Trong rừng nho/Chương 8
Trông thấy một ông tân khoa hình giống như quỷ cái, ai không thương hại và buồn cười. Xuân Hương lẩm bẩm nghĩ thầm: "Khốn nạn, bao nhiêu năm học hành khổ sở, bao nhiêu năm chịu tủi chịu nhục với nhà vợ chỉ cốt kiếm lấy một miếng khoa danh. Bây giờ thi đậu đáng lẽ đến lúc sung sướng, thì lại sinh ra điên rồi! Ông trời thật cơ cầu lắm vậy".
Bỗng nàng sực nhớ hình như nàng đã đọc thấy ở cuốn sách nào, cũng có một người sướng quá hóa điên, người ta làm cho người ấy mất sướng, chứng điên cũng khỏi, lập tức nàng xuống thang gác và sang nhà hàng thịt hỏi thăm, luôn thể để bảo cái phương thuốc ấy.
Hàng phố đứng xem chật cả ngoài cửa. Nguyễn Cao Đệ, do ba bốn người đàn ông lực lưỡng nắm tay ôm lưng, đứng ở trước thềm vẫn chồm chồm nhảy lên, ngồi xuống, y như con mèo bị trói lồng lộn muốn thoát thân, miệng thì lảm nhảm chỉ nói một câu "Ý a ! Ta đỗ rồi".
Giữa sân bày chiếc hương án, trên để một bát nước, một cơi trầu, ba chén rượu và năm nén hương đen đốt lửa, khói nhựa trám kéo lên nghi ngút. Vợ chồng hàng thịt vừa lạy vừa khấn:
- Chúng tôi cắn rơm cắn cỏ lạy trời lạy phật, lạy qủy thần hai vai, xin ngài thương tình nhà tôi nuôi nấng khó nhọc trong bấy nhiêu năm để cho rể ăn học, mà các ngài tha cho rể tôi nếu có chếch lệch về đâu, sau này chúng tôi sẽ xin tiện tạ.
Họ còn khấn nhiều câu lạ lùng hơn nữa, nhưng nàng cũng không để ý. Chờ cho hai người lạy xong đứng dậy, nàng ôn tồn chào và hỏi:
- Thế nào, ông bà đã tìm thầy chạy thuốc cho ông Cống chưa? Đó là ông Cống mắc bệnh, không phải ma trêu quỷ hờn gì đâu, chạy thuốc cho ông ấy uống sẽ khỏi, không phải cúng vái gì cả.
Vợ chồng hàng thịt mếu xệch đôi miệng như đôi khau giai, ra ý nửa tin nửa ngờ, người chồng vừa khóc vừa nói:
- Cô đã sang chơi đấy ư! Mời cô vào chơi trong nhà? Khốn khổ, công trình nhà tôi nuôi rể bao nhiêu năm trời, bây giờ đến lúc thi đậu, ông ấy hóa ra thế này, thật là công lao chúng tôi đổ cả xuống sông xuống bìển.
Người vợ nói xen:
- Hôm qua ông ấy ra nghe xướng danh, người vẫn lành mạnh như thường chớ có bệnh tật gì đâu. Chúng tôi không có ở đấy, nhưng thấy người ta đồn rằng... Khi nghe loa gọi tên mình, ông ấy tức thì hóa điên. Nếu không có người trêu quở, tật bệnh đâu có chóng được như thế.
Xuân Hương chưa kịp trả lời, mụ ấy lại nói thêm:
- Có tội thì vái tứ phương, chúng tôi người trần mắt thịt, biết đâu được việc quỷ thần mà dám nói là không hay có. Cầu cúng cứ cầu cúng, thuốc thang cứ thuốc thang. . .
Người vợ Cao Đệ xịt xoạt ở trong nhà ra, nói ngắt lời mẹ:
- Thưa cô, tôi cũng nghe thấy vài người nói rằng ông Cống nhà tôi sướng quá hóa điên đấy thôi, uống thuốc phải mặt thì khỏi. Chúng tôi quê kệch, chẳng biết ai là danh sư, cô đã ở đây lâu ngày, cô biết người nào chữa được bệnh ấy, xin cô bảo cho.
Xuân Hương vui vẻ đáp:
- Danh sư bây giờ ít lắm, tôi cũng không thể biết người nào có thể chữa khỏi chứng điên. Nhưng tôi có một mẹo này, cũng là mẹo ở trong sách dạy lại, không phải thuốc thang gì cả, bác hãy thử làm xem sao, may ra thì khỏi. Nếu không khỏi cũng không hại gì! Cả nhà đều xúm lại hỏi:
- Mẹo như thế nào, cô thừ nói cho, chúng tôi sẽ làm ngay.
Xuân Hương hỏi lại bằng giọng nghiêm trang:
- Xưa nay ông Cống có sợ ai không?
Người vợ Cao Đệ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Nhà tôi vẫn là một người bướng bỉnh xưa nay chẳng sợ ai hết, bao nhiêu ông cả bà lớn, người khác trông thấy đều phải xanh mặt, nhà tôi cũng coi như thường. Riêng chỉ sợ có thầy tôi mà thôi, mỗi khi thầy tôi say rượu, cầm con dao bầu nghểnh ngảng, tức thì nhà tôi đã tái mặt lại, có lúc run như cầy sấy, không biết là tại sao thế!
