Truyền kỳ mạn lục/10
CHUYỆN PHẠM TỬ-HƯ LÊN CHƠI THIÊN-TÀO
Phạm Tử-Hư quê ở Cẩm-giàng, là một người tuấn-sảng hào-mại, không ưa kiểm thúc. Theo học nhà xử-sĩ Dương Trạm, Trạm thường răn Tử-Hư về cái tính hay kiêu-căng. Từ đấy chàng cố sức sửa đổi, trở nên người có đức tính tốt.
Khi Dương Trạm chết, các học-trò đều tan đi cả, duy Tử-Hư làm lều ở mả để chầu-chực, sau ba năm rồi mới trở về. Năm 40 tuổi, Tử-Hư đi thi vẫn chưa đỗ; đời Trần, sang du học ở kinh, ngụ ở trong một nhà dân bên bờ hồ Tây.
Một buổi sáng, Tử-Hư ở nhà trọ đi ra, trong áng sương mù thấy có một đám những tàn vàng kiệu ngọc bay lên trên không; kế lại có một cỗ xe nạm hạt châu, kẻ theo hầu cũng rất chững-chạc. Tử-Hư khẽ dòm trộm xem thì người ngồi trong xe, chính thầy học mình là Dương Trạm. Chàng toan đến gần sụp lạy nhưng Trạm xua tay nói:
— Giữa đường không phải chỗ nói chuyện; tối mai nên đến đền Trấn-võ ở cửa Bắc, thầy trò ta sẽ hàn-huyên một hôm.
Tử-Hư bèn sắm sẵn rượu và thức nhắm, đúng hẹn mà đến. Thầy trò gặp nhau vui-vẻ lắm, chàng nhân hỏi rằng:
— Thầy mới từ trần chưa bao lâu, thoắt đã trở nên hiển-hách khác hẳn ngày trước, xin thầy cho biết rõ duyên-do để con được vui mừng.
Dương Trạm nói:
— Ta thủa sống không có một điều thiện nào đáng khen, chỉ có hay giữ điều tín thực đối với thầy bạn; quý-trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi. Đức Đế-quân đây ngài khen là có bụng tốt, tâu xin cho làm chức trực-lại ở cửa Tử-đồng. Hôm qua ta hầu linh-giá ngài lên chầu Thiên-cung, tình-cờ lại gặp nhà ngươi, đó cũng là vì thầy trò mình có cái mối duyên.
Tử-Hư nói:
— Thầy được lĩnh chức trọng quyền cao như vậy, chẳng hay sự sống chết thọ yểu của con, thầy có được rõ không?
— Việc đó không phải thuộc về chức-vụ của ta.
— Vậy thế thầy giữ về việc gì?
— Ta trông coi về việc văn-chương thi cử, khoa danh cao thấp của những học-trò trong thiên-hạ.
Tử-Hư mừng mà rằng:
— Nếu thế thì tiền-trình của con cùng đạt thế nào chắc thầy biết rõ?
— Cứ như văn-chương tài-nghệ của anh, đương đời này không ai bì kịp, huống anh lại còn có tính trung-hậu, nết thành-thực. Chỉ phải cái hồi còn niên-thiếu, anh thường lấy văn-tài mà kiêu-ngạo với người khác, cho nên trời mới bắt đỗ muộn để phải chùn-nhụt cài nết ngông-ngáo đi. Nếu không thì cướp thẻ trước của Mông-Chính[1] nhặt hạt cải của Hạ-hầu[2], phỏng anh còn khó-khăn gì nữa. Cho nên xưa nay người ta bàn về kẻ sĩ, tất trước hết xét đến đức-hạnh là vì thế. Ngày nay những người mặc áo nhà nho, đeo dải nhà nho thì lại khác hẳn. Họ thường đổi họ để đi học, thay tên để ra thi; hễ trượt đỗ thì đổ lỗi mờ-quáng cho quan chấm trường, hơi thành danh thì hợm mình tài giỏi hơn cả tiền-bối, chí-khí ngông-ngáo tính tình tráo-trở, thấy thầy nghèo thì lảng tránh, gặp bạn nghèo thì làm ngơ, không biết rằng ngày thường dắt dẫn rèn cặp, phần nhiều là cái công đức cũa thầy bạn. Vả như ta ngày xưa, dạy có đến mấy nghìn học trò, giao-du ở kinh-đô rất nhiều bè-bạn, thế mà sau ta mất, nghe có người đai vàng mũ bạc, có người quan cả ngôi cao, nhưng không hề một ai tìm đến thăm viếng mồ ta mà tưới lên một vài chén rượu. Nhân thế ta vẫn để ý đến anh lắm.
