Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 29 (27 Février 1937),  trang 8.

MẶT TRẬN BÌNH DÂN KHÔNG BAO GIỜ RÃ

Sự thành lập của Mặt trận Bình dân Pháp gồm tất cả các đảng tả, sau cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, đã làm cho các đảng hữu yếu thế dần, và do đó, sinh tâm tìm hết cách để tàn phá chiến tuyến của phe đối nghịch. Nhưng cứ xem tình thế hiện thời – nó đang được dân chúng càng ngày càng tín nhiệm – và cứ theo lời tuyên bố của ông Maurice Thorez, lãnh tụ đảng cọng sản Pháp trong kỳ toàn quốc hội nghị của đảng ấy vừa rồi, thì Mặt trận Bình dân không bao giờ rã được: “Bọn nghịch của chúng tôi dùng đủ các hành vi rất hèn mọn để mưu phá tan Mặt trận Bình dân. Nhưng tôi quả quyết nói: Không ai làm tan nổi Mặt trận Bình dân. Chúng tôi bao giờ cũng tin: Hết thảy nhờ Mặt trận Bình dân; hết thảy vì Mặt trận Bình dân. Có hợp nhất, chúng tôi mới thắng chủ nghĩa phát-xít; có hợp nhất, chúng ta sẽ thắng nó luôn!” Ông Thorez lại có nói rõ con đường đi của đảng cọng sản Pháp – đi đến sự lập nên một Chánh phủ Cọng hòa của các hội đồng thợ thuyền và dân cày, và sau cùng ước ao hai đảng Xã hội và Cọng sản hợp một để làm một đảng duy nhất của vô sản giai cấp.

BẮT ĐẦU THI HÀNH CHÁNH SÁCH BẤT CAN THIỆP

Sau một phiên nhóm tại Luân-đôn, ngày 17 Février, Tiểu ban bất can thiệp đã chuẩn y dự án trù định sự cấm gởi nghĩa binh ngoại quốc qua Tây-ban-nha. Dự án nầy đã bắt đầu thi hành hôm 20 Février, và đến 6 Mars thì sẽ thi hành cuộc kiểm sát biên giới Tây-ban-nha.

TAM TRUNG TOÀN HỘI KHAI MẠC Ở NAM KINH

Ngày 15-2, Tam Trung toàn hội Quốc dân đảng đã nhóm ở Nam Kinh, do Uông Tinh Vệ ngồi ghế chủ tịch thế cho Tưởng Giới Thạch, đau, để thảo luận và giải quyết nhiều vấn đề trọng đại về nội chánh và ngoại giao nước Tàu. Liền sau khi hội nghị khai mạc, Hành chánh viện trưởng Tưởng Giới Thạch, không hiểu vì lẽ gì, cho đưa đơn đến xin từ chức. Có bốn ông Viện trưởng khác, noi gương Tưởng, cũng đưa đơn xin từ chức nốt. Nhân việc nầy, người ta đoán sẽ có nhiều sự thuyên chuyển qua hệ trong chánh giới Tàu, mà sự để cho Trương Học Lương sung nhậm chức Tổng trưởng bộ Binh là một.

YÊU CẦU KHÁNG NHẬT

Trong những vấn đề đem ra bàn cãi tại Tam Trung toàn hội ở Nam Kinh, có vấn đề ngoại giao đối với Nhật là quan hệ và đáng cho ta chú ý. Bà Tống Khánh Linh, quả phụ của Tôn Trung Sơn, cùng với Phó quản ủy trưởng Phùng Ngọc Tường và một số đông chánh khách, đã đệ một bản đề án lên hội nghị yêu cầu liên Nga, dung Cọng và kháng Nhật. Cũng yêu cầu kháng Nhật, trong một bức điện họ gởi cho hội nghị, Lý Tôn Nhân, Bạch Sùng Hy, Hoàng Hữu Sơ, Lý Phẩm Tiêu và chủ tịch Tứ Xuyên là Lư Trương. Tướng Dương Hổ Thành ở Thiểm Tây, hôm hội nghị Tam Trung khai mạc, cũng có đánh điện tín về yêu cầu chánh phủ Nam Kinh hiệp tác với Cọng để tổng động binh đánh Nhật. Vậy là hầu hết các tay chánh khách trọng yếu của nước Tàu đều đồng lòng đánh Nhật, chưa biết hội nghị Tam Trung sẽ quyết định ra sao.

ÔNG VARENNE TRỞ QUA ĐÔNG DƯƠNG

Chắc bạn đọc còn nhớ việc ông Varenne, nguyên toàn quyền Đông Dương, trúng cử đại biểu Bắc Kỳ tại Thượng hội đồng Pháp quốc hải ngoại vài tháng trước đây. Vì là chỉ ở bên Pháp vận động chứ không hề giáp mặt cử tri bên nầy, nên, trúng cử, nay ông phải qua Đông Dương đáp lễ họ. Ông Varenne, do chiếc tàu Félix Roussel, đến Sài Gòn hôm mồng 5 Tết tức 15-2. Ngày 18-2, ông lên đường ra Trung Kỳ, ghé Đà Lạt, rồi ghé Huế, xong, ra Bắc. Ngày 25-2, ông đã tới Hà Nội.

