Trong một tuần lễ hai cái án phụ nữ tự sát

Trong một tuần lễ hai cái án phụ nữ tự sát  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 117 (21. 1. 1932)

Người phạm, có lẽ đều là đàn ông

Những án phụ nữ tự sát có một lúc xảy ra liên tiếp ở Bắc kỳ, đã làm cho các nhà ngôn luận ta phí chẳng biết bao nhiêu là lời để điều tra, bản luận, kiếm cách trừ cái hại ấy cho tương lai. Mà không ngờ, trải qua chưa bao lâu, cái luồng sóng ác nghiệt ấy in như nó đi khỏi Bắc kỳ rồi tràn vào đến Nam kỳ !

Trong một tuần lễ mà có xảy ra cho đến hai cái án phụ nữ tự sát.

Một là cô Nguyễn Thanh Vân, 20 tuổi. Hồi 6 giờ chiều bữa 29 Décembre 1931, ở trên từng lầu thứ hai của khách sạn Đào Nguyên nhảy xuống, gãy chưn, dập gót, đem vào nhà thương Chợ Rẫy được ít bữa thì cô chịu không nổi với những vết thương mà qua đời.

Một là cô Thị Cái, 24 tuổi, vợ bé của M. Thành, làm việc ở hãng Denis Frères. Hồi 1 giờ chiều bữa 6 Janvier 1932, đi xe hơi ngang qua cầu Bình Lợi, rồi bảo ngừng xe lại, nhảy xuống sông mà trầm mình.

Hai việc nầy, bổn báo đều đã có đăng vào mục thời sự ở một số trước và số nầy. Nhưng vì là một việc rất trọng yếu cho xã hội, cho phụ nữ, nên hôm nay trích ra mà luận chung trong một bài nầy.

Trước hết ta nên tìm cho ra căn do cái chết của cô Thanh Vân. Trên kia, chỗ nói về cô, chúng tôi không nói rõ là vợ ai, cũng không nói rõ là chưa chồng, trong sự không phân minh ấy, có cái căn do làm cho cô tự sát ở trỏng.

Cứ như bạn đồng nghiệp Đuốc nhà Nam đã điều tra ra, thì cô là con nhà nghèo ở Trà Vinh, mồ côi mẹ từ hồi 15 tuổi. Cha lấy vợ khác dẫn đi xứ khác làm ăn, bỏ cô lại cho người cô của cô ở Tiểu Cần, là vợ ông cai tổng Nguyễn Tấn Công nuôi. Ở nhà cô dượng được ba năm, lúc 18 tuổi mới đến Cai Lậy (Mytho) ở với anh ruột là Nguyễn Lập Hiệp làm sớp-phơ cho ông phủ Phước. Ít lúc chi đó, có việc bất bình với người chị dâu thì cô lấy dầu xăng uống mà tự tử, song nhờ người nhà hay sớm, đem vô nhà thương cứu mới khỏi chết. Chẳng ngờ vì sự ở nhà thương đây mà sanh ra cho cô cái duyên chẳng duyên mà nợ, khiến cô phải trang trải bằng cái kiếp Lục châu như vầy!

Một thầy điều dưỡng ở nhà thương ấy, 25 tuổi, thấy cô có nhan sắc mà phải bước gian nan thì đem lòng thương yêu, hết sức săn sóc cho cô lành mạnh rồi ngỏ ý xin cùng cô gá ngãi.

Cô Vân bấy giờ thân thế lẻ loi, lại thêm chị dâu cay nghiệt, thấy thầy điều dưỡng có ý thương mình như vậy thì cũng muốn trao thân gởi phận cho rồi. Hai bên từ đó phát sanh cuộc luyến ái bí mật với nhau. Từng cùng nhau lên Sài Gòn dạo chơi hai bận. Khi ấy hai người đã quyết làm vợ chồng với nhau rồi, nên cô chẳng ái ngại gì hết.

Kế đó, thầy nọ vùng khai ra rằng mình có vợ rồi, mà vợ cũng làm cô mụ cùng một sở với thầy. Nghe tin nầy, cô Vân như sét đánh bên tai, hết sức đau đớn cho số phận mình, mà vì đã lỡ thất thân với chàng bạc hạnh kia rồi thì làm thế nào vớt lại? Đó rồi cô Vân phải chịu về làm vợ bé, sớm khuya khăn mặt lược đầu, phận con hầu giữ con hầu dám sai!

