Trại Kim Hoa  (1937) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 25 (23 Janvier 1937), trang 1, 2; số 26 (30 Janvier 1937), trang 1, 7.

Một kỹ nữ Trung Hoa mới chết hôm 4 Décembre vừa rồi, mà lúc sanh tiền từng có thế lực và danh giá ngang với bà Từ Hy Thái hậu

Đàn bà Trung Quốc, vào khoảng đầu thế kỷ hai mươi, có hai người có thế lực và danh giá lừng lẫy hơn cả một thời: ở triều thì bà Từ Hy Thái hậu; ở nội thì nàng Trại Kim Hoa.[1]

Đó là một câu ở đầu cuốn sách mà căn cứ theo đó tôi viết bài nầy.

Trại Kim Hoa tạ thế vào ngày 4 Décembre năm ngoái tại Bắc Bình, thọ 63 tuổi.

Nhân tin ấy, bạn đồng nghiệp Mai ở Sài Gòn có viết hai bài kể thân thế người đàn bà đặc biệt đó, mà ở trong có đôi chỗ không đúng với sự thực của đời nàng, nên tôi viết bài này để đính chánh lại.

Mai có nói: “Nhà danh sĩ Lưu Bán Nông tính viết tiểu sử Trại Kim Hoa, nhưng mới viết được một nửa thì qua đời, thành ra chưa có tiểu sử Trại Kim Hoa xuất bản”.

Kỳ thực cuốn tiểu sử ấy đã do nhà “Tinh vân Thơ điếm” xuất bản ở Bắc Bình, vào tháng 11 năm 1934, nhan là Trại Kim Hoa bổn sự, giá sáu hào. Số là Lưu Bán Nông với Thương Hồng Quỳ, hai người cùng đi phỏng vấn nàng Trại đến mười mấy lần mới viết ra; Lưu khởi thảo được phân nửa thì qua đời, Thương bèn viết nốt mà cho xuất bản. Vì vậy, sách ấy đứng tên tác giả đến hai người: Lưu và Thương.

Hẳn vì bạn đồng nghiệp Mai chưa thấy cuốn sách này nên mới có sự sai lầm ấy. Tôi viết bài này có ý đính chánh, nhưng cái ý ấy không trọng mấy, cốt giới thiệu cho bạn đọc một tay kỹ nữ ở nước người.

Người mình có tính hay tự phụ, hay khoe. Nhưng đem so với người ta thì của mình cái gì cũng tầm thường cả. Trại Kim Hoa của Tàu tức là bà Tư Hồng của An Nam mà phóng đại ra đến mấy chục hoặc mấy trăm lần.

Đây sắp xuống tôi cứ theo sách Trại Kim Hoa bổn sự mà lược thuật những việc lớn của đời người kỹ nữ ấy.

Trại Kim Hoa vốn họ Triệu, tên Thái Vân, sanh trưởng tại Tô Châu vào khoảng đầu năm Quang Tự triều Mãn Thanh. Lúc lên 13 tuổi vì cảnh nhà sa sút thì đã đi làm “đàu rượu” ở thành phố ấy.

Nhân nhiều lần trên chiếu rượu có gặp ông Trạng nguyên Hồng Quân, bấy giờ đã 50 tuổi; nàng được Hồng để ý đến, nên qua năm 14 tuổi thì lấy Hồng, làm vợ thứ ba.

Liền năm đó, Hồng Quân được cử đi sứ bốn nước bên Âu châu mà trú tại thành Bá Lâm nước Đức, nàng được một mình đi theo chồng. Trong ba năm ở Âu châu, nàng có sang du lịch một vài kinh đô lớn, như Ba Lê, Luân Đôn. Mãn khóa đi sứ, Hồng đem nàng về nước, bấy giờ nàng 17 tuổi.

Về ở Bắc Kinh hai năm thì Hồng lâm bệnh mà chết. Thái Vân theo quan tài chồng về nguyên quán, nhưng nửa đường, được người nhà đồng ý cho nàng tách về nhà cha mẹ.

Lấy Hồng mấy năm, nàng dành dụm của riêng không có mấy nỗi, nhà cha mẹ vốn nghèo, nên nàng về ở nhà không yên. Có nhiều người hỏi lấy, nàng cũng không chịu lấy, quyết kế đến Thượng Hải “lập nghiệp”. Mới 21 tuổi mà dám đứng vay một số tiền năm ngàn đồng bạc để sắm sửa mở “cửa hàng”.

Mới ra đời là Trại Kim Hoa (tên nàng đặt từ khi ở Thượng Hải) đã nổi tiếng hoa khôi. Mỗi tuần lễ nàng chỉ tiếp khách hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Khách là hạng người bậc nhất trong thời ấy, như Lý Hồng Chương, Thạnh Tuyên Hoài, v.v...

