Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ

Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ
của Nguyễn Du

Than rằng:
Chùa Phổ Cứu[1] trăng dìu gió dặt ngỡ một ngày nên nghĩa trăm năm;
Doành Đào Nguyên nước chảy hoa trôi bỗng nửa bước chia đường đôi ngả.

Chữ chung tình nghĩ lại ngậm ngùi;
Câu vĩnh quyết[2] đọc càng buồn bã.

Nhớ hai ả xưa:
Tính khí dịu dàng;
Hình dung ẻo lả.

Rạng làu làu gương đan quế[3] vừa tròn;
Non mơn mởn đoá hải đường chưa nở.

Sắc lông mày, săn môi sáp ai chê rằng xấu mô mồ[4];
Thấp mài tóc cao đường ngôi ta khên đã đẹp cha chả.

Tiếng cười tiếng nói nghe cũng hữu tình;
Nước bước nước đi thật là vô giá.

Tiết dậy mẩy[5] trong năm mười bảy, nghề thú quê giữ mực chân xa[6];
Cuộc làm vui vừa cợ[7] giêng hai, bàn cờ tướng kén vào con mã[8].

Khó tột vời mà rất mực hẳn hoi;
Nghề làm ăn chẳng đến điều hèn hạ.

Cuốn song gấm một thềm hoa rụng, gieo thoi vàng dệt bức hồi văn[9];
Buông rèm sương nửa chái trăng soi, nắn quay sắt kéo dây nhân quả[10].

Rủ rê năm bảy chị em;
Cưu góp ba làng bốn xã.

Con người ta được một thì con gái được thì ăn được thì chơi;
Ở đất này khá hiếm chi đàn ông chẳng hề quen chẳng hề lạ.

Đêm đêm thường ví hát xôn xao;
Ai ai cũng trầu cau đãi đoã[11].

Ả nọ o này[12] đông đúc, gái một thì gặp tuổi sang xuân;
Anh kia chú nọ rình mò, trai ba phủ quyết chơi mãn hạ[13].

Bướm ong phấp phới, thôi quan thì dân[14];
Oanh yến ra vào, rộng đường quang sá.

Nhất lịch sự là quân phường ngoài Chế[15], những vất ra túi thuốc bông đào;
Đội thế thần thì quan họ trong làng, cũng mang tới cân ngà quả đá.

Đi về thường nhiều kẻ hẳn hoi;
Ra vào cũng lắm người chằng chạ.

Trước chái thì tàng hình thuỷ phủ đứng lăm lăm ai biết mô mồ;
Trong nhà thì thiết phục long vương nằm trập trập hình như đống mả.

Trai trong làng rình bốn mặt chan chan;
Chó hàng xóm sủa năm canh ra rả.

Biết đó những ngày trong trứng, vui chi hơn liễu cợt hoa cười;
Vẻ chi một chút ngoài da, công đâu lại then cài cửa khoá.

Ngán đâu lời nói mà lo;
Được thế hãy chơi cho thoả.

Buông bè chuối giữa dòng nước chảy, mặc dù ai chống ngược chống xuôi;
Thả lá ngô[16] trước trận gió nồm, đã lắm kẻ bổ nghiêng bổ ngả[17].

Họp chợ xuân nhiều khách vãng lai;
Dạo điếm nguyệt phải khi kinh quá.

Theo chúng bạn cũng ra điều bất ý, ai dám đâu vác chuông đánh đất Đai Minh;
Gặp chị em chẳng có lẽ vô tình, ta cũng phải gánh ngói rao làng Bùi Ngoã[18].

Yếm nhuộm điều che trước ngực loè loè;
Câu huê tình đọc bên tai xả xả.

Quây ngoài sân thì trong làng chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, lại có ả bưng trầu tận miệng, mỹ nữ như hoa;
Léo lên giường thì quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông đắp áo trùm đầu, cao bằng mãn toạ[19].

Thoạt đến đây buổi mới lạ lùng;
Xem chẳng khác người quen suồng sã.

Tiếp đãi mấy đêm một mực, lòng bồ đề hỉ xả từ bi;
Xôn xao một khắc ngàn vàng, dàn chẩn tế ba la bát nhã.

