Vì sự phát âm cho trúng
Kính cáo anh em từ Bắc vào Nam
Hiện nay nhiều người đã phải nhận rằng: nếu chúng ta muốn trở nên một dân tộc đứng đắn, xứng đáng với sự sinh tồn trên thế giới, thì phải cải lương mọi điều trong sự sinh hoạt của chúng ta, từ tư tưởng, văn tự cho đến miếng ăn, nơi ở, việc làm, cho thích hợp với sự yêu cầu của thời đại mới được. Mà muốn thế, tất phải gia công vào văn tự trước.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh có một câu danh ngôn mà nhiều người hay lặp đi lặp lại, là câu: Nước Nam ta mai sau hay dở thế nào, cốt ở chữ Quốc ngữ. Câu ấy rõ lắm: hễ Quốc ngữ hay là nước Nam hay, Quốc ngữ dở thì nước Nam dở, hai cái quan hệ cùng nhau như phép chính tỉ lệ vậy.
Nhưng tại sao mà hai đằng quan hệ mật thiết như thế? Quốc ngữ có cái thế lực gì mà làm cho nước Nam trở nên dở hoặc hay? Chỗ đó, tưởng nên giải rõ, hầu để biết cho rõ thì mới nhận chân mà làm những việc ta nên làm.
Cho được cải lương mọi sự trong nước thì phải nhờ ngôn ngữ văn tự để làm cái lợi khí tuyên truyền. Cái lợi khí ấy của ta đây là Quốc ngữ; mà hiện nay nó chưa được hoàn thiện lắm cho nên trước hết ta phải nhè nó mà cải lương, mong cho được hoàn thiện.
Bây giờ đây, các điều ta nên gia công cho Quốc ngữ, ấy là làm cho nó thống nhất và thành văn, tức là cái mực hoàn thiện của nó. Thành văn đây nghĩa là làm cho Quốc ngữ nên một thứ chữ dùng mà chép cái học gì cũng được cả; sự đó chưa nói trong bài này. Trong bài này, tôi muốn nói một sự thống nhất.
Tiếng ta chẳng qua có giọng nói hơi khác đó thôi, chứ không có gì sai biệt lắm mà cần đến sự thống nhất. Tuy vậy, chỉ một điều khác giọng đó, tức là phát âm không đồng đó mà đã thấy có sự khiếm tiện rồi. Cho nên tôi nói thống nhất đây là chỉ nói thống nhất về sự phát âm ấy thôi.
Thật thế, người Bắc đọc của người Nam, thấy t với c lẫn nhau, người Nam đọc của người Bắc, thấy tr với ch lẫn nhau, đã sinh chán mà vứt cuốn sách hoặc tờ báo đi rồi. Thế thì có tư tưởng hay, không bón tưới được cho nhau; có tri thức mới, không trao đổi được cho nhau; chữ Quốc ngữ, nói là cái lợi khí tuyên truyền, mà té ra không còn phải là lợi khí nữa. Nếu cứ mãi thế, tôi tưởng cũng là một điều mà chúng ta đáng lấy làm thất vọng. Bởi vậy, sự phát âm về Quốc ngữ cần phải thống nhất là thế.
Cái công phu dùng vào việc ấy chẳng những của các nhà viết báo, viết sách, dạy học trò thôi đâu, cũng là của hết thảy các hạng người. Nói thế nghĩa là tôi muốn cho ai nấy, trong khi đọc và viết cũng phải cần phát âm cho trúng. Mỗi người tự sửa lấy cho mình và cũng sửa cho người khác nữa, như thế dần dần chúng ta sẽ đạt đến sự thống nhất về phát âm.
Như người Nam kỳ ra ở Hà Nội, phải có ý bắt chước chỗ đúng của người Bắc mà sửa chỗ sai của mình; người Trung Bắc vào Nam cũng vậy. Hay là có thể thì sửa cái chỗ sai của nhau lại càng tốt hơn.
Thế nhưng có một cái hiện trạng lâu nay, làm cho tôi thấy mà ngã lòng. Tôi viết bài này, kính cáo cùng anh em chị em từ Bắc vào Nam là vì đó.
Như ở Sài Gòn, ngoài nhiều vần phát âm sai ra, có một vần sai quá lắm, là v mà nói ra d hay gi, như đi vào thì nói đi dào; đi về thì nói đi dề. Cái sai ấy lạ lắm! Chẳng phải người Nam nói vần v không được đâu, trong khi đọc tiếng Pháp, họ vẫn đọc trúng, nhưng đến khi nói tiếng ta lại nói sai.