Năm 24 tuổi, lại dời đến Thiên Tân, cách một năm lại ra ở Bắc Kinh, trong mấy năm này, Kim Hoa càng được lẫy tiếng hơn hồi ở Thượng Hải.

Qua năm Quang Tự 26, Canh Tý, nàng 27 tuổi, Nghĩa Hòa Đoàn nổi loạn ở Bắc Kinh. Cơn loạn này làm cho nàng chạy trốn vất vả mấy tháng trời, nhưng sau lại nhờ đó lập nên công trạng đáng cho người đời nhắc đến. Giá không gặp việc này thì Kim Hoa cũng chỉ là một tay kỹ nữ sang trọng mà thôi.

Kim Hoa có ở Đức ba năm nên nói tiếng Đức thạo lắm. Nàng lập công được trong lúc loạn ly, chỉ nhờ có một chút đó.

Bấy giờ liên binh tám nước do viên tướng Đức tên là Ngoả-đức-tây (dịch âm) làm thống soái kéo vào thành Bắc Kinh. Vua và thái hậu đã chạy trốn lên miền Bắc. Thành Bắc Kinh vào tay liên binh chiếm giữ. Quân của Nghĩa Hòa Đoàn nghe tin liên binh đến thì đã vỡ tan từ trước. Cả thành đương ở trong cảnh nguy nghi, rối loạn.

Một đêm, Kim Hoa đương ở trong một cái nhà ủm thủm, chỗ nàng tìm tới lánh nạn, thì vừa có mấy người lính tây đấm cửa đòi vào. Tính bề không từ chối được, nàng ra mở cửa chào họ bằng tiếng Đức, thì mấy người ấy đương hung hăng bỗng đổi ra lễ phép mà bước vào. Sau khi nói chuyện mấy câu, họ dặn nàng sáng mai ở nhà, sẽ có người của quan Thống soái đến xin tiếp kiến.

Quả nhiên, hôm sau có hai người lính tây đem một cái xe đến mời nàng vào dinh Thống soái. Lúc Kim Hoa ở bên Đức vốn chưa hề quen biết Ngỏa-đức-tây, nhưng vừa thấy nàng nói được tiếng Đức thì Thống soái ra dáng mừng rỡ và đãi đằng tử tế lắm. Thống soái cầm nàng ở lại ăn cơm; và thấy nói vì chạy giặc mất cả của cải thì đưa tặng nàng hai bộ quần áo với một ngàn đồng bạc.

Viên tướng Đức đối đãi Kim Hoa như thế, không phải vì mê gái mà là vì quân sự. Lúc bấy giờ trong quân lương phạn đã kiệt, không biết lấy ở đâu, mà ngôn ngữ bất đồng, khó tìm cho ra một người Tàu biết tiếng Đức mà giao thiệp, cho nên gặp được người đàn bà ấy thì Ngỏa-đức-tây vồ lấy.

Từ đó, hôm nào nàng cũng vào dinh tướng Đức một lần. Một hôm Thống soái ngỏ lời nhờ nàng làm cách nào kiếm ra lương phạn cho quân lính. Nàng từ chối không được, bèn đánh liều đi vận động thử.

Kim Hoa cưỡi ngựa đi với dăm bảy viên quan binh cũng cưỡi ngựa theo hộ vệ, đến gõ cửa từng nhà hàng phố, mà chẳng có ai dám mở cửa. Cuối cùng, có mấy người đứng ra chịu thầu. Họ bán cho quân Đức một quả trứng gà đến 5 đồng xu. Nhờ đó mà mấy người ấy về sau phát tài, giàu có hàng vạn.

Sau khi đã giúp cho tướng Đức được việc, nàng càng được tín nhiệm hơn nữa. Mấy hôm đầu vào thành, liên binh đụng ai giết nấy. Có nhiều đàn bà sợ bị họ cưỡng dâm mà tự tử. Kim Hoa nói cho Ngỏa-đức-tây biết những sự thảm khốc đó. Nhờ vậy mà trong thành khỏi có sự tàn sát, vì Thống soái đã ra lệnh cấm. [HẾT KỲ 1]

Trong mấy tháng Liên binh còn chiếm cứ Bắc Kinh, vua và thái hậu chưa hồi loan, hòa ước chưa ký, Trại Kim Hoa nhờ có tới lui giúp đỡ cho Thống soái Đức, tự nhiên nàng trở nên một người có thế lực và danh giá lừng lẫy một thời. Bây giờ nàng biến tên họ thành một người đàn ông, kêu là “Trại Nhị gia”, không mấy ai nhận biết chính là Kim Hoa hồi trước nữa. Cửa nhà nàng nườm nượp những khách, người tới cầu làm quen, kẻ tới thỉnh thác việc kia việc nọ, cũng có ít nhiều tử đệ của các nhà vương hầu quý phái đến xin nàng nhận làm con nuôi. Vì, theo thực sự, hồi đó Ngỏa-đức-tây như đã thay cho nhà Mãn Thanh làm vua ở Bắc Kinh, còn Trại Kim Hoa nghiễm nhiên như một ông tể tướng, thì người ta xu phụ như thế cũng phải!

