Trở vỏ lửa ra/I
Truyện dài đầu tay của PHAN KHÔI
I
SÁNG hôm ấy, Nghi đi học, vào lớp nhất trường tiểu-học con gái ở Phan-thiết như mọi ngày. Giờ thứ hai, bà giáo vừa ngồi xuống ghế xong, kêu Nghi lên, đưa cho một mẩu giấy màu xanh-non gấp hình chữ nhật cầm sẵn nơi tay, mà cả học-trò trông lên ai cũng nhận là cái mẩu giấy điện-tín của nhà dây-thép mới đưa tới.
Nghi là một nữ-sinh được bà giáo yêu nhất lớp, chẳng những vì có khiếu thông-minh, học giỏi, mà còn vì tính-nết ngoan-ngoãn, đằm thắm, cử-chỉ như một người lớn. Thấy Nghi nhận bức điện-tín xong, cầm đi xuống, nét mặt thản-nhiên, không một vẻ gì đổi khác thì bà gọi trở lên, bảo rằng:
– Sao không mở xem thử đi?
Nghi đáp lại cách quả-quyết:
— Con sẽ xem sau khi tan lớp học.
— Thấy con dấu đóng ở Qui-nhơn, hẳn là điện-tín của nhà chị đấy. Mở xem đi, nếu có việc gì gấp sẽ biết mà liệu
— Dạ, con sẽ xem...
Nghi nói thế rồi quày quả trở xuống bàn mình ngồi.
Đại khái gia-đình của Nghi, bà giáo vẫn có biết, và nhất là mẹ Nghi lâm-bệnh nặng trong mấy tháng nay, bà cũng có hay tin, nên đối với cô, bà muốn tỏ chút tình săn-sóc. Nhưng Nghi là một cô-bé tinh-khôn lắm, trong thâm-tâm có một dự-định thế nào đó cho nên mới làm ra bộ tỉnh-táo trong khi bắt được điện-tín nhà, mà ở đó đương có mẹ già đau nặng.
Nghi theo luôn hai giờ học nữa, vẫn chép bài của thầy đọc cho, vẫn đáp những câu thầy hỏi như những ngày thường, không lộ ra một ý gì tha-thiết hay bối-rối. Sự trấn-tĩnh ấy làm cho các nữ-sinh đồng lớp không để ý đến chuyện mới rồi nữa, họ quên bẵng rằng Nghi mới vừa có nhận một tin gì quan-trọng bằng điện-tín trước mặt mọi người.
Mười giờ rưỡi, tan học. Nghi tránh các bạn quen, lủi-thủi đi về nhà trọ. Dọc đường. cô mếu-máo, lẩm-bẩm một mình:
— Thôi, chắc mẹ mình chết rồi, còn gì nữa!
Vừa nói vừa mở bức điện-tín ra. Quả nhiên! Ấy là do người anh của Nghi đánh cho, tại Qui-nhơn, ngày 5 mars, 1922, chính-văn bằng quốc-ngữ như vầy: «Mẹ mất rồi về ngay»; ở dưới ký tên: «Trần công Thưởng».
Nghi cố dằn lòng cho không khóc, nhưng nước-mắt tự dưng trào ra như xối. Đi bước một thư-thả để chặm cho ráo ngấn lệ rồi Nghi mới chịu về đến nhà trọ.
Người chủ nhà trọ là dì ruột của Nghi. Bà ấy góa chồng, buôn-bán, vừa đủ ăn, mà người phúc-hậu đứng-đắn lắm nên mẹ Nghi đã đem lòng tin-cậy mà gởi con gái mình ở học gần sáu năm nay. Về tới nhà, Nghi còn chưa vội đem tin dữ báo cho dì biết, cất sách-vở xong là ngồi vào mâm cơm ăn như mọi bữa. Ăn xong, xin phép dì đi đến nhà bà giáo, lấy cớ rằng bà ấy có dặn trưa nay đến cho bà bảo gì.
Bà giáo ở trường về, ăn chưa rồi bữa ăn thì thấy Nghi đến với một bộ mặt buồn thiu. Biết trước, bà đón hỏi:
— Chị Nghi, bức điện-tín lúc nãy có phải là báo tin buồn nhà chị không?