Ba sinh đành một kiếp hẹn hò;
Hai năm được mấy lần chung chạ.

Sừng chuốt lược cũng trong đồng đạo[20], trai khôn thầy dái gái khôn bà nàng[21];
Đá tạc bia ai ở dị tâm[22], đất có thổ công sông có hà bá. có thổ công, sông có hà bá.

Đến vườn mong bẻ một cành cam;
Giải lòng ước chẻ hai thanh ná[23].

Quả cam chén rượu đãi đằng[24] khi chơi cửa chơi nhà;
Túi vóc khăn là, dặn dò lúc buôn mành buôn giã.

Ân cần nhiều nỗi thư từ;
Hầu hạ chẳng khuây điếu lả[25].

Phụt ngọn đèn trước mặt, đếch sự đời chẳng phải đứa tiểu tâm;
Đùng tiếng lói[26] sau nhà, đéo mẹ kiếp bỗng có thằng đại phá.

Ta đã đành rụt cổ như rùa;
Ả cũng chớ vật mình như sả.

Giải kết[27] cho ả, mới đến đây ai dám đoạt gia tài;
Hú vía cho tôi, một chút nữa sinh ra ẩu đả.sinh ra ẩu đả.

Của thập phương mặc khách thừa lưa[28];
Tội nhất xá xin người xuý xoá.

Như có phải quýt làm cam chịu, đã trót thì trét, sợ chi điều nói tỏi nói hành;
Song cũng là cú kêu ma ăn, đi không về không, chi đến nỗi gieo tai gieo vạ.

Ta đã đành mắc tiếng thày lay;
Ả cũng hoá ra người đĩ thoã.

Mấy kẻ biết người biết của, gấm mặc đêm nghĩ lại cũng hoài;
Một chốc ra giận ra thù, bạc gần sáng thổ nào dám gá[29].

Khoán ước làng cứng nhắc ngô rang;
Nhân nghĩa cũ nát tươm chó nhả.

Của là của chó treo mèo đậy, phải giữ gìn cho lắm, mắt đỏ lòm nhắm tựa mắt lươn;
Công tiếc công cốc mò cò ăn, đi chơi nhởi làm chi, mặt trắng phủi trơ như mặt nạ.

Tiếng tăm chi đó mặc ai;
Ngày tháng còn dài đó đã.

Những ngỡ trăm năm trước hẹn hò đã chắc, để phụ phàng ba chốn bốn nơi;
Nào ngờ tháng sáu này tệ bạc làm sao, bỗng tống táng một tuần hai ả.

Ờ sao mà quên ta được cho đành;
Nói thế mà lấy chồng thực ru tá.

Công lênh ấy ai còn nhớ đến, cũng cầm bằng ruổi ngựa đường dài;
Mối manh kia ta đã biết rồi, thôi cũng chớ giấu voi ruộng rạ.

Thế thời mách chúng ta vậy ru;
Thôi kính hai ả cho rồi cả.

Hãy xem những của lạ lùng;
Chẳng trách chi ai một mả.

Một chú thì dắt mũi trâu từ thuở bé, tắc tắc hò rì[30];
Một anh thì cắt cỏ ngựa đến tận già, tùng tùng dạ á[31].

Ở làm chi một năm thêm một tuổi càng cao;
Khen lắm nhỉ hai ả được hai chồng cũng khá.

Thương chắc lấy nỏ được chắc[32], chúng bạn ta như nghé sổ ràn[33];
Chê tôm lại phải ăn tôm, lời nói trước như mèo liếm mỡ.

Cha kiếp mình đã ra kiếp lăng nhăng;
Thiệt lòng ta cũng ra lòng suồng sã.

Hựu hà ngôn tại, đã sao thì vậy, lấy ai cũng đã lấy rồi;
Như tư nhi dĩ, đã thế thì thôi, nói mãi ra điều nói chạ.[34]

Mình ở bạc đã ra Dương Tố chi gian[35];
Ta cũng đen chẳng biết Quan Kiệt chi trá[36].

