Trả lời ba câu hỏi của một vị độc giả
Tôi mới tiếp được thơ của một vị độc giả gởi tới hỏi ba điều, mà bảo tôi trả lời trên báo Phụ nữ hoặc Trung lập. Vì tiện hơn, tôi xin trả lời ở Trung lập hôm nay.
Điều thứ nhứt, hỏi : Sao ở mục văn uyển báo Phụ nữ thường có nhiều bài thơ Đường luật tạp nạp quá ? Lại có nhiều bài theo điệu vọng cổ hoài lang nghe vụng về quá mà cũng đăng ?
Xin trả lời rằng : Sự đó là một cái hiện tượng không thể tránh được. Số là, vận văn là một lối văn phần nhiều thuộc về tình cảm ! Có cảm xúc điều gì, trong tâm tình của mình uất ức chứa chan, phát ra lời văn xuôi không đủ tả hết được thì mới phát ra lời văn vần. Muốn phát ra bằng văn vần lại trước phải có học thức cho rộng, kinh nghiệm nhơn tình thế cố cho nhiều, nhứt là phải rành nghề ngâm vịnh thì mới hay được
Cái nầy, phần nhiều người đã ít gia công học tập mà lại hình như trong tâm tình cũng chẳng có cảm xúc gì cả, thế mà cứ hay làm vận văn luôn, ngâm vịnh luôn, miễn cho đủ vần đủ chữ thành hình bài thơ là được, như vậy thì tạp nạp vụng về là phải.
Trong xã hội đã có cái “bịnh” ưa làm thơ, lại cũng có luôn cái “bịnh” ưa xem thơ. Nghe nói phần nhiều người đọc báo, hễ mở ra là tìm mục văn uyển trước. Báo nào không có mục ấy thì độc giả không thích đọc. Bởi vậy nhà báo chìu theo ý phần đông mà đăng thơ ca cho nhiều. Hễ nhiều thì trong đó phải có bài nhảm, tài chi khỏi được ?
Tôi không ở trong tòa soạn Phụ nữ nên tôi không biết về việc ấy. Song tôi có hỏi ông chủ bút báo ấy, thì ông nói rằng thế là đã lựa lọc sửa sang lắm rồi đó, người ta gởi những bài văn uyển tới nhiều quá, giạc chừng lấy xe mà chở không hết, đó là mười phần chỉ đăng có một thôi.
Tôi xin nói cùng liệt vị độc giả rằng nếu liệt vị muốn có thơ hay mà xem, muốn cho trên báo khỏi có những bài thơ “con cóc”, sự ấy đừng trông ở ai hết, mà chỉ trông ở chính mình liệt vị. Có một điều là nên bớt làm thơ đi, bớt ngâm vịnh đi thì được. Bởi vì, cái gì ít thì mới có cái hay ; còn nhiều quá thì chắc phải dở.
Thật là cái đời loạn, nhiều chuyện vô lý quá, sự làm thơ cũng vậy. Cha chết mà làm thơ để khóc cha, thật là chuyện xưa nay chưa hề thấy ! Vô lý như thế mà sao người ta làm được ? Không biết !
Đại phàm thơ ca, theo từ gốc mà nói, là để phổ vào nhạc. Nhạc, theo từ gốc mà nói, là để làm cho vui. Cha chết có phải là sự vui sao mà lại làm thơ ? Làm thơ mà đề là “Khóc cha”, thật là sự vô nghĩa.
Nếu nói rằng trong nhạc vẫn có khúc ai bi, thì cũng không được. Vì rằng hễ làm thơ, cho là phổ vào điệu nhạc ai đi nữa, cũng phải trau chuốt từng lời, nặn nọt từng chữ, tôi xin hỏi trong khi khóc đấng thân sanh mình bằng non bằng nước thì làm sao làm được việc ấy ư ? Mình mang giây rơm mũ bạc, tay cầm gậy tre dài, nước mắt lộn nước mũi, rống không ra tiếng mà làm thơ, mà ngâm vịnh, mà lựa từng tiếng trắc tiếng bình[1], mà lo cho khỏi thất niêm xuất vận, thật là chuyện phản thường nghịch lý, từ lúc có lịch sử đến giờ chưa hề thấy !
Vậy mà ở nước Việt Nam ngày nay, trên tờ báo nọ, có bài thơ Khóc cha, thì còn bảo ăn làm sao nói làm sao bây giờ !
