Thi văn với thời đại

Thi văn với thời đại  (1928) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 778 (6.10.1928)

Một bài thi, một bài văn, hay là một tập thi, một tập văn mà làm cho người ta quý trọng và lưu truyền được là nhờ có đặc sắc về hai đường: một là về đường mỹ thuật, hai là về đường lịch sử. Đặc sắc về mỹ thuật, nghĩa là thơ văn ấy hoặc tả cảnh hay, hoặc tả tình hay, đủ làm cho kẻ đọc đến mà sanh cảm, cũng như trong khi xem một bức vẽ hoặc xem một tấn tuồng mà giục nỗi vui buồn. Đặc sắc về lịch sử nghĩa là trong thi văn có lưu lại những cái dấu vết của xã hội đồng thời với tác giả; đời sau đọc đến có thể nhờ đó mà nhận ra cuộc đời hồi ấy hoặc ít hoặc nhiều, có thể đem thi văn ấy mà đối chứng với những điều nghi ngờ trong lịch sử. Từ xưa đến nay, những tay văn hào bất tử, thường là gồm cả hai mặt đó.

Song le, về đường mỹ thuật thì hầu hết mọi người cầm bút viết văn ai ai cũng biết; đến như cái đặc sắc về đường lịch sử thì người ta thường không chú ý đến mà bỏ qua đi.

Sự thuộc về lịch sử ấy tức trong bài nầy muốn nói rõ hơn một chút, gọi là thi văn quan hệ với thời đại.

Vậy như Đỗ Phủ của Tàu, V. Hugo của Pháp, tức là hai nhà văn hào có đặc sắc về mỹ thuật đã đành, mà lại có đặc sắc về lịch sử nữa, nghĩa là thi văn của hai ông ấy phần nhiều có quan hệ với thời đại mình.

Nay chúng tôi đọc bài Bắc chinh của họ Đỗ thì biết được đầu đuôi việc vua Huyền Tôn chạy giặc, vua Túc Tôn lên nối ngôi ra làm sao; đọc bài Souvenir de la nuit du 4 của Hugo thì biết được hồi Cách mạng nước Pháp, họ làm tàn nhẫn giết đến kẻ vô tội là thế nào. Bởi vậy các nhà phê bình khi phê bình đến những bài như vầy thì thường hay nắc nỏm khen rằng "thi trung hữu sử", nghĩa là trong bài thơ có việc thiệt như là lịch sử.

Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng gọi là Trạng Trình, ở nước ta, có hơn ngàn bài thơ, in thành mấy cuốn, nhưng mà không nổi tiếng là một nhà văn hào được, là vì thơ của ông chỉ chuyên về mặt mỹ thuật mà thôi, còn chưa kể đến cái mỹ thuật của ông có thật là "mỹ" không nữa. Hãy đọc cả tập Bạch Vân am thì thấy ra mười bài như một chục, bài nào cũng tả tình tả cảnh, bài nào cũng nói tâm nói tánh, nói gió nói trăng; song không tìm ra một bài nào có dấu vết của xã hội thời ấy cả. Mà thời ấy là thời họ Mạc tiếm nhà Lê, trong xã hội ta xảy ra biết bao nhiêu là việc, thế mà trong thơ ông Trạng ta bỏ hết cả, không thèm nói đến, dầu nói bóng lấy một vài lời cũng không!

Có người nói rằng thế mới biết cái tánh tình của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm là cao thượng, là siêu việt, chỉ thích bạn với cảnh tự nhiên mà không thèm đặt miệng đến việc đời. Nói vậy cũng có lẽ. Song phải biết rằng đã là thi văn thì là thi văn, phải cho đủ vẻ, phải cho có quan hệ với kẻ khác; còn như chỉ nói riêng hứng cảm phần mình mà thôi, thì người ta đọc nhiều phải sanh chán, những thơ văn ấy ai cầu làm chi?

Người ta hay nói thi nhân nào đại biểu cho thời đại nào, là vì thi nhân ấy có quan hệ với thời đại ấy, như Đỗ Phủ đại biểu cho thời Trung Đường, Victor Hugo đại biểu cho thời Cách mạng Pháp. Ấy vậy, thơ văn mà đại biểu cho một thời đại được, thì mới có thể gọi là một nhà văn hào.