Bầu bạn củ rũ đi ngoay ngoảy, chẳng nhớ câu bất diệc lạc hồ[37];
Nợ nần xưa vỗ sạch sành sanh, quên mất chữ vi chiếu dụng giả[38].

Đã biết trước yên túc quái tai;[39]
Xem về sau như chi hà dã.

Được đó hãy hay rằng đó, mâm son bát sứ mà ăn cơm với nước cà;
Chắc đâu đã hẳn hơn đâu, chăn tằm hái dâu vẫn mặc quần nâu áo vá.

Nhất bạc tình là thói o Uy;
Chẳng nhân nghĩa ai bằng ả Sạ.

Những ngỡ đứt võng nảy xuống giường bịch cái, chẳng lấy năm thì cũng lấy ba;
Nào ngờ trèo cao sa xuống thấp ôi cha, tưởng mất một hoá ra mất cả.

Đã làm chi thế vội vàng;
Thôi chẳng lo gì thong thả.

Chi những thói cọc cằn lửa khắc, chó cậy nhà gà cậy chuồng;
Tới khi nhà hơi hởi bén mùi, trâu ăn ló bò ăn má[40].

Lời thề nguyền dĩ trục thuỷ lưu;
Bức thư vãn dụng bằng hoả hoá.[41]

Người đến gốc mong bồng quả bưởi, há phải điều chúng bạn vô tình;
Con sãi chùa lại quét lá đa, thôi mặc kiếp nhà bay[42] bất khả.

Gỗ trôi sông không trở lại Lường[43][44];
Muối bỏ bể cũng thiệt công Lữ Xá[45].

Ả về đó bén duyên phải kiếp, chẳng quản điều mặt muội dầu gio;
Ta bây giờ quá lứa lỡ đôi, thôi chẳng khác mình trần trôn trạ[46].

Ôi! Nước sông Giang Đình[47];
Nương khoai Phan Xá[48].

Dải sông Cài[49] văn vắt nước trong;
Đỉnh Ngàn Hống[50] đùn đùn mây toả.

Gương công chúa phá tan từ trước, làm chi những nỗi tá ơm[51];
Nhịp ngọc tiêu[52] đành để lại sau, khôn ước những điều hú hoạ.

Nương song cúc[53] sắp hỏi han Ả Tố[54], vì đâu mà phận hẩm duyên ôi;
Dạo đường Hoè[55] vừa gặp gỡ chàng Tiêu[56], từ đây đã người dưng nước lã.

Giận nỗi xưa mồ hôi muối đầm đìa;
Tưởng nghĩa cũ nước mắt gừng lã chã.

Thương vì nỗi mưa dầm rỉ rỉ, chận chắc với con trâu đực[57], ả cầm đèn, ả đi trước dẫn đường;
Đau vì khi lửa cháy phừng phừng, tím gan cho cái gà toi, ả vác búa, ả đứng ra lấp sá[58].

Tưởng công phu mà chưa đáng đồng tiền;
Nhớ nhân duyên muốn đi cầu ông Tá[59].

Nhớ những lúc tắt đèn dạy chuyện[60], dứt câu này nối câu khác trăng ngoài hiên khi tỏ khi mờ;
Tưởng những khi thắp đuốc chơi đêm, ở nhà ngoài vào nhà trong giọt bên chái như tầm như tã.

Rầm rì thay điếu thuốc trao tay;
Gắn bó mấy hạt cơm dính má.

Xẩy nhớ đến lời ăn tiếng nói, cám buồn mặt lợn, tóc trên đầu đếm chẳng hay cùng;
Sực tưởng khi đua sức đua tài, trơ tráo đầu trâu, gan trong bụng gãi khôn đã ngá[61].

Có công kể mấy nhật trình;
Lúc ấy ghép vào niên phả.

Nói sao được đường xa dặm ngái[62], bắt chim trời chi những sự éo le;
Cực những điều kẻ ngược người xuôi, vẻ cò đất vẫn ra điều dối trá.

Hay chi điều con gái chê chồng;
Chẳng có ai đàn ông ở goá.

Ả sang đó bồng con cho sớm, mẹ nằm võng cha nằm giường;
Ta về đây kiếm chút kẻo già, bà ăn nem ông ăn chả.

