Xương

Hoàn cảnh ra đời của bài thơ: Khoảng sau khoa Canh Tý (1890), nhiều lần thi trượt, nhà thơ càng chán ngán, chơi bời phóng túng, tốn tiền, bà Tú nhiều lần can ngăn không được, giận doạ tự tử. Nhà thơ nhân đó làm bài văn tế này bày tỏ nỗi cảm thông làm lành khéo với vợ.

Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ[1]
Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ[2]
Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn,
Người ung dung, tính hạnh khoan hoà, chỉ một bệnh hay gàn hay dở.
Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười,
Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ[3]
Gần xa nô nức, lắm gái nhiều trai,
Sớm tối khuyên răn, kẻ thầy người tớ.
Ông[4] tu tác cửa cao nhà rộng, phó mặc tay dâu,
Anh[5] lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ

Thế mà:

Mình bỏ mình đi, mình không chịu ở
Chẳng nói chẳng rằng, không than không thở.
Hay mình thấy tớ: nay Hàng Thao, mai phố Giấy mà bụng mình ghen?[6]
Hay mình thấy tớ: sáng Tràng Lạc, tối Vĩễn Lai, mà lòng mình sợ?[7]

Thôi thôi:

Chết quách yên mồ,
Sống càng nặng nợ
Chữ nhất phẩm ơn vua vinh tứ[8], ngày khác sẽ hay,
Duyên trăm năm ông Nguyệt xe dây, kiếp này đã lỡ.
Mình đi tu cho thành tiên thành Phật, để rong chơi Lãng Uyển, Bồng Hồ[9],
Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ.

   




Chú thích

  1. Bà Tú thuộc dòng dõi họ Phạm ở Lương Đường (Hải Dương), có nhiều người học hành đỗ đạt cao
  2. được sao hay vậy
  3. nói thật thà thẳng thắn
  4. tức, Cha của nhà thơ
  5. tức, nhà thơ
  6. Hàng Thao (Nam Định), phố Giấy (nay là phố Hoàng Văn Thụ, Nam Định) có mấy nhà hát cô đầu loại sang.
  7. Tràng Lạc, Viễn Lai : Hai hiệu cao lâu nổi tiếng ở Nam Định.
  8. Mơ ước viễn tưởng của nhà thơ
  9. Các chốn tiên cảnh trong thần thoại Trung Hoa