Việc trái lẽ sờ sờ ra như vậy, mà người ta coi là thường, không ai lấy làm lạ chút nào hết. Ấy chỉ vì trong óc không có lấy một chút luận lý học. Vậy có kẻ bảo cho rằng nên chịu khó dùi mài luận lý học để mà xét lại mọi việc mình nói mình làm hầu cho khỏi sống trong chiêm bao, thì lại rủ nhau kẻ trề người nhún, ôi ! hết chỗ mong rồi !
Đến cha chết mà cũng làm thơ, thì bảo sao thơ không nhiều ? bảo sao thơ không dở ? Bây giờ muốn có thơ hay, thì duy có một nước là bớt làm đi. Làm thơ không phải như hút thuốc lá mà hòng ai ai cũng hút được. Nó như hút thuốc phiện, nên để cho người nào họ ghiền thì họ hút. Mà dầu cho chính nhà nghề đi nữa, cũng phải đợi khi nào có cảm có hứng thì làm thơ mới hay ; chớ hễ cựa ra là làm, thì cũng thành đồ bỏ.
Các báo chí ngoài Bắc trong Nam, hầu hết đều có mục văn uyển, mà văn uyển nào cũng vậy đó, chớ nào phải một mình chi Phụ nữ tân văn ? Nếu độc giả trách sao tòa soạn không sửa sang thì tòa soạn cũng xin chịu trách nhiệm về chỗ đó, chớ kỳ thiệt có sửa thế nào được ? Thứ vận văn, ai có tình cảm nấy, đặt sao nên để vậy, hễ hay thì là hay, người khác nhúng tay vào thì có đớ đôi chút, song thật là vô vị, vì không có cái chơn tình chơn cảnh ở trong đó rồi.
Điều thứ hai, hỏi : Chữ Tàu khi truyền sang xứ ta sao lại đọc sai đi ? Cho đến cùng trong nước Tàu, đồng thị một chữ mà sao Quảng Đông đọc khác, Phước Kiến đọc khác . . . ?
Điều nầy tôi xin chịu là tôi dốt, không biết mà trả lời ; để đợi có ông nào là nhà chuyên môn về âm ngữ học, ông sẽ trả lời cho.
Về sự đó tôi cũng có chú ý đến một đôi điều rất lạ cho tôi nữa. Là làm sao, có chữ, ta nói thì chung với Tàu mà đọc chữ lại khác đi ?
Như chữ “đợi mạo” chính người Tàu, Quảng Đông đọc nó là “Tồi mù”, Phước Kiến đọc là “tồi mồi”. Còn ta đây, khi nói nôm, kêu cái vật ấy, cũng kêu là “đồi mồi”, chỉ sai với họ vần T vần Đ mà thôi, còn cũng giống nhau. Thế sao đến lúc đọc chữ lại đọc là “đợi mạo” ? Đọc chữ “đợi mạo” rồi cắt nghĩa “đợi mạo” là “đồi mồi”, thế có phải là lạ không ?
Như chữ “nha” là răng, là nanh ó, Quảng Đông đọc là “ngà”, coi như “nha tiêm” (tăm xỉa răng) họ đọc là “ngà xiếm” thì đủ biết. Vậy họ đọc là “ngà” thì ta đọc là “nha”. Sao trong chữ “tượng nha” thì ta lại nói nôm là “ngà voi”. Thế thành ra tiếng nôm của ta trở lại trúng với tiếng chữ của họ !
Tôi nói thêm vài điều mà tôi lấy làm lạ đó cho độc giả chú ý đến rồi hoặc giả có ai tìm ra cái sở dĩ không. Còn chính tôi, tôi bí đã lâu rồi.
Điều thứ ba, hỏi : Viết quốc ngữ mà khi gặp những chữ Hán xen vào thì biết tra cứu vào đâu cho trúng được ?
Điều nầy tôi xin nói mau đi, đừng có phô diễn dông dài làm chi. Chính tôi đương làm một bộ Việt Hán thành ngữ từ điển trong đó tôi sẽ giải rõ những chữ Hán nào quen dùng, hoặc có thể dùng làm tiếng ta, bất luận chữ cũ chữ mới, đều thâu thái không sót. Bộ sách ấy mất công phu nhiều lắm, có lẽ nội năm 1931 thì xuất bản được. Vậy chỉ có đợi bộ sách ấy ra đời thì cái vấn đề khó khăn ấy sẽ được giải quyết để lắm.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Tiếng trắc tiếng bình : tiếng trắc tiếng bằng