Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ


                                                  VÀO thời gian phê chuẩn bản Hiến pháp này, Hội nghị của một số tiểu bang, đã thể hiện lòng mong ước ngăn chặn những sai trái hay lạm dụng quyền lực của bản Hiến pháp này, cho rằng cần phải bổ sung một tuyên bố rõ ràng hơn về các quyền của dân chúng và có những điều khoản hạn chế quyền của chính phủ, để tăng niềm tin của dân chúng vào chính quyền và để đảm bảo tốt nhất những mục đích tốt đẹp của thể chế này.

Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ  (1791)  của Quốc hội Hoa Kỳ
Thông qua năm 1791 (vẫn còn được sử dụng, dù điều số 1 chưa bao giờ được thông qua, và điều số 2 đến năm 1992 mới được thông qua)

Dự thảo ngày 8 tháng 6 - 25 tháng 9 năm 1789; Ký ngày 28 tháng 9 năm 1789; Các điều từ 3 đến 12 được thông qua ngày 15 tháng 12 năm 1791; Điều 2 thông qua ngày 7 tháng 5 năm 1992.

Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ

Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ là 10 tu chính án đầu tiên cho Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Các tu chính án này đã được James Madison đưa ra trong một loạt các tu chính án hiến pháp vào năm 1789 tại Đại hội thứ nhất. Mười tu chính án này đã được phê chuẩn và trở thành Đạo luật Nhân quyền (hay Mười điều khoản về nhân quyền của Hiến pháp Mỹ) vào năm 1791. Các tu chính án này hạn chế quyền lực của chính quyền liên bang, bảo vệ quyền của tất cả công dân, những người sinh sống và khách trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Trong các quyền được liệt kê mà các tu chính án này đảm bảo có: tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do tôn giáo; quyền được mang vũ khí của người dân; quyền tự do hội họp; quyền tự do kiến nghị; và các quyền không bị lục soát và tịch thu vô lý; hình phạt tàn bạo và bất bình thường; và tự buộc tội do bị ép buộc. Tuyên ngôn nhân quyền cũng hạn chế quyền của Quốc hội bằng cách cấm Quốc hội ban hành luật về thành lập tôn giáo và bằng cách cấm chính quyền liên bang tước quyền sống, quyền tự do hay tài sản của bất cứ người nào mà không thông qua tố tụng pháp luật.
Tuyên ngôn Nhân quyền là văn bản thứ ba trong ba văn bản có tên chung là Hiến chương Tự do cùng với Tuyên ngôn Độc lậpHiến pháp.

Tuyên ngôn Độc lập | Các điều khoản Hợp bang | Hiến pháp | Tuyên ngôn Nhân quyền | Các tu chính án Hiến pháp


Quốc hội Hợp chúng quốc,

bắt đầu nhóm họp tại thành phố New York, vào

ngày thứ Tư lần thứ tư của tháng 3, năm 1791.

                                                  THEO quyết định của Thượng viện và Hạ viện của Hợp chúng quốc, 2/3 đại biểu của cả hai Viện đã đồng ý rằng những điều khoản sau đây sẽ gửi đến các cơ quan lập pháp tiểu bang, như những tu chính án cho bản Hiến pháp Hợp chúng quốc. Tất cả, hay bất kỳ một điều khoản nào ở đây, khi được 3/4 các cơ quan lập pháp tiểu bang, đã nói ở trên, phê chuẩn, sẽ có giá trị về mọi ý nghĩa và mục đích như một phần của bản Hiến pháp.

                                                   CÁC ĐIỀU KHOẢN bổ sung này và các bản tu chính án của Hiến pháp Hợp chúng quốc, được Quốc hội đề xuất và được các cơ quan lập pháp tiểu bang thông qua, tuân theo đúng qui định tại điều 5 của bản Hiến pháp.