Nước ta gần nay có ông Tú Trần Kế Xương là có cái tư cách đại biểu cho một thời đại ở Bắc Kỳ. Thời đại ông là thời đại mà cựu học suy vi, bọn nhà nho thất nghiệp, tây học mới bén, đám thông ký đắc thời; lại là thời đại mà trong nước bắt đầu nhóm lên phong triều về chánh trị; mà cả những điều đó đọc trong thơ văn của ông có thể thấy được cả. Như những:

- Một đoàn rách rưới con như bố;
Ba chữ ngheo ngao vợ chán chồng.

- Chi bằng đi học làm ông phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò!

Sau nầy người ta đọc những bài đó là đủ biết cái khuynh hướng của xã hội bấy giờ về đường học vấn là thế nào.

Ông Tú Xương lại có nhiều thơ về thời sự bấy giờ nữa; song vì sự húy kị cho nên ít truyền ra. Một ngày kia toàn tập của ông được xuất bản, người ta sẽ thấy văn chương của ông là quan hệ với thời đại ấy.

Được một người văn nhơn có quan hệ với thời đại là quý lắm; cùng không nữa thì được một bài thơ hoặc một bài văn có quan hệ với thời đại cũng là quý. Vì những thơ văn ấy có bổ ích cho nhà sử học về sau, giá trị của nó không biết là bao.

Thử cử ra vài bài sau đây để làm thí dụ.

Từ triều Thành Thái về sau, sự thi cử ở Trung Bắc Kỳ càng ngày càng bậy bạ. Quan chấm trường thi ăn tiền của học trò thi, học trò thi thì dốt mà đỗ, chẳng còn gì là văn hành công khí cả. Trong lúc đó có lưu truyền một bài hát nói mà không biết ai làm. Bài ấy như vầy:

"Tự cổ văn chương bằng chỉ thượng;
Vu kim nghĩa lý vấn nang trung.
Bảng trong trời chi thiếu mặt hổ long?
Đèn sách nọ không gia công mà cũng đặng,
Xin cho biết mực đen giấy trắng,
Tròm trèm ba chữ cũng dư thi
Sẵn bạc nhà cắp lấy ra đi
Vào thí viện quyển làm chi chẳng tốt?
Vậy có câu rằng cử nọ hai mươi hốt[1] tú kia bát thập nguyên,
Ấy là phận, ấy là duyên, mà phong thổ âm công chi cũng đó!
Khi rước về võng điều chấu đỏ,
Về đến nhà hỏi mụ sướng hay không?
Mụ rằng tôi cũng như ông!"

Năm 1908, ở Quảng Nam có xảy ra vụ xin thuế. Trong khi mấy ngàn người dân ăn mặc lam lũ kéo nhau vừa đến sông Thanh-hà, bị lính đàn áp thì ba người ngã xuống sông mà chết. Bấy giờ có bài văn tế như vầy mà cũng không biết tên người làm:

"Than ôi! nước còn lênh đênh, dân khó ngoi ngóc,
Đã thuế nặng nề, lại quan tham độc.
Chó ăn cả lông, cây đào tận gốc.
Không tiền mua khăn nên đầu ông trọc;
Không tiền mua vải nên áo ông cộc.
Xin thuế ít nhiều, kêu tình khổ nhục;
Một dạ vững bền, tám ngàn chen chúc.
Không ngờ sẩy chơn, chẳng vớ được cọc.
Thôi thà thác trong, còn hơn sống đục!
Hồn ông đi đâu? Xiêm La Băng Cốc,
Nhựt Bổn Hoành Tân, Ấn Độ Thiên Trúc;
Lớn hóa làm tàu bay, nhỏ hóa làm súng lục,
Phới phới trên từng mây để chờ cơn báo phục!
Nay có rượu cặn một bầu, văn nôm một khúc,
Tế các ông một diên, vì dân đau khóc!"

Đó, ta đọc bài văn tế ấy thì biết lúc bấy giờ tại làm sao mà dân Quảng Nam xin thuế, và biết bấy giờ người ta mới bắt đầu hớt tóc và mặc đồ ngắn. Còn đến cái cảm tưởng của tác giả đối với ba người chết thì lại chúc cho linh hồn qua Băng Cốc, Hoành Tân, là vì bấy giờ trong nước ta đương sôi nổi cái phong trào xuất dương cho nên tác giả đem cả việc ấy mà cầu cho kẻ chết.

Một bài thơ hoặc bài văn mà có quan hệ với thời đại là như vậy.

C.D.

   




Chú thích

  1. Hốt là một nén, mười lạng bạc (nguyên chú)