Trình độ học chữ Hán ở Nam Kỳ ngày xưa với ngày nay

Trình độ học chữ Hán ở Nam Kỳ ngày xưa với ngày nay  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6694 (1. 4. 1932)

Mới rồi tôi có viết trên nhiều tờ báo mà phản đối cái thuyết đòi dạy chữ Hán ở Nam kỳ, đem ngũ kinh tứ thơ mà nhồi sọ con nít từ mười mấy tuổi trở xuống.

Sự tôi phản đối đó vì nó phát ra ở Nam kỳ cho nên tôi nói nội Nam kỳ, chớ nếu người đề xướng đòi đem mà dạy hết cả nước thì tôi cũng vì hết cả nước mà phản đối.

Tôi phản đối sự ấy, vì tôi biết chắc nó là có hại. Tôi phản đối, không cho cái thuyết ấy thiệt hành ra ở Nam kỳ là muốn cho trẻ em Nam kỳ tránh một sự thiệt hại về sau.

Tuy trong khi tôi nói về việc ấy có dùng những chữ: "Nam kỳ bỏ học chữ Hán hơn 70 năm nay", lại cũng có khi tôi nói ở nơi khác rằng: "Nam kỳ bỏ 70 năm chữ Hán rồi thì tốt hơn là ta đừng nói chữ Hán nữa, nói nữa thì phải có khi mà nói trật, như tờ báo nọ mới nói trật đó".

Tôi thú thật với độc giả rằng cái câu sau đó là viết vào trong một bài toàn giọng khôi hài, cốt để đánh thức cái người viết trật đó, có muốn nói chữ Hán thì phải dè dặt từng chút mà nói cho trúng đó thôi.

Thật vậy, không những nhà báo ấy nói trật thôi đâu. Ai có công thì cứ đi coi mấy đám ma sẽ thấy nhiều câu đối viết trật chữ nầy sang chữ khác.

Một chữ tôi thường thấy lắm là bức liễn cái vợ thờ chồng hoặc chồng thờ vợ viết bốn chữ "cang thường nghĩa trọng" mà có đám thì viết chữ cang thành ra chữ "vỏng" vô nghĩa quá chừng! Lại có đám, chữ cang ấy lẽ phải viết chữ cang là "giềng" nhè viết chữ "cang" là "cứng" cũng vô nghĩa nữa!

Liễn treo trong nhà, nó có quấy cũng chưa đến nỗi hề chi, chớ vác mà đi ngoài đường, người Tàu người Tây họ ngó thấy, họ mới phê bình chúng ta đến bậc nào! Theo tôi thì tôi tưởng, ta đã bỏ chữ nho thì thôi, ta đừng thèm dùng liễn đối bằng chữ đó nữa, sự ấy không ai cười ta hết; chớ còn dùng nữa mà viết quấy đến vô nghĩa như vậy, họ cười mình lắm đó.

Thế thì cái câu viết trong bài khôi hài kia mà mới nhắc lại trên đó, cũng không phải là lời nói quá đáng đâu. Tôi nói vậy là nhằm lắm chớ. Tôi muốn giữ thể diện cho hết cả bà con, chớ nào phải có ý gì!

Vậy mà hình như có người không bằng lòng, nói tôi viết làm vậy là có ý khinh những người biết chữ Hán trong Nam kỳ đó.

Không phải. Có làm sao tôi nói làm vậy. Nói làm vậy là tôi nói thật, chớ chẳng hề có ý khinh ai. Tại người ta bỏ học 70 năm nay thì bây giờ người ta viết quấy, sự ấy không có thể khinh được. Duy có khi nào đương học, không bỏ mà cũng viết quấy kia, thì mới có thể khinh, phải không? Nếu chịu câu vừa nói đây là có lý, thì rõ mấy lời tôi nói bữa trước không có ý khinh khi gì hết.

