Trường sư phạm dạy quốc ngữ

Trường sư phạm dạy quốc ngữ  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 5 (15. 10. 1933), trang 1-2

Tiếp theo hai bài xã thuyết bàn về việc giáo dục ở hai số trước, bài này, chúng tôi nói về việc lập trường sư phạm mới.

Soạn sách giáo khoa, lập trường sư phạm, hai việc cũng đều là cần kíp như nhau cả. Hai việc đồng thời thực hành được thì tốt lắm; bằng không, theo ý Chánh phủ, việc nào làm trước cho là tiện hơn thì làm.

Theo lẽ, dạy sư phạm cũng cần phải có sách giáo khoa, thế thì việc này nên ở sau việc lập hội đồng tu thư. Tuy vậy, các trường tiểu học mà muốn dạy ngay theo chương trình mới, lấy quốc ngữ làm phần chính, ắt phải cần có hạng giáo sư mới mới được; hạng giáo sư ấy trễ có một ngày thì việc dạy dỗ phải chịu cẩu thả một ngày.

*

* *

Cho được bổ cứu cái điều khuyết điểm ngay trước mắt, cho được đào tạo lấy mấy trăm giáo sư dạy quốc ngữ được, để bổ đi các trường trong lúc nhất sơ này, tưởng nên đặt ra một cái chế độ tạm: ấy là mở các ban sư phạm tốc thành ở Huế và ở Hà Nội. Ban sư phạm tốc thành ấy sẽ lấy những người tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học vào, cho một hạn là sáu tháng, bắt phải học chuyên về quốc ngữ: Đại khái như là về văn pháp (grammaire); về phép tu từ (rhétorique); về các danh từ chữ Hán thường dùng trong quốc ngữ; về các văn Nôm xưa nay, để cho họ có cái quan niệm về văn học sử của bản quốc; về các học thuyết của thánh hiền Á Đông đời xưa, để cho họ hiểu một ít triết học và luân lý mà bấy lâu đã cai trị xã hội ta. Học như thế trong sáu tháng mà tốt nghiệp thì mới có thể tạm gọi được là một ông thầy dạy quốc ngữ vậy.

Trong khi ấy thì các trường sư phạm chính thức cũng phải mở đi. Các trường này cũng lấy học trò tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học vào, mà phải cho một hạn ba hoặc bốn năm mới thi ra. Đợi khi nào nhân tài ở các trường này ra nhiều rồi, thì các ban sư phạm tốc thành sẽ đình bãi.

Chương trình dạy ở các trường chính thức, tưởng cũng nên châm chước theo như các ban tốc thành, nhưng phải dạy tinh tường hơn. Một điều cốt yếu là phải dạy thêm cho họ món chữ Hán, dạy bằng phương pháp rất giản tiện, rất trực tiệp.

Như thế là bởi quốc ngữ ta có một phần gốc ở chữ Hán sâu xa lắm. Học quốc ngữ mà không học chữ Hán thì sự biết không tới nơi. Làm thầy dạy người mà sự biết của mình không tới nơi, tất là khó cho mình, mà sự ích lợi cho người cũng giảm kém đi nữa.

Vì có dạy kỹ món chữ Hán nên cái hạn ba hoặc bốn năm mới tốt nghiệp cũng không phải là chậm.

Chúng tôi nói trường sư phạm chính thức hay tốc thành cũng đều lấy những người tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học vào, ấy là nói đại khái đó thôi. Chứ hiện nay có các trường sư phạm đương dạy đó, thì cứ lấy học trò hiện học này mà đổi qua, cho theo ban tốc thành hoặc chính thức đều được cả.

*

* *

Chỉ lo một nỗi là lấy thầy ở đâu mà dạy các ban sư phạm tốc thành hoặc trường sư phạm chính thức nay mai? Ai cũng biết rằng bây giờ kiếm một trăm ông thầy dạy sư phạm về đường Pháp học thì không khó, mà kiếm lấy mười ông thầy dạy sư phạm về đường Nam học thì rất khó. Bởi vì thứ nhân tài ấy lâu nay xã hội ta không hề gia công đào tạo cho  nên không có, mà không có thực tình.

Dù không có nữa cũng không thể lấy cớ ấy mà bỏ cái việc phải làm kia đi được. Hết sức mà tìm, thế nào rồi cũng phải có. Chẳng qua thứ nhân tài họ tự tạo thì nó không được cho nhiều và không được vào khuôn vào mẫu như thứ nhân tài có đào tạo đó thôi.

*

* *

Theo chúng tôi tưởng, muốn có những ông thầy dạy sư phạm theo chúng tôi nói đây thì phải tạm dùng lại cái phép “cử tri” hồi triều Tự Đức mới được. Chánh phủ nên ra lệnh cho các ông đại viên trong và ngoài, các ông dân biểu, ông nào biết người nào có tài học đủ gánh lấy cái trách nhiệm ấy thì cử lên cho Chánh phủ xét lại mà dùng. Mà các ông đại viên, các ông dân biểu phải cử người đó. Chánh phủ nên xét trước thử họ có đủ tư cách cử tri không, nghĩa là họ có tri thức về văn học đủ mà giám biệt hạng nhân tài ấy không; nhược bằng ông nào không thông hiểu về mặt ấy thì không nên ép họ phải cử mà rồi họ cử bướng.

Chúng tôi muốn rằng không cải cách thì thôi, chứ đã cải cách thì trăm việc gì cũng phải kỳ cho có thực hiệu cả mới được, nên mới có cái kế hoạch phân minh như trên đó để hiến nhà đương đạo. Chúng không muốn thấy lại cái cảnh tượng hồi trước: một ban sư phạm quốc ngữ lập ra trong trường nào, ông đốc trường ấy cứ ôm lấy mà dạy, không cứ ông ấy có thông hiểu quốc ngữ cùng chăng!

P. K.