Thiếu gạo ăn thừa giấy đốt

Thiếu gạo ăn thừa giấy đốt  (1907) 
của Nguyễn Văn Vĩnh

Bài báo này được viết trong "Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo", số 802 ra ngày 30 tháng 5 năm 1907, được viết với bút danh Tân Nam Tử.

Mấy anh em mình bàn duy-tân mấy tiến-bộ mãi, ngẫm mà thẹn với thiên-hạ. Cũng may chữ mình tiếng mình, các nước cũng không mấy người học tới, chớ giả thử họ hiểu được cái trò dòng-sơn mình làm độ này, thì họ cười cho chán.

Chỗ này bàn cải-lương, chỗ kia luận tân-học, thiên-văn, địa-lý, bác-vật, hóa-học, cơ-khí, kỹ-nghệ, con mãnh ở đâu! mà thấy xó nào cũng nói ỏm-tỏi cả lên, thế mà thầy bói vẫn thấy hãi còn đắt hàng, Hà-nội còn có phố chỉ làm nghề đan, phất đồ giấy bán; Chú tầu mỗi tháng còn bán cho mình được hàng ngàn bạc tiền hương với giấy vàng giấy bạc.

Nhất độ này, phố nào cũng đặc cả, những voi giấy, ngựa giấy, hình nhân, bầy la liệt hai bên hè, giấy chăng-kim lập lòe quáng mắt. Xó này lung-tung, xó kia tiu-cúng, gọi là vào hè mấy cầu mắt.

Mà chẳng thà mấy bà đàn bà bầy trò ra với nhau, cũng là một cách giải buồn. Nhưng mà đàn ông hẳn hoi, râu mày tươm tất, mà sao cũng đứng nghêu ngao được, đầu đường góc phố như thế!

Khốn nạn! cũng là cái kiếp đàn ông! Hèn hạ là đi gồng thuê gánh mướn, mà cùng quá nữa là đến ngửa tay ăn xin, cũng không đê tiện bằng đi nói láo như thế, để lừa lọc đàn bà, kiếm quan tiền bữa riệu.

Cái điều cúng-vái thực hư thế nào, nói lắm cũng rườm, chúng tôi tưởng ai đã đọc nổi một chữ, cũng đủ biết rồi.

Ngẫm ngay cái điều cúng chúng-sinh. Người đi ăn mày từng lũ lượt, thì chẳng nhìn đến, lại nhớ đến mấy con ma, mà sao lại khéo biết là ma đói? Đến cái bịa đặt ấy, thì chịu nước Nam, duy chỉ bịa ra máy móc là không biết mà thôi.

Giời rét đến người trần cũng không có áo mà mặc, lại đi làm áo giấy để cúng các quan, chẳng biết các quan nào. Mình chẳng ra gì thì chớ, lại còn tưởng rằng ngoại dương-gian cũng chẳng ra gì nữa. Trên trần ta thì mấy có quan hễ ai lễ thì mấy binh vực, chớ ở trên giời nếu cũng thế, thì chẳng hoá ra ông giời đâu đâu cũng chỉ tạo ra điều bất lương dư?

Làm như thế thực là đùa Thánh Thần đó. Thánh Thần đâu lại hễ ai cúng thì tha. Còn như ma đói, ma khát, thì thực là bịa đặt.

Sự đói khát là một cái cần riêng của giống súc-sinh ở trần-gian. Gia ngoài xác thịt không còn đâu những cái hèn hạ ấy. Nếu không, sao gọi là linh. Nếu có tài làm được điều lành điều dữ cho người ta được, thì việc chi lại phải cần đến mình cho ăn; một năm cúng một hai lần, còn những ngày khác thì ăn vào đâu?

Chẳng qua là các cụ ngày xưa ít học, cứ điều gì không biết lý, thì cho là có ma có thần, bây giờ đã được kiến thức hơn xưa, xin đừng tin những điều sằng ấy nữa.

Các nước bên Âu-châu người ta có thờ ma ở đâu? Sao không thấy ma quấy?

Còn như chữ thờ, cũng phải nên hiểu cho rõ mấy được.

Thờ một ông Thánh, nghĩa là làm để cho lưu cái danh ông ấy lại, chứ không phải chiệu hồn ông ấy về, ăn miếng thịt quay, uống ba chén riệu, rồi khấn ông ấy điều gì cũng được đâu.

Xưa nay nước mình hay cúng vái là chỉ vì bởi hiểu nhầm chữ Sự (là thờ).

Bây giờ có muốn tiến bộ, thì trước hết phải bỏ cái hủ đi đã, rồi mấy nói cái hay được; muốn đuổi kịp người mà chân vẫn giữ cùm, thì chậy làm sao được ?

Tôi thấy có nơi học duy-tân, mà lại còn bầy bàn-thờ đức Khổng-tử, rồi đệ vàng hương tế lễ, mất đến vài ba giờ đồng-hồ.

Sự học-hành nên đem cái hiệu đức Thánh ra, để dục lòng người ta hay thiết có thầy, có tiên-sư; nhưng tôi thiết tưởng một cái chanh, một trồng sách, hoặc một vài chữ để vào tường, hay là vào tờ giấy, cũng đủ rồi.

Trong sự thờ là cốt để người sống trông vào, chứ đức Thánh thì ngài có đâu đấy.

Tân Nam Tử