Nàng đi ra thường cưỡi ngựa. Mỗi buổi chiều cùng Thống soái Đức so cương dạo mát khắp các đường trong thành. Người ta biết nàng thích ngựa thì đua nhau đem ngựa hay tới dâng, nên trong lúc đó nàng có đến bốn con danh mã, mỗi con trị giá những mấy ngàn bạc.

Theo sách Bổn sự thì Kim Hoa với Ngoả-đức-tây chỉ coi nhau như bạn chứ không có gì khác. Trong sách ấy, một đoạn thuật lời Kim Hoa rằng:

“Người ta nói tôi hằng đêm ngủ với Ngỏa-đức-tây trong điện Nghi Loan, trên long sàng của thái hậu, thế là họ chưởi tôi, họ vu cáo để làm ô nhục tôi. Tôi với Ngỏa-đức-tây vẫn chơi thân, nhưng hai đằng đều trong sạch. Hắn với tôi mỗi lúc ngồi gần nhau trò chuyện, vẫn giữ lễ phép, không hề đụng đến chuyện tà dâm. Cũng bởi người ta thấy tôi hay ở lại trong dinh viên tướng Đức ấy nên yên trí rằng giữa hai chúng tôi phải có điều bậy bạ”.

Việc gặp gỡ của hai người cũng đã nẩy ra cho bọn văn sĩ Tàu dạo ấy đôi ba bổn tiểu thuyết. Có thứ tiểu thuyết nói rằng Kim Hoa khi ở bên Đức đã dan díu với Ngỏa-đức-tây rồi, nên lần gặp sau đây là một cuộc trùng phùng hi hữu.

Tác giả sách Bổn sự, Lưu Bán Nông và Thương Hồng Quỳ, đều là giáo sư trường Đại học Bắc Kinh, người đứng đắn cả, cũng đã vì Kim Hoa biện chánh điều đó. Họ nói:

“Lúc Ngỏa-đức-tây đến Bắc Kinh đã 68 tuổi rồi. Thế thì khi nàng ở Đức, Ngoả chẵn năm mươi. Kim Hoa lúc đó mới 16 -17 tuổi thì làm sao lại dan díu với một anh chàng ngoại quốc đã 50 tuổi được? Huống chi làm vợ một ông sứ thần, mà ông sứ thần ấy lại là một nhà nho nghiêm nghị, thì nàng dù có muốn cũng không thể chia tình ái cho ai...”

Chắc là theo cái nguồn tiểu thuyết đó, nên báo Mai cũng nói rằng: “Kim Hoa được một viên đại tướng Đức thương yêu. Năm 1900, chính viên đại tướng ấy dẫn Liên binh chiếm cứ Bắc Kinh, dắt Kim Hoa đi theo, ngày đêm ở trong điện Nghi Loan của nhà Thanh...”.

Tôi, trong bài trước, có nói bạn đồng nghiệp sai lầm, là sai lầm ở chỗ đó. Có sự sai lầm ấy là vì người viết bài trong báo Mai chưa được đọc sách Trại Kim Hoa bổn sự.

Một con đĩ thì nó ngủ với ai chả được. Chúng ta công đâu vì nó làm thầy kiện? Nhưng cũng vì nó là một con đĩ thì khi nó nói nó không ngủ với một người nào đó, chúng ta lại càng nên tin. Ấy là một cái lượng khoan hồng, một cái đức hay dung thứ mà tôi muốn những người cầm bút đều nên có!

Theo sách Bổn sự, Ngỏa-đức-tây có ở trong cung nhà Thanh thật. Hắn ta chọn một cái phòng rất nhã cạnh điện Nghi Loan làm chỗ nghỉ ngơi. Kim Hoa vào chơi, nhiều lần hút á phiện ở đó, cũng vì vậy mà sau nàng ghiền.

Kim Hoa được cái tiếng “vị quốc lập công” là nhờ câu chuyện dưới này tôi sắp kể.

