Tôi từ đất bắc đi đường xuống đông nam, nhân tạt về thăm quê nhà, bèn đến thành S[1]. Thành này cách làng quê tôi chỉ độ ba mươi dặm, đi thuyền nhỏ, non nửa ngày thì đến được, tôi từng làm thầy giáo trong một trường học ở đó một năm. Giữa mùa đông, sau cơn tuyết, phong cảnh đìu hiu, cái mối tình bơ phờ và nhớ cũ cùng xoắn xuýt lên một lúc, làm tôi phải tạm nghỉ lại trong phòng nghỉ Lạc Tư ở thành S ; phòng nghỉ này trước kia vốn chưa có. Trong thành không rộng mấy, đi tìm thăm mấy người đồng sự cũ mà mình tưởng là có thể gặp được, thì không gặp một người nào, chẳng biết họ đã tan tác đi đâu ; đi ngang qua cửa trường học, tên trường và bộ dạng cũng đều thay đổi, đối với tôi rất xa lạ. Trong không đầy hai giờ, tôi thấy không còn có hứng thú gì hết, hơi ăn năn cái sự mình đến đây là thừa.

Cái phòng nghỉ tôi trọ chỉ cho thuê buồng mà không bán cơm, phải mua cơm và thức ăn ở ngoài, nhưng dở lắm, cho vào miệng phát chối. Ngoài cửa sổ chỉ có vách tường loang lổ vết nước mưa, dán những rêu meo chết đứng ; bên trên là trời màu chì, trắng ngà ngà không có vẻ sáng trời, hoa tuyết lại bay lác đác. Bữa cơm trưa tôi ăn không no, vả lại không có món gì để tiêu khiển, tự nhiên nhớ đến cái tiệm rượu rất quen trước kia tên là Nhất thạch cư, kể thì cách phòng nghỉ cũng chẳng bao xa. Thế rồi tôi liền khóa cửa buồng, ra đường phố đi đến tiệm rượu ấy. Thực thì cũng chỉ muốn chạy trốn cái buồn tẻ trong khi tác khách, chứ không cốt mua một bữa say. Nhất thạch cư vẫn còn đó, cái tiệm chật hẹp ẩm thấp và cái bảng chiêu hàng cũ kỹ vẫn y như trước, có điều từ chủ quày đến phổ ky lại đều không có một người nào quen, trong tiệm Nhất thạch cư tôi cũng thành ra một người khách lạ hoàn toàn. Nhưng mà tôi cũng cứ bước lên cái thang gác đã đi quen ở góc nhà mà đến thẳng trên lầu. Trên đó cũng vẫn là năm cái bàn nhỏ ; chỉ có cái cửa sổ phía sau nguyên là song gỗ thì đã đổi bằng cửa kính.

Một cân rượu Thiệu[2]. Còn thức nhắm? Mười cái đậu rán, tương ớt phải cho nhiều!.

Tôi một mặt bảo người phổ ky đang theo tôi lên lầu, một mặt đi ngay đến cửa sổ phía sau, ngồi ở cạnh một cái bàn kề cửa sổ. Trên lầu vắng tanh vắng ngắt, tha hồ tôi chọn được chỗ ngồi rất tốt, có thể dòm xuống cái vườn hoang dưới lầu. Cái vườn này chừng là không thuộc về tiệm rượu, tôi trước kia từng dòm qua bao lần, có lần cũng ở trong trời tuyết. Nhưng hiện giờ lấy con mắt quen với phương bắc mà xem, lại rất đáng lấy làm lạ: mấy gốc mai già hợm hĩnh ganh đua với tuyết cứ nở đầy hoa, hình như bất chấp cả mùa đông lạnh lẽo ; cạnh cái chòi sập đổ ; còn có một cây sơn trà, từ trong những chòm lá xanh sẫm ló ra mười mấy bông hoa đỏ, sáng dọi trong tuyết như màu lửa, coi bộ tức giận mà ngạo nghễ, dường muốn coi khinh người du khách cam chịu đi xa. Tôi khi ấy thình lình nghĩ đến tuyết đọng ở đây nhuần đẫm, dính vào vật gì thì bám lấy, sáng có ngời, không như tuyết phương bắc khô rời như bột, một cơn gió mạnh là bay đầy trời như khói ngút...

