Tiểu thuyết thế nào là hay?

Tiểu thuyết thế nào là hay?  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6509 (Phụ trương văn chương số 15, thứ bảy 8.8.1931)

Theo con mắt một nhà văn học Nhựt Bổn

Tôi không phải là người viết được tiểu thuyết, nhưng tôi hay đọc tiểu thuyết, nhứt là tiểu thuyết đương thời đây. Sau khi tôi đọc qua nhiều cuốn, tôi dám nói rằng: ở xứ ta đây có người, trong óc họ, hình như chưa nhìn rõ tiểu thuyết là gì mà họ cứ việc viết tiểu thuyết.

Xin ai nấy chớ cho tôi là nói xấc. Tôi nói vậy mà đúng lắm đó. Mà hạng người viết tiểu thuyết như tôi nói đó có lẽ lại không phải là ít đâu. Trừ ra một số ít người biết viết, không kể, còn kỳ dư, người nào có ý thức lắm thì lấy sự khuyên lành răn dữ làm mục đích, người nào không có ý thức thì lại, cứ hễ viết là viết, chớ không kể đến cái mục đích gì.

Như vậy không đặng đâu. Ta phải nhìn rõ tiểu thuyết là gì đã rồi sẽ viết. Nghĩa là ta thế nào cũng phải có một cái quan niệm chánh đáng về tiểu thuyết dầu cái quan niệm của ta khuynh hướng về mặt nào cũng không sao. Chớ còn cứ việc kể chuyện như kể chuyện đời xưa mà nghe, thế không đủ gọi là tiểu thuyết.

Tôi nói cái quan niệm về tiểu thuyết dầu hướng về mặt nào cũng không sao, nghĩa là cái quan niệm ấy theo thời mà có thay đổi. Thường thường, cái văn học của nước nào cũng hay biến hóa luôn, cho nên người ta đối với tiểu thuyết, khi coi nó là thế nầy, khi coi nó là thế khác. Miễn là phải có cái coi ấy thì nó mới có ý vị.

Theo văn học sử Nhựt Bổn thì năm Minh Trị 18 (1885) đã bước vào thời kỳ văn học mới, cho nên trong lúc ấy, cái quan niệm về tiểu thuyết của người Nhựt khác với trước kia.

Vào lúc bắt đầu thời kỳ ấy, một nhà văn học tên là Bình Nội Tiêu Diêu có làm một bộ sách kêu là Tiểu thuyết thần tủy[1], chuyên luận về tiểu thuyết, tôi xin trích dịch vài chỗ cốt yếu như sau nầy.

Trong bài tự ngôn sách ấy đem những tiểu thuyết đương thời của Nhựt Bổn ra mà công kích thiệt gắt, nói rằng:

Gần nay những tiểu thuyết xuất bản đều là đồ cặn bã. Nhơn vì bọn họ cho cái chủ ý của tiểu thuyết là ở sự khuyên lành răn dữ, làm mẫu mực cho đạo đức. Vả lại họ lấy tài liệu cũng chỉ lanh quanh trong phạm vi rất hẹp hòi. Bực mình cho độc giả thứ nhứt là bổn nào bổn nấy cũng một giọng như nhau.

Sự ấy lỗi tại người viết mà cũng lỗi tại người đọc nữa. Thuở nay người đọc tiểu thuyết trong nước ta (Nhựt Bổn) cũng chỉ ngả về mặt khuyên lành răn dữ mà thôi; ngoài ra họ không còn biết tiểu thuyết có cái ích gì nữa. Người biết lợi dụng cái tâm lý ấy, muốn cho sách mình được chạy thì cũng không viết khác đi làm chi. Nhưng có một điều rất hại, là họ mượn cái danh khuyên lành răn dữ mà kỳ thiệt ở trỏng họ vẽ ra những chuyện gian ác, tàn nhẫn, dâm dục, trở lại làm hại cho đạo đức thì có!