Sang chợ Vịnh[63] rắp than cùng ả Út, đường đông ăm ắp, thấy mà kinh khăn nhiễu quần điều;
Lên chùa Hương[64] toan tu với sư Viên[65], rũ sạch làu làu, mua chưa được mũ ni áo vá.

Ở nhà lâu nghĩ cũng bần thần;
Viếng cảnh cũ muốn làm khuây khoả.

Đường cửa Trẹm[66] mỗi ngày một ngại, bóng cây tiếng suối, núi giăng giăng con mắt đã mòn;
Chòm bên làng càng tối càng buồn, ngọn khói hạt mưa, trời thâm thẩm mặt người đã nhoá.

Hắt hiu gió trúc mưa mai;
Quạnh quẽ bóng chim tăm cá.

Vì quan họ nên chúng ta mộ đức, bạn hữu quen còn được bao nhiêu;
Vào trong làng hỏi đôi ả Sạ Uy, lứa tác cũ hãy còn bao nả?

Thăm tận nhà thì chẳng thấy người quen người thuộc, chua cay thay ăn khế với gừng;
Hỏi đến tên thì đã gọi mụ nọ mụ kia[67], may mắn bấy trồng sung ra vả[68].

Cửa nhà mình đã bưng kín như buồng;
Tiếng tăm ta cũng rửa sạch như đá.

Nghĩ cũng phải ăn hơn hờn thiệt, có con có cái, ai nói chi những sự nguyệt hoa;
Toan kiếm nơi đứt nối tối nằm, lạ mặt lạ mày, ai chẳng biết lại chê cỏ dã.

Dẫu có ai trẻ mỏ mới lên;
Là những chốn xưa nay chằng bạ.

Thú ngưu mã chú xuôi anh ngược, khăn dì Sàng trầu thuốc đến đâu phần;
Vườn yến oanh cảnh đó người đâu, của ông Đấu gió trăng còn đóng khoá.

Nhân duyên xưa bẻ ngó lìa tơ;
Phong cảnh cũ vàng cây héo lá.

Tìm những chốn tre già măng mọc, hàng thịt nguýt hàng cá, dễ mấy ai cho đáng cải kim;
Dốc một bài xỉ bỏ thủ cầm[69], trâu cột ghét trâu ăn, sợ hàng xóm lại kêu thuỷ hoả.

Bẽ bàng mong hỏi ả Kiều;
Thương hại sẽ lừa con Sá.

Đầu sông cho đến cuối sông, ở chẳng vừa lòng roi mây đánh chết, gươm thư hùng tuy rẽ đôi nơi;
Đứt dây thì lại nối dây, thế nào tát được giếng này mới thôi, hoa tỉ muội hãy còn một đoá.[70]

Áo đơn đà lây dấu hoa thơm;
Bình không hãy ngát mùi hương xạ.

Vào đất văn vật mang hư danh thì phải dự phòng;
Nổi phép võ biền cứ bản tộc âu là truy nã.

Tiếng tăm kia từ trước chẳng mang;
Duyên nợ ấy về sau khôn trả.

Nếu trước những trồng bông trồng đậu, hết chuyện trò chó chết thì thôi;
Từ rày đừng yêu trái yêu hoa, mất công ấy voi đâu mà tạ.

Nay:
Một nén hương thừa[71];
Ba tuần rượu hả[72].

Kể chi những đường kia nỗi nọ, đi thì đi cho thoát, kẻ đã về kiếp ấy thì thôi;
Dù chẳng nên nghĩa trước tình sau, chờ thì chờ cho xong, ai đâu có con hoài mà gả.

