Truyện ăn mày  (1907) 
của Nguyễn Văn Vĩnh

Bài báo này được viết trong "Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo", số 822 ra ngày 17 tháng 10 năm 1907, viết với bút danh T-N-T.

Làm người ta muốn ăn ở nhân-đức, thì trông thấy người nghèo đói phải thương, nhưng mà quanh năm ngoài tháng, lúc nào cũng phải thương thì chịu làm sao được. Cả ngày có lúc động lòng, có lúc buồn, nhưng cũng phải có lúc vui cười, cũng có lúc thích trí: hoặc vợ đi vắng về, hoặc con ươn khỏi, hoặc trăm nghìn cảnh khác làm cho ta tươi tỉnh một hồi, thế mà đang cười nói hớn-hở, một mụ rách rưới lù-lù kéo một ổ con đến kêu đói kêu rét, thì ra một đời ta không lúc nào vui cả sao? Hết buồn cảnh nhà, lại buồn cảnh người.

Như thế thì ta muốn cho ngoại lúc có công việc được ăn ngon ngủ yên, thì phải tìm cách nào mà làm cho tiệt hẳn cái ăn mày đi mới được: Nghĩa là phải làm thế nào cho kẻ nghèo đói khỏi phải đi lũ lượt từng nhà, nằn nì phơi bộ xương còm áo rách ra, để cho những người có lòng tâm-đức trông mãi cái cực khổ, rồi hóa quen mắt đi, không biết cái gì là cái thương nữa.

Trước hết ta hãng nên biết tại làm sao mà họ đi ăn mày đã. Vì mù lòa què quặt, mà đi ăn mày cũng có; đàn-bà lắm con quá, kiếm không đủ nuôi, hoặc không rời con ra được, mà đi gồng thuê gánh mướn, cho nên phải đem đàn con đi ăn xin cũng có; nhỡ đường cạn lương mà đi ăn mày cũng có; làm biếng mà đi ăn xin cũng có; xưa công-tử công-tôn, lúc còn cậu-ấm cậu-chiêu học-hành biếng trễ, đam giai gái mà hết nghiệp, lại đeo thêm cái tĩnh quỉ-sùi, nên phải đi gãi đầu gãi tai ăn xin cũng có; thấy nghề kiếm tốt mà lại dễ cho nên đi ăn xin cũng có.

Trong từng ấy hạng ăn xin, thì kể ra cũng lắm hạng nên thương lắm, như đám đui mù, đàn-bà con mọn, nhưng cũng nhiều đứa thực là không đáng cứu-cấp một chút nào. Có tiền vất xuống sông xem tăm còn hơn rằng dong những kẻ ăn không làm biếng ấy. Như là mấy đứa lười thấy nghệ ngửa tay dễ kiếm ăn, xé áo, xé quần, bôi bùn vào mặt, có nón dấu đi để phơi đầu ra nắng, thuê trẻ con đem đi làm mồi cho thiên-hạ thương. Những đứa ấy thì không những là mang một tội đánh lừa người nhân-đức, lại còn một tội làm đói lây kẻ cùng thực nữa.

Đã đành rằng thế, nhưng làm cách nào mà phân biệt được kẻ ăn-mày thực với kẻ ăn-mày giả. Nghề ăn-mày bây giờ cũng noi theo văn-minh lắm; cũng khéo làm cho người trông đỉa hóa rươi lắm. Cũng không nên vì có mấy đứa ăn xin giả mà nỡ bỏ không thương những đứa ăn-xin thực.

Cũng có người thấy những kẻ ăn-mày khéo mồm khéo miệng, kêu thì khéo làm quang-quác lên như gà, cái mồm thì khéo nhẻ nhè ra để bắt chước dọng bụng-lép, có người cứ thấy thế thì bảo đó là ăn-mày giả, vì bụng đã đói thì sao còn nghĩ đến sự quai mồm ra như trò phường-trèo. Đã đành thế, nhưng xin các ông cũng nên nghĩ lại cho người ta. Bụng đói thì hay nghĩ cào. Nay thử cách này mai thử cách kia, quí hồ có người cho thì thôi.

