Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 11 (10 Octobre 1936), trang 8.

BẢN DỰ THẢO TIỀN TỆ ĐƯỢC PHÊ CHUẨN

Ở bên Pháp, bản dự án về tiền tệ của nội các Léon Blum, nói về việc giảm giá đồng phật-lăng đã được Hạ nghị viện phê chuẩn: 350 lá thăm thuận, đối với 221 lá thăm nghịch. Lên Thượng nghị viện, bản dự án ấy cũng được phê chuẩn luôn, nhưng mấy ông nguyên lão có sửa đổi nhiều khoản.

LIỄU KẾT CÁC CUỘC ĐÌNH CÔNG TRONG CÁC XƯỞNG DỆT

Trước đây có đăng tin bên Pháp rằng nhân đảng cọng sản yêu cầu chánh phủ phái binh giúp Tây-ban-nha mà chính phủ không thuận nên họ xui cho các dân thợ đình công ở các xưởng dệt lớn. Thì vừa rồi các cuộc đình công ấy đã nhờ sự điều đình mà liễu kết. Nhân dịp cuộc điều đình trong các xưởng dệt đã thành tựu, ông Rucart là Tổng trưởng bộ Tư pháp có đọc một bài diễn văn. Ông tỏ ý vui mừng về sự đã lập được bản hợp đồng chung cho cả nghiệp đoàn mà bên chủ và bên thợ đều được thỏa hiệp, không phải ép uổng bên nào, đó là kết quả sự hòa giải. Ông có nhắc lại rằng: Những việc chiếm đóng các công xưởng và những việc ngăn trở quyền tự do làm lụng, là trái luật pháp. Ông nói: “Không thể dong túng việc gì trái luật pháp”. Ông thay mặt chính phủ ngỏ lời cảm ơn các chủ và các thợ. Đoạn ông ký vào bản hợp đồng giữa các chủ và các thợ đính kết với nhau.

NỘI LOẠN TÂY-BAN-NHA

Quân chánh phủ và quân bên địch mấy hôm nay vẫn dằng co nhau, chưa phân thắng bại. Vừa rồi bên chánh phủ có cải chánh cái tin đồn sắp dời kinh đô đi chỗ khác và tuyên bố mấy cuộc thắng trận của quân mình. Nhưng quân bên địch lại tuyên bố mình thắng trận. Tin của hai đằng trái nhau, chẳng biết đằng nào là phải.

HẠ THỌ BẰNG MÁY BAY

Có tin ở Thượng Hải: Ban-thiền Lạt-ma là Hoạt Phật xứ Tây Tạng (tức là Giáo chủ đạo Phật xứ ấy) hiện đang sửa soạn tại Kokonor (Khổ Luân?) để trở về Laassa (Lạp-tát là kinh đô xứ Tây Tạng) định bỏ tiền riêng là 2.000 đồng vào quỹ tiền mua mấy chiếc máy bay làm tặng phẩm mừng tiệc thọ năm mươi của Tưởng Giới Thạch sẽ mở trong tháng Novembre sắp tới này.

TÀU YÊU CẦU NHẬT 4 ĐIỀU KIỆN

Theo tin hàng Reuteurs thì chánh phủ Trung Hoa đã gởi thư cho chính phủ Nhật yêu cầu 4 điều kiện sau này: 1/ Cam đoan rằng quân lính Nhật sẽ không xâm phạm đến địa giới của Tàu nữa; 2/ Rút hết quân lính Nhật đóng ở Fengtac (gần Nam Kinh) về; 3/ Bãi lệnh cho các người Nhật buôn đồ lậu thuế tại địa phận Trung Hoa; 4/ Chính phủ Tàu sẽ được toàn quyền hành động đối với chánh phủ tự trị ở Yingjukeng. Nghe nói những điều yêu cầu này đã làm cho các giới Nhật phải xôn xao bàn tán.

QUÂN NHẬT ĐÃ TẬP TRẬN TẠI BẮC KINH

Bắc Kinh, 30 Septembre. – Những quân đội Nhật đóng tại Bắc Kinh, Fengtat và Ungjow đã bắn đạn tập trận ở miền Bắc Kinh, làm cho dân chúng Tàu rất nôn nao. Chừng 30 cái xe phá lũy, 20 chiếc sùng thần công nặng và 100 chiến ca-mi-ông dự vào cuộc tập trận ấy. Quân lính Tàu có đứng canh giữ các quan ải ở Bắc Kinh.