Nghi dạ, và mắt rưng-rưng, tay run-run, cầm giấy xanh đã mở rồi đưa cho bà giáo.
Bà vừa xem vừa gạn-gẫm:
— Rõ thật chị nầy con-nít mà gan quá! Thế sao lúc ở trong lớp bảo bóc ngay ra xem lại không chịu bóc ra?
— Nghi chậm rãi nói:
— Thưa thầy, (Nghi quen gọi bà giáo như thế) cũng vì cớ ấy mà nay con mới dám đến cửa thầy. Con có câu-chuyện riêng, không tự định-đoạt nổi, vậy con muốn đến đây nhờ thầy dạy-bảo cho.
Bà giáo kêu con ở lên bưng mâm xuống và nói với Nghi:
— Được, có chuyện gì, chị cứ nói. Nhà đây không có ai, chỉ có một con ở mà bây giờ nó phải ăn cơm dưới nhà bếp rồi.
Nghi xin phép ngồi trên một chiếc ghế gần bức phản của bà giáo, lấy khăn-tay ra lau cả mồ-hôi lẫn nước mắt đang thi nhau chảy trên mặt cô, rồi thỏ-thẻ kể tình đầu:
— Mấy hôm nay con định bụng rằng, dầu mẹ con mất có lẽ con cũng không về nữa; mà đã thế, thì cũng không nên công-bố cái tin buồn ấy ra cho ai biết làm chi...
Bà giáo vội ngắt lời:
— Chị nói sao lạ thế? Mẹ chết lại không về?
Nghi làm như không để ý đến câu hỏi của bà giáo, cứ tiếp-tục tỏ ý mình:
— ... Bởi vậy lúc sáng nay con không dám mở bức điện-tín ra giữa lớp học, trước mặt thày và bạn; và cái tin sét đánh ấy giữa đường con đã biết rồi, mà về nhà, con cũng chưa dám cho dì con hay.
— Nhưng tại sao chị lại định bụng không về chứ?
— Con chỉ nghĩ thế thôi; con còn đến đây xin hỏi thầy thử sự dự-định ấy của ccn nó nên hay không đã.
— Chị phải cho tôi biết tại vì lẽ gì mà chị toan không về.
— Con chỉ sợ hễ về thì không được đi học nữa, mà chỉ còn hai tháng nữa là con thi tốt nghiệp tiểu-học, bỏ đi, uổng quá!
— Ai cấm ngăn chị, không cho chị đi học nữa?
— Thưa, anh con, người đánh dây-thép cho con đây.
— Cái ông Trần công Thưởng ấy cấm-ngăn chị? Sao lại có thể thế được?
— Vì gia-đình con có khác: người ấy là anh con, nhưng không phải anh ruột con; tuy vậy bây giờ người ấy có quyền vô-thương trong gia-đình con?
— Té ra ông Thưởng không phải anh ruột chị? Thế sao có quyền cấm-ngăn chị được?
— Dạ, anh ấy là con của một ông bác họ con mà lập tự cho cha mẹ con. Cha mẹ con giầu lớn, gia-tài có hơn một trăm mẫu, mà không có con trai, chỉ có hai con gái là chị con, đã có chồng rồi, và con; cho nên, trước khi cha con qua đời, đã lập anh ấy làm người kế-tự.
— Anh kế tự thì có khác gì anh ruột? Ai ở đời cũng phải theo lẽ mà làm. Theo lẽ, mẹ mất chị phải về; đám táng xong, chị trở vào mà học, chứ anh nào lại ngăn-cấm?
Bà giáo nói đến đó, như làm động lòng Nghi, cô không còn giữ được thái-độ điềm-tĩnh nữa, xây mặt úp vào cây cột kề bên, thổn-thức khóc.
