Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 9 (26 Septembre 1936), trang 7.

NỘI LOẠN Ở TÂY-BAN-NHA

Hiện nay quân chánh phủ và loạn quân đã sắp đặt một trận đại chiến ở gần kinh thành Madrid. Coi chừng như quân bên chánh phủ núng thế lắm. Có kẻ nói họ đương sắp đặt một đô thành nào gần miền Địa Trung Hải để khi kinh thành Madrid bị hãm thì trốn vào đó. Đã thế mà lại có tin rằng chánh phủ mới phát giác ra một vụ mưu sát tổng thống Azana cùng các tổng trưởng. Có sáu người can án mưu sát này đã bị bắt và còn nhiều người bị bắt nữa.

NỘI TÌNH NƯỚC PHÁP

Các cuộc đình công vẫn còn xảy ra luôn. Chỉ bởi đảng cọng sản họ yêu cầu chánh phủ cử binh qua viện chánh phủ Tây-ban-nha mà ông Léon Blum không chịu nên họ xui ra như vậy. Một xưởng lớn nhuộm đồ ở Thaon có hơn 2500 người làm công vừa rồi bị bọn cọng sản phủ vây bốn phía, không cho thợ vào làm. Hôm 17 Septembre tại Lyon có cuộc biểu tình của đảng xã hội gây ra sự ẩu đả, nhiều người bị thương.

NGA VỚI ĐỨC ĐƯƠNG GƯỜM NHAU

Ở Đức, trong hội nghị đảng quốc xã vừa rồi, nhà độc tài Hitler có thống mạ nước Nga Sô-viết nhiều lắm, lai có ý ngăm đe nữa. Nghe tin ấy, người Nga tỏ ý tức giận và trả lời ngay. Trong một bài diễn văn của thống chế Nga là Voronow có nói rằng: “Nga bao giờ cũng yêu hòa bình. Nhưng hễ kẻ thù nào muốn xâm phạm vào xứ Ucraine hay địa phận nào, Nga không những ngăn trở quân địch mà còn đem binh đánh tận tổ nữa”. Đức mới rồi lai có cuộc đại diễn binh, quân đội có hàng mấy chục vạn, trên trời lại có 100 chiếc máy bay, người đi xem có đến một trăm vạn. Những cái biểu hiệu ấy làm người ta nghĩ rằng Nga Đức sẽ đánh nhau chăng.

MỘT BỨC ĐIỆN VĂN CỦA QUAN TỔNG TRƯỞNG BỘ THUỘC ĐỊA

Phủ Toàn quyền vừa mới nhận được của quan tổng trưởng bộ Thuộc địa một bức điện văn như sau này: “Việc cử Ủy ban Điều tra hiện Thượng nghị viện chưa thảo luận đến. Vậy việc dự bị để tiếp ủy ban nếu không có mục đích nào khác thì không có ý nghĩa gì hết. Quần chúng đã biết xu hướng của chính phủ mà còn mưu những cuộc phiến động thì cái dự án cử ủy ban điều tra e không thành mà lại ngăn trở sự thi hành chính sách khoan hồng của chính phủ. Chính phủ yêu cầu quý chức trừng trị mọi sự bạo động và xui làm bạo động. Quý chức sẽ lấy pháp luật để giữ trật tự và nếu có cần sẽ giao cho tòa án trị những người có ý muốn làm rối loạn cuộc trị an. Mấy lời này quý chức phải công bố khắp mọi nơi, quý chức sẽ nói cho dân chúng biết rằng chính phủ bao giờ cũng sẵn lòng thực hành những sự cải lương về kinh tế, về chính trị; nhưng ở Đông Dương hay ở đâu cũng vậy không ai được xâm phạm đến trật tự Pháp. MARIUS MOUTET”

(Khâm sứ Trung Kỳ cậy đăng)

BỨC ĐIỆN TÍN CỦA QUAN TOÀN QUYỀN MỚI

Quan Toàn quyền Đông Pháp mới bổ là ông Brévié còn ở tại Paris, mới rồi có đánh hai bức điện qua đây. Một bức cho quan quyền toàn quyền Sylvestre, tỏ ý tín nhiệm và an lòng giao phó cho ngài chức thủ hiến để đợi đến ngày mình sang tới nơi. Một bức cho các vị vua dưới quyền bảo hộ, mong các ngài sẵn lòng hợp tác với mình để mở mang cho từng xứ.