Xuân Hương tiếp lời:
- Thế thì được. Bây giờ ông đến tát vào mặt ông Cống một cái và thét to rằng: "Đừng nói láo? Mày đỗ bao giờ?". Như vậy, tự nhiên ông Cống sẽ khỏi.
Người hàng thịt xua lấy xua để:
- Cái gì chứ cái việc ấy thì bố tôi sống lại bảo tôi, tôi cũng không dám làm theo. Bởi vì, những người thi đỗ đều có những vì tinh tú to lớn trên trời giáng vào trong mình. Phạm đến thân thể người ta, tức là phạm đến những vì tinh tú to lớn kia vậy, khó lòng sống mà ở với vợ với con! Cô còn ít tuổi không biết, ngày xưa cũng có một người tức nhau với một ông Cống, lúc ra việc làng, chỉ đấm ông ta một cái, thế mà đêm ấy anh ta về nhà tự nhiên phải gió lăn đùng ra chết. Đó cô bảo có linh hay không. Thôi, thà để cho ông Cống điên, chứ cái mẹo của cô tôi không dám bắt chước.
Mụ hàng thịt liền nối lời chồng:
- Phải đấy? Thầy cháu nói phải? Bây giờ tát cho ông Cống một cái, hoặc giả sau này ông ấy khỏi điên có kẻ nịnh hót, nói lại cho ông ấy biết, chắc là ông ấy sẽ đem lòng thù giận nhà tôi, lúc ấy, nhà tôi biết ăn ở thế nào cho lại? Thôi trời bắt sao chịu vậy, ông ấy có điên suốt đời chăng nữa, chúng tôi cũng được là bố vợ mẹ vợ ông Cống từ bữa nay rồi!
Người vợ Cao Đệ máy môi sắp nói, thì ở trong thềm, Cao Đệ đã giật được tay những người đàn ông đứng giữ ông ta chạy sổ xuống sân và reo rầm rĩ:
- Ý a! Ta đỗ rồi ! Ý a ! Ta đỗ rồi!
Vừa reo, ông ta vừa tế ra cổng. Xuân Hương vội vàng lánh vào cạnh tường, cả bọn đàn ông tất cả chạy theo giữ ông ta lại. Nhưng vì trong lúc cơn điên nổi lên, ông Cống cũng hóa ra khỏe, mấy người đàn ông đều bị du đẩy, ngã dúi, ngã dụi xuống đất. Ai nấy lại cùng lóp ngót trở dậy và cùng lật đật đuổi theo.
Người vợ Cao Đệ dậm chân tru tréo:
- Trời đất ơi, sao mà nhà tôi bạc phúc thế này. Người ta đỗ thì không, chồng tôi đỗ thì hóa rồ hóa dại!
Quay lại, chị ta lại hỏi Xuân Hương:
- Thưa cô, tôi tát vào mặt ông cống nhà tôi có được hay không hở cô? Xuân Hương ra vẻ cảm động, nàng buồn rầu đáp:
- Nếu lúc ngày thường bác trai vẫn sợ bác, thì bác tát vào mặt bác ấy cũng được!
- Thưa cô, không! Những người học hành biết chữ ít khi có kẻ sợ vợ, huống chì nhà tôi lại là một người ương ngạnh. . . chỉ có nể tôi thì có, chứ đến sợ tôi thì không.
- Thế thì không được, dù bác có tát vào mặt bác trai cũng là vô ích. Phải để ông bố làm cái việc ấy!
Người hàng thịt lại chối bai bải:
- Tôi chả dám, cô xui dại? Tát vào giữa mặt một ông khoa mục để rồi những vì tinh tú trên trời quật chết tôi à.
Xuân Hương mỉm cười không trả lời. Mụ hàng thịt hỏi chồng một cách sửng sốt:
- Hay là nhà ta từ xưa đến nay giết nhiều lợn quá hại đến âm công trời phật bắt tội phải thế này chăng?
Câu nói của mụ rất trúng ý nghĩ của lão hàng thịt, hắn cũng đáp lại bằng giọng sửng sốt:
- Có lẽ thế, sát sinh nhiều quá, tài nào không tổn âm đức! Bây giờ làm thế nào?
- Để tôi đi xem bói quẻ. May mà nhà còn có phúc, "bói ra khoa thấy", thì phải lập đàn giải oan cho những con lợn chết oan, chứ còn biết làm thế nào!
Người hàng thịt sốt sắng tán thành ý kiến của vợ, giục vợ lấy tiền đi luôn lên chợ Đồng Xuân, vì vẫn thấy đồn ở đấy có ông thầy bói hay lắm. Xuân Hương biết rằng với kẻ hạ ngu như vợ chồng nhà này, không thể lấy lời lẽ gì mà giải cái lòng mê tín của họ. Nàng liền chào cả ba người rồi về.
Ngoài cửa, những người hàng phố không biết Cao Đệ đã đi khỏi nhà, vẫn còn kéo đến lũ lượt, chờ xem ông Cống hóa điên.
