Biên dịch:Tuyên bố Potsdam

(Đổi hướng từ Tuyên bố Potsdam)
Tuyên bố Potsdam  (1945) 
của Harry S. Truman, Winston ChurchillTưởng Giới Thạch, do Wikisource dịch từ tiếng Anh
Tuyên bố Potsdam là thông báo được Harry S. Truman, Winston ChurchillTưởng Giới Thạch đưa ra ngày 26 tháng 7 năm 1945, trong đó phác thảo các điều kiện cho sự đầu hàng của Nhật Bản như đã thỏa thuận tại Hội nghị Potsdam trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuyên bố này thông báo rằng nếu Nhật Bản không đầu hàng thì họ có thể phải đối mặt với sự "hủy diệt ngay lập tức và toàn bộ."
Trích dẫn từ Tuyên bố Potsdam của Wikipedia, bách khoa toàn thư mở.

     Tuyên bố chung ba nước Mỹ, Anh, Trung

        (Thành phố Potsdam, ngày 26 tháng 7 năm 1945)

(1) Chúng tôi, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Chủ tịch Chính phủ Quốc dân Trung Hoa Dân Quốc và Thủ tướng Đại Anh, đại diện cho hàng trăm triệu công dân của chúng tôi, đã thảo luận và đồng ý rằng Nhật Bản sẽ được trao một cơ hội cuối cùng để kết thúc cuộc chiến tranh này.

(2) Các lực lượng lục quân, hải quân và không quân của Hoa Kỳ, Đế quốc Anh và Trung Quốc đã liên tục được tăng cường từ sự tăng viện cho quân đội và các phi đoàn không quân từ phía tây, đang sẵn sàng để tiến hành những trận tấn công cuối cùng vào Nhật Bản. Điều này được khẳng định bằng sức mạnh quân sự và ý chí quyết tâm của tất cả các quốc gia Đồng Minh để khởi động một cuộc tổng tấn công chống lại Nhật Bản cho đến khi nước này không còn sức chống cự.

(3) Kết quả của cuộc kháng cự vô ích và vô nghĩa của nước Đức có thể đánh thức những dân tộc trên thế giới, cho họ thấy rõ những hiểm họa khủng khiếp là một ví dụ dành cho người dân Nhật Bản. Như đã áp dụng khi phản công Đức Quốc xã, nhất thiết cuộc tiến công sẽ gây ảnh hưởng tai hại đến đất đai, các vùng công nghiệp và cuộc sống của nhân dân Đức; việc tập trung sức mạnh chống lại nước Nhật Bản còn vô cùng lớn hơn. Việc áp dụng đầy đủ sức mạnh quân sự của chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các giải pháp của chúng tôi, và điều đó có nghĩa là sẽ có sự hủy diệt không thể tránh khỏi và hoàn toàn của các lực lượng vũ trang Nhật Bản cũng như không tránh khỏi sự tàn phá chắc chắn xảy ra đối với tổ quốc của người Nhật Bản.

(4) Đã đến lúc người Nhật Bản phải tự quyết định xem họ có nên để cho mình tiếp tục bị những người có đầu óc hiếu chiến kiểm soát mà không sáng suốt nhận thấy rằng chính họ đang đưa Đế quốc Nhật Bản đến ngưỡng cửa của sự hủy diệt; hoặc hành động theo con đường của lương tri.

(5) Sau đây là các điều kiện của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không thay đổi chúng. Cũng không có lựa chọn thay thế. Chúng tôi cũng sẽ không chờ đợi thêm nữa.

(6) Phải xác định thời hạn cho việc loại bỏ tất cả các quyền hạn và ảnh hưởng của những người đã lừa dối người dân Nhật Bản bắt tay vào cuộc chinh phục thế giới. Chúng tôi nhấn mạnh rằng sẽ không thể có một trật tự mới của hòa bình, an ninh và công lý cho đến khi chủ nghĩa quân phiệt vô trách nhiệm hoàn toàn bị loại bỏ trên thế giới.