CÁC CHIẾN CỤ VÀ NHỮNG VIÊN CỐ VẤN NHẬT ĐÃ TỚI MÔNG CỔ

Thượng Hải, 30 Septembre. – Có tin rằng chính phủ Nhật đã gửi rất nhiều chiến cụ, phi cơ và xe phá lũy đến Changgei và Charhay, cùng với các viên cố vấn Nhật, để khi lâm sự thì giúp đỡ cho quân đội Mông Cổ mới lập tại miền đông xứ Nội Mông Cổ. Tại Chapser là kinh đô của chính phủ Mông Cổ độc lập, cũng thấy có gửi đến rất nhiều khí giới và đạn dược.

SÁCH CẤM

Theo nghị định ngày 1er Octobre 1936 của quan Thượng thư bộ Lại, cuốn sách tên là Dân Việt Nam dưới những sự khủng bố (Le peuple Annamite sous la terreur) của Trọng Minh bị cấm, không được lưu hành, phân phát, tàng trữ và bán trong địa phận Trung Kỳ. Quan Tham tri và các quan tỉnh Trung Kỳ chiếu nghị định ấy thi hành.   

BẠN HÀNG CHỢ ĐÔNG BA LÀM REO

Ở đất Huế, tính tình người dân xưa nay vẫn mềm mỏng, dễ xử lắm, những cái phong trào đình công, bãi thị chưa hề lay động được họ bao giờ; vậy mà lần nầy – lần thứ nhất – chợ Đông Ba cũng có cuộc làm reo. Nghe đâu là vì, bắt đầu từ tháng Octobre, người thâu thuế bỗng thâu cao lên, bạn hàng bất bình nên mới sinh ra như vậy. Cả ngày 2 Octobre, cả chợ vắng người mua bán, xem như chợ ngày Tết. Tuy vậy nhờ quan trên phân xử ổn thỏa nên từ ngày 4 giở đi, chợ lại họp như thường.

VỤ ÁN MẠNG GHÊ GỚM Ở QUẢNG BÌNH

Ngày 23-9-33,[1] ở làng Mỹ Lộc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có xảy ra vụ án mạng 5 người bị chém, và kề bên đó lại có cái nhà cháy, không biết ai đốt. Cái nhà cháy là của Võ Đình. Năm người bị chém là một người đàn bà, tên Thị Ốm, và bốn đứa con của Hương kiểm Phạm Kiều, ba gái một trai. Một trong bốn đứa này vì bị thương nặng quá nên đem đến nhà thương không bao lâu thì chết. Thị Ốm và bốn đứa kia đều bị chém nặng, nên, trước mặt nhà đương chức, không khai rõ được, chỉ nói rằng bị mụ thị Nhạc, độ 40 tuổi, và con trai mụ tên Chư, 15 tuổi, chém mà thôi. Còn vì sao mà chém và cái nhà kia ai đốt thì còn phải đợi quan sở tại điều tra đã. Mẹ con mụ Nhạc và tên Chư đã bị bắt giải quan ngay hôm ấy.

QUAN TOÀN QUYỀN SYLVESTRE KHỞI HÀNH RA BẮC

Ngày 5 Octobre này quan Toàn quyền Sylvestre cùng các quan chức trong văn phòng ngài do đường bộ khởi hành từ Nam ra Bắc. Ngài lưu lại Huế ngày 7 Octobre và sẽ đáp chuyến xe lửa tốc hành ra tới Hà Nội hồi 1 giờ chiều ngày 8 Octobre.

THƯ TỪ VÀ BƯU KIỆN GỬI ĐƯỜNG BỘ HANOI-SAIGON ĐƯỢC MIỄN CÁC THUẾ PHỤ

Sở Bưu điện Đông Dương vừa tin rằng vì đường hỏa xa Hanoi-Saigon đã đi suốt được rồi, nên việc chở các thư từ và bưu kiện bằng ô-tô từ Đại Lãnh đến Tuy Hòa sẽ bãi đi kể từ ngày 4 Octobre 1936. Cũng kể từ ngày ấy, những thư từ và bưu kiện gởi từ Đại Lãnh đến Tuy Hòa hoặc từ Tuy Hòa đến Đại Lãnh sẽ được miễn trả thứ thuế phụ trước kia phải chịu vì gửi xe lửa tốc hành. Những bưu kiện gửi xe lửa, bất cứ từ một ga nào trong suốt dọc đường Hanoi-Saigon cũng sẽ được miễn cả thứ thuế phụ chở ô-tô từ trước.

