IX

NGHI, hồi học ở Phan-thiết được thầy yêu bạn mến thế nào, thì bây giờ ở trường Nữ-học Saigon cũng thế. Tại đó, cô đứng nhất nhì trong lớp luôn tháng nọ sang tháng kia, về bên hạnh-kiểm cũng đáng khen như bên học-lực. Các thầy giáo trong lớp mà nhất là bà đốc trường, người Pháp, đều chú ý đến Nghi, cho là một nữ học-sinh xuất-sắc chẳng những của một lớp mà của cả trường.

Trong khi Nghi ở học tại trường, không hề nhận được thư của cửu Thưởng mà thỉnh-thoảng chỉ nhận được thư của vợ chàng. Lần nào nàng cũng báo tin cho Nghi biết chồng mình ở nhà mỗi tháng đến khi trả tiền học cho Nghi thì cằn-rằn dữ lắm, đổ cáu đổ bẳn, rầy la vợ con không chịu nổi.

Trong một lá thư gởi cho Nghi, cửu Thưởng gái kể chuyện rằng có một bận, chồng nàng đi mua măng-đa gởi xong, trở về nhà đụng ai gây-gổ nấy. Thế rồi giữa bữa ăn cũng gọi cả phán Thục và bà Tuấn ra mắng-mỏ, rủa-sả, bảo hai người ấy đã cố tâm xúi giục cho Nghi mà làm hại mình. Lại còn ngờ đến vợ mình là cửu Thưởng gái cũng đi một phe với chúng để làm mình lâm-lụy, tốn kém, rồi mắng chửi nàng, có khi đánh đập nàng nữa.

Lại một lá thư khác, nàng viết: « Tôi vẫn biết cô có tư-chất thông-minh, nhà sẵn tiền, lại sinh gặp thời-đại văn-minh này, đi học như thế là phải lắm. Có điều đáng tiếc là nhà ta gặp cảnh nghịch. Chồng tôi không xứng đáng làm anh cô. Anh ấy tham-lam, so tính lợi hại quá nên mới coi sự đi học của cô như là một cái nạn cho gia-đình. Không làm thế nào được, rồi anh ấy đâm ra cáu-kỉnh, bẩn-thỉu. đánh vợ chửi con hằng ngày, dần dần trong nhà như giặc. Nhưng, thực ra thì, ở nhà mỗi năm thu vào lợi tức nhiều lắm, tiêu cho cô ngần ấy có thấm vào đâu! — Tôi chịu khổ nhiều lắm, cô ạ! Không biết than-thở cùng ai thì tôi nói với cô ít lời cho hả. Giá bây giờ cô đừng đi học nữa, về ở nhà, thì trong gia-đình vô-sự lắm. Nhưng nào có phải tôi muốn thế? Thà tôi chịu khổ để cho cô đi học được thành tài »

Những tin-tức ấy làm cho Nghi sinh ra trăm mối ưu-phiền. Cô thương cha nhớ mẹ, tủi thân phận mình mồ-côi, lại thương-hại cho chị dâu vì mình mà chịu khổ. Một đôi khi nghĩ tới gia-tình, Nghi cũng có sinh lòng chán-nản; nhưng nhờ trời phó cho cái tính đằm và có nghị-lực nên rồi lại mần ngơ đi được cả mà chuyên tâm học-tập. Gia dĩ, có bà giáo Phan-thiết viết thơ kể tình-cảnh đặc-biệt của gia-đình Nghi, nên bà đốc trường Nữ-học biết rõ thì thường hay yên-ủy Nghi và khuyến-miễn, bà bảo: « Muốn làm nên người thì phải phấn-đấu với hoàn-cảnh chứ đừng hàng-phục nó! »

Luôn ba năm, đến mùa nghỉ nắng hay ngày Tết, Nghi đều không về nhà. Cô cho rằng nhà như thế thì có vui-sướng chi mà về. Còn một lẽ nữa là nhà ấy bây giờ còn phải đâu là nhà của cha mẹ cô! Về làm gì cho thấy cảnh mà luống thêm tủi-não!

Về phần cửu Thưởng, trong những tháng nghỉ ấy, cũng không gởi tiền cho Nghi nữa. Chàng chỉ chịu trả những món tiền học mà nhà trường có gởi giấy đòi. Nghi cũng không hề viết thư về xin. Luôn mấy năm, cô nhờ vợ chồng phán Thục chu-cấp thêm cho để ăn-tiêu trong những tháng không ở trong trường và may-sắm hay là đi đây đi đó. Có năm thì về Phan-thiết ở với dì; có năm thì về Qui-nhơn ở với chị, nhưng không hề về qua nhà cửu Thưởng.

Bởi những điều hiềm-khích ấy mà, trước kia cửu Thưởng có ác-cảm với Nghi cố nhiên rồi, bây giờ Nghi cũng lại có ác-cảm với cửu Thưởng nữa. Hơn nữa, Nghi năm nay mười-sáu mười-bảy tuổi rồi, không phải còn con nít như xưa; lại thêm học-thức cũng trổi lên, có lẽ nào chịu được sự áp-chế vô-lý của một người anh vốn không phải là anh mà không chống-chế lại? Cũng vì đó mà từ đây về sau, cái điều uất-ức trong lòng Nghi một ngày thêm một ngày; uất-ức mà không làm gì tốt, rồi sanh ra tật-bệnh để đến nỗi thiệt-thòi cái đời xuân xanh!