Sự mượn danh làm ích mà kỳ thiệt là làm hại đó, chính là trúng vào cái bịnh tiểu thuyết trong nước Nam ngày nay. Tôi thấy biết bao cuốn, từ đầu đến cuối, tác giả kể ra sự bậy bạ đủ thứ, đến sau hết dạy người ta rằng những sự bậy bạ ấy phải coi là gương xấu mà tránh xa đi; nhưng lời dạy ấy chưa chắc có hiệu quả gì, chớ còn những điều bậy bạ kia thì đã ăn sâu vào đầu độc giả từ lúc họ bắt đầu đọc cuốn sách cho tới khi xếp sách rồi.

Tiểu thuyết ngày nay, ở trên đàn văn học thế giới, không còn đeo theo cái chủ nghĩa khuyến trừng nữa. Nhựt Bổn vào năm 1885 cũng đã có người tuyên ngôn như vậy tức là nhà văn học nói trên đó. Vậy thì tiểu thuyết lấy gì làm mục đích? Tiểu thuyết thế nào là hay? Trong một tiết coi là phần gốc trong cuốn sách Tiểu thuyết thần tuỷ, ông Bình Nội Tiêu Diêu nói rằng:

Cái chủ não của tiểu thuyết là nhân tình thế thái; thứ nữa đến phong tục. Nhân tình tức là tình dục của người ta. Người ta là động vật có tình dục. Không cứ người hiền, người lành, cũng đều có tình dục như ai. Có điều họ không lộ ra, chớ không thể nói họ không có tình dục.

Bởi vậy, phàm tiểu thuyết phải tả đến trong lòng người ta, khiến cho như thấy cái lòng ấy trước mặt độc giả. Làm được như vậy thì mới có thể tả ra nhân tình thế thái của các thời đại, rồi mới kêu được một cuốn tiểu thuyết, tức là bài phê bình đời người.

Cứ như lời trên đây thì nhà văn học Nhựt ấy, về tiểu thuyết, khuynh hướng về chủ nghĩa tả thực, lại trọng về tâm lý, cũng chủ trương theo phái nghệ thuật vì nhân sanh. Cái khuynh hướng ấy, cái chủ trương ấy, tôi nhận là đáng đem ra mà thi hành trong cõi tiểu thuyết nước ta ngày nay vậy.

Cứ tả thực mà tả cho đúng tâm lý thì đủ làm cho vui cái tâm cảnh của kẻ đọc rồi tự họ cảm hóa lấy, chớ còn cứ theo cái sáo khuyên răn cũ, là tầm thường, người đời nay chán rồi.

"Phàm người ta, cái hành vi bày ra ngoài với cái cảm tình vi diệu ở trong, thành ra hai thứ hiện tượng. Như lịch sử và chuyện cổ tích, chỉ có thể thuật lại những cái hành vi bề ngoài mà không có thể xét thấu cái tình cảnh bề trong. Cái chức vụ của tiểu thuyết, ấy là để xét thấu chỗ kín nhiệm, chỗ vi diệu của nhân tình.

Tiểu thuyết phải miêu tả cái màn kín trong lòng của người hiền, người gian, kẻ già, kẻ trẻ, con trai, con gái, hoặc lành, hoặc dữ, hoặc vạy, hoặc ngay. Làm thế nào cho cái nhân tình rõ bày ra mà ngó thấy được, ấy mới là tiểu thuyết. Bởi vậy, nhà tiểu thuyết lại phải là nhà tâm lý học.

Nhà tiểu thuyết nặn ra một người nào, phải căn cứ theo cái nguyên lý của tâm lý học. Nếu tự ý mình nặn bậy ra một người trái nhau với tâm lý học, hay là điều gì không hiệp với nhân tình thì dầu có chạm trổ thêu thùa mấy đi nữa cũng không phải là tiểu thuyết hay."

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Lưu ý : các tên riêng Nhật Bản trong bài này đều phiên theo dạng chữ Hán.