Tiếng hay văn Việt Nam cũng chỉ có một mà thôi

Tiếng hay văn Việt Nam cũng chỉ có một mà thôi  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 86 (11.6.1931)

Không ai được lấy cớ gì mà chia ra Nam Bắc

Tiếng nói Việt Nam là duy nhứt; mà cho đến cách đặt để lời nói, tức ta gọi là văn, cũng duy nhứt nữa. Điều đó, sự lý nó rành rành ra trước mắt. Trong ba kỳ, người ở tận đầu nầy với người ở tận đầu kia đối mặt nhau nói chuyện mà khỏi dùng thông ngôn; sách vở báo chí hễ viết bằng Quốc ngữ thì đều được đắp đổi thông dụng trong khắp nước. Thế đủ tỏ ra là duy nhứt.

Không có gì khốn nạn cho một dân hơn là đồng giống mà khác tiếng, như giống Hán bên Tàu, 18 tỉnh không nghe hiểu được nhau. Họ bị cái khốn nạn đó, nên họ mới lo mà trừ đi, nào lập những Độc âm thống nhứt hội, nào đặt những Chú âm tự mẫu, đều là làm cho tiếng nói được hiệp nhứt vậy.

Ta ngồi hưởng được cái sung sướng tự nhiên tức là tiếng nói có một thứ, sao lại không muốn mà còn chia ra nữa? Tức như gần đây cũng còn có nhiều người vẫn cứ chia ra tiếng Bắc tiếng Nam[1].

*

* *

Sách Y thoại tùng biên của ông Vũ Thượng Chi mới ra, tôi có bài phê bình đăng trong báo Trung lập rồi, theo ý của sách ấy cũng muốn chia tiếng ta ra Nam Bắc. Vì nơi Phàm lệ có một điều nói rằng: Theo như ý kiến của một số phần đông người Nam thì nên dùng văn Bắc, mới có nhiều tiếng để mô tả những ý tứ sâu xa. Vậy nên bộ sách nầy chìu theo nhơn tâm và tình hình học thuật trong nước phần nhiều dùng tiếng Bắc cả. Nhưng chúng tôi hễ biết được tiếng nào mà trong Nam nói khác đều có chú thích thêm để được rõ ràng hơn…

Đoạn ấy nói lạ lắm. Nói nên dùng văn Bắc, sao lại nói tiếp rằng mới có nhiều tiếng để mô tả những ý tứ sâu xa? Vả, nếu có thật thứ văn Bắc khác với thứ văn Nam nữa, thì cái chỗ sở dĩ nên dùng nó là tại chỗ nào, há có phải tại nhiều tiếng, vì văn là văn, tiếng là tiếng, không có thể nói văn nhiều tiếng được. Nội một lẽ đó đủ thấy đoạn ấy nói sai rồi.

Kỳ thật Nam Bắc chi, tiếng và văn cũng chỉ có một mà thôi. Nay ta nói tiếng Bắc tiếng Nam hay là nói văn Bắc, văn Nam, ấy là tự ta chia bậy ra; chớ theo nghiêm cách mà nói, những danh từ ấy chẳng lấy lý do nào mà thành lập được vậy.

Cứ thiệt mà nói thì tiếng và văn ta vẫn duy nhứt, không khác nhau về tánh chất, có khác nhau là chỉ về trình độ. Tiếng Việt Nam ở Bắc kỳ đã dồi dào và thành thục hơn ở Nam kỳ thế thôi, chớ không ai được lấy cớ gì nói tiếng Bắc và tiếng Nam khác nhau, hay là văn Nam văn Bắc khác nhau vậy.

Tiếng một ở Bắc kỳ nhiều hơn trong Nam, cái đó vẫn là sự thật. Nhưng theo như Y thoại tùng biên, nói vì nhiều tiếng để mô tả những ý tứ sâu xa thì là nói sai. Sự mô tả được ý tứ sâu xa cùng chăng, sự ấy là tùy tài từng người chớ không phải nhờ ở tiếng. Chính mình Y thoại tùng biên dùng tiếng Bắc đó mà cái kết quả của sự mô tả ra sao, người ta đã thấy rồi.