Suốt trong ngày ấy, Xuân Hương lúc nào cũng áy náy thương cho Cao Đệ, nhưng mà bảo lão hàng thịt đã không đắt lời, nàng cũng không còn cách nào mà cứu được người vô phúc. Thỉnh thoảng nàng lại cứ sai con Nụ ra phố hoặc sang bên nhà hàng thịt dò xem bệnh tình Cao Đệ ra sao. Mấy lần con Nụ trở về đều nói ông ta chạy mãi xuống vùng Hoàng Mai, bao nhiêu người nhà đi theo bắt lại không được. Gần tối lại thấy nói bây giờ Cao Đệ càng điên hơn lúc ban trưa, ông ta nhảy cả xuống chuôm, xuống ao, không biết gì là gì cả.
Sáng hôm sau, Xuân Hương vừa mới ngủ dậy, nàng đương chờ đợi ấm nước sôi của con Nụ đun, thì ở ngoài cửa có tiếng mở cửa, rồi ở thang gác có tiếng chân bước thình thịch. Nàng vội vàng nhìn xuống, người vợ Cao Đệ vừa nhô đầu lên với bộ mặt nhăn nhó sầu thảm.
Vồn vã, nàng mời bà Cống ngồi trong ghế, và đon đả hỏi thăm ông Cống đêm qua ra sao. Nước mắt chảy xuống ròng ròng, người vợ Cao Đệ vừa khóc xịt xoạt vừa nói:
- Khổ quá, cả đêm hôm qua, nhà tôi cứ cởi trần trùng trục đùng đùng chạy khắp cả mấy cánh đồng ở vùng Bạch Mai. Mấy làng ở đấy đã phải nhốn nháo, tuần phu đổ ra rất đông, họ toan trói lại, chẳng ngờ có một anh tuần lóng ngóng thế nào để cho nhà tôi cướp được ngọn mác. Rồi nhà tôi cứ đi nghênh ngang cùng đường vừa múa ngọn mác vừa reo "ý a, ta đỗ rồi", hễ ai đến gần, tức thì chìa mác ra đâm. Vì thế ai ai cũng phải lánh xa. Tôi ở dưới ấy mãi đến gần sáng mới về, nhà tôi vẫn chạy rông chạy càn, chẳng chịu dừng chân lúc nào.
- Bên nhà đã định chạy chữa bằng cách nào chưa?
- Hôm qua mẹ tôi xuống chợ Đồng Xuân xem bói, tôi tưởng thầy bói thế nào cũng phán cho lập năm, bảy đàn tràng, nhưng mà không, ông ta bảo là động mả ông cụ tam đại, phải mua mũ đen mã đen và một con ngựa sắt đen đem tạ.
- Đã tạ chưa?
- Tạ rồi! Tạ luôn từ chiều tối hôm, nhưng mà có ăn thua gì cô bảo?
- Vậy thì bác tính thế nào?
- Gà gà hôm nay ở dưới Bạch Mai, tôi thấy cúng kính không được chuyển bệnh, mấy lần khuyên bảo thầy tôi thử theo lời cô, tát cho nhà tôi một cái. Nhưng mà thầy tôi gàn quá, chỉ sợ tát vào mặt ông khoa mục thì chết, nhất định không chịu nghe lời. Thôi thì việc đó xin nhờ cô.
- Tôi làm gì được!
- Nhà tôi lúc thường vẫn trọng cô lắm, ngồi với anh em bạn học luôn luôn khen cô là bực tài hoa, học giỏi hơn các ông Nghè, ông Cống. Vậy cô làm phúc, thử xuống Bạch Mai tát cho nhà tôi một cái, xem có cứu được nhà tôi không! Nếu không khỏi bệnh, không phải lỗi tại cô. Bằng như khỏi bệnh, tôi xin đền lại ơn cô một cách xứng đáng.
Xuân Hương tủm tỉm cười nụ:
- Không được bác ạ? Bác trai trọng tôi thì có trọng thật, tôi cũng biết thế. Nhưng chỉ trọng tôi mà thôi, chứ không sợ tôi. Phải có người nào bác ấy vẫn sợ như thể ông bố nhà ta thì mới làm được việc ấy.
Người vợ Cao Đệ lại khóc:
- Thầy tôi đã khăng khăng một mực không chịu làm rồi. Nếu cô không giúp, tôi cũng không biết cậy ai được nữa. Nhưng mà tôi tưởng trọng tức là sợ, nhà tôi đã phải trọng cô, tất nhiên cũng phải sợ cô. Cô hãy làm phúc cứu lấy nhà tôi!
Thấy chị ta nằn nì nàng rất thương hại, liền nói:
- Nếu vậy, thì tôi cũng nhận lời bác nhưng để đến chiều hôm nay, xem rằng bác trai có tỉnh không đã!
Nếu bác ấy dần dần tỉnh lại thì thôi, nhược bằng không, bấy giờ tôi sẽ giúp bác. Nhưng tôi nói trước, đó là tôi cũng theo đúng lời dạy trong sách mà nói thế thôi, chứ tôi không nhất quyết rằng làm vậy sẽ khỏi được bệnh bác ấy!
Người vợ Cao Đệ có ý mừng rỡ:
- Cái đó là lẽ cố nhiên, việc gì cô phải rào trước chắn sau như thế.
Cám ơn nàng một cách chân thật và thiết thẩm, chị ta lủi thủi xuống gác.