Ông khách rượu đây...

Chú phổ ky lơ lửng nói, đặt chén, đũa, ve rượu và bát đĩa xuống bàn, thế là rượu đã đến. Tôi quay mặt lại cái bàn, sắp dọn các thứ, rót rượu ra. Nghĩ thấy phương bắc vốn chẳng phải quê hương của mình, mà về phương nam lại chỉ kể được là một người khách, mặc dầu tuyết khô ở bên đó bay rối rít như thế nào, tuyết nhủn ở đây đọng lại đặm đà như thế nào, với tôi cũng đều không có quan hệ gì cả. Tôi có vẻ hơi buồn rầu, nhưng lại uống một ngụm rượu rất khoan khoái. Giọng rượu thật đúng[3] ; đậu rán rán cũng khéo mười phần ; chỉ tiếc tương ớt nhạt quá, vốn tính người thành S không biết ăn cay.

Có lẽ là vì đang giữa buổi chiều, ở đây tuy nói là tiệm rượu mà không có màu tiệm rượu chút nào, tôi đã uống hết ba chén rồi mà ngoài tôi ra vẫn còn là bốn cái bàn không. Tôi mải nhìn cái vườn hoang dần dần cảm thấy mình cô độc, song lại không muốn có người khách rượu nào khác. Tình cờ nghe thấy tiếng bước lên thang gác, tự dưng có hơi bực mình, đến khi thấy là chú phổ ky, mới lại yên lòng, thế rồi lại uống hai chén nữa.

Lần này nghe tiếng bước đi chậm hơn tiếng của phổ ky, tôi nghĩ chắc chắn là khách rượu rồi. Liệu chừng khi đi lên khỏi thang gác, tôi dường như sợ sệt ngước nhìn kẻ đồng bạn không can cập gì tới mình, và đồng thời cũng giật mình đứng dậy. Tôi có ngờ đâu ở chốn này thình lình gặp lại người bạn - giá phỏng người ấy hiện giờ vẫn cho phép tôi gọi mình là bạn. Cái người đi lên kia rõ ràng là bạn đồng học của tôi, cũng là bạn đồng sự cũ khi tôi làm thầy giáo, tuồng mặt tuy có hơi đổi khác, song thấy thì nhìn ra được ngay, chỉ có cất nhắc lại chậm chạp thế nào ấy, thật không giống với Lã Vĩ phủ là người nhanh nhẹn tinh ranh thuở nọ.

A, - Vĩ phủ, là anh đấy à? Tôi không ngờ đâu lại gặp anh ở đây.

A a, té ra là anh? Tôi cũng không ngờ đâu....

Tôi mời anh ta cùng ngồi, song anh hình như ngần ngừ một chút rồi mới ngồi xuống. Trước tiên tôi rất lấy làm lạ, tiếp đó có hơi buồn thương và đâm nản. Xem kỹ dáng bộ anh ta, cũng vẫn là râu tóc bờm xờm, cái mặt vuông mà dài và trắng xanh, nhưng đã gầy tóp. Tinh thần anh ta rất trầm tĩnh, hay lại là đồi đường ; cặp con mắt dưới chang mày vừa rậm vừa đen không còn có vẻ sáng sủa, nhưng khi chậm rãi nhìn quanh bốn phía, nhìn đến cái vườn hoang, bỗng lòe ra cái tia sáng bắn vào người mà tôi thường thấy trong lúc còn ở trường học.

Chúng mình, tôi vui lên, nói, nhưng mà không được tự nhiên, chúng mình biệt nhau lần ấy, e có đến mười năm rồi. Tôi vốn đã biết anh ở Tế Nam, có điều tổ làm biếng, không hề viết cho nhau một bức thư....

Ai thì cũng thế. Song hiện giờ tôi đã ở Thái Nguyên rồi, ở đó hơn hai năm nay với mẹ tôi. Khi tôi về đón mẹ tôi, mới biết anh đã dọn đi rồi, dọn sạch hết cả.

Anh ở Thái Nguyên làm gì?. Tôi hỏi.

Dạy học, ở nhà một người đồng hương.