Điều thứ nhất. .... Sau cuộc kiểm tra dân số đầu tiên theo quy định ở điều đầu tiên của Hiến pháp, cứ 30.000 người sẽ có một Hạ nghị sĩ cho đến khi đạt đến 100 đại biểu, sau đó tỷ lệ này sẽ được Quốc hội điều chỉnh, sao cho không ít hơn 100 đại biểu, hoặc không dưới một đại biểu trên 40.000 người, cho đến khi số đại biểu đạt đến 200; sau đó nữa Quốc hội sẽ tiếp tục điều chỉnh, sao cho có không ít hơn 200 đại biểu, hoặc không dưới một đại biểu trên 50.000 người.

Điều thứ hai ... Sẽ không có luật nào điều chỉnh mức lương của các Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ được phép thông qua, cho đến khi diễn ra một cuộc bầu cử Hạ viện.

Điều thứ ba ...... Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo, hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền của dân chúng được hội họp ôn hòa và kiến nghị lên chính phủ các điều thỉnh cầu, để bày tỏ những nỗi bất bình của họ.

Điều thứ tư..... Vì lẽ một đội dân quân được tổ chức nghiêm chỉnh là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, nên quyền của dân chúng được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không bị vi phạm.

Điều thứ năm ....... Không một quân nhân nào, trong thời bình, lại được đóng quân trong bất cứ nhà dân nào, nếu không được sự đồng ý của chủ nhà và ngay cả trong thời chiến, cũng phải tuân theo qui định của luật pháp.

Điều thứ sáu ...... Quyền của con người được đảm bảo về cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự khám xét, tịch thu và bắt giam vô lý, sẽ không được vi phạm. Không một lệnh, trát nào được cấp, nếu không có lý do xác đáng căn cứ vào lời tuyên thệ, hoặc sự xác nhận, đặc biệt cần miêu tả chính xác địa điểm khám xét và chỉ rõ người và đồ vật phải bắt giữ.

Điều thứ bảy .. Không một ai bị buộc phải trả lời về một trọng tội, hay một tội xấu xa khác, nếu không có một cáo tội trạng hay tố cáo trạng do bồi thẩm đoàn đưa ra, trừ những trường hợp xảy ra trong lục quân, hải quân, hoặc trong lực lượng dân quân dự bị, khi đang thi hành công vụ trong thời chiến, hoặc trong tình trạng báo động. Không một ai sẽ bị kết án hai lần về cùng một tội có nguy hại đến tính mạng và thân thể. Không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng luật. Không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường thích đáng.

Điều thứ tám ... Trong mọi trường hợp truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử một cách nhanh chóng và công khai bởi một bồi thẩm đoàn công bằng của bang hoặc khu vực nơi tội trạng xảy ra, nơi đã được pháp luật chỉ định trước. Bị cáo có quyền được biết về tính chất và lý do buộc tội, được đối chất với các nhân chứng chống lại mình, được quyền triệu tập những nhân chứng để biện minh và được nhận sự giúp đỡ của luật sư bào chữa.

Điều thứ chín .. Trong những vụ kiện tụng theo thông luật, nếu giá trị tranh chấp quá 20 đôla, quyền được xét xử bằng bồi thẩm đoàn phải được tôn trọng. Không một vụ việc nào, sau khi đã được Bồi thẩm đoàn xét xử, lại bị xem xét một lần nữa ở bất cứ tòa án nào của Hợp chúng quốc mà phải căn cứ theo các quy tắc của thông luật.

Điều thứ mười ..... Không được đòi hỏi những khoản tiền bảo lãnh quá cao, không được áp đặt những khoản tiền phạt quá mức và không được áp dụng những hình phạt dã man và khác thường.

Điều thứ mười một .... Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân.

Điều thứ mười hai ... Những quyền không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị ngăn cấm đối với các bang đều thuộc về các bang hoặc dành cho dân chúng.”

LÀM CHỨNG,

Frederick Augustus Muhlenberg  Chủ tịch Hạ viện
John Adams, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Chủ tịch Thượng viện.

John Beckley, Thư ký Hạ viện.
Sam A. Otis, Thư ký Thượng viện.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch:

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.