   




Chú thích

  1. Chùa Phổ Cứu: Tích Trương Thụy và Thôi Oanh Oanh chung chạ ở mái Tây chùa Phổ Cứu. Nên chùa Phổ Cứu và mái tây là chỉ nơi trai gái lăng nhăng. Doành = duềnh. Đào nguyên: Suối hoa đào là nơi tiên ở.
  2. Vĩnh quyết: Dứt khoát lìa nhau.
  3. Gương đan quế: Chỉ mặt trăng
  4. Mô mồ = đâu nào
  5. Tiết dậy mẩy = Tuổi dậy thì.
  6. Xa = Cái guồng kéo sợi. Tức hai người làm nghề dệt vải.
  7. Cợ = cỡ, khoảng.
  8. Con mã: Tức trong hội đánh cờ người, họ bắt phải con mã.
  9. Bức hồi văn: Chỉ tấm vải.
  10. Dây nhân quả: Chỉ sợi vải.
  11. Đãi đõa: nghĩa cũng như: có mời qua. Đõa là tiếng đệm. Nếu theo âm Nghệ thì đọc là: Đại đọa nghĩa cũng như mệt nghỉ. Đọa là Mệt, kiệt sức.
  12. Ả = Chị. O = Cô.
  13. Mãn hạ: ý nói thoải mái, hết cỡ. Ở đây tác giả dùng chữ mãn hạ là để đối với sang xuân ở câu trên.
  14. Thôi quan thì dân: Hết quan đến dân.
  15. Phường Chế: Phường buôn ở làng Chế dưới chân núi Hồng Lĩnh bên bờ sông Lam(chú của Hoàng Xuân Hãn = HXH). Cân ngà quả đá: Cái gậy (bằng cái ngà voi) và cục đá nhưng tác giả thêm chữ ngà và quả cho có vẻ. Câu này ý nói: Khách hàng xứ thì sang trọng, lịch thiệp còn trai làng thì cậy thế nên chơi cục.
  16. Lá ngô: lá ngô đồng.
  17. Bổ ngả = Té ngửa.
  18. Đất Đai Minh nghề chuông, làng Bùi Ngõa nghề ngói. Vác chuông đánh đất Đai Minh, gánh ngói rao làng Bùi Ngõa là làm những việc vô ích.
  19. Cao bằng mãn tọa: Bạn sang ngồi đầy nhà.
  20. Đồng đạo: Cùng lứa.
  21. Trai khôn thầy dái, gái khôn bà nàng = Trai khôn như thầy dái (người đã có vợ), gái khôn như bà nàng (người đã có chồng). Ý nói những người đến đó đều khôn ngoan sành sõi cả.
  22. Dị tâm: Khác lòng.
  23. Thanh ná = Thanh nứa.
  24. Đãi đằng: Giao tiếp bình thường.
  25. Lả = Lửa
  26. Lói: Quả pháo lớn.
  27. Giải kết: Trai gái ràng buộc, gắn bó nhau.
  28. Thừa lưa: Nhiều lắm, thừa mứa ra.
  29. Thổ: Trong đám bạc, người cầm cái gọi là thổ. Những người có tiền nhận bảo đảm ứng tiền cho con bạc vay cũng gọi là thổ. Thổ nào dám gá nghĩa là chẳng ai dám nhận lời thách đánh
  30. Tắc, hò, rì: Tiếng điều khiển trâu, miền Bắc gọi là vắt, họ, riệt.
  31. Tùng tùng dạ á: Tượng thanh tiếng trống đánh rồi gọi quân lính và quân lính trả lời
  32. Thương chắc lấy nỏ được chắc = Thương nhau lấy không được nhau.
  33. Nghé sổ ràn = Nghé sổng chuồng.
  34. Hựu hà ngôn tai, như tư nhi dĩ: Hai câu chữ Nho đồng nghĩa với 2 câu Nôm theo sau
  35. Dương Tố chi gian: Cái gian của Dương Tố cướp vợ Từ Đức Ngôn là công chúa Nhạc Dương khi Trần bị diệt.
  36. Quan Kiệt chi trá: Sự dối trá của Quan Kiệt, kỹ nữ đời Đường
  37. Bất diệc lạc hồ: Chữ sách Luận ngữ nghĩa là: chẳng vui sao?
  38. Vi chiếu dụng giả: Câu cuối các mẫu văn khế thời xưa, ý nói: Theo phép nước làm tờ này để làm bằng
  39. Yên túc quái tai, như chi hà dã: Hai câu chữ Nho đồng nghĩa với 2 câu Nôm theo sau