Tuy rằng ngoài yên trong ấm, nhưng cô Vân vốn đã chết trong lòng vì sự vội vàng mà mắc bẫy chàng kia rồi, nên từ đây cô cũng không lấy sống làm vui. Sống mà đày đọa tấm thân tỳ thiếp thì cô chịu không kham; còn lộn ra mà đi kiếm nơi nào nữa thì ngại vì sớm mận tối đào, ý cô không muốn. Thôi đành một thác cho rồi, nghĩ tới nghĩ lui, cô Vân quyết chết.

Sau khi về ở chung với vợ lớn đâu vừa đầy tuần lễ, cô Vân xin phép đi Sài Gòn có việc. Lên tới nơi, cô thẳng vào Chợ Lớn, vơ vẩn một mình, rồi tới nhà thuốc mua một ve thuốc cháy (teinture d'iode) mà uống. Uống rồi cô không biết đi đâu, bèn kêu xe kéo mà đi. Đi được một đỗi thì người cô say, sủi bọt mồm bọt miếng. Người xa phu thấy vậy, kéo vào nhà thương Chợ Rẫy, nhờ quan thầy chữa cho, cô tỉnh lại; ấy là cô muốn chết mà chết không trôi! Tỉnh rồi cô đi lộn ra Sài Gòn, xảy gặp người cậu xa xa của cô, liền nhờ người mướn cho cô một cái phòng cao mát mẻ để cô an nghỉ. Bởi vậy mà cô mới ở trên từng lầu thứ hai của khách sạn Đào Nguyên.

Ở đó ngày 28 và 29, chiều 29, người cậu tới thăm, cô rủ đi dạo với cô. Bận áo xong, gạt người cậu xuống lầu trước rồi cô đóng cửa phòng, ra phía trước mà nhảy xuống. Gãy một cái chưn, và mấy cái xương nhỏ, lại một cái gọt bị dập nát, nhưng cô chưa chết.

Cò bót liền chạy tới, đưa cô đi nhà thương Chợ Rẫy lại. Ở đó người ta cưa cẳng cô, lấy mấy cái xương gãy ra, tưởng có thể chữa cô khỏi chết song mang tật, không ngờ được mấy bữa, cô đau đớn quá rồi qua đời.

Theo ý chúng tôi thì cô Vân chết như vậy là yên phận mà cũng mát thân nữa. Sống thì cô cứ phải đeo mãi vết thương trong buồng tim, huống chi nay lại còn mang tật nguyền nữa, mà sống làm chi cho tội nghiệp! Bổn phận của xã hội là phải cứu lấy người đồng loại, song cứu đã chẳng đặng thì thôi, mà trong sự cứu chẳng đặng ấy biết đâu chẳng phải là cái may cho người bạc mạng hay sao?

Cô Vân chết có để lại hai bức thơ. Một bức xin cò bót đừng bắt tội người đàn ông là cậu cô đó vì người ấy vô can. Một bức nữa quan hệ lắm, chúng tôi xin mượn của bạn đồng nghiệp Đ.N.N. mà chép nguyên văn như vầy:

"Tôi là Nguyễn Thanh Vân, có dượng tôi là thầy cai tổng Ngải Long, ở Tiểu Cần. Anh chị tôi là thầy N..., ở tại chợ Cai Lậy, là phạm nhe.[1]

Hỡi ôi cho thân phận đàn bà! Ôi thôi cho kiếp hồng nhan! Tôi chán ngán cho cái đời kim tiền nó làm cho hư danh giá con nhà nước Nam.

Cúi lạy ông lớn làm ơn cho anh tôi hay. Anh ơi! Anh Sáu ơi! Em thương anh đến cùng! Vân ký".

Thuật qua đầu đuôi việc cô Vân như thế đó rồi hỏi thử cô chết tại ai? Ai làm cho cô chết?

Xin chớ có ai nói rằng tại cô Vân muốn chết thì cô chết; cũng đừng có ai nói tại cái số mạng của cô xui ra. Cái thuyết số mạng vẫn không đủ tin rồi. Con người ta, ai lại chẳng ham sống, mà nay đành chết đi, tất là có kẻ làm cho phải chết.