Nàng thử lẩn mẩm giở lại một vài bộ sách, để xem chuyện người sướng quá điên ở đâu. Nhưng mà không thấy đâu cả, nàng cứ băn khoăn đứng ngồi không yên, trong bụng lúc nào cũng canh cánh nghĩ quanh nghĩ quẩn, không biết mình đã thấy ở sách nào, lâu ngày quên mất, bây giờ nhớ mãi không ra.
Quá trưa, ngoài cửa có tiếng ầm ầm, một người đàn ông lộc ngộc đã bắt được Cao Đệ trói lại điệu về.
Ngó qua cửa sổ, nàng thấy ông Cống tân khoa vẫn đeo một mảnh quần rách, mình mẩy mặt mũi bùn trát kín hết một lượt, trông như con trâu mới ở vũng lên.
Một lúc sau, người vợ Cao Đệ hốt hoảng chạy sang và nói:
- Mời cô sang cho! Anh em đã trói nhà tôi đem về nhà rồi.
Nàng toan từ chối không sang, những nghĩ mình đã trót hứa với người ta rồi, nếu không sang thành ra con người thất tín. Tức thì nàng vấn khăn mặc áo chinh tề, rồi theo cô Cống đến nhà hàng thịt.
Nguyễn Cao Đệ tuy đã bị trói bằng một chiếc thừng khá lớn, lại có độ bốn năm người lực điền xúm lại giữ tay giữ chân, ông ta vẫn còn đủ sức lồng lộn cựa cậy, nhồm lên nhồm xuống và vẫn lảm nhảm đọc đi đọc lại một câu "ý a ta đỗ rồi".
Xăm xăm bước vào tận nơi, nàng giơ thẳng cánh tay phải tát đánh bốp vào mặt Cao Đệ một cái rồi thét thật to:
- Anh đỗ bao giờ mà chỉ nói láo! Sức học như anh đỗ làm sao được! Chẳng tin các người thử điệu anh ấy xuống dưới trường thi coi bảng, thử xem có đỗ hay không!
Nàng nói dứt câu, Cao Đệ lập tức ngã đùng xuống đất, mê man không biết gì cả.
Cả nhà hàng thịt đều sợ cuống quít, tưởng rằng ông Cống sắp sửa qui tiên.
Nàng bảo những người chung quanh cố vực Cao Đệ vào giường, rồi lấy một ấm nước lạnh phun khắp vào mặt ông ta.
Nửa giờ sau Cao Đệ dần dần tỉnh lại, bấy giờ hình như mới biết trong mình có nhiều chỗ đau, vì rằng từ lúc phát điên đến giờ, ông ta đã rúc vào nhiều bụi dong, bụi gai, và lăn vào nhiều đống sành, đống gạch, thân thể toạc ngang toạc chéo y như con cá rô nướng. Hừ hừ rền rẫm một hồi, Cao Đệ sờ đến quanh mình, chỗ nào cũng thảy những bùn là bùn, lấy làm lạ, ông ta liền hỏi tại sao mà mình lấm láp như thế. Người vợ ngồi cạnh liền thuật lại câu chuyện phát điên cho nghe, Cao Đệ có ý xấu hổ vội vàng quay mặt vào trong và giục vợ lấy nước lau rửa cho sạch. Dường như ông ta vẫn còn khiếp sợ bố vợ. Lúc vợ đứng dậy ông ta còn gọi trở lại, ghé tai dặn nhỏ một câu: "Lấy nước phải có ý tứ và phải dấu cho kín, kẻo ông trông thấy thì ông chửi chết."
Thấy Cao Đệ đã tỉnh, Xuân Hương đứng lên xin về. Cả nhà hàng thịt hết sức cảm ơn. Ông lão hàng thịt nói thêm:
- Cô là một người nhiều chữ, cho nên cô tát ông Cống cũng không việc gì. Tôi là kẻ dốt đặc cán mai, nếu tôi mà tát ông ấy, tất nhiên đêm nay tôi sẽ phải gió mà chết.
Nàng ra đến cổng, người vợ Cao Đệ tất tả chạy theo và nói:
- Ơn cô vạn bội, cô đã cứu được nhà tôi. Nay mai vợ chồng nhà tôi xin sang tận nhà mà tạ ơn cô...
Sau khi Nguyễn Cao Đệ khỏi điên, danh tiếng của Hồ Xuân Hương càng to hơn trước.
Trước kia thấy văn thơ nàng có vẻ lẳng lơ, người ta chỉ bảo nàng là đồ gái đĩ thoã. Đến nay nghe tin một ông hương cống tân khoa đương lúc hóa rồ, hóa dại, nàng tát một cái mà khỏi, người ta lại cho nàng là thứ yêu quái thiêng liêng, không phải loài người. Nhân thấy trong sách Lĩnh Nam trích quái có chuyện con hổ chín đuôi ở trong Hồ Tây thường hóa làm con gái đẹp để đi cám dỗ con trai, lại thấy nàng người họ Hồ mà cũng ở gần Hồ Tây, nhiều kẻ mới quyết đoán rằng chính nàng là loại hồ tinh do con hổ chín đuôi kia hóa ra.