Trước đó anh làm gì?

Trước đó à?. Anh ta móc trong túi áo ra một điếu thuốc châm lửa ngậm vào mồm, nhìn tia khói phì ra, hình như suy nghĩ gì, nói: Cũng lại chỉ làm những việc tẻ ngắt, cầm như chẳng có làm gì hết.

Anh ta cũng hỏi về tình hình tôi sau khi biệt nhau ; tôi một mặt bảo cho biết qua loa, một mặt gọi phổ ky lấy thêm chén đũa, để anh uống trước rượu của tôi, rồi mới gọi thêm hai cân nữa. Còn có việc chấm thức ăn: trước kia giữa chúng tôi vốn không có khách tình gì cả, nhưng bây giờ thì đâm ra nhường nhau, rốt lại không biết thức ăn nào là do người nào chấm, cứ theo miệng chú phổ ky kể ra bốn món đã được chấm là đậu hồi hương, thịt đông, đậu rán và khô cá.

Tôi trở về đây một cái, liền nghĩ thấy mình đáng buồn cười. Anh ta một tay cầm điếu thuốc, một tay nâng chén rượu giống như cười mà không phải cười, nói với tôi: Tôi hồi còn nhỏ, thấy con ong hoặc con ruồi đậu ở một chỗ nào đó, bị cái gì làm kinh động, liền bay đi, nhưng bay quanh một vòng không xa mấy, rồi lại trở về đậu ở chỗ cũ, thì lấy làm rất đáng buồn cười, cũng đáng thương hại. Không ngờ hiện nay chính mình tôi cũng chỉ bay quanh một vòng nho nhỏ rồi lại trở về đây. Lại không ngờ anh cũng trở về nữa. Anh không thể bay xa hơn một chút nữa sao?.

Điều đó khó cắt nghĩa, đại khái cũng chỉ bay quanh một vòng nho nhỏ thôi. Tôi cũng giống như cười mà không phải cười, nói thế. Nhưng mà anh vì làm sao lại bay trở về.

Cũng chỉ vì cái việc tẻ ngắt. Anh ta uống một hơi cạn chén rượu, hút mấy khói thuốc, mắt hơi mở to ra. Thật là tẻ ngắt. - Có điều chúng ta cứ nói.

Chú phổ ky đem thêm lên rượu và thức ăn, bày đầy một bàn, trên lầu thêm hơi nóng của khói thuốc và đậu rán, hình như có vẻ tấp nập ; ở ngoài lầu tuyết cũng càng tơi bời sa.

Anh vốn cũng có biết, hắn ta nói nốt, tôi từng có một đứa em trai, chết lúc mới ba tuổi, chôn ở làng này. Tôi bây giờ, cả đến cái dáng dấp của nó cũng không còn nhớ rõ, nhưng nghe mẹ tôi nói, nó là thằng bé đáng thương nhớ, rất ăn ý với tôi, mỗi khi mẹ tôi nhắc đến còn như muốn rơi nước mắt. Mùa xuân năm nay, một người anh họ gửi đến một phong thư, nói nấm mồ nó đã bị nước xoi dần dần tới, e chẳng bao lâu nữa sẽ lở xuống sông, phải tính cách nào gấp đi. Mẹ tôi biết được liền sốt ruột, hầu không ngủ được luôn mấy đêm, - chính mình mẹ tôi lại xem được thư. Song le, tôi mà có cách nào được? Không có tiền, không có thì giờ, lúc bấy giờ tôi chẳng có một cách nào.