Bà giáo đưa tay vân-vê, gỡ mấy sợi tóc rối trên đầu Nghi và dùng lời an-ủy:
— Tôi đã hơi thấy cái tình-cảnh đáng thương của chị rồi, Rủi mình sinh ra trong một gia-đình như thế và ở trong một xã-hội có cái chế-độ như thế thì phải chịu, chứ biết sao được giờ! Nhưng chị phải nói nốt, vì lẽ gì mà ông anh chị lại không muốn cho chị đi học nữa, để tôi biết đến đầu đến đuôi thì mới có thể giải-quyết giúp chị vấn-đề nầy được.
Nghi đưa mắt nhìn bà giáo, tỏ ý cảm ơn, và nói trắng cái chỗ cốt-yếu trong công việc ra cho bà rõ:
— Thưa thầy, phải chi anh con như người khác thì đâu đến nỗi. Cái nầy, anh con đã dốt nát lại như có thâm-thù gì đối với sự học, chỉ biết vơ-vét lấy tiền cho nhiều. Từ ngày mẹ con lâm bệnh, anh con cai-quản quyền thâu phát trong nhà. Trong nhà mỗi năm thâu vào vài ba ngàn đồng là ít, mà mỗi tháng gởi cho con mươi, mười-lăm đồng, là anh con cằn-rằn, la tốn-kém. Hồi mẹ con còn mà anh con đối với con, còn bóp-thắt từ đồng như vậy, huống chi nay mẹ con nhắm mắt rồi, anh con còn kể gì nữa! Con sợ trong lúc nầy mà con về một cái là anh con bắt ở nhà luôn, cho nên con có định ý không về,..
Nghi vừa nói đến đó, bà giáo bò lại, hỏi:
— Chị chưa phải là người lớn chứ cũng mười bốn tuổi đầu rồi, vả lại đã có một ít học-thức nữa, thế mà trong khi mẹ mất chị định không về mà chị an tâm được sao? chị không sợ người ta phi-nghị sao?
— Con cũng nghĩ thế nên con không dám tự-quyết mà phải hỏi thầy. Ý con đương dật-dờ ở chỗ nầy: bây giờ con có về cũng không làm mẹ con sống lại được mà sự học của con ắt hẳn phải nửa đường bỏ dở.
— Nhưng, theo tôi thấy thì sự không về lại còn là nguy-hiểm về đường học-hành cho chị hơn nữa. Giá ông anh của chị lấy cớ mẹ chết không về mà bắt tội chị, không nhìn chị và không gởi tiền cho chị nữa thì chị liệu còn theo học được nữa hay không?
Nghi nghe mấy lời ấy, ngẩn người ra, cúi xuống nói một mình như hối-hận:
— À ra còn thế nữa? Giá ta không hỏi, thầy không bảo cho thì ta sẽ phạm một sự lầm-lỗi thành hai.
Quay lại bà giáo:
— Vậy thì con nên làm thế nào?
— Chị nên về ngay chiều nay đi. Tôi cho phép rồi đó. Táng bà cụ xong, chị xin đi học lại, nếu vạn nhất không được, tôi sẽ lấy quyền nhà-trường can-thiệp giùm cho. Mà không được nữa, rồi sẽ liệu.
Nghi đứng dậy cảm ơn bà giáo, nói mấy lời từ-giã bà rồi bước ra về. Bấy giờ đã quá mười giờ trưa.
Dì của Nghi vừa thấy Nghi bước vô cửa-ngõ đã vội hỏi:
— Nghi, sao không ở lại đằng ấy rồi chiều đi học luôn, lại về lúc giữa trưa đứng bóng?
Nghi sùi-sụt kể:
— Dì ơi dì! Mẹ cháu mất rồi dì ạ! Cháu đương cộng-sổ giùm cho bà giáo thì có người đưa thơ cầm cái giấy dây-thép này đến đây.
Bà Tuấn (tên bà chủ nhà, dì của Nghi) nghe tin thì khóc òa lên. Rồi hai dì cháu sắm-sửa đi chuyến xe ô-tô đường về Qui-nhơn ngay lúc hai giờ chiều hôm ấy. Trên xe, Nghi cứ nằn-nì xin dì về nhà lần này nói giùm với anh mình làm sao cũng cho mình đi học nữa.