Từ đó, những kẻ nhát gan thấy nàng đi qua, thì lánh cho xa, họ sợ bị nàng cảm dỗ hoặc giả hại đến tính mệnh. Nhưng mà những bậc danh sĩ, nhất là những người đã có đọc qua mấy bộ Duyệt vi thảo đường và Liêu trai chí dị, hâm mộ những sự ly kỳ, muốn được gặp nàng, để coi hình dáng và cử chỉ của loài yêu tinh ra sao.
Những cái tin đó đều đến tai nàng, nàng chỉ cười thầm cái kiến thức trẻ con của bọn học thức.
Bữa đó vào khoảng trung tuần tháng chạp, phố phường Hà Nội đã lác đác trang điểm bằng những hoa đào thắm và những bông cúc vàng, thiên hạ đương tấp nập sắm sửa đồ tết. Nàng đem con Nụ xuống chợ Đồng Xuân mua mấy cành đào và vài sọt cúc. Mua bán xong rồi, nàng giao mấy sọt cúc cho con Nụ quẩy gánh về trước, mình thì cầm mấy cành đào lững thững đi sau.
Qua phố Hàng Đường, nàng đương mải nhắm vào một cửa hàng, bên cạnh bỗng có người hỏi:
- Hồ Xuân Hương hôm nay đi bán đào đấy ư? Bao nhiêu tiền một cành đào ấy?
Giật mình, nàng quay lại trông, người ấy vào trạc hai bốn hoặc hai nhăm tuổi, dung mạo rất tuấn tú nàng tưởng như mình đã gặp một lần, mà không nhớ là người nào. Mỉm cười, nàng đáp:
- Dám hỏi mua đào của Hồ Xuân Hương, không sợ bị cám dỗ à?
Người kia cũng tủm tỉm và nói:
- Đây là Bắc phương Chấn vũ đại đế giáng sinh, có sợ gì ái cảm dỗ. Tha hồ, thừ cảm dỗ đi xem nào!
Nghe nói nàng liền nghĩ thầm: "A , ra anh chàng dám dùng sự tích trong sách Lĩnh Nam trích quái đối đáp với ta, có lẽ hắn là người khá chăng", nàng bèn nói khích thêm một câu nữa:
- Thôi, muốn sống về ở với vợ với con thì lánh xa ra, đây cũng sỉnh phúc cho, đừng nói ỡm ờ mà chết.
Người kia vẫn cười:
- Cái giống hồ tinh chỉ cốt hút lấy tinh huyết người ta, để luyện cho mình thành người chứ gì. Được! Đây chưa có vợ có con, tinh huyết còn nhiều, tha hồ cho hút, chỉ sợ không đủ sức, chẳng việc gì mà đây phải lánh!
Nàng bụng bảo dạ: "Hắn còn dám nói bằng giọng lả lơi thế này, hoặc giả cũng là một kẻ khác người, không đến nỗi mù đui như nhiều kẻ khác, ta thử mời hắn đến nhà nói chuyện vài câu cho vui". Rồi nàng trả lời:
- Tôi cũng khen cho ông là người can đảm, còn dám nói năng đối đáp với tôi. Nhưng ở giữa đường chúng ta không tiện nói nhiều, ông có thong thả, mời ông ghé qua nhà tôi xơi nước!
- Tôi rất thong thả, và cũng ước ao được biết nhà cô, nhưng cô hãy cứ về trước, lát nữa, tôi sẽ lại sau, kẻo sợ chúng ta đi đôi với nhau, thiên hạ lại đặt ra điều này tiếng khác.
Dứt lời, người ấy liền lùi trở lại và đi ra nẻo Hàng Buồm. Nàng vác cành đào nghênh ngang theo đường cửa Bắc lên phường Khán Xuân. Vừa đi, nàng vừa lẩm bẩm: "anh chàng này cũng liều chết nói láo mày câu đó thôi, chưa chắc đã dám bước vào nhà ta! Thế mới biết ở đời tìm một người ra người, thật khó".
Tới nhà, nàng sai con Nụ đem cúc trồng vào trong chậu, tự mình lấy nước cắm những cành đào vào lọ.
Bài trí vừa xong, con nụ vừa xách ấm đồng xuống bếp đun nước, ngoài cửa đã thấy có tiếng gõ cửa cành cạch. Đẩy cánh cửa sổ, nàng đứng trên gác ngó ra xem ai, Chinh là anh chàng lúc nãy. Mừng quá, nàng vội chạy xuống mở cửa và mời lên chơi thư phòng. Tia sáng bỗng nảy trong trí, khiến nàng bỗng nhớ ra người ấy là người nào. Lên khỏi thang gác nàng mời người ấy vào ghế và hỏi một cách nghiêm trang:
- Thưa ông, có phải ông là Đàm Thận Trung không nhỉ?
Người ấy mỉm cười trả lời:
- Phải? Chính tôi là Đàm Thận Trung? Sao cô lại biết tên tôi?
- Tôi đã gặp ông một lần ở trên bờ hồ Hoàn Kiếm. Hôm ấy ông đi với cụ Chiêu Bảy và bốn người nữa. Về sau cụ Chiêu Bảy có nói tên nói họ các ông cho tôi nghe.
- Cô đã biết tôi, làm sao lúc nãy lại còn nói chưa?