Lần lữa đến nay, nhân dịp nghỉ Tết rỗi rãi, tôi mới về nam được mà dời mà cho nó. Anh ta lại uống cạn một chén rượu, nhìn ra cửa sổ, nói: ở trên kia đâu được thế này? Giữa trời tuyết mà lại có hoa, dưới đất tuyết mà lại không giá. Thì hôm kia đây, tôi ở trong thành mua một chiếc quan nhỏ, - vì tôi đoán chắc cái săng dưới đất đã mục rồi, - đem theo bông gòn và chăn nệm, thuê bốn người làm đất, xuống làng dời mả. Tôi lúc đó bỗng cao hứng lên, muốn bới nấm mồ ra, muốn thấy cái bộ xương của đứa em từng hòa thuận với tôi một cái: những việc như thế đời tôi chưa hề trải qua. Khi đến chỗ mả rồi, thấy thật thế, nước sông cứ khoét tới mãi, cách cái nấm còn không đầy hai thước. Tội nghiệp cái nấm mả, hai năm nay không đáp, cũng đã trịt xuống rồi. Tôi đứng trong tuyết, chỉ nấm mả nói chăm bẳm với những người làm đất: Bới ra đi! Tôi vốn là một người thường, lúc đó tôi thấy tiếng nói của mình có hơi lạ, cái mệnh lệnh ấy cũng là cái mệnh lệnh rất vĩ đại trong đời tôi. Song le những người làm đất lại không lấy làm quái gì cả, liền bắt tay đào xuống. Khi đào đến chỗ huyệt, tôi bèn đến xem, quả thật cái săng đã mục nát hầu hết, chỉ còn lưu lại một đống dăm và những mảnh gỗ vụn. Lòng tôi rung động, chính mình đi vạch những cái ấy ra, rất cẩn thận, cốt muốn xem thử đứa em tôi một cái. Nhưng mà không ngờ! Chăn nệm, áo quần, xương xẩu, cái gì cũng không có. Tôi nghĩ, những cái ấy tiêu hết rồi, từ trước nghe nói tóc khó tiêu, hoặc giả còn chăng. Tôi bèn cúi xuống, kỹ càng xem trong đất bùn chỗ đặt cái thủ cấp, cũng không có. Thật là không có gì cả!.

Tôi bỗng thấy cái quầng mắt anh ta hơi đỏ, song liền biết ngay đó là có hơi rượu. Anh ta không ăn gì mấy, chỉ cất chén uống mãi, uống hơn một cân, rồi thần sắc và cử động đều sấn sướt lên, gần giống như Lã Vĩ phủ trước kia mà tôi thấy. Tôi gọi phổ ky lấy thêm hai cân rượu, rồi quay mặt lại, cầm chén rượu nhìn anh ta lẳng lặng nghe.

Thực ra, đã như thế thì không cần dời nữa cũng được, chỉ phải lấp đất lại, bán quách chiếc quan đi, là xong chuyện. Tôi mà đi bán cái quan coi cũng có hơi kỳ đó chúc, song nếu hạ giá rất rẻ, cửa hàng sũ chắc sẽ lấy lại cho, ít nữa cũng vớt về được ít đồng tiền rượu. Nhưng tôi không làm thế, tôi vẫn trải chăn nệm ra, dùng bông bọc lấy những đất bùn chỗ cái xác nó nằm hồi trước rồi gói lại, đặt vào cái săng mới, khiêng đến đám đất mả ông thân tôi, chôn kề một bên. Nhân vì ngoài cái săng còn dùng cái quách sành, nên hôm qua tôi còn phải bận mất già nửa ngày: coi thợ làm. Có đều thế đó cũng kể được là xong đi một việc, có thể trở về nói phỉnh mẹ tôi, làm cho bà yên lòng. - A a, anh nhìn tôi như thế, anh lấy làm quái tôi sao khác với ngày trước quá phải không? Phải đấy, tôi còn nhớ khi chúng ta vào nhổ râu pho tượng thần trong miếu Thần hoàng, còn nhớ khi bàn cãi về phương pháp cải cách Trung Quốc đến nỗi đánh nhau. Nhưng bây giờ thì tôi là thế ấy đấy, bôi bôi trét trét, vờ vờ vĩnh vĩnh. Chính tôi có lúc cũng nghĩ rằng nếu bạn bè trước kia gặp lại tôi, e khỉ không nhận tôi là bạn nữa. - Nhưng mà tôi bây giờ thì là thế ấy đấy.

Anh ta lại móc ra một điếu thuốc, ngậm ở mồm, châm lửa.