Cứ như thế thì tôi thiết tưởng ta không nên ghét ăn-mày, mà cũng không nên nệ : đổi vài quan tiền kẽm cứ đứa nào đến cửa cũng vất cho một đồng. Cách ấy không những là chỉ cứu người nghèo được một lúc, song lại còn dong cho những kẻ lười đi xin cũng được tiền.

Thành-phố ta bây giờ phải xin với quan Đốc-lý (mà tôi biết quan Đốc-lý cũng sẵn lòng ưng như thế) mở một cái xiểng bằng lá ở ngoại châu-thành, rồi bao nhiêu người mù lòa tàng tật bắt hết đem vào xiểng ấy, để tập cho làm nghề dễ : như say lúa, đan đồ mây. Còn những đứa khỏe mạnh mà đi ăn mày thì cũng bắt vào đấy làm. Những đồ ấy Nhà-nước đem bán rồi thì trừ tiền ăn còn bao nhiêu để rành cho đứa làm. Trong xiểng ấy phải phân ra nhiều nơi: nơi khó nhọc vừa, để những người thực tàng tật đui mù; nơi thì khó nhọc lắm, canh gác ngặt, để những người không có tàng tật Ai đói vào đấy có việc làm ngay, nhưng ít ra cũng phải ở ngoại 10 ngày, chớ không được vào sớm ra trưa, để kiếm bữa ăn rồi lại đi xin.

Thế thì đã là diệu rồi, nhưng lại ngại một điều rằng: ăn mày ở các tỉnh thấy ở Hà-nội có sở làm ăn, thì kéo cả đến nhiều người quá thì làm thế nào? Hai nữa là lúc mới bây giờ thì lấy tiền đâu mà xuất ra, để làm xiểng và ứng tiền cơm cho lớp đầu.

Việc tiền thì cũng dễ : Nhà-nước cho được ít nào thì cho, quí hồ làm cho cái xiểng, cho mấy mẫu đất, và cho mấy người coi xiểng. Còn thì bắt hàng phố mỗi nhà có cửa hàng chịu vài hào, một đồng bạc dở lại, thì chắc khỏi được cái phiền ăn-mày quanh năm thì cũng chẳng ai tiếc. Tiền ấy để mua đồ làm, hoặc dao, hoặc cối say, cung-cửi, sợi-chuối, v. v. Còn như các tỉnh thì nên bắt mỗi tỉnh chịu một ít tiền tiêu pha tùy số người. Việc đó để quan Đốc-lý bàn với các quan Công-sứ các tỉnh. Hoặc lại còn một kế nữa là bàn với những các ông đồn-điền về phía Thượng-du đương cần người. Bao nhiêu người mù lòa tàng tật thì giữ ở đây còn bao nhiêu người mạnh mẽ thì giao cho các ông đồn-điền đem đi cho làm ăn. Hạn chỉ giữ ở xiểng từ một ngàn hay là ngàn rưởi người dở lại mà thôi. Như thế thì những người nghèo các tỉnh cũng đã biết trước rằng: nhiều người quá thì phải đi xa, có muốn bám xó nhà thì đừng kéo ra Hà-nội lắm. Tôi tưởng điều đó là công-minh lắm, vì có đất bỏ hoang, việc gì không làm lại cứ ở Trung-châu mà đói, lại làm cho kẻ khác đói lây.

Những cách thức lương lậu mà các ông đồn-điền hoặc Nhà-nước có dùng, phải ban cho bao nhiêu thì nên định trước, tỉnh này thì lương bao nhiêu, tỉnh kia thì lương bao nhiêu, tùy gần xa, nước lành nước độc.

Đó là mấy điều tôi thiển nghĩ, định trình quan Đốc-lý, xin các Quí-khách có ai nghĩ được cách gì diệu hơn, thì bảo dúp cho.

T-N-T