Xuân Hương vừa cười vừa nói:
- Bấy giờ tôi còn chưa nghĩ ra ai. Vả lại, dù biết là ông đi nữa, tôi vẫn có quyền nói chưa chứ sao. Khi mà một người con trai vô cớ châm chọc một người con gái, thì người con gái vẫn được nói chưa, nếu như người ta không thích những câu châm chọc của người con trai. Ông cũng cho phép thế chứ!
- Cồ nhiên như thế. . . Nhưng người con trai cũng được đáp lại bằng lời sâu sắc. . .
Hai người cùng phá ra cười.
Con Nụ đun sôi ấm nước. Nàng tự đứng dậy pha nước mời Thận Trung uống rồi hỏi:
- Ở ngoài, những ông học trò vẫn đồn tôi là hồ tinh, có phải không ông?
Thận Trung cười khanh khách:
- Chuyện ấy cũng có, thiên hạ vẫn thường nói phao như thế.
- Ông thì thế nào?
- Tôi chưa hiểu ý câu nói của cô?
- Ông có tin tôi là hồ tinh hay không?
- Tin hay không, cái đó không cần nói. Tôi chỉ nói cho cô biết rằng, dù cô có là hồ tinh đi nữa, tôi cũng không sợ.
Xuân Hương vẫn cười tủm tỉm:
- Gớm nhỉ! Ông to gan nhỉ! Dám không sợ tôi, ông cũng to gan thật đấy. Tiếc thay ông là học trò của cụ Nghè Hoàng.
- Thế ra cô vẫn căm cụ Nghè Hoàng phải không?
- Nhưng cớ sao cô lại nói đến câu ấy, cô bảo tôi làm học trò cụ ấy không đáng hay sao!
- Đáng lắm! Tôi đâu dám bảo cụ Nghè Hoàng không đáng làm thầy học ông; tôi chỉ tiếc rằng. . .
Nói đến đây, nàng bỗng ngừng lại, hình như không muốn nói nốt, Thận Trung vội gặng:
- Tiếc rằng thế nào, cô cứ nói đi, nhưng cấm không được nói chưa?
Nàng cũng nể mặt Thận Trung, liền quay đầu lưỡi:
- Tôi tiếc rằng ông là học trò cụ Nghè Hoàng mà đi vào chơi nhà tôi, lỡ đến tai cụ, có khi cụ lại bắt chước ông Khổng, sai học trò thúc trống mà đuổi ông ra khỏi cửa.
Thận Trung biết nàng nói đùa, chàng chỉ đáp lại bằng một nụ cười, rồi chàng vờ nói chuyện khác:
- Tôi vẫn thấy nói cô giỏi thơ nôm, thình thoảng anh em đọc lại cho nghe một bài của cô, tôi thấy hay lắm. Trong bọn nhà nho chúng tôi, ít người làm được thơ hay như thế. Vậy chắc cô có thì tập, xin cho tôi được coi qua.
- Thơ tôi mà ông dám cho là hay ư, ông? Thế sao các cụ tiền bối, ai cũng cho là đĩ thõa?
Rồi nàng mở tủ lấy một cuốn sách giấy bản trao cho Thận Trung:
- Ông muốn coi, tôi có tiếc gì. Làm thơ chỉ cốt người đọc cho là may. Nếu làm rồi lại phải nhét vào trong tủ, không thể nói với ai được, thì còn thú hứng nỗi gì.
Thận Trung đón lấy cuốn sách và hỏi:
- Từ ngày cô chép ra tập thơ này, bạn nho chúng tôi đã ai coi chưa?
- Trong cái đời này, người ta còn mải miết về đường công danh, ai dám coi đến tập thơ của tôi, ông bảo?
- Tôi là người đầu tiên cầm đến thi tập của cô?
- Có lẽ thế !
- Nếu thế thì tôi là tri kỷ của cô mất rồi!
Xuân Hương nghiêm sắc mặt:
- Ông phải nói đứng đắn, vì lần này là lần thứ nhất chúng ta nói chuyện với nhau.
Thận Trung hơi thẹn, chàng vờ nhìn vào cuốn sách. Bắt đầu coi nhằm bài "Chơi đài Khán Xuân", chàng ngâm kêu như tiếng chuông:
Êm ái chiều xuân tới khán đài !
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai.
Ngâm lại lượt nữa, chàng tấm tắc khen lấy khen
- Hay lắm, rõ như vẽ ra ngôi đài chót vót trên cao.
Rồi chàng đọc tiếp:
Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn trời
Chàng vội gật gù khen ngợi:
- Đường lắm! "Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng, một vũng tang thương nước lộn trời, thật là giọng Thịnh Đường, thơ thế này thì có kém gì Đỗ Phủ, Lý Bạch. Và chàng lại ngâm:
Bái nghìn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
Chàng tán:
- Hai câu này cũng ra cái đài ở nơi chùa chiền và cất tại chỗ gần nước.
Nào nào cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây chín rõ mười.
Đọc hết hai câu cuối cùng, chàng bỗng ngẩn người ra mà hỏi:
- Quái! Bài này tôi xem không giống giọng những bài của họ đọc cho tôi nghe. Cứ như những câu này, tôi chẳng thấy gì là đĩ lồng, sao người ta lại cứ đổ tiếng cho cô!