Xem ý anh, hình như anh còn có chút ít ước mong cho tôi, - tôi bây giờ vốn là tê liệt quá rồi, tuy vậy cũng còn có những điều tôi thấy ra được. Điều đó làm tôi rất cảm kích, nhưng cũng làm tôi rất không an tâm: e tôi rốt cuộc chỉ phụ lòng bạn cũ đến nay còn có ý tốt đối với tôi.... Anh ta bỗng ngừng lại, hút mấy khói thuốc, rồi mới chậm rãi nói tiếp: Ngay hôm nay, trước khi đến tiệm Nhất Thạch Cư này, tôi cũng đã làm một việc tẻ ngắt, nhưng cũng là việc tôi vui lòng làm. Tên Trường Phú, người láng giềng phía đông nhà tôi trước kia, là một người lái thuyền, hắn có một đứa con gái gọi A Thuận, bấy giờ anh đến nhà tôi, chắc cũng có thấy nó, có đều anh không để ý làm gì, vì lúc đó nó còn nhỏ. Sau nó lớn lên coi cũng không ngộ mấy, chẳng qua là hạng thường, mặt trái xoan gầy gầy, nước da vàng, chỉ có cặp mắt rất to, lông nheo rất dài, tròng trắng con mắt lại xanh như trời tạnh ban đêm, mà là trời tạnh không có gió của phương bắc, chứ ở đây thì không có cái trong sáng ấy. Nó giỏi giang lắm, hơn mười tuổi mất mẹ, một mình săn sóc hai đứa em gái và trai ; hầu hạ cha nó, việc gì cũng tới nơi tới chốn ; lại biết tiện tặn, cảnh nhà dần dần khá lên. Hàng xóm hầu như không ai không khen ngợi nó, cả đến lão Trường Phú cũng thường ngỏ lời cảm khích. Lần này, khi tôi cất thân đi về đây, mẹ tôi lại nhớ đến nó, người già thật hay nhớ dai. Mẹ tôi nói trước kia có biết A Thuận vì thấy ai đó trên đầu tết cái hoa nhung đỏ, nó cũng muốn có một cái mà không sao có được, nó khóc, khóc đến non nửa đêm, bị cha nó đánh cho một trận, sau lại mí mắt còn húp đỏ đôi ba ngày. Thứ hoa nhung ấy là đồ của tỉnh ngoài, trong thành S còn tìm chẳng ra mà mua thay, nó muốn có thì làm sao cho có được? Nhân tiện chuyến này tôi về nam, mẹ tôi bảo tôi mua làm quà nó hai cái.

Đối với sự sai bảo đó tôi chẳng những không lấy làm phiền mà lại lấy làm thích ; thực ra, với A Thuận, tôi còn có ý vui lòng giúp nó nữa kia. Năm kia, khi tôi về đón mẹ tôi, có một hôm, Trường Phú ở nhà, tình cờ tôi gẫu chuyện với hắn. Hắn bèn mời tôi ăn lót lòng, bột kiều mạch[4] khuấy đường, vả lại bảo cho tôi biết là đường trắng. Anh nghĩ, nhà lái thuyền mà có đường trắng, đủ biết không phải nhà nghèo, cho nên mới ăn được sang. Tôi bị nài ép mãi, nhận lời, chỉ xin dùng cái bát nhỏ. Hắn cũng rất thạo đời, bèn dặn bảo A Thuận rằng: Các ổng người văn nho, không hay ăn uống mấy, mầy hãy dùng cái bát nhỏ, cho đường nhiều vào!. Thế nhưng đến khi khuấy xong bưng lên, vẫn còn làm tôi phát sợ, nó là cái bát lớn, đủ cho tôi ăn một ngày. Có điều đem so với cái bát của Trường Phú thì cái của tôi đúng là cái bát nhỏ. Tôi từ trước chưa hề ăn bột kiều mạch, lần này nếm qua, thấy không vừa miệng, lại ngọt quá. Tôi ăn qua loa mấy miếng định không ăn nữa, nhưng trong lúc bất ngờ, bỗng thấy A Thuận đứng xa xa ở góc nhà, làm cho tôi tức thì mất cái mạnh dạn bỏ bát đũa xong. Tôi xem nó có ý sợ và mong, giạc chừng sợ mình khuấy không khéo, mong chúng tôi ăn thấy ngon. Tôi biết nếu mình bỏ lại già nửa, chắc sẽ làm nó buồn và tủi. Thế rồi tôi quyết ý, hả họng ra trút vào, ăn gần nhanh bằng Trường Phú. Do đó tôi mới biết sự ăn ép là khổ thân, nhớ lại chỉ có hồi nhỏ tôi phải ăn hêté một bát thuốc sán khuấy với đường thì mới khó khăn như thế. Nhưng mà tôi chẳng cưu hờn chút nào, vì cái dáng đắc ý mà nhịn cười của A Thuận tỏ ra trong khi đến dọn dẹp bát không, đã đủ bù lại sự khổ thân của tôi mà có thừa rồi. Cho nên đêm hôm ấy, tôi tuy no kềnh đến ngủ không yên, lại thấy một tràng chiêm bao quái ác, tôi cũng cứ cầu chúc cho nó sung sướng một đời, nguyền cho thế giới vì nó trở nên tốt đẹp. Song cái ý ấy cũng chẳng qua là dấu vết của những chiêm bao của tôi ngày trước, liền đó tự cười lấy mình và rồi cũng quên bẵng đi.

