Trả lời câu hỏi của quốc tế văn học xã

Tuyển tập tạp văn của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Trả lời câu hỏi của quốc tế văn học xã

1) Sự tồn tại và thành công của Liên Xô đối với ông thế nào? (Cuộc Cách mạng tháng Mười của kiến thiết Xô Viết, đối với đường lối tư tưởng và tánh chất sáng tác của ông có thay đổi thế nào?)

2) ý kiến ông thế nào đối với văn học Xô Viết?

3) Có những việc gì và mọi sự tiến hành gì về văn hóa ở các nước tư bản chủ nghĩa, đặc biệt làm cho ông chú ý?

1) Trước kia, sự hủ bại của xã hội cũ, tôi đã thấy đến, tôi mong muốn cho xã hội mới nổi lên, nhưng không biết "cái mới" ấy phải là thế nào, vả lại cũng không biết sau khi "cái mới" nổi lên, có nhất định là tốt chăng. Đợi đến sau Cách mạng tháng Mười, tôi mới biết rằng kẻ sáng tạo ra cái xã hội "mới" ấy là giai cấp vô sản, có đều bởi sự phản tuyên truyền của các nước tư bản chủ nghĩa nên tôi đối với Cách mạng tháng Mười còn có hơi nguội lạnh và lại ngờ vực. Hiện nay, sự tồn tại và thành công của Liên Xô làm cho tôi tin chắc rằng cái xã hội không giai cấp thế nào cũng sẽ xuất hiện, chẳng những quét sạch hết ngờ vực mà còn tăng thêm bao nhiêu tinh thần dũng cảm nữa. Tuy vậy, về sự sáng tác thì, vì tôi không ở chính giữa chỗ xoáy của cách mạng, vả lại lâu nay tôi không đi đến được các nơi để mà khảo sát, cho nên tôi đại khái vẫn cứ chỉ có thể bộc lộ những chỗ xấu của xã hội cũ.

2) Tôi chỉ đọc được những bổn sách dịch của mấy nước khác là nước Đức, nước Nhật. Tôi thấy những tác phẩm hiện nay nói chuyện kiến thiết, còn những tác phẩm trước kia nói chuyện chiến đấu, - như Đoàn xe thiết giáp, Hủy diệt, Suối thép[1] - vẫn còn có hứng thú và có ích cho tôi. Tôi thích xem văn học Xô Viết, mà đối với Trung Quốc, hiện nay cái cần thiết hơn vẫn còn là tác phẩm chiến đấu.

3) Tôi ở Trung Quốc, khó thấy cái gì gọi là "văn hóa" của các nước đế quốc chủ nghĩa ; tôi chỉ biết rằng ở Trung Quốc, họ và bọn đầy tớ họ đang dùng các phương pháp của lực học và hóa học, lại có máy móc bằng hơi điện để mà tra tấn người cách mạng, và còn dùng máy bay và bom đạn để mà giết hại quần chúng cách mạng.

1934
(Dịch ở Thả giới đình tạp văn)

   




Chú thích

  1. Đây là ba tên sách tiểu thuyết của ba tác giả Liên Xô: Đoàn xe thiết giáp của Ivanov, Hủy diệt của Fadaef, Suối thép của Serafimovitch.