Vãn Nguyễn Duy, Định biên tán lý

Văn Nguyễn Duy, Định biên tán lý
của Nguyễn Thông

Ngày 16 tháng Giêng năm Tân Dậu (1861), niên hiệu Tự Đức thứ 14, quân Pháp đánh đồn Phú Thọ, Nguyễn Duy ra sức đánh lại, bị tử trận, xác đã biến, không nhận rõ được hình người nữa, có người biết được dấu áo ông thường mặc, bèn lượm xác đem về táng ở cửa Đông thành Biên Hòa. Sau bác của ông là Tráng liệt bá (tức Nguyễn Tri Phương) sai người lấy hài cốt về an táng ở Thừa Thiên (lời chua của tác giả). Theo Hội khoa lục thì Nguyễn Duy là em Nguyễn Tri Phương đậu tiến sĩ năm 1842.

Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa


Tây phong phiêu đại thụ[1],
Nhất tịch ế viên môn[2].
Mãn địa mai hùng lược,
Tam quân khấp cựu ân.
Đồ tích không y táng,
Na tri hạo khí tồn[3].
Niên niên hư trủng thượng,
Di lão loại phương tốn[4].

Điếu ông Nguyễn Duy làm chức tán lý định biên
Một đêm gió tây thổi mạnh,
Cây đại thụ ngã che cửa đồn.
Đầy đất chôn vùi người có mưu lược anh hùng,
Ba quân nhớ ơn đức hồi trước đến than khóc.
Luống tiếc chỉ nhận được dấu áo, thu hài cốt về mai táng,
Hay đâu hạo khí mãi vẫn còn.
Hằng năm trên chỗ mộ phần cũ,
Các bạn già sống sót rưới rượu lên ngọn cỏ thơm

   




Chú thích

  1. Đời Đông Hán, Phùng Dị làm tướng, khi các quan bàn cãi công lao, ông chỉ ngồi lặng lẽ bên cây đại thụ, người ta gọi ông là "Đại thụ tướng quân". Do đó, sau dùng chữ đại thụ để chỉ vị tướng quân giỏi. Ở đây chỉ Nguyễn Du.
  2. Viên môn: Cửa đồn đóng quân.
  3. Hạo khí: khí tiết chính thẳng cứng cỏi.
  4. Phương tốn: cỏ thơm.