Tôi từ trước vốn không biết chuyện A Thuận từng vì cái hoa nhung mà bị đánh, chỉ nhân mẹ tôi nhắc đến, bèn cũng nhớ lại chuyện ăn bột kiều mạch, đâm ra vồn vập bất ngờ. Tôi đi tìm trước trong thành Thái Nguyên khắp một lượt mà không có, cho tới khi đến Tế Nam....

Ngoài cửa sổ có một loạt tiếng lợt đợt, bao nhiêu hoa tuyết đọng đè oằn một cành cây sơn trà đang tuột xuống, cành cây vươn thẳng lên, làm nổi bật những lá xanh sẩm mươn mướt và những hoa đỏ như tiết. Màu trắng đục giữa quãng không càng đậm hơn ; những chim chóc nhỏ kêu chin chít, chừng là vì gần chạng vạng rồi, tuyết lại phủ cả mặt đất, chẳng kiếm được cái gì ăn, đều về tổ sớm để nghỉ.

Cho tới khi đến Tế Nam, anh ta dòm ra cửa sổ một chốc, quay lại uống cạn một chén rượu, lại hút mấy khói thuốc, rồi nói tiếp, tôi mới mua được hoa nhung. Tôi cũng không biết thứ hoa nhung làm nó bị đánh có phải là thứ nầy chăng, cứ hễ làm bằng nhung là được rồi. Tôi cũng không biết nó thích màu đậm hay màu nhạt, thì mua cả một bông hoa đỏ sặm, một bông hoa đỏ phớt đem về đây.

Thế là sau buổi trưa hôm nay, ăn cơm xong một cái, tôi liền đi thăm Trường Phú, chỉ vì việc ấy mà tôi nấn ná lại đây mất một ngày. Nhà hắn ta vẫn còn đó, chỉ trông có vẻ mờ sẩm, song đó có lẽ là cái cảm giác riêng của tôi. Thằng bé của hắn và đứa con gái thứ hai, A Chiêu, đều đứng ở cửa, đã lớn rồi. A Chiêu không giống chị nó chút nào cả, xấu như ma lem, nhưng khi thấy tôi đi vào nhà, nó liền tất tưởi chạy trốn trong buồng. Tôi hỏi thằng bé, biết Trường Phú không có ở nhà. Nào chị cả mầy đâu?. Nó lập tức trợn mắt lên, hỏi dặp tôi tìm chị nó có việc gì, vả lại bộ tướng hung hăng như muốn vồ tới cắn tôi. Tôi giữ mánh rút lui, tôi bây giờ là bôi bôi trét trét...

Anh không biết đấy, tôi thế mà còn sợ gặp người ta hơn so với trước kia. Bởi tôi đã biết kỹ mình là đáng chán ghét, cả đến mình cũng chán ghét lấy mình, thế thì sao lại còn cứ chứng nào tật ấy, làm cho người ta ngấm ngầm khó chịu? Nhưng mà cái việc sai bảo lần này phải làm cho xong mới được, cho nên ngẫm nghĩ một lúc, rốt lại tôi tạt sang cái tiệm bán củi ở xế cửa. Bà mẹ của chủ tiệm, bà cụ Phát, vẫn còn sống, vả lại vẫn còn nhìn biết tôi, vồn vã mời tôi vào ngồi trong tiệm. Sau khi hỏi thăm nhau mạnh giỏi, tôi bèn nói rõ cái sở dĩ về thành S tìm Trường Phú để làm gì. Không ngờ bà cụ than thở nói:

Tiếc cho A Thuận bạc phúc kjc ài được cái hoa nhung ấy rồi.