  40. Trâu ăn ló bò ăn má: Trâu ăn lúa bò ăn mạ.
  41. Dĩ trục thủy lưu, dụng bằng hỏa hóa: Câu chữ Nho: đã phó nước xuôi, toan dùng lửa hỏa
  42. Nhà bay = Nhà chúng mày.
  43. Lường: Sông Lường ở Nghệ An (ca dao: Nước sông Lường ai lắng mà trong. Duyên chàng ai tạc cho lòng em say) có bến Đò Lường sau người Pháp viết thành Đô Lương.
  44. Dà: Sông Dà ở Hà Tĩnh.
  45. Lữ Xá: Có lẽ là một lang làm muối.
  46. Trạ: Vật bằng gỗ gắn ở một đầu của cái xa kéo sợi, có lỗ để cắm con suốt quấn chỉ. Khi quấn đủ, người ta lại tháo con suốt đó ra, cắm con suốt khác vào. Trôn trạ là một từ tục.
  47. Giang Đình: Đoạn sông Lam chảy qua quê Nguyễn Du.
  48. Phan Xá: Tên một thôn ở gần Trường Lưu.
  49. Sông Cài: Nguyễn Du ở làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân lên hát phường Vải ở làng Trường Lưu huyện La Sơn (nay thuộc huyện Can Lộc), phải đi qua đò Cài
  50. Ngàn Hống: Tức núi Hồng Lĩnh.
  51. Tá ơm: mập mờ, úp mở
  52. Ngọc tiêu: Sáo ngọc.
  53. Song cúc: Cửa sổ có hoa cúc.
  54. Ả Tố: Tức Tố Nga, thần xe duyên.
  55. Đường hòe: tức giấc hòe là giấc mơ hão.
  56. Chàng Tiêu: bị người quyền thế cướp vợ, gặp vợ không dám nhìn.
  57. Chận = Chặn. Chận chắc với con trâu đực: Chạy đằng trước để ngăn con trâu đực lại.
  58. Sá: tức đường sá. Dùng từ sá để đối với đường ở vế trên.
  59. Ông Tá: Cũng như ả Út, Dì Sàng, ông Đấu, ả Kiều, con Sá chưa rõ.
  60. Dạy chuyện: Người hát phường Vải thường phải học thuộc rất nhiều câu để đối đáp với bạn hát. Để có những câu mới và hay thì họ phải tìm đến những bậc giỏi chữ để học. Đây là Nguyễn Du dạy cho hai cô gái Trường Lưu những câu do ông sáng tác.
  61. Ngá: ngứa
  62. Ngái = Xa.
  63. Chợ Vịnh: Chợ Vinh. Thành phố Vinh trước là Vĩnh An, người Nghệ đọc là Vịnh. Từ thời Pháp thuộc gọi là Vinh.
  64. Chùa Hương: Chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh.
  65. Sư Viên: Có lẽ là ông sư ở chùa hồi đó.
  66. Cửa Trẹm: Tên truông trên đường từ Tiên Điền đi qua chân núi Hồng Lĩnh để lên Trường Lưu, gần làng Kê Treo.
  67. Mụ: Đại từ chỉ người phụ nữ ở tuổi trung niên. Tuổi thanh nữ thì gọi là o hoặc ả. Trung niên thì gọi là mụ. Già thì gọi là mệ tức bà. Lão thì gọi là cố tức cụ. O Sạ, o Uy đã được gọi mụ tức là khoảng 35. Liên hệ với câu 7 khi tác giả lần đầu gặp 2 người: Tiết dậy mẩy trong năm mười bảy, tức họ 17 tuổi thì từ đó đến lúc này đã trên dưới 20 năm.
  68. Vả: một loại cây giống cây sung, quả cũng gần giống quả sung nhưng không ăn được.
  69. Xỉ bỏ thủ cầm: Bỏ răng lấy đầu, ý nói lựa chọn.
  70. Vế sau của câu này, mấy chữ : "thế nào tát cạn giếng này mới thôi" vừa khác ý vừa không có giọng văn tế. Có thể là thất bản trong khâu sưu tầm.
  71. Hương thừa: hương cháy dở. Rượu hả: Rượu để lâu không đậy, bị nhạt.
  72. Rượu hả: Rượu để lâu không đậy, bị nhạt


 

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.