Tử-Hư nhân đem những người làm quan bấy giờ, nhất nhất hỏi về từng người một:
— Thưa thầy, ông mỗ ở ngôi trọng-thần mà tham-lam không chán, ông mỗ làm chức sư-tư mà mô-phạm không đủ, ông mỗ coi lễ mà lễ nhiều thiếu-thốn, ông mỗ chăn dân mà dân bị tai-hại, ông mỗ chấm văn mà lấy đỗ thiên-vị, ông mỗ trị ngục mà buộc tội oan-uổng; lại còn những người lúc thường bàn nói thì môi mép bẻo-lẻo, đến lúc trù-tính, quyết-định kế lớn của quốc-gia thì mờ-mịt như ngồi trong đám mây mù, thậm đến không noi theo danh, không xét theo thực, không trung với đấng quân thượng, lớn thì làm việc bán nước của Lưu Dự[3] nhỏ thì làm việc dối vua của Diên Linh[4]. Bọn ấy sau khi chết, có phải luận tội gì không, hay là cứ được hưởng tôn vinh mãi thế?
Trạm cười mà rằng:
— Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Lưới trời thênh-thang, thưa nhưng chẳng lọt. Chỉ có rằng thời-gian chưa đến mà thôi. Nay ta bảo rõ anh nghe: trong khoảng trời đất báo-ứng luân-hồi, chỉ có hai loài thiện ác. Người chăm làm thiện, tuy hãy còn sống, tên đã ghi ở Đế-đình; người hay làm ác, không đợi đến chết, án đã thành ở Địa-phủ. Cho nên Nhan Hồi lúc sống ở trong ngõ hẻm mà chết làm chức Tu-văn[5], Vương Bàng ngày thường có nết kiêu-ngoan mà chết phải máu rây mặt đất[6]. Không phải như người ở cõi đời, có thể mượn thế mà được làm quan, có thể nhờ tiền mà được khỏi vạ, hình-phạt thì quá lạm, tước thưởng thì thiên tư, cúi đầu khom cật, dù hèn-hạ cũng cất nhắc lên, đứa hoạt thằng gian, nhờ đút-lót mà được thoát khỏi. Anh nên cố-gắng, đừng gieo cái nghiệp-báo ở kiếp sau này.
Tử-Hư nói:
— Cái cửa họa phúc đã được nghe đại-khái. Nhưng nay những người học-trò thường đến đền Đế-quân làm lễ cầu mộng, xin ngài báo ứng cho biết những sự nghiệp về sau. Việc đó có quả thực không?
Trạm cười mà rằng:
— Đấng Đế-quân ngài nuốt nhả nguyên khí, chu-du tám phương, ngày xét giấy tờ, đêm chầu Thượng-đế, còn lúc nào rỗi để làm cái việc vụn-vặt ấy. Song những người một lòng chay sạch thành kính, thì trong lúc bập-bừng, tựa như có thấy. Người đời không hiểu bèn cho là sự thực, thật đáng buồn cười.
— Thưa thầy, nếu thế thì chuyện phóng bảng cửa trời, cũng là câu chuyện truyền ngoa chăng?
— Không, việc đó thì có thật đấy.