Thế rồi bà cụ cặn kẽ bảo tôi, nói rằng ước chừng từ mùa xuân năm ngoái về sau, thấy A Thuận vàng vọt đi, rồi lại thường hay rơi nước mắt, hỏi cớ gì thì nó lại không nói, có khi nó khóc cả đêm, khóc đến nỗi Trường Phú đâm tức mình không nhịn được, mắng nó lớn tuổi rồi hóa điên. Nhưng bước sang mùa thu, mới đầu chỉ cảm gió sơ sài, sau rồi nằm liệt xuống, từ đó không dậy được nữa. Thẳng đến mấy ngày trước khi hấp hối, mới chịu nói với Trường Phú rằng nó lâu nay thỉnh thoảng khạc ra máu, và đổ mồ hôi đêm giống mẹ nó hồi trước, có điều sợ cha nó đâm lo, nó cứ giấu đi. Có một đêm, bác nó là Trường Canh[5] lại đến khảo điền. - Đó là việc thường có, - nó không cho, thì Trường Canh cười gằng nói: Mầy đừng làm bộ, thằng đàn ông của mầy còn không bằng tao! A Thuận từ đó phát rầu, lại xấu hổ, không buồn hỏi, chỉ việc khóc. Trường Phú vội vàng đem chuyện thằng chồng chưa cưới của nó giỏi trai như thế nào kể cho nó nghe, nhưng nào có kịp? Vả lại nó cũng không tin, trở nói rằng: Thật tình tôi đã là thế này rồi, có gì đi nữa cũng không cần.

Bà cụ lại nói: Nếu quả thằng đàn ông của nó không bằng Trường Canh, thì thật cũng đáng tởm nhỉ! Không bằng một đứa ăn trộm gà, thì còn ra cái thá gì? Nhưng khi hắn đến xem nhập liệm, chính mắt tôi thấy hắn, ăn mặc rất sạch sẽ, người cũng ra bề ; còn đẫm nước mắt nói: Nửa đời người đi chở thuyền, chịu khó, hà tiện, dồn tiện lại để cưới một con vợ, thế mà lại chết quách đi. Đủ biết hắn là một người tốt, lời Trường Canh toàn là lời nói dối, chỉ tiếc cho A Thuận lại tin lời nói dối của thằng kẻ cắp ấy mà chết phí cái đời. - Nhưng mà điều đó cũng không có thể trách ai được, chỉ trách chính mình A Thuận úao không có số tốt.

Thế thì thôi, công việc của tôi cũng lại xong rồi. Có đều xử trí làm sao hai cái hoa nhung đem theo bên mình tôi đây? Được rồi, tôi nhờ bà cụ đưa nó cho A Chiêu. Con A Chiêu thấy tôi một cái liền chạy trốn, chừng như nó coi tôi là một con chó sói hay là gì đấy, thực tình tôi không muốn đưa cho nó. - Nhưng rồi tôi cũng đưa cho nó, chỉ sẽ nói với mẹ tôi rằng A Thuận thấy thì vui mừng quá lắm là được rồi. Những chuyện tẻ ngắt ấy có đáng kể gì? Chỉ phải vờ vờ vĩnh vĩnh. Vờ vờ vĩnh vĩnh qua năm mới xong, rồi tôi lại cứ đi dạy tử viết thi vân như cũ.

Anh là lại dạy tử viết thi văn hay sao?. Tôi lấy làm lạ, hỏi:

Cố nhiên. Anh vẫn tưởng là còn dạy a, b, c, d, hay sao? Tôi trước kia có hai đứa học trò, một đứa học Kinh Thi, một đứa học Mạnh Tử. Mới rồi lại thêm một đứa, con gái, học Nữ nhi kinh[6]. Cả đến toán cũng không dạy, không phải tôi không dạy, chúng nó không cần dạy.

