Vài lời hỏi ông Nguyễn Phan Long chủ nhiệm Đuốc nhà Nam
Kính cùng Ông Nguyễn Phan Long
Gần nay, trong Trung lập, những bài bút chiến với quý báo và những bài công kích đảng Lập hiến đều do tay tôi viết ra. Tôi nghĩ rằng theo phép làm báo đúng đắn, khi công kích một cái cơ quan hay một cái đoàn thể nào, ký tên của tờ báo thì có vẻ trịnh trọng hơn là ký tên của người viết, vì vậy nên luôn luôn tôi ký tên Trung lập mà không ký tên tôi, chớ chẳng phải tôi nhút nhát hay là sợ sệt gì.
Dầu tôi không ký tên tôi mặc lòng, nhiều người cũng biết là của tôi viết, mà ông cũng vậy. Vì tôi có đem chuyện ấy khai thiệt với người anh em bạn của tôi, ông Đào Trinh Nhất, chủ bút của ông. Hễ ông Đào biết, tức là ông biết.
Nói ra có lẽ ông không tin, chớ tôi viết những bài công kích ấy là do ở cái mạng lịnh của lương tâm tôi, chớ chẳng vì một cớ nào khác cả. Sự ông không tin tôi đó thì cũng như ông Đức Kỉnh nào đó ký tên trong tờ báo của ông cùng nhiều người khác đã nghi tôi về việc mấy năm trên. Mà chính ông, chừng như cũng là một người trong đám ấy. Vì năm 1926, ông Dejean de la Bâtie, bấy giờ đương làm chủ bút tờ Echo Annamite của ông, có nói với tôi rằng một ngày kia, ông nói cùng ông ấy rằng : “ông Arnoux (bấy giờ làm chủ sở lính kín Sài Gòn) có kêu điện thoại mà nói cùng tôi (ông Long tự xưng) rằng có tên mật thám của khâm sứ Trung Kỳ là Phan Khôi ở Huế mới vô, phải coi chừng nó”. (!)
Tôi bị người ta nghi như vậy đến hai ba năm, mà tôi chẳng hề có một lời nào biện hộ cho mình hết, vì tôi tin quyết lời nầy của Jésus-Christ : “Vậy các ngươi đừng sợ ; vì chẳng có việc chi giấu mà chẳng phải bày ra, cũng chẳng có việc gì kín nhiệm mà sau sẽ chẳng biết”. Lần nầy là lần thứ nhứt nhơn có tờ báo ông bới móc ra mà tôi mới bộc bạch qua ít lời.
Tôi lại còn vững dạ ở điều nầy. Tôi coi ra những người nghi cho tôi, phần nhiều là những người tầm thường ít học thức, hoặc là những người đã biết rõ mà cũng lợi dụng cơ hội để khuynh hãm nhau, như ông Đức Kỉnh của ông đó. Còn minh đạt như ông, ít nữa cũng không đến nỗi có sự nghi bậy như vậy mới phải, nên tôi có ý dè dặt trong khi nói, trên kia tôi mới dùng những chữ “có lẽ… chừng như…”
Thôi, hãy nói chuyện hiện thời. Đừng nói đến lương tâm làm chi cho khó biết, cứ mực đen giấy trắng thì những bài công kích ông và đảng Lập hiến trên tờ Trung lập trước rày điều là cứ theo sự thiệt và lẽ phải chăng mà nói, chớ có đều gì chỉ ra được là vì thù hiềm hay tư ý ở đâu ? Những bài ông trả lời Trung lập cũng đều có chuyển đăng để cho ai nấy biết lời lẽ của hai bên mà xét đoán. Nói tóm lại, chúng tôi làm việc công kích nầy là đường đường chánh chánh, mà lại có ích lợi nữa. Sự ích lợi đó đã có nói rõ nhiều lần trong mấy bài của chúng tôi.
Theo địa vị ông ở trong cái cảnh ngộ nầy, nếu ông còn có lẽ gì mà đối đáp lại chúng tôi thì cứ viết ra mà đối đáp như ba bài hôm trước, còn nếu ông cạn lẽ rồi thì thôi, chúng tôi chẳng ép nài ông. Vả lại, trong Trung lập cũng đã rao trước rằng cuộc công kích đảng Lập hiến không còn mấy bài nữa thì hết.
Lẽ đáng như vậy sao ông không làm, mà lại làm ra những điều tỏ dấu không phải là quân tử ? Hôm trước tờ báo ông có bài hỏi chủ nhiệm Trung lập có nghị định nào của chánh phủ hôm mới rồi lại dùng lời xiên xỏ để kiêu ngạo tôi. Ông biết phép làm báo lắm chớ, trong khi hai bên đương công kích ý kiến cùng nhau, nên chuyên về một mặt ý kiến mà biện luận, sao ông lại để lọt vào những bài bất chánh đáng như vậy ? Tôi cũng từng làm báo, nhưng chưa từng dùng cái lối bất chánh đáng ấy, cho nên thấy ai dùng tôi phải tỏ ý ra là tôi khinh. (Câu nầy tôi bắt chước cái giọng như đã nói với Trung lập bữa trước mà nói lại với ông).
Chớ phải viết xỏ xiên như vậy rồi khi người ta viết lại cũng dạn dĩ mà đối đáp sao ! Hôm trước Trung lập viết lại một bài rồi tịt ; còn hôm vừa rồi, tôi xin người viết trả lời minh bạch cho tôi cũng trả lời ấp úng. Như vậy thì còn châm chọc người ta làm chi cà ?
Cuộc bút chiến Đuốc nhà Nam – Trung lập bữa trước mà sớm êm đi, liễu kết bằng một cách dễ chịu, tuy là do cái ý hướng hòa bình của ông chủ nhiệm Trung lập đã tỏ ra từ trước, song cũng có do cái tình bằng hữu của ông Đào Trinh Nhất và tôi, hai chúng tôi đã thu xếp riêng với nhau. Bấy giờ ông Đào có hứa cùng tôi rằng khi cuộc bút chiến đình rồi, muốn nói về chuyện chi thì nói, chớ không đăng những bài châm chọc riêng nhau nữa.
Vậy mà từ bấy đến nay, Quý báo châm chọc chúng tôi hai lần rồi. – Hay là lại muốn khêu chiến nữa ? – Tôi rất tiếc rằng vì cái thái độ bất chánh đáng của Quý báo mà làm cho ông Đào Trinh Nhất, bạn tôi, phải nhìn tôi một cách bợ ngợ trong khi đã đổ lời hứa xuống sông !
Về sự ông Đức Kỉnh, là người nào không biết, đã viết bài trong báo ông mà nói xấu tôi, tôi hẵng để đó. Ông là chủ nhiệm của tờ báo Đuốc nhà Nam, vậy nên tôi phải có ngỏ cùng ông mấy lời nầy.
PHAN KHÔI