Trong việc cô Vân đây có hai người quan hệ mà đều là đàn ông hết. Một người quan hệ với cái nguyên nhân xa của sự chết cô Vân; còn một người quan hệ với cái nguyên nhân gần. Người trước là cha cô, người sau là thầy điều dưỡng nọ.

Cha cô Vân chết vợ mà cưới vợ khác thì không cấm. Duy có điều cưới vợ khác mà chớ bỏ con mình lăn lóc, phải nuôi chúng nó cho tới ngày thành lập thì mới phải đạo làm cha. Cái nầy, đi theo vợ kế làm ăn mà bỏ con lại cho cô dượng nó nuôi, thì ra cô Vân từ nhỏ đã trải qua cái cảnh cô đơn sầu thảm, mà hoặc giả sanh lòng chán đời cũng từ đó. Bởi vậy chúng tôi mới nói trong việc cô Vân tự tử, chính cha cô là người có dính dấp với cái nguyên nhân xa.

Đến như cái nguyên nhân gần thì thầy điều dưỡng ở nhà thương Cai Lậy chính là người gây nó ra, chớ chẳng những là có dính dấp. Thầy ấy thấy cô Vân phải bước gian truân, đem lòng liên mẫn thì nên lắm, nhưng đổi cái tình liên mẫn ấy ra tình luyến ái thì không nên. Không nên là vì thầy có vợ rồi.

Có vợ rồi mà nói chưa để cướp cho được cái ái tình của một người thiếu nữ, như vậy thầy ấy rõ là người phỉnh gạt lừa dối đó thôi, chớ chẳng phải là người yêu cô Vân thiệt tình. "Anh Sáu ôi! Tôi thương anh đến cùng", anh Sáu đó, chắc là chỉ thầy kia; gẫm mà thương cô Vân, đến chết rồi vẫn chưa tỉnh ngộ! Thiệt thế, lấy đó mà suy thì biết cô Vân yêu thầy ấy thật, song thầy ấy chẳng những không yêu cô mà là người đã lừa dối phỉnh gạt cô nữa kia.

Nghe nói sau khi thấy được bức thơ tuyệt mạng của cô Vân trong phòng ngủ Đào Nguyên, quan trên có đánh điện tín đòi thầy điều dưỡng, nhưng trong mấy ngày đó cho đến khi cô chết mà cũng chẳng thấy thầy ấy thấp thoáng đến Sài Gòn. Thế thì phụ tình án đã rõ ràng, còn chạy chối đi đâu cho đặng?

Một người đàn ông thì sa mê vợ kế, bỏ con gái mình trong cảnh cô khổ linh đinh, nội một cái tủi thân sót phận ấy cũng đủ giết người. Một người đàn ông nữa thì nói lấy được rằng mình chưa vợ để phá hư một người con gái tiết sạch giá trong, chơi cho phỉ chí rồi đày người ta vào cái kiếp ăn cơm nguội, ngủ nhà ngoài, thì còn ai sống làm gì cho nhơ nhuốc? Hai người đàn ông ấy không ra tay giết cô Vân nhưng mà đã giục cô Vân phải tự giết lấy mình.

Xem bức thơ tuyệt mạng thì thấy cô Vân tuy con gái nhà nghèo mà cũng có học nhiều ít, tri thức cũng chẳng đến nỗi tầm thường. Thảm thay cho con người như thế mà lại lọt vào tay con người như thế nên phải thác oan như thế!

Cô Vân chẳng những tủi cho mình, xót cho mình mà biết "Hỡi ôi cho thân phận đàn bà, ôi thôi cho kiếp hồng nhan", lại còn sợ cho "con nhà nước Nam hư danh giá", thì ai còn dám bảo rằng cái chết của cô là cái chết vô giá trị được ư? Phụ nữ Việt Nam hễ còn bị thứ đàn ông ấy giày đạp dưới chưn họ thì còn có người liều thân để phản kháng như cô Vân vậy.

Nói đến việc cô Thị Cái thì còn đương mập mờ đôi chút, chưa điều tra được kỹ càng. Tuy vậy, chẳng lẽ là tịnh nhiên không có cớ gì mà cô lại đem thân liều với dòng nước chảy. Không đâu, phải có làm sao đây.

Nếu có nguyên nhân gì làm cho cô Thị Cái chết thì cái nguyên nhân ấy cũng lại là do người đàn ông tạo ra.