Trạm bèn giơ ra một cuộn giấy phong dán rất kỹ, bảo Tử-Hư rằng:
— Đây là bảng xuân sang năm đây. Ta vâng mệnh Đế-quân, đi tra xét kỹ-lưỡng để giao lên cửa trời biên vào cho đủ. Vì có anh đến chơi đây nên ta chưa đi được.
Dương Trạm lại kể cho Tử-Hư nghe những thú vui ở trên Thiên-tào, hơn ở cõi trần nhiều lắm, và bảo nhà ngươi nên cố-gắng sửa mình chuốt nết, tự-nhiên có ngày được lên ở trên ấy; như ta đây, cũng là một cái duyên may-mắn khác thường. Tử-Hư nói:
— Mình trần vóc tục, còn biết do lối nào mà noi lên được! Chỉ mong theo đòi xe gió, được tạm lên chơi xem một chuyến, chẳng hay thầy có thể giúp cho được không?
— Sự đó cũng không khó. Để ta bẩm với đức Đế-quân, đem tên họ anh điền vào.
Bèn lấy bút son viết vào cuối giấy hơn mười chữ, rồi bảo cất bỏ tiệc rượu. Tử-Hư được theo thầy lên ngồi ở một bên xe, rồi cỗ xe thẳng đường bay lên. Lên đến trên trời, Tử-Hư thấy một khu có những bức tường bạc bao quanh, cái cửa lớn khảm trai lộng-lẫy, hai bên có những tòa lầu châu điện ngọc, vằng-vặc sáng như ban ngày, sông Ngân bến Sao, ôm-ấp lấy đằng sau đằng trước, gió thơm phưng-phức, đượm ngát quanh hiên, hơi lạnh thấu da, ánh sáng chói mắt, trông xuống cõi trần, thấy mọi cảnh-vật đều bé nhỏ tủn-mủn.
Dương Trạm nói:
— Anh có biết đây là đâu không? Tức là kinh Bạch-ngọc ở trên trời mà người đời vẫn thường nói đó. Ở chính giữa kia có một đám mây hồng che phủ, tức là cung Tử-vi của đức Thượng-đế ngài ngự. Anh nên đứng chờ ta ở ngoài cửa thành để ta vào tâu xin cho anh.
Nói rồi Dương Trạm cầm cuộn giấy đi vào, sau một lúc lâu mới ra. Chợt nghe ở trên thành có tiếng hô vang, nói người đỗ đầu bảng sang năm, đã kén được viên trạng-nguyên họ Phạm rồi.
Dương Trạm bèn dẫn Tử-Hư đi chơi thăm khắp cả các tòa. Trước hết đến một tòa có cái biển đề ngoài là « Cửa Tích-Đức » trong có chừng hơn nghìn người mũ hoa dải huệ, kẻ ngồi người đứng. Tử-Hư hỏi thì Dương Trạm nói:
— Đó là những vị tiên thuở sống có lòng yêu thương mọi người, tuy không phải dốc hết tiền của để làm việc bố-thí, nhưng biết tùy thời mà chu-cấp, đã không keo bẩn, lại không hợm-hĩnh. Thương-đế khen là có nhân, liệt vào thanh-phẩm nên họ được ở đây.
Lại đi qua một tòa sở có cái biển đề ở ngoài là « Cửa Thuận-Hạnh », trong có độ hơn nghìn người, áo mây lọng mưa, kẻ hát người múa. Tử-Hư lại hỏi, Dương Trạm nói:
— Đó là những vị tiên thuở sống hiếu-thuận, hoặc trong lưu-ly biết bao-bọc lấy nhau, hoặc đem đất cát mà san-xẻ cho nhau, mấy đời ở chung, không nỡ chia rẽ. Thượng-đế khen là có lòng, cho vào cung mây nên họ được ở đây.