(7) Đến khi một trật tự mới được thiết lập và đến khi có bằng chứng thuyết phục rằng sức mạnh chiến tranh của Nhật Bản đã bị tiêu hủy, những địa điểm trong lãnh thổ Nhật Bản sẽ bị chiếm đóng theo chỉ định của các nước Đồng Minh để bảo đảm đạt được các mục tiêu cơ bản mà chúng tôi đang thiết lập ở đây.

(8) Các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện và chủ quyền của Nhật Bản được giới hạn ở các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và các đảo nhỏ do chúng tôi xác định.

(9) Các lực lượng quân sự Nhật Bản, sau khi đã hoàn toàn giải giáp, được phép trở về gia đình họ với những cơ hội được sống một cuộc sống trong hòa bình và trong lao động.

(10) Chúng tôi không có ý định biến Nhật Bản thành nô lệ như là một chủng tộc hoặc một quốc gia đã bị hủy hoại, nhưng sự công bằng phải được thực thi bằng luật pháp một cách nghiêm túc đối với tất cả tội phạm chiến tranh, kể cả những người đã truy bức một cách tàn bạo trên những tù nhân của chúng tôi. Chính phủ Nhật Bản sẽ phải loại bỏ tất cả những trở ngại ảnh hưởng đến việc tái thiết và tăng cường các xu hướng dân chủ trong nhân dân Nhật Bản. Quyền tự do ngôn luận, tôn giáo và tư tưởng, cũng như sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người phải được xác lập.

(11) Nhật Bản sẽ được phép duy trì những ngành công nghiệp cũng như duy trì nền kinh tế của mình và chỉ phải bồi thường chiến tranh bằng hiện vật, nhưng không bao giờ được phép phục hồi những ngành công nghiệp mà sẽ cho phép họ tái vũ trang để phục vụ chiến tranh. Để đáp ứng điều kiện này, cần có sự truy xét và kiểm soát gắt gao đối với những nguyên vật liệu sẽ được cho phép sử dụng. Cuối cùng, Nhật Bản có thể tham gia vào các quan hệ thương mại quốc tế khi điều kiện cho phép.

(12) Các lực lượng chiếm đóng của quân Đồng Minh sẽ được rút khỏi Nhật Bản ngay sau khi đạt được những mục tiêu này và ngay sau khi thành lập một chính phủ có lập trường hòa bình và chịu trách nhiệm trước luật pháp, phù hợp với chính kiến tự do của người dân Nhật Bản.

(13) Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Nhật Bản ra tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức đối với toàn bộ lực lượng vũ trang Nhật Bản, và đưa ra sự đảm bảo thích đáng và đầy đủ đối với thiện chí của họ trong hành động như vậy. Sự lựa chọn khác cho Nhật Bản là bị hủy diệt ngay lập tức và toàn bộ.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng, không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền theo Điều 13 Luật Bản quyền Nhật Bản. Điều 13 qui định sẽ không cấp bản quyền cho một công trình thuộc một trong các thể loại sau:

  1. Hiến pháp, pháp luật và điều lệ khác;
  2. thông báo công khai, hướng dẫn, thông tư và các văn bản tương tự ban hành bởi các cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức công cộng địa phương, cơ quan hành chính độc lập hoặc cơ quan hành chính độc lập địa phương;
  3. bản án, quyết định, mệnh lệnh, nghị định của tòa án, cũng như phán quyết và bản án được thực hiện bởi các cơ quan chính phủ trong thủ tục tố tụng có tính chất gần tư pháp;
  4. bản dịch và bản biên soạn được phụ trách bởi các cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức công cộng địa phương, cơ quan hành chính độc lập hoặc cơ quan hành chính độc lập địa phương của [bất kỳ] tài liệu được liệt kê trong ba mục trước.
Bản dịch:

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.