LẠI MỘT VỊ KHÁCH NỮA: ÔNG BATA EM

Em ông chủ hãng giày lớn nhất thế giới, hãng Bata, nước Sê-cô-lô-va-ky,[1] nhơn đi viếng các chi ngánh của hãng ấy, vừa rồi có ghé Đông Dương. Ông đi bằng máy bay, đến Sài Gòn hôm 17-2, từ Sài Gòn ông ra đến Hà Nội ngày 19-2. Ở đây một vài hôm, ông sang Tàu, rồi sang Nhật.

MẤY NGÀY SAU CÙNG CỦA ÔNG GODART Ở BẮC

Mấy ngày sau cùng của ông Godart ở Bắc dùng vào sự đi thăm các tỉnh miền thượng du như Cao Bằng, Lạng Sơn, v.v… Ngày 20-2 ông trở về Hà Nội an nghỉ, để qua hôm 22-2 lên đường vào Trung Kỳ. Ông Justin Godart từ giã đất Bắc tính ra sau khi lưu lại đó ngót ba tuần, và với một mớ tài liệu khá nặng.

BÀ CỐ DUY QUÂN GHÉ HÀ NỘI

Bà Cố Duy Quân, vợ ông lãnh sự Trung Hoa tại Paris, vừa rồi nhơn đáp máy bay về nước, có ghé Hà Nội một hôm. Cứ theo lời bà tuyên bố với các báo, cuộc hồi hương nầy không mục đích gì khá hơn là về thăm hai con trai bà học tại Thượng Hải.

200 PHU VỚT GỖ HÀ NỘI YÊU CẦU TĂNG CÔNG

Ngày 16-2, 200 phu vớt gỗ ở bờ sông Nhĩ Hà, Hà Nội, cử đại biểu đến quan Đốc lý thành phố ấy, xin ngài can thiệp vào việc họ yêu cầu chủ tăng công, vì công việc khuân gỗ từ sông lên bờ rất nặng nhọc, mà tiền lương ít ỏi quá. Ví dụ: cây gỗ lớn nhất, phải 24 người phu, mà chỉ trả hóa 0$60, tính ra mỗi người được 2 xu rưỡi; cây gỗ nhỡ 0$40 và cây gỗ nhỏ 0$30. Nay họ yêu cầu: cây gỗ lớn nhất tăng lên 0$80; cây gỗ nhỡ 0$50; cây gỗ nhỏ 0$30.

NHÀ CÁCH MẠNG PHẠM TUẤN TÀI ĐÃ TẠ THẾ

Trong số chính trị phạm đày ở Côn Đảo được ân xá ngày trong năm, có một người khi về đến quê hương thì chứng lao của mình đã đến thời kỳ quá trầm trọng: ông Phạm Tuấn Tài. Phạm Tuấn Tài người Bắc, vốn là một nhà giáo, lại hay văn, đã đóng một vai trọng yếu trong Việt Nam Quốc dân đảng, bị bắt vào năm 1929. Bị tòa đại hình kết án 15 năm cấm cố, ông phải đày ra Côn Lôn, nơi đã đem đến cho ông cái bệnh khốc hại đó. Vì là được thả về vào ngày sức đã quá yếu, nên tàu vừa cập bến Hải Phòng thì ông được chở ngay lên Hà Nội, vào điều dưỡng tại bệnh viên Robin, rồi được ít lâu, người nhà ông lại lên xin đem ông về Nam Định, quê ông. Sống đến ngày mồng ba Tết, tức hôm 13 Février, thì Phạm Tuấn Tài tạ thế. Người ta nói Phạm Tuấn Tài mấy năm về sau đây đã bỏ chủ nghĩa quốc gia của mình để thờ một chủ nghĩa rộng rãi hơn.

MỘT TIN VỀ ỦY BAN ĐIỀU TRA

Trong số trước chúng tôi đăng tin có hai Ủy ban Điều tra sang Phi châu rồi, còn Ủy ban thứ ba đi Đông Dương và Úc châu thì chưa thấy nói đến, nhưng chắc thế nào cũng sang. Nay bỗng được cái tin rất đáng ngạc nhiên nầy: Ủy ban Điều tra để sang Đông Dương và Úc châu không sang nữa. Họ sẽ ở ngay Paris mà điều tra bằng tài liệu ở các nơi gởi đến, lấy lẽ rằng đường đi từ đó sang đây quá xa, mất nhiều thì giờ và phải nhiều phí tổn. Tin nầy do một tờ báo Pháp ở Sài Gòn đăng trước, rồi đồng nghiệp Điễn tín trích đăng lại. Nhưng để xem, vì chưa biết thực hư thế nào. Hay chỉ là một tin bịa.

   




Chú thích

  1. Sê-cô-lô-va-ky: Czechoslovakia (hay Czecho-Slovakia), tức Tiệp Khắc, quốc gia (1918-1992) ở Trung Âu; từ 1/1/1993 tách thành 2 nước Czech và Slovakia.