Cái sai ấy, tôi tưởng người Sài Gòn nên sửa đi mới phải; còn người Trung - Bắc vào ở Sài Gòn, nếu không sửa giùm cho họ được thì thôi, chẳng nên nói theo họ làm chi.
Thế mà tôi thấy hầu hết người Trung-Bắc vào Nam đều bắt chước mà nói vần v ra vần d. Có nhiều tay học thức khá lắm mà cũng làm như vậy. Hỏi làm như vậy để làm gì, thì họ nói, trong sự giao thiệp phải vậy cho được dễ dàng hơn. Nhưng tôi xét kỹ thì sự ấy quả không cần mà chỉ có hại cho tiếng mẹ đẻ đấy thôi!
Người Đàng ngoài vào đây muốn dễ dàng trong sự giao thiệp mà phải theo tiếng ở đây, điều đó vẫn có lẽ. Nhưng, theo cũng phải có hạn chế: như nói cái dù thay vì cái ô, cắc bạc thay vì hào bạc, hộp quẹt thay vì bao diêm ấy là những tiếng đáng theo đó, vì nếu nói rặt theo Bắc thì người Nam kỳ dầu có nói đi dề, đi dô, mặc họ, song khi nghe đi về, đi vô, họ cũng vẫn hiểu, thì sao ta lại bỏ cái đúng của ta, theo cái sai của họ làm chi?
Tôi ở Sài Gòn bẩy tám năm nay, cứ nói đúng theo tiếng ta, không hề khi nào nói đi dề đi dô, cũng như trước kia tôi ở Hà Nội, không hề nói con châu (trâu) cái chắp (trắp) vậy. Vậy mà chẳng khi nào tôi gặp người nào không hiểu tôi. Do sự kinh nghiệm ấy, tôi biết sự đổi v ra d là không cần cho người Trung - Bắc ở Sài Gòn và Nam kỳ, dầu đến sự giao thiệp quan hệ cho mấy cũng không cần.
Thế mà có một ông thanh niên Bắc kỳ ở đây, là người tôi vẫn yêu kính lắm, lại cho rằng làm như tôi vậy là cổ quái (nguyên ông ấy dùng tiếng Pháp là: original)! Tôi xét mình chẳng thấy cái cổ quái ấy ở đâu! Ngặt quá, tôi phải trả lời rằng tại các ông đi với nhau một đường hết, nên mới làm cho tôi ra cổ quái đó thôi.
Vậy tôi viết bài này kính cáo hết thảy anh em chị em ở Đàng ngoài sẽ vào Nam kỳ trong ngày mai. Xin ai nấy hãy đoái đến sự lợi hại của tiếng nói nước nhà mà chớ có noi theo dấu xe đã úp, tức là đổi vần v ra d cùng làm sự khác giống như vậy trong khi đặt chưn xuống đất Nam kỳ.
Ai nấy đều hô lên rằng mình tôn trọng quốc văn, mình yêu tiếng mẹ đẻ, mà thực tình ra thì lại làm nó xạo bậy, bóp họng cho nó chết non, có phải chăng là việc làm không đoái lại lời nói của mình?
Xin ai nấy chớ lấy việc tôi nói đây làm không quan hệ hay là ít quan hệ. Nhưng mỗi người phải coi nó là việc cần mình phải làm.
Há chẳng thấy sự khó khăn ở bên Tàu sao? Bên Tàu vì các tỉnh phát âm khác nhau mà họ phải đặt ra chú âm tự mẫu, lập ra độc âm thống nhất hội, và dùng đến máy lưu thanh trong các học hiệu để dạy cách phát âm. Bao nhiêu việc họ làm đó là cốt để cứu cái nạn phát âm bất nhất, hầu cho văn tự của họ đến bậc hoàn thiện.
Tiếng nói nước ta không đến nỗi sai biệt như của Tàu, chỉ có hơi khác, thì lo mà sửa ngay đi bây giờ, không bao lâu sẽ thấy cái hiệu thống nhất. Ví bằng cứ làm như người đương thời đây, mình nói đúng trở lại làm cho sai đi, như thế, lâu ngày rồi sẽ hỗn loạn đến đâu! Không khéo rồi đôi trăm năm nữa, con cháu chúng ta nó sẽ phải lập ra những chú âm tự mẫu, những độc âm thống nhất hội và dùng máy lưu thanh để dạy cách phát âm, thì chúng ta có đáng làm ông làm cha chúng nó chăng?
Phan Khôi