Lúc Nghĩa Hòa Đoàn dấy binh, có giết viên công sứ nước Đức tên là Khắc-lâm-đức (dịch âm). Việc ấy làm cho quân Đức giận người Tàu lắm, nhất là bà Tây hậu. Lúc họ mới đến Bắc Kinh trước hết là đi kiếm bà Tây hậu trốn ở đâu. Bọn lính thường nói với Kim Hoa rằng chính bà Thái hậu chủ trương việc giết công sứ Đức, hễ họ tìm được bà là xẻo từng miếng thịt rồi phơi khô đem về Tây. Kim Hoa khuyên giải họ, nói việc ấy tại bọn Nghĩa Hòa Đoàn chứ Thái hậu không biết tới, nhưng họ vẫn không nghe.

Đến khi vua hồi loan, Lý Hồng Chương mở ra cuộc nghị hòa cùng tám nước, thì duy có nước Đức là ương ngạnh hơn hết. Nhất là bà vợ Khắc-lâm-đức cố vì chồng báo thù. Bà ấy nằng nặc đòi cho được Thái hậu phải đền mạng và vua nhà Thanh phải nhận tội mới nghe. Thương thuyết nhiều lần mà vẫn không sao làm dịu bà ấy được, Lý Hồng Chương phải chịu bó tay. Họ bèn nhờ Kim Hoa nói với Ngỏa-đức-tây. Ngỏa trả lời rằng chính va chẳng làm khó gì cả, duy có bà Khắc-lâm-đức không chịu. Thế rồi Kim Hoa cất thân đi giải thuyết bà đầm ấy.

Sách Bổn sự thuật lại lời hai người, Kim Hoa và bà Khắc-lâm-đức nói qua nói lại như vầy:

‒ Không phải Thái hậu hay Hoàng thượng giết ông Công sứ mà là bọn Nghĩa Hòa Đoàn. Chúng nó gieo họa ra rồi đã đi trốn mất... Thôi xin bà dịu xuống một ít để nối lại sự hòa hảo của hai nước chúng ta. Hễ bà thuận thì ai cũng thuận cả.

‒ Chồng tôi vốn không có thù hiềm gì với quý quốc, thì làm sao lại giết chồng tôi đi? Tôi phải trả thù cho chồng tôi mới được!

‒ Thù, thì thế cũng đã trả rồi chớ! Bà xem bao nhiêu vị đại thần nước chúng tôi, bị hành hình có, bị xử tử có, thù bà còn chưa trả nữa à?

‒ Thế cũng chưa đủ. Phải là Thái hậu đền mạng cho chồng tôi, không thì Hoàng thượng!...

‒ Thôi được! Ở bên Tây, muốn kỷ niệm những người chết vì nước thì dựng bia hay đúc tượng, còn ở nước chúng tôi thì dựng một cái “bài phường”. Bà ở Trung Quốc đã lâu cũng từng thấy vì những người trung hiếu tiết nghĩa là lập bài phường đó chứ, nhờ vậy mà tiếng thơm để đến muôn đời. Thôi thì chúng tôi sẽ lập cho ông nhà một cái bài phường thật lớn, dùng danh nghĩa nhà vua làm bài văn kể sự tích chạm ở trên, tưởng thế cũng tốt rồi!

Dùng cái điều kiện ấy, Kim Hoa nói đi nói lại đến mấy lần, sau rồi bà kia ưng thuận. Nhờ đó hòa nghị mới thành, Lý Hồng Chương mới thay mặt cho triều đình Mãn Thanh mà hạ bút ký tờ hòa ước được.

Cái bài phường ấy bấy giờ dựng ngay ở chỗ mà ngày trước Khắc-lâm-đức thọ hại. Đó là một điều nhục cho triều đình Mãn, một cái ố điểm trên lịch sử ngoại giao Trung Hoa, nhưng mà là một cái công, một cái vinh dự cho Trại Kim Hoa!

Đến năm Dân Quốc thứ sáu, nước Đức chiến bại, chánh phủ Tàu bèn phá bỏ cái bài phường ấy mà đem dời đến dựng ở Trung ương công viên, đổi tên là cái bài phường “Công lý chiến thắng”. Lần đó người ta cử hành một hội kỷ niệm rất lớn, vì nhớ công Trại Kim Hoa, có mời nàng đến dự lễ. Giữa hội có chụp một bức ảnh, trong đám các đại viên ở chánh phủ thời ấy là bọn Tiền Năng Huấn, Đoàn Kỳ Thụy, đứng xen một người đàn bà, tức là Trại Kim Hoa.

Đó về sau, cái đời nàng một ngày một sa sút cho đến ngày 4 Décembre 1936 vừa rồi thì chết.

THẠCH BỔ THIÊN

   




Chú thích

  1. Trại Kim Hoa (1872-1936); chữ Pháp: Sai  Jinhua; chữ Hán 賽 金 花