Nhưng mà muốn cho nhiều người rõ cái trình độ học chữ Hán ở Nam kỳ ngày xưa với ngày nay thế nào, tôi tưởng cũng nên đem cái điều tôi biết mà giãi bày ra đây.

Xứ Nam kỳ tuy mở mang sau Trung Bắc, song cái trình độ văn hóa hồi xưa quả không kém. Nói riêng về sự học chữ Hán thì cách học trong nầy lại còn muốn hơn ngoài Trung Bắc nữa kia. Tôi nói vậy có lịch sử làm chứng.

Trước đời Gia Long có ông Võ Trường Toản là tay sư nho bực nhứt trong Nam, mà tưởng lúc bấy giờ ngoài kia cũng ít người bì kịp. Do ông ấy mà đào tạo ra nhiều bậc danh nho nữa, tôi không thể kể ra đây hết được. Sau đó thì đến ông Phan Thanh Giản, ông Nguyễn Thông, hai ông nầy chẳng những học rộng văn hay, mà công nghiệp khí tiết đến ngày nay cũng vẫn còn rực rỡ.

Theo lịch sử thì thấy rằng Nam kỳ sở dĩ được mau tấn tới về văn hóa là có nhờ ở nhiều người Tàu, lúc họ không chịu hàng nhà Thanh mà qua đây. Tức như những ông Mạc Thiên Tứ, Trần Thượng Xuyên, đều là tay văn học cứng hết. Các ông ấy họ ở Nam kỳ lần lần làm cho người mình cũng tiêm nhiễm cái học phong của họ mà trở nên tốt thêm và tấn bộ rất mau.

Ông Phan Thanh Giản thì nhiều người biết rồi. Đến ông Nguyễn Thông, tuy danh vọng kém ông Phan mà đức nghiệp văn chương thật không kém. Theo con mắt tôi thì về phương diện văn học tôi thấy ông Nguyễn Thông còn muốn lấn ông Phan Thanh Giản nữa kia! Vả chẳng những một xứ Nam kỳ nầy, nội các ông danh nho đời Tự Đức, ông nào đại lược làm sao tôi biết hết, văn chương ông nào tôi cũng có đọc qua hết, mà tôi phục ông Nguyễn Thông là hơn hết thảy!

Khó nói lắm! Chỉ có ai biết cái học là cái gì thì mới biết cái học ông Nguyễn Thông là thế nào, tới bực nào mà thôi!

Cử ra một vài nhân vật đó để cho biết rằng cái trình độ học chữ Hán ở Nam kỳ ngày xưa là cao lắm.

Nhưng ngày xưa một ngàn phần thì ngày nay không còn được một phần! Tại bỏ chữ Hán rồi thì như vậy phải lắm chớ có ai trách chỗ đó được đâu? Duy mình phải biết mới được.

Biết cái gì? Biết hiện ngày nay ở Nam kỳ còn sót lại người nho học nào chẳng qua là biết đọc biết viết ít ít đó thôi chớ đâu gọi là "nhà Hán học" được? Thứ biết những sách Minh tâm và sách Ấu học mà sao lại dám nói rằng biết chữ Hán được dư?

Ta phải nhìn rõ cái nho học của các cụ ngày xưa như ông Phan ông Nguyễn là thế nào rồi ta mới biết mà đánh giá cái nho học của mấy người còn sót lại ngày nay cho đúng giá. Cứ theo sự thật trước mắt mà nói chớ ai lại dám khinh ai?

Ông cha hồi trước giàu số triệu, bây giờ còn số vạn, cũng còn chưa kể được là giàu thay, huống chi là có một ít bạc cắc với xu, thì kể làm gì cho thêm tủi?

Theo ý tôi, ngày nay Nam kỳ không nên đem ngũ kinh tứ thơ mà dạy tràn đìa ra, nhưng thế nào cũng phải có được dăm ba người học chữ Hán cho thật giỏi để nghiên cứu những sách vở các bậc tiền bối ngày xưa còn để lại, thì mới xứng đáng làm con cháu!

PHAN KHÔI