Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 18 (28 Novembre 1936), trang 8.

TỔNG TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ ROGER SALENGRO TỰ SÁT

Ngày 18 Novembre vừa rồi, tin ấy truyền ra làm cho dư luận Pháp và Âu châu rất sôi nổi. Ông Salengro, người đảng xã hội, trong hồi Âu chiến vốn có lần bị quân Đức bắt làm tù binh. Gần đây bọn phát-xít đem chuyện cũ ra chất vấn ông và vu cáo cho ông tội đào ngũ. Ông đã nhiều phen phản kháng, nhưng những lời phản kháng của ông chỉ vừa đủ làm cho bọn nghịch càng xỉ mạ ông thêm. Buồn, ông tự hủy mình. Cuộc tự sát ấy xảy ra tại thành phố Lille mà ông làm xã trưởng. Ông có để lại hai bức thư tuyệt mệnh nói rõ tại sao mình chết, một cái cho thủ tướng Léon Blum, một cái cho em ông là Henri Salengro. Thủ tướng Blum sau khi nghe tin buồn, liền đáp tàu đi Lille. Ông đọc thơ bạn rồi khóc nức nở. Ông có khuyên thợ thuyền thành phố ấy nên giữ thái độ bình tĩnh, đừng tổ chức những cuộc bạo động có tính cách báo thù. Sự báo thù mà người bạc mệnh ước mong, theo ông, là cuộc đắc thắng sau này của  chủ nghĩa xã hội. Thành phố Lille đã làm lễ công táng ông Roger Salengro hôm chủ nhật 22 Novembre.

DƯ LUẬN ĐỐI VỚI VỤ TỰ SÁT NÀY

Sau khi nghe tin ông Tổng trưởng bộ Nội vụ R. Salengro quyên sinh, các nhân viên các đảng có chân trong mặt trận Bình dân liền tổ nhiều cuộc biểu tình tại Paris. Họ đi diễn trên các đại lộ và hô lớn: “Trả thù cho Salengro! Trả thù cho Salengro!” Các báo quán phát-xít như Gringoire, Le Figaro bị họ đập phá và chửi mắng thậm tệ. Tỏ lòng công phẫn, thợ nhà in in báo Gringoire là tờ báo đã phỉ báng ông Salengro nhiều nhất cũng nhất định tẩy chay, không chịu đứng sắp bài cho báo ấy nữa. Tin ông Salengro tự sát không những chỉ làm xôn xao dư luận Pháp và Âu châu, mà cả thế giới nữa. Nhân dịp này, các nước đều có đánh điện tín phân ưu cùng chánh phủ Pháp.

AI SẼ LÊN THẾ ÔNG SALENGRO?

Theo tờ thông cáo của chính phủ thì hiện thủ tướng Léon Blum quyền đỡ chức Nội vụ tổng trưởng. Nhưng sau nầy ai là người sẽ thay ông Salengro giữ chức ấy? Có tin nói ông Chautemps, lại có tin khác nói ông Max Dormoy hiện giữ chức thứ trưởng tại Thủ tướng phủ là người có nhiều hy vọng nhất.

CUỘC ĐIỀU TRA

Theo lời yêu cầu của Thủ tướng Blum, quan chánh chưởng lý thành phố Lille đã mở cuộc điều tra về cái chết thảm khốc của ông R. Salengro. Có tin đồn rằng có tay Đức nhúng vào vụ phỉ báng ông Salengro. Họ đã giúp tài liệu cho các báo phát-xít Pháp, để dựng lên những lời khống cáo đã nói trên.

MADRID TRONG VÒNG KHÓI LỬA

Theo tin Franco thì loạn quân đã chiếm được nhiều khu vực của kinh thành Madrid. Tuy vậy, vệ binh bình dân vẫn cự địch hẳn hòi, liều chết để giữ từ thước đất.

CON TRAI THỦ TƯỚNG LARGO CABALLERO BỊ TỬ HÌNH

Con trai thủ tướng Largo Caballero bị loạn quân cầm tù vừa rồi đã bị tử hình. Loạn quân đã làm vậy là để trả thù cho hai con trai của cố thủ tướng Primo de Rivera đều là những lãnh tụ phát-xít đắc lực, trước đây bị chánh phủ Bình dân xử tử.

Ý, ĐỨC THỪA NHẬN CHÁNH PHỦ FRANCO

Có tin đồng thời hai chánh phủ Ý, Đức đã tuyên bố chánh thức thừa nhận chánh phủ của tướng Franco, và đã cử sứ thần mới sang Burgos để kết giây liên lạc. Đáp lại tấm thịnh tình ấy, chánh phủ Franco dự định tổ chức tại Séville một cuộc biểu tình rất lớn để tỏ lòng hoan nghinh sự quyết định của hai nước. Chánh phủ Bình dân Tây-ban-nha hiện nay đóng đô tại Valence đã gởi thông điệp cho Hội Quốc liên phản kháng việc thừa nhận trên nầy.

CHUNG QUANH HAI BỨC ĐIỆN VĂN CỦA BỘ THUỘC ĐỊA

Chắc bạn đọc còn nhớ, hai tháng trước đây, từ Bắc chí Nam đương sôi nổi vì phong trào lập Đông Dương đại hội nghị nhân dịp Ủy ban điều tra sắp sang, thì phủ Toàn quyền tiếp luôn hai bức điện văn dưới ký tên quan Tổng trưởng M. Moutet khuyên nhân dân làm việc bình tĩnh và cấm tất cả những sự hoạt động có tính cách làm rối cuộc trị an. Vì hai bức điện tín ấy mà việc lập Đ.D.Đ.H.N. phải đình chỉ và nhiều cuộc bắt bớ đã xảy ra. Vừa rồi có tin ông Moutet cải chính trong báo Le Temps nói rằng hai bức điện tín ấy không phải của ông đánh mà là của ông Đổng lý văn phòng bộ Thuộc địa Viollette, trong lúc ông mắc đi kinh lý ở Tây Phi châu, vậy cho nên ông không chịu trách nhiệm.

BÁO “LE POPULAIRE” PHỎNG VẤN ÔNG DƯƠNG BẠCH MAI

Tin ông Dương Bạch Mai sang Pháp vận động cho Đ.D.Đ.H.N., trước đây bản báo đã có đăng. Vừa rồi thấy các báo trong Nam