Xem đến những nơi mà người biên tập[2] Y thoại tùng biên chua tiếng Nam vào thì đủ rõ rằng họ chia bậy mà chơi, chứ kỳ thật họ chẳng biết thế nào là Nam là Bắc hết.

Trong sách Y thoại tùng biên ấy có một chỗ nói rằng: Lúc nào cũng mơ tưởng đến trai gái, tinh dịch mới dồn xuống dưới âm bộ; vậy mà dưới chữ "mơ tưởng đến trai gái" ấy người ta chua vào hai chữ o mèo. Vậy té ra o mèo, người ta cho là tiếng Nam, còn mơ tưởng đến trai gái, người ta cho là tiếng Bắc!

Không phải! Ve gái, là tiếng Việt Nam, đâu đâu cũng nói vậy hết, duy có Nam kỳ thêm ra tiếng o mèo cũng như thổ âm vậy thôi. Nhưng chữ o mèo đem chua cho chữ ve gái thì mới được, chớ đem chua cho chữ mơ tưởng đến trai gái thì sao được? ở Bắc kỳ nói mơ tưởng đến trai gái thì ở Nam kỳ cũng nói mơ tưởng đến trai gái, can chi lại đem hai chữ o mèo mà chua vào ở đó?

Hiểu bậy bạ như vậy rồi nói tiếng Bắc với tiếng Nam khác nhau, chớ có gì đâu!

Lại một chỗ có chữ chốc nhát mà chua vào tiếng Nam là chút xíu, cũng sai như vậy.

Ngoài Bắc nói một chốc một nhát, thì trong Nam nói một chốc một lát, ngoài Bắc nói chốc nhát thì trong Nam nói chốc lát, khác nhau chỉ tại nhát với lát mà thôi, đều chỉ nghĩa là một chặp, một thời gian rất ngắn. Vậy mà đem chữ chút xíu chua cho chữ chốc nhát sao được? Chút xíu là nói về đằng lượng, chớ không phải nói về thời gian mà. Tôi lại có đọc một bổn tiểu thuyết của người Bắc viết và in ở Sài Gòn, nhan là Biển trầm luân. Tác giả sách nầy hình như cũng muốn chia tiếng Bắc tiếng Nam, nên cũng có chua như kiểu của Y thoại tùng biên vừa nói trên đó, mà cũng phần nhiều chua sai nữa.

Như mơ hồ mà chua là sang đàng, cũng cho là tiếng Nam đó! Mơ hồ có ý là mập mờ không rõ, không thật, cớ sao hiệp làm một với chữ sang đàng, chỉ nghĩa nói không thứ tự, đương ở đàng nầy mà băng sang đàng kia?

Còn đến cái thành ngữ mặt sứa gan lim thì thật trong Nam chưa biết dùng đến. Tôi nói tiếng một ngoài Bắc nhiều hơn, tức là chỉ những chữ đó. Vậy mà tác giả đem chữ lòng sắt dạ đinh chua vào, ý muốn nói rằng ngoài Bắc nói mặt sứa gan lim tức trong Nam nói lòng sắt dạ đinh, như vậy có phải là sai đến ngàn dặm không? Ngoài mặt mềm như con sứa, mà trong lòng cứng như gỗ lim, ấy là có ý nói ngoài mềm trong cứng, chớ với lòng sắt dạ đinh có ăn thua gì lại đem mà chua?

*

* *

Tôi kể ra hai cuốn sách trên đó cho biết rằng hiện nay những người nào phân biệt tiếng Nam tiếng Bắc đều là tự họ phân biệt bậy cả, không đáng phân biệt mà họ phân biệt nhầu đi, chớ không phải chính mình tiếng ta có sự phân biệt ấy đâu.