CUỘC TOÀN KỲ HỘI NGHỊ NGÀY 20 SEPTEMBRE Ở HUẾ

Quả thật từ trước đến nay dân Trung Kỳ chưa hề có một lần nào nhóm họp nhau bàn về chính trị như lần này, mà nhất là nhóm họp lại ở Huế. Có đến trên 500 người đủ cả các tỉnh họp mặt tại viện Dân biểu, ai nấy im lặng, giữ trật tự hẳn hoi. Sau khi ông Phạm Văn Quảng báo cáo việc làm của Ủy ban tạm thời mấy hôm nay và nói đại ý khai hội xong, rồi hội nghị bầu một ủy ban tạm thời khác. Ông Nguyễn Trác được bầu làm chủ tịch, ông Nguyễn Khoa Văn làm phó. Kế đó tuyên đọc các bản thỉnh nguyện thảo từ trước và có nhiều người lên diễn đàn tỏ bày ý kiến. Đoạn lại bầu một ủy ban khác 26 người. Ủy ban này cốt để xin phép chính phủ cho đi từng tỉnh lấy nguyện vọng của nhân dân rồi sau còn mở một lần toàn kỳ hội nghị thứ hai nữa, bấy giờ mới thảo tập thỉnh nguyện chánh thức. Trong ủy ban 26 người ấy có cho đến 17 người về phái thanh niên, về lao động, còn 9 người là bọn các ông dân biểu Phạm Văn Quảng, Trần Bá Vinh, Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Quốc Tuý, Võ Đình Thụy, v.v… và trong đó cũng có ông Nguyễn Trác. Ông Võ Đình Thụy được cử làm chủ tịch. Ủy ban làm việc luôn trong hai ngày. Đến ngày 22, sau khi cử một đoàn đại biểu đến ra mắt quan Khâm về, rồi không biết vì sao, nghe nói ủy ban bỗng tự mình giải tán. Ấy là hỏng việc. Bao nhiêu công phu non một tháng trời vứt đi mất cả. Việc dù hỏng mà được cái khỏi ai trách ai. Vì năm trăm người tự làm hỏng lấy việc mình thì trách ai được nữa? Sau đó có tin chính phủ triệu tập các ông dân biểu mở cuộc hội nghị bất thường tại Dân viện ngày hôm qua 25 Septembre để xét các điều thỉnh cầu của nhân dân. Theo việc làm đó mà nói thì cái ủy ban kia giải tán lâu rồi, sao cho có sự thỉnh cầu của nhân dân được? Hay! Đầu Ngô mình Sở!

THÙNG CHÈ TÀU MÀ LÀ THUỐC PHIỆN LẬU Ở GA QUY NHƠN

Độ tháng trước người ta đồn ầm lên rằng tại ga Quy Nhơn, sở thương chánh có bắt được một thùng, ngoài thì dán nhãn chè tàu mà trong toàn thuốc phiện lậu đến hàng mấy chục ki-lô. Thùng chè ấy, coi theo chữ đề thì ở Hà Nội gởi vào mà không có ai nhận cả. Nay cứ một tờ báo Hà Nội đăng, thì trên thùng ấy có đề tên chủ gởi là Hòa Tường Trà Cục ở số 61 phố Thuốc Bắc, Hà Nội. Trong khi bắt được, sở Đoan Quy Nhơn có trình tòa án; rồi tòa án tư ra Hà Nội, nhờ xét xem thử có Hòa Tường Trà Cục ở số 61 phố Thuốc Bắc không? Ở Hà Nội mở cuộc điều tra, đến 61 phố Thuốc Bắc thì là hiệu Sinh Xuân Hương Trà, vừa bán chè vừa bán bánh, do bà Nguyễn Thị Chinh làm chủ. Bà ấy khai không hề gởi chè vào Trung Kỳ bao giờ. Hiện nhà chức trách vẫn còn điều tra cho ra mối. Nhưng nếu kẻ gian đã dựng nên bốn chữ Hòa Tường Trà Cục thì điều tra không ra rồi.

VỤ HỐI LỘ PHAN THIẾT

Hội đồng thẩm vấn đã hỏi xong các bị cáo nhân nhưng quyết định không nhất trí. Về ông tuần Mai Hữu Lang, quan công sứ Gey chủ tịch bàn nên giáng hai trật, cho về, nhưng ông Hồ Đắc Ứng lại bàn nên lưu lại. Vì đó hội đồng phải đầu phiếu. Kết quả chỉ một mình ông Gey cho về, còn ba ông quan An Nam thuận một bề cho ở lại. Rồi hội đồng làm tở phúc bẩm phân hai để quyền cho hội đồng Thượng thơ quyết định. Trong tờ phúc bẩm nghị quan án Trương Ký bị đình bổ hai năm, còn ông Trần Đinh giáng hai trật, ông Lê Thượng Văn  giáng ba trật thải về. Để xem hội đồng Thượng thơ và quan Khân sứ quyết định ra sao.