Cho nên, sinh-trưởng trong một gia-đình chuyên-chế, trong một xã-hội đầy những chế-độ bất bình và tàn-khốc, duy có kẻ nào lành như con cừu, không thích tự-do như con lợn thì mới sống được yên thân; còn ai biết đau-đớn mà nhúc-nhích, thấy ngột-ngạt mà vùng-vẫy, là người ấy sẽ thiệt-thân, sẽ chết, chết dưới sức phản-động của cái chế-độ ấy!

Nghi bắt đầu phản-đối trước mặt anh mình, cửu Thưởng, là năm cô 18 tuổi, ở năm thứ tư trường Nữ-học, đi về nghỉ ăn tết tại nhà phán Thục ở Qui-nhơn.

Ba cái tết đã qua, Nghi không về nhà, không lạy bàn-thờ cha mẹ. Nên năm nay, phán Thục gái bảo Nghi đi với mình về qua một lát, trước để làm lễ cha mẹ, sau cũng để giã-lã với anh. Hai chị em đi nhằm buổi sáng ngày mồng một tết.

Nghi ba năm nay không về nhà, biết cửu Thưởng càng có cớ mà giận mình thêm nữa. Biết vậy nên mới cùng đi với chị, nhờ phán Thục gái làm như cái mộc để đỡ thân. Lại về vào ngày mồng một tết, buổi mai, tưởng cửu Thưởng có giận nhau đến đâu cũng phải nể-nang ngày đầu năm năm mới mà bỏ dữ làm lành với nhau. Chẳng dè việc đời xảy ra thường trái với ý người liệu trước.

Hai người vào nhà, thấy trong nhà trang-hoàng lộng-lẫy mà chủ-nhân thì còn ở đâu chưa ra.

Cửu Thưởng gái chào mời niềm-nở cả hai; riêng với Nghi, nàng càng có ý mừng-rỡ đặc-biệt và đang hỏi-han rối-rít. Cửu Thưởng trai vừa bước ra, khăn áo sang trọng lắm — chàng mãn tang mẹ lâu rồi — hất hàm chào phán Thục:

— Chị qua chơi! — Quay mặt lại phía Nghi: Con này con nào tôi không biết?

Nghi giận uất người lên nhưng vẫn giữ nét mặt thản-nhiên. Cô nghĩ chưa biết cửu Thưởng định làm ra vẻ chi, nên hẵng dè-dặt cả thái-độ lẫn ngôn-từ để nhượng cho chị mình đối-phó trước. Phán Thục có thói quen kiêng khem ngày tết lắm, không muốn có sự rầy-rà nên đấu dịu:

— Cậu cửu nói chơi chi vậy. Con Nghi — dì Nghi hắn đó mà!

— Tôi nói thật chứ chơi gì, nhà này chẳng ai biết con Nghi là con nào.

— Bậy quá, tôi hay cậu giận, tôi chẳng bảo nó về làm chi.

— Về làm chi! Ông bà, cha mẹ, tết-nhất mà làm chi! ở Saigon mỗi tháng xài bốn, năm chục bạc cho thỏa-thích!

Đến đây mới lòi cái chơn-tướng của anh chàng ra. Cửu Thưởng chỉ vì mất mỗi tháng bốn năm chục bạc với Nghi, mới lấy làm cay mà giở mặt như thế. Nghi thấy thế rồi, bèn thư-thả nói từng câu, có câu, cô dằn từng tiếng một:

— Anh đừng có xấu bụng quá như thế. Cha mẹ mất đi, để lại một cái gia-tài trăm mẫu đánh giá có tới bảy-tám vạn bạc, thì một năm tiêu về phần tôi năm sáu trăm có là bao. Tôi dùng tiền ấy đi học, sao anh lại nói tôi « xài »? Còn ba năm nay tôi không về nhà đây, là vì tôi thấy anh đối với tôi không tốt. Chứ ông bà cha mẹ, nhất là cha mẹ tôi, khi nào tôi lại quên! Anh đừng ỷ là anh với tôi. Anh ăn ở phải thì còn là anh em; chứ anh ăn ở bậy thì tôi không nhìn anh trước chứ không đợi để anh không nhìn tôi đâu vậy!

Nghi nói những câu ấy với một giọng già-giặn rắn-rỏi, không còn có vẻ rụt-dè nhút-nhát như mấy năm trên, làm cửu Thưởng đét người đi, câm mồm không nói lại được lời nào.

Phán Thục lại thắp đèn các bàn thờ, rồi kêu Nghi cùng làm lễ với mình. Nhưng Nghi từ chối, nói:

— Anh em đang không nhìn nhau, rầy lộn với nhau thì còn có thành-kính gì mà đối với vong-linh ông bà cha mẹ? Chị có lạy thì lạy đi, chước cho tôi.

Rồi phán Thục lạy một mình.

Nghi còn chưa hết giận, muốn nói nữa. Cửu Thưởng gái lại một bên Nghi, kêu-van cô đừng nói nữa. Nàng sợ nói nữa không khỏi đụng-chạm đến những điều mình đã viết trong thư mà báo tin cho Nghi, rồi chồng nàng lại nhân đó mà hành-hạ nàng chăng. Nghi biết ý chị dâu, làm thinh ra về với phán Thục.

Từ đó Nghi với cửu Thưởng hai người giận nhau ra mặt. Nghi thường nói với vợ chồng phán Thục: « Tôi bây giờ lớn rồi, đủ trí khôn rồi, chứ phải bảo chi nghe nấy như hồi 14 tuổi đâu mà bắt nạt được tôi? »

Tuy vậy, tết rồi, trở vô học, cửu Thưởng cũng vẫn trả tiền học-phí mỗi tháng như trước cho đến ngày tháng Juin, thi tốt-nghiệp cao-đẳng tiểu-học, Nghi đỗ đầu.