HAI ÔNG TẠ THU THÂU VÀ NGUYỄN AN NINH MỚI BỊ BẮT Ở SÀI GÒN

Tin Sài Gòn. – Ngày chủ nhật trước, lúc 8 giờ sáng, có các quan tòa bận đồ sắc phục đến khám nhà báo “La Lutte” và nhà riêng của ông Tạ Thu Thâu và của ông Nguyễn An Ninh, hai người chủ trương tờ báo ấy và cũng là tay trọng yếu trong cuộc vận động lập Đông Dương đại hội nghị. Các quan có lấy ít nhiều giấy má ở nhà báo và ở nhà riêng hai ông ấy. Xong rồi hai người đều bị bắt giam vào khám lớn, sau đó liền có trạng sư binh vực, xin cho cả hai được tại ngoài hầu tra, nhưng quan tòa chưa cho. Các báo trong Nam đều có tuyên bố rằng hai ông nầy bị bắt là bởi cớ trong báo “La Lutte” có những bài công kích chánh phủ kịch liệt quá chớ không phải vì cớ Đông Dương đại hội.

ÔNG DƯƠNG BẠCH MAI ĐÃ ĐÁP TÀU SANG PHÁP

Tin Sài Gòn. – Ông Dương Bạch Mai, một trong số lãnh tụ Lao động và cũng là hội đồng thành phố Sài Gòn, đã được chánh phủ cho giấy thông hành nên đã xuống tàu Explorateur Grandidier qua Pháp. Mục đích cuộc hành trình của ông Mai là qua Paris xin yết kiến các nhà đương cục, nhất là quan Tổng trưởng thuộc địa Moutet, để làm luật sư cho Đông Dương đại hội nghị và cho hai bạn đồng chí Thâu, Ninh mới bị bắt nữa. Có lẽ sẽ còn hai người nữa nối gót ông Mai qua Pháp. Ông Mai xuất tiền túi ra làm lộ phí và hai người sẽ khởi hành sau nầy cũng vậy.

VIÊN CHỦ QUẬN AN CAN 29 VỤ HỐI LỘ, BỊ HUYỀN CHỨC

Tin Nam Kỳ. – Vừa rồi nhân dân ở quận Mỏ Cày có đầu đơn lên quan Thống đốc Nam Kỳ kiện chủ quận Mỏ Cày là ông Lê Văn An về 29 vụ hối lộ. Quan Thống đốc liền ra lệnh cho sở Mật thám Mỹ Tho điều tra. Sở Mật thám đã tầm ra bằng cớ 6 vụ trong số 29 vụ hối lộ rồi lập biên bản đệ trình quan Dự thẩm Bến Tre. Hôm vừa rồi ông Lê Văn An đã được lệnh trên cho nghỉ việc.

30 CULY HÃNG XÀ PHÒNG VIỆT NAM LÀM REO

Tin Chợ Lớn. – Hãng xà phòng Việt Nam của ông Trương Văn Bền ở Chợ Lớn (Nam Kỳ) có dùng 30 culy để vác bao. Bọn culy này chia làm hai tốp để làm việc. Ngoài cơm ăn chỗ ở, mỗi người mỗi ngày còn được thêm 0$125 nữa. Chiều thứ bảy vừa rồi, vào 6 giờ, 15 người trong tốp thứ nhất vác mỗi người một bao xà phòng lên trên gác thì họ liền nghỉ việc. Tốp sau cũng làm theo như tốp trước. Xảy ra vụ đình công này chỉ vì culy bị cho ăn cực khổ. Mỗi bao xà phòng nặng tới 50 – 60 killos mà ăn uống khổ sở, thì không sức đâu làm việc được, nên họ mới phản đối và làm reo.

   




Chú thích

  1. Chỗ này bản tin có thể ghi lầm (hoặc sắp chữ lầm) về năm chăng? Vì nếu sự việc là của vài ba năm trước thì chỉ được nhắc đến khi có việc xử vụ án ấy; ở đây lại có vẻ như sự việc vừa xảy ra.