Xuân Hương đáp:
- Đây là bài tôi làm từ mấy năm trước, lúc ấy tuổi thơ ngây, cho nên giọng thơ cũng còn thơ ngây. Mấy năm sau này tuổi lớn lên, tính càng sinh hư, giọng thơ cũng đổi khác, người ta bảo là đĩ thõa cũng không oan. Ông cứ đọc hết thì biết.
Thận Trung lần lượt đọc những bài dưới.
Khi xem đến bài "Qua núi Ba đèo"(Tức đèo Ba Dội, hay còn gọi là đèo Tam Điệp), chàng lại ngâm to:
- Một đèo, một đèo, lại một đèo !
Chàng bỗng vỗ đùi và nói:
- Tài ! Thơ tài! "Một đèo, một đèo lại một đèo" thật là ngọn núi Ba đèo. Mượn ba chữ một để thích một chữ ba, giỏi thật. Nếu không phải là bậc thiên tài, khó mà nghĩ được câu ấy.
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc
Chàng ngẩng lên nhìn Xuân Hương:
- Sao cô khinh cái cửa son quá thế! Cửa mà đến "đỏ loét" thì bẩn lắm nhỉ, có lẽ nó là cái cửa gì đó, không phải cửa son.
Xuân Hương chỉ cười không nói. Thận Trung lại nghêu ngao:
Cồn đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.
- Được! Hai câu này được lắm, cũng ra cảnh núi Ba đèo.
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.
Chàng đặt cuốn thơ xuống và nói:
- Tôi nói xin cô tha lỗi.
- Ông cứ nói.
- Kể ra hai câu sau này cũng có sự thật?
- Thì tôi có chối bao giờ. Tôi vẫn nhận rằng mấy năm sau này, thơ tôi đổi giọng, người ta chê là đĩ thõa cũng không oan.
- Đĩ thì có đĩ. Nhưng cũng hay lắm.
Chàng lại ngâm lại lần nữa:
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muôn trèo.
Chàng lại mỉm cười và hỏi Xuân Hương:
- Như tôi có phải là hiền nhân, hay quân tử không hử cô?
- Tôi không biết. Hôm nay tôi mới biết.
- Cái đó quyền ở cô! Cô cho tôi là hiền nhân quân từ thì tôi sẽ là hiền nhân quân từ.
Xuân Hương lại nghiêm sắc mặt:
- Ông xem thơ thì cứ việc xem thơ, không được nói ra chuyện khác.
Thận Trung im lặng hồi lâu, chàng cầm ấm nước rót lấy một chén nhấp giọng, rồi lại vớ lấy cuốn thơ giở vào một bài ở giữa: "Cái quạt?" À thừ xem thơ cái quạt ra sao.
Rồi chàng đọc luôn:
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Chàng cau mày, nhưng không nói gì và cứ tiếp tục đọc nữa:
Duyên em dính dáng tự bao giờ
Vành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại, đôi bên thịt vẫn thừa.
Chàng lắc đầu lè lưỡi mà rằng:
- Thơ vịnh cái quạt mà đến thế này thật là kỳ quái, không trách người ta khiếp cũng phải.
Chàng lại đọc:
- Mát mặt anh hùng cơn nắng gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa!
Chàng bỗng quăng tọt cuốn thơ xuống ghế và cười khanh khách:
- Sao cô chua thế hử cô. Cô có thù gì bọn anh hùng quân tử mà nỡ nói đê nói nhục họ thế ! "Vành ra ba góc da còn thiếu. Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa", thế mà tiếp đến "Mát mặt anh hùng khi nắng gió, Che đầu quân tử lúc sa mưa" thì đầu quân từ và mặt anh hùng còn ra gì nữa. Cô thật chua ngoa vô cùng!
Xuân Hương cũng cười:
- Đó là tôi tả chân cái quạt, có ý gì đâu? Ông thử tưởng tượng hình dáng cái quạt mà xem, có phải khi xòe ra thì nó thành hình ba góc mà có một góc thiếu giấy, khi cụp lại thì thịt nó thừa ra đôi bên hay không.
Người ta cầm quạt, ai cũng quạt vào mặt trước, nếu lúc đi mưa mà có cái quạt ở tay ai không dùng để che đầu.
Tôi dùng những chữ "che đầu, "mát mặt" để tả cái quạt tưởng cũng đúng lắm. Còn như những chữ anh hùng quân tử chẳng qua là đặt đối nhau, cho đẹp câu, không có ý tứ gì hết.
- Cô nói vậy thì tôi không chịu. Nếu bảo đặt đối nhau cho đẹp câu sao cô không đặt làm "mát mặt giai nhân" "che đầu thục nữ", giai nhân thục nữ cũng thường dùng quạt như bọn anh hùng quân tử, chứ có khác gì. Không nói người nọ mà nói người kia, chỗ đó, chứng bụng cô lúc nào cũng câm hờn bọn đàn ông con trai chúng tôi cho nên mới có giọng chua ngoa như thế.
- Ông nói thế thì tôi còn cãi sao được. Nhưng ông nên xét cho rằng: Đó là tôi cũng vô tình đặt mấy câu ấy nối liền với nhau, không phải là tôi cố ý, xin ông cũng đừng động lòng.