CUỘC TỔ CHỨC ĐÔNG DƯƠNG ĐẠI HỘI TẠI SÀI GÒN

Vì nghe Ủy ban điều tra bên Pháp sắp qua đây, các hàng trí thức ở Sài Gòn có họp nhau tổ chức một cuộc Đông Dương đại hội nghị, mục đích là hiệp ba kỳ lại để thảo tập dân nguyện dâng cho ủy ban. Người đứng tổ chức có cả năm ông hội đồng quản hạt và các nhà làm báo. Nhưng đáng chú ý hơn hết là bên hội đồng quản hạt có ông Nguyễn Phan Long, bên hội viên Lao động có ông Tạ Thu Thâu. Công việc đương tấn hành, bỗng trong báo La Lutte của phái họ Tạ có bài nói chạm đến phái tư bản nên trong ban tổ chức có 5 ông hội đồng quản hạt tuyên bố kéo mình ra khỏi, không chịu hợp tác. Tuy vậy ông Nguyễn Phan Long không lấy một thái độ với 5 ông ấy. Ông Long vẫn còn ở trong ban tổ chức, tỏ ý sốt sắng lập cho thành cuộc đại hội. Việc ấy xảy ra hôm 17, 18 Septembre. Để xem thử về sau ra sao.

CÁC NHÀ BÁO HÀ NỘI ĐỐI VỚI PHÁI BỘ ĐIỀU TRA

Cũng như các nhà báo ở Huế, ngày 15 Septembre vừa rồi, các nhà làm báo ở Hà Nội cũng có họp nhau mở một cuộc hội nghị tại nhà hàng Lạc Xuân để thảo luận các khoản thỉnh cầu của báo giới rồi để vào tập dân nguyện dâng cho phái bộ. Những điều quyết nghị cũng là xin được ngôn luận tự do chứ không có gì lạ.

MỘT VIÊN CHỨC NHÀ ĐOAN BẮN CHẾT MỘT LÝ TRƯỞNG

Chiều ngày 14 Septembre, ông Bernadci, viên chức sở Đoan phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa, đem theo mấy người lính tới khám thuốc lào lậu tại nhà tên Cố Gạo, làng Phụng Cốc, phủ Thiệu Hóa, cùng tỉnh, rồi chĩa súng lục bắn lý trưởng sở tại Trần Văn Hoàn chết ngay. Quan thầy thuốc đến khám, thấy một viên đạn từ giữa ngực bên hữu xuyên qua bên tả của tử thi. Viên tây Đoan khai rằng tại lý trưởng dẫn mình đi sai đường, định để cho dân làng hành hung nên mình phải bắn thị uy, chẳng may viên đạn trúng nhằm lý trưởng. Nhưng bên dân làng thì khai khác. Việc đương còn đợi nhà chức trách điều tra lại.

MỘT VIÊN HUYỆN BỊ KIỆN VÌ NHŨNG LẠM

Ở Bắc Kỳ, dân huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình có ba lá đơn đưa lên quan Công sứ kiện quan huyện Đặng Trần Cung về tội nhũng lạm. Trước mặt quan sứ, thân hào huyện Duyên Hà khai ra nhiều khoản. Đại để như quan huyện phụ thâu tiền thuế năm 1936 đến 1.000$00, lại nắm hào, xu đổi cho các làng nạp thuế để lấy lợi và đứng xin bớt thuế cho dân mà cứ 100$ thu lễ 5$00. Còn mấy việc tình tội khác. Quan huyện đã bị đổi đi nơi khác và nay mai phủ Thống sứ mở một hội đồng kỷ luật xét vụ kiện đó.

KẾT QUẢ CUỘC THI THƠ CỦA “VĂN NGHỆ TÙNG THƯ” HẢI DƯƠNG

175 dự thi; 480 bài thơ. Giải nhất: Chùa Hương, của Trần Đình Biểu (Bắc Giang); giải nhì: U Thâm của B. Đinh (Hà Nội). Mười giải bình: Cô hái rau của Đôn Châu (Kép), Mong đợi của Thanh Tịnh (Huế), Xuân tươi của Anh Đào (Hải Dương), Lời thương của My Tùng (Campha-port),[1] Tuổi thơ của Hà Lang (Hà Đông), Vọng phu của Ng. V. Thiep (Long Xuyên), Xuân về của Cô Thục Liên (Hà Tiên), Má đỏ của Lư Khế (Hà Nội), Ân tình của Thương Viên (Hạ Long), Thơ khóc vợ của Vũ Mộng Bảng (Ninh Giang)

(Văn Nghệ Tùng Thư cậy đăng)

  1. Campha-port: Cảng Cẩm Phả (trên báo chí trước 1945, các từ địa danh Việt Nam nhiều khi bị viết liền, lại ghép chữ Việt với chữ Pháp, nên có cách viết như vậy).