Truy nguyên ra thì chồng của cô là M. Thành cũng gần giống như thầy điều dưỡng nọ. Người ta nói rằng mấy năm về trước, M. Thành vẫn có vợ rồi, mà vì sao không biết lại ăn cơm tháng tại nhà cô Thị Cái mà đi làm việc. Hai người từ đó yêu nhau cho đến sanh một đứa con – tức là đứa con có hình đăng ở bên kia[2] – rồi thì M. Thành mới cưới cô làm vợ bé. Thị Cái vẫn ở luôn nhà mẹ tại đường hẻm d'Ormay, mỗi tháng được cấp dưỡng 20 đồng.

Theo như lời người biết việc thì gần đây chồng của Thị Cái hình như có đổi ý làm sao đó. Một đôi khi đòi bắt con về nuôi ở nhà mình. Lại trước khi nàng tự tử, tới tháng, người chồng có đem cho 15 đồng mà không cho 20 như trước, lại có nói "cho một lần nầy nữa mà thôi". Cũng trong mấy bữa đó, hai người có cãi lẫy gì với nhau bằng những lời rất nhỏ nhẹ, người ngoài nghe không phủng, cãi lẫy rồi thì thấy cô ta khóc, hai hàng nước mắt cứ chạy quanh trên mảnh má hồng.

M. Thành có một người anh nhà ở Đất Hộ, mà nhà ấy, thuở nay Thị Cái chưa hề tới, và vợ chồng người anh cũng chưa hề biết mặt nàng. Trong khi đi chết, nàng đem đứa con vừa 2 tuổi rưỡi theo, trên xe bịn rịn với đứa nhỏ một hồi, rồi đem gởi cho nhà người anh đó. Bà chủ nhà nầy thấy gởi hay gởi, chịu khó lãnh giùm cho, chớ cũng không biết là con ai.

Coi những tình tiết trên đây thì thấy ra sự Thị Cái chết, hoặc giả một là sợ chồng bỏ, hai là sợ mất con, những điều ấy làm cho nàng sanh lòng tức tủi hay là ăn năn sự mình nhẹ dạ từ xưa mà muốn quyên sanh cho rồi một kiếp. Nguồn ngọn trong vụ nầy không được minh bạch cho lắm; song dầu thế nào nữa, cái chết chẳng phải dễ, người ta chẳng phải con trùn con dế mà hòng nói động ra một chút là lấy mạng làm chơi.

Đã hay rằng thứ vợ nhỏ trầm mình – dầu cho trầm mấy cái mình đi nữa, là người chồng, chẳng đang tay nhận nước thì thôi, vốn là vô tội. Song nếu có kẻ hỏi: M. Thành có vợ rồi thì còn nguyện ước với gái đồng trinh làm chi – thì M. Thành sẽ trả lời làm sao? Hoặc có kẻ hỏi nữa: Liệu không đủ tiền nuôi thì thôi, vợ nhỏ vợ to làm chi cho thêm chuyện – thì ông chồng ấy sẽ lấy lời gì đáp lại?

Việc nào cũng là lỗi ở đàn ông cả. Trong hai vụ nầy, chúng tôi thấy ra người phạm đều là đàn ông. Sao đàn ông đối với đàn bà lại được nhiều cơ hội tạo ác như thế ? Chỗ đó xin để cho độc giả suy nghĩ lấy.

P. K.

   




Chú thích

  1. Phạm nhe: y tá hoặc hộ lý. Từ này ngay đương thời đã bị coi là không chuẩn; xin dẫn một ý kiến độc giả: “Lâu nay có lắm người dùng tiếng “phạm nhe” mà gọi mấy thầy điều dưỡng, phần nhiều là kẻ quê mùa với hạng vô học. Điều ấy không lạ chi, chỉ lạ cho vài người có học mà lại có thói quen dùng tiếng “phạm nhe” nơi miệng. Chẳng hay mấy ông có biết tiếng Việt Nam còn tiếng “điều dưỡng” và “khán hộ” là tiếng của nước nhà ta chăng?” (Ôn Văn Hy: “Phạm nhe” có phải tiếng kiêu ngạo chăng?//Trung lập, 11 Août 1932)
  2. Trang 6  PNTV số này có in ảnh chụp với chú thích: “Thằng bé, con cô Cái”.