Theo tôi thì, như chữ mặt sứa gan lim ấy là chữ mà trong Nam chưa có, nay ta muốn dùng nó vào văn thì nên giải nghĩa rõ ràng ra, lâu rồi người Nam dùng quen đi; chớ không nên nói nó là tiếng Bắc, rồi đem chữ lòng sắt dạ đinh là tiếng Nam mà chua vào, làm như vậy thì càng ngày càng sai bét.

Trên kia tôi nói tiếng ta chỉ có khác nhau về trình độ, nghĩa là tiếng nói được dồi dào với chưa được dồi dào, lời nói được thành thục với chưa được thành thục mà thôi. Nam kỳ là đất người Việt Nam mới đến ở ba trăm năm nay, tự nhiên tiếng nói chưa được dồi dào và chưa được thành thục bằng đất Bắc. Sự đó là sự tự nhiên vậy.

Cái chỗ khác nhau về trình độ ấy, ta cũng nên cố mà làm cho giống đi, chớ đừng có chỉ vạch ra làm chi vô ích. Nhớ đã lâu, trong tạp chí Nam phong, có chia ra mục văn Nam kỳ và văn Trung kỳ, ấy là có ý phân biệt ngầm về trình độ. Nhưng dưới những mục đó, người ta thâu lấy những bài của ông Lương Khắc Ninh và của mấy ông quan ở Huế, thì há phải là thứ văn đủ đại biểu cho Nam kỳ và Trung kỳ được ư? Trong ít lúc chi rồi Nam phong cũng phải dẹp mục ấy đi là phải lắm, bởi vì nó không có nghĩa gì, không đứng riêng ra một mục được.

Nam Bắc có khác nhau là giọng chớ không phải tiếng. Như người Bắc nhập tr với ch vào một, nhập s với x vào một; người Nam không phân biệt c, t: ấy là giọng khác đó.

Cái giọng khác ấy, nói ra thì được, chớ viết ra, cũng còn phải cầu cho đừng khác thay, nữa là chịu khác nhau đến tiếng đến văn? Lại huống chi chính nó không khác gì hết, mà tự mình đem phân biệt ra, rồi chua bậy chua bạ vào cho nó thành ra khác, thì thật là điên lắm vậy.

Ngoài sự giọng khác, lại còn những thổ âm không giống nữa, tức như Bắc kêu cha là bố, kêu mẹ là bu, Nam kêu cha là tía, kêu mẹ là má. Nhưng phải biết rằng những tiếng đó là thổ âm, không cứ đó mà bảo là khác được. Bố, bu, tía, má, khác nhau mặc dầu, nhưng cha mẹ là tiếng chánh thì Nam Bắc đồng nhau cả, thì sao bảo là khác được ư?

Bởi những cớ giãi trong bài nầy, chúng ta rày về sau nên nhìn tiếng Việt Nam của chúng ta là duy nhứt, là có một mà thôi, không ai được lấy cớ gì mà chia ra Nam Bắc hết, hễ chia thì càng thêm bậy, cái chứng nghiệm đã thấy rồi, tức trong hai cuốn sách nói trên đó.

Phan Khôi

   




Chú thích

  1. Chỗ này tác giả muốn nhắc đến cuộc thảo luận trên nhật báo Thần chung cuối 1929 đầu 1930 xung quanh một ý kiến của một đại biểu nêu ra tại Hội đồng quản hạt Nam kỳ, yêu cầu Sở giáo huấn Nam kỳ đề đạt với Nha học chính Đông Dương cho phép giáo chức Nam kỳ soạn sách dạy tiếng Việt dành riêng cho các trường ở Nam kỳ. Những người chủ trì tờ Thần chung như Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá cho rằng sự đề xuất nêu trên, nếu được phép thực hiện, sẽ dẫn tới việc chia rẽ dân tộc (xem: Lại Nguyên Ân : Thảo luận về sách giáo khoa tiếng Việt trên báo chí Sài Gòn 1929-1930, Xưa và Nay, số 152, tháng 11/2003, và số 153, tháng 12/2003
  2. Từ "biên tập" này, trong sách báo trước 1945 thường được dùng trỏ công việc mà ngày nay gọi là "biên soạn"