Lại đến một tòa sở có cái biển đề là « Cửa Nho Thần » người ở đấy đều áo dài đai rộng, cũng có tới số một nghìn, trong có hai người mặc áo lụa, đội mũ sa. Dương Trạm trỏ bảo Tử-Hư rằng:
— Ấy là ông Tô Hiến-Thành triều Lý và ông Chu văn-An triều Trần đó. Ngoài ra thì là những danh thần đời Hán đời Đường, không sung vào quan-vị hay chức-chưởng gì cả, chỉ ngày sóc ngày vọng thì vào tham-yết Đế-quân, như những viên tản quan đời nay thỉnh-thoảng vào chầu vua mà thôi. Cứ cách năm trăm năm lại cho giáng sinh, cao thì làm đến khanh-tướng, thấp cũng làm được sĩ-phu, hiệu-doãn. Ngoài ra còn đến hơn trăm tòa sở nữa, nhưng trời gần sáng không đi xem khắp được, vội cưỡi gió mà bay xuống trần. Xuống đến cửa bắc, thấy trăm quan đã lục-tục vào triều chầu vua.
Tử-Hư từ biệt thầy trở về; sang năm đi thi quả đỗ tấn-sĩ. Phàm những việc cát hung họa phúc nhà Tử-Hư, thường được thầy về báo cho biết.
Lời bình
Than ôi, những chuyện huyền-hoặc Tề-Hài, những lời ngụ-ngôn Trang-Chu, người quân-tử vốn chẳng nên ham-chuộng. Nhưng nếu là chuyện quan-hệ đến luân-thường, là lời ký-ngụ ý khuyên-giới, thì chép ra và truyền lại, có hại gì đâu.
Nay như câu chuyện Tử-Hư, có thể để khuyên cho những người ăn-ở trung-hậu với thầy, lại có thể làm răn cho những người ăn-ở bạc-bẽo với thầy, có quan-hệ đến luân-thường của người ta lớn lắm. Đến như việc lên chơi Thiên-tào, có hay không có, hà tất phải gạn-gùng đến nơi đến chốn làm gì!
Chú thích
- ▲ Lã-mông-Chính là người đời Tống, thi đỗ trạng-nguyên. Khi nghe tin Mông-Chính đỗ, Hồ-đán-Phủ phàn-nàn rằng: « Thôi thế là sang năm ta đỗ, lại phải sau hắn một thẻ rồi ». Quả nhiên sang năm Hồ đỗ thật.
- ▲ Hạ-hầu-Thắng là một danh nho đời Hán. Ông thường nói: « Kẻ sĩ chỉ sợ không sáng nghĩa kinh, nếu sáng thì lấy áo xanh áo tía dễ dàng như nhặt hạt cải ở dưới đất vậy ».
- ▲ Lưu-Dự làm tôi vua Khâm-tôn đời Tống, đậu trạng nhà Kim, Kim lập làm vua Tề.
- ▲ Diên-Linh làm tôi vua Đức-tôn đời đường cầm quyền làm nhiều sự gian-dối, mỗi khi ứng đối, toàn là những lời dối-trá cả.
- ▲ Ông Nhan Hồi là học trò bậc cao của đức thánh Khổng, nghèo khó ở trong ngõ hẹp mà vẫn vui vẻ, năm 32 tuổi mất sớm. Sau đến đời Tấn có Tô-Thiều chết đi rồi lại hồi tỉnh. Người em là Tiết hỏi chuyện dưới đất thì Triều nói: « Hai ông Nhan Hồi và Bốc Thượng hiện được làm chức Tu-văn-lang ở dưới đất » (Văn-uyển).
- ▲ Vương Bàng là con Kinh-công Vương An-Thạch một lần Kinh-công ở Kim-lăng, thấy một kẻ lại cũ của mình đã chết từ lâu hiện đến. Kinh-công hỏi có biết Vương Bàng đâu không. Kẻ lại dẫn ông đến một chỗ, thấy Bàng đương bị ngục tốt cùm kẹp, máu vấy ra đầy đất. (Loại tụ).