- Tôi có động lòng gì đâu, thấy vậy tôi cũng nói vậy để cô khỏi cười tôi là ngu dốt mà thôi.
Một lúc lâu, Thận Trung lại tiếp:
- Thực ra anh hùng quân tử ngày nay, nhất là những người đọc sách, biết chữ, mình tự cho mình là bậc đạo đức cao thượng, càng đáng ghét nữa.
- Sao ông lại ghét người đạo đức cao thượng?
- Cô lầm! Không phải tôi ghét người đạo đức cao thượng. Nếu họ mà thật đạo đức thì cái thân họ tức là gương sáng của bọn thiếu niên, đáng quí lắm chứ, ai mà dám ghét? Tôi ghét là ghét bọn đạo đức giả dối ấy thôi. Mà ở đời này, cô bảo lấy ai là đạo đức thực?
- Ông đã nói tôi cũng muốn nói một câu, nhưng trước khi nói tôi xin ông hãy tha thứ cho tôi, dù câu nói ấy có hơi vô lễ!
- Chắc cô lại muốn nói cụ Nghè Hoàng phải không? Được, cô cứ nói, cụ ấy tuy là thầy học tôi thật, nhưng cũng rất nhiều cái tôi rất không phục, cô thử nói xem có hợp ý tôi không?
Xuân Hương chưa kịp, Thận Trung lại giục:
- Cô cứ nói, nhưng cô nên nói cho đúng, không được đặt điều cho cụ.
- Tôi tưởng cụ là hạng đạo đức giả dối, không biết có đúng hay không!
- Cô nói chính đúng ý tôi. Khi trước nghe tiếng đồn cụ là bậc đạo đức cao thượng, nên tôi mới xin vào học. Từ ngày vào học đến nay, tôi mới biết cụ chỉ đạo đức giả, lòng tôi rất là hối hận.
- Bây giờ tôi muốn làm vỡ cái đạo đức giả của cụ, ông nghĩ có nên không?
- Nên lắm. Nhưng cụ giả dối rất khéo, khó mà làm vỡ ra được!
- Được! Tôi đã có phép. Nếu cụ không phải gỗ đá, thì thế nào cũng mắc với tôi?
Thận Trung có ý nghi hoặc:
- Nếu cô cùng vào với tôi, e rằng cụ không thèm tiếp, mà rồi cụ còn mắng tôi tàn tệ.
Xuân Hương cười ngặt cười nghẽo:
- Ông thật thà quá! Tôi há chẳng biết bây giờ cụ đang coi tôi như vật dơ bẩn, không muốn để cho lại gần? Nhưng, nếu muốn trêu cụ chơi cho vui, thì tôi phải... không là tôi nữa mới được!
- Cụ có biết mặt cô không?
- Không! Tôi với cụ kiếp trước không thù, kiếp này không thù, hai bên chẳng giáp mặt nhau lần nào, thế mà không hiểu vì sao cụ cứ ghét tôi như đổ thuốc độc ?
Thận Trung cũng cười:
- Một đằng thích giọng đạo đức, một đằng chỉ nói phóng phiếm, hai bên khác nhau như nước với lửa, cô còn ghét cụ, trách gì cụ chẳng ghét cô! Có điều cái thứ đạo đức của cụ, chỉ là đạo đức cửa miệng, chính tôi cũng không chịu nổi, nên muốn để cô chòng cụ xem sao. Nếu cụ chưa biết mặt cô, thì cô có thể đánh lừa cụ được. Nhưng tôi dặn trước, cô nên chòng cụ vừa vừa chứ thôi, không nên làm quá!
Chàng lại quay vào tập thơ và đọc nốt hai câu cuối cùng:
Nâng niu ướm hỏi người trên trướng,
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa ?
Lại một nụ cười nở trên cặp môi chúm chím, chàng liếc mắt nhìn nàng:
- Người trên trướng là ai? Có phải ông lão rậm râu sâu mắt hay không?
Xuân Hương sầm mặt:
- Ông đừng nhắc đến chuyện ấy, tôi muốn vùi dập nó xuống đất đen, không khi nào bới nó lên nữa. Lão Quyền Chưởng Vệ với tôi, cũng như tôi với cụ Nghè Hoàng, khác một điều là, cụ Nghè Hoàng không thấy mặt tôi, lão đó thì một vài ngày lại được ngó tôi một lần. Ấy là lúc tôi lấy lão ấy, tính duyên chỉ có thế thôi!
Chàng vờ nói đi chuyện khác:
- Vậy ngày mai khoảng nào thì cô vào thăm cụ Nghè?
Chừng độ gần trưa.
- Nhưng, tôi không thể cùng đi với cô.
Xuân Hương ngẫm nghĩ giây lát:
Ông sợ mang tiếng học trò phản thầy phải không! Thế cũng phải. Nhưng tôi muốn rằng khi tôi vào rồi thì ông cũng vào, hoặc ông vào trước rồi tôi vào sau. Miễn là chúng ta không đi cùng với nhau, thì dù xảy ra sự gì, cụ cũng không trách đến ông.
- Được! Tôi cũng muốn chứng kiến cuộc nghịch tinh ấy của cô.
Chú thích