Tôi thật không ngờ anh mà lại đi dạy những thứ sách ấy...

Cha chúng nó muốn chúng nó học những thứ sách ấy, tôi là người ngoài, sư tùy chủ. Những chuyện tẻ ngắt ấy có đáng kể gì? Miễn cho thế nào xong thôi....

Cả cái mặt anh ta đã đỏ gay, giống như có hơi say lắm, song cặp mắt lại lờ đờ không còn có tia sáng. Tôi ngậm ngùi kín đáo, một lúc không biết nói gì. Thang lầu có tiếng ầm ầm, kéo nhau lên mấy người khách rượu: Đi đầu là anh chàng lùn, mặt tròn mà bì sị ; rồi đến một người cao, trên mặt lộ ra cái sống mũi đỏ đập vào mắt ; đằng sau còn có nữa, đi cả một dui làm cho cái lầu nhỏ phát run. Tôi liếc mắt nhìn Vĩ phủ, anh ta cũng vừa liếc mắt nhìn tôi, tôi bèn kêu phổ ky tính tiền rượu.

Anh cứ dạy học như thế, vẫn có thể nuôi sống được chứ?. Tôi một mặt sửa soạn đi, một mặt hỏi.

Phải đấy. - Tôi mỗi tháng kiếm được hai chục đồng, cũng không đủ xài cho lắm.

Vậy thì, sau này anh tính xoay xở làm sao?

Sau này à? - Tôi không biết. Anh xem những việc chúng ta tính trước kia có một việc nào vừa ý chúng ta? Tôi bây giờ không biết một cái gì hết, cả đến ngày mai thế nào tôi cũng không biết, cả đến một phút...

Phổ ky đem toa tính tiền lên, đưa cho tôi. Anh ta bây giờ không khiêm nhường giống như hồi mới vào nữa, chỉ nhìn tôi một cái, rồi cứ hút thuốc, để mặc tôi trả tiền.

Chúng tôi cùng ra cửa tiệm. Cái phòng nghỉ của anh và của tôi ở trái hướng nhau, bèn chia tay nhau từ chỗ cửa. Tôi một mình đi về phòng nghỉ của tôi, gió lạnh và hoa tuyết tạt vào mặt, lại thấy trong người rất khoan khoái. Màu trời đã nhá nhem tối, cả nhà cửa và đường sá đều như dệt ở trong tấm lưới tuyết dày, trắng nõn mà chờn vờn.

16-2-1924
(Dịch ở Bàng hoàng)

   




Chú thích

  1. Lỗ Tấn sinh trưởng ở phủ thành Thiệu Hưng, thuộc tỉnh Chiết Giang. Thiệu Hưng, viết bằng tự mẫu Latinh là Shaoshing, đây nói thành S tức chỉ thành Thiệu Hưng theo lối viết tắt.
  2. Thứ rượu sản xuất ở Thiệu Hưng, ngon có tiếng, người Trung Quốc thường gọi tắt là rượu Thiệu.
  3. Giọng là cái gì phát ra hoặc thấy ra trong cổ họng. Như giọng nói. Rượu uống vào cổ thấy hơi ngọt, cũng nói rượu ngọt giọng. Trà cũng vậy. Truyện Kiều có câu trà khan giọng tình. Giọng rượu thật đúng, ý nói thật đúng rượu Thiệu, không pha.
  4. Kiều mạch là một thứ thực vật thuộc loại thảo, có hoa có quả, hột trong quả nó có thể xay làm bột làm bánh ăn được, nhưng kém bột mì. Xuất sản nhiều ở phương bắc Trung Quốc, ở xứ ta hình như không có.
  5. Theo bà Hứa Quảng Bình nói trong sách Hân ủy đích kỉ niệm, rằng Trường Canh là tên của Lỗ Tấn hồi còn nhỏ, bị gia đình bán khoán cho pháp sư, do vị pháp sư đặt cho. Lỗ Tấn rất ghét cái tên ấy, cho nên ở đây đem đặt cho thằng ăn trộm gà.
  6. Nữ nhi kinh, tên một thứ sách, không biết tác giả là ai, trước kia người Trung Quốc dùng để dạy con gái.