Trong việc chánh trị chỉ có lý mà thôi, chẳng có tình

Trong việc chánh trị chỉ có lý mà thôi, chẳng có tình  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6616 (15.12.1931

Vì cảm tình sai khiến, ông Bùi Quang Chiêu làm mất ông De Lachevrotière

Người Việt Nam ta thuở nay theo cái học cũ, mọi việc ít hay xét xử bằng lý trí (raison) mà cứ bằng tình cảm (sentiment). Cái đó không phải là xấu hết đâu. Tình cảm cũng có khi đắc dụng lắm chớ. Nhưng nó đắc dụng theo việc. Việc gì đại để như việc trong gia đình thì còn nói tình được. Chớ còn ra đến xã hội, nhứt là bước lên trên đàn chánh trị rồi, thì đừng kể tình nữa, chỉ có lý mà thôi.

Các nhà ra làm chánh trị nước ta hiện nay, đại khái là tay tân học hết, lẽ đáng họ biết xử trí mọi việc bằng lý trí, nhưng lạ thay, chúng tôi thấy cũng vẫn còn loanh quanh trong vòng tình cảm.

Có lẽ là tại cái học cũ nó đã thâm nhiễm vào óc dân tộc ta mấy mươi đời nay rồi, cho nên bây giờ dầu là nhà tân học cũng còn bị cái bịnh di truyền mà không thoát ra ngoài vòng được. ấy là như ông Bùi Quang Chiêu đối với ông De Lachevrotière.

Ông De Lachevrotière, đâu đã sáu, bảy năm nay hình như là một tay kình địch[1] với ông Bùi cùng bằng bối của ông là đảng viên Lập hiến. Chẳng những thế thôi, ông ấy hình như cũng đã bị hết thảy người An Nam nhận là kẻ nghịch với mình. Mà quả thật thế chớ chẳng còn có hình như gì nữa. Bao nhiêu lâu nay, phái ông De Lachevrotière với phái ông Bùi cứ cụng đầu cụng trán nhau hoài, bắt đầu từ cuộc rước ông Bùi ở Tây về ở tại bến tàu Nhà Rồng cho tới năm ngoái đây, hồi Nam kỳ khởi sự lộn xộn, ông nọ viết trên báo mà cáo cho đảng Lập hiến thế nầy thế khác, đến nỗi xin nhà nước bắt họ mà giam.

Phải, hai bên thù nhau. Thù nhau vì việc chung là việc dân việc nước chớ không phải tư hiềm tư oán chi, như vậy kể cũng là chánh đáng. Hẳn từ đó mà cái tình cảm của ông Bùi đối với ông kia không được tốt rồi, cũng như ông kia đối với ông Bùi vậy. Sự đó cũng lại là chánh đáng nữa.

Song cái tình cảm ấy, tưởng ông Bùi không nên để nó luôn luôn cai trị trong tâm trong não của mình, cứ hễ gặp ông De Lachevrotière là bật nó ra. Nếu ông Bùi làm như thế là có hại, vì đôi khi chính ông làm mất ông De Lachevrotière, tức là làm mất sự lợi ích trên đàn chánh trị của mình mà ông không biết.

Vậy mà chúng tôi thấy như ông Bùi đã mắc phải cái đó nhiều lần rồi. Nghĩa là trong tình cảm ông đối với ông kia đã sẵn điều không tốt, rồi khi gặp nhau trong nghị viện, cứ hễ ông kia ló cái gì ra là ông phản đối đi hết. Hình như ông Bùi yên trí rằng ông De Lachevrotière là xấu, là nghịch với An Nam thì mọi sự chi ra từ ông ấy, cũng đều là xấu hết, đều là nghịch với An Nam hết, nên phản đối hết. Điều đó chẳng lạ gì, hễ để cho độc một cái tình cảm nó cai trị mình, nó dong ruổi mình thì thế tất phải đến như vậy.

Phản đối thì được; nhưng phản đối hết thì không được, vì có việc nó sẽ bất lợi mà hại cho mình. ấy là bởi ông De Lachevrotière dầu xấu bụng với An Nam, nhưng không phải hết thảy ý kiến về chánh trị của ông là xấu hết, nếu trong đó có điều lợi cho ta mà ta phản đối thì rõ là bởi cái tình cảm nó làm lầm ta.

Một việc mới đây là việc ông De Lachevrotière xin đừng bớt phụ cấp ở Hội đồng quản hạt mà ông Bùi và bằng bối của ông vội vàng phản đối đi, việc đó, tôi tưởng cũng bởi cái tình cảm ông Bùi nó sai khiến ổng mà ra. Có lẽ trong ý ông sẵn không khoái ông Tây lai ấy rồi, khi thấy ông ấy đưa cái thỉnh cầu nầy ra, ông không kịp suy nghĩ, liền cho là bậy mà rủ nhau phản đối.

Nhưng, ông De Lachevrotière dầu ghét An Nam đi nữa, cũng có khi cái quyền lợi của bên họ đồng với bên chúng ta, họ bảo hộ cho họ cũng tức là bảo hộ cho ta vậy. Khi ấy mà ta nhè phản đối thì ta có hại.

Vừa rồi ông ấy ở đại hội nghị đã nói được nhiều điều có ích lắm. Nhứt là việc kháng cự sự tăng giá đánh giây thép. Tiếc vì các nghị viên ta không có hết thảy đồng ý với ổng cho nên cái nghị án ấy mới được thông qua lần thứ hai!

Coi đó thì biết, đối với người nghịch trên đàn chánh trị của ta, ta không nên lấy tình cảm đãi họ mà phải lấy lý trí xét những ý kiến và việc làm của họ. Bằng chẳng vậy, ta sẽ làm mất những người thù ta mà kỳ thiệt là có giúp ta. Làm mất họ đi, có phải là lợi cho ta sao? Khi đã làm mất rồi mới tiếc, thì vô ích. Khi đã biết tiếc rồi mới vớt lại thì muộn.

T. R.

   




Chú thích

  1. Bản gốc là kình kịch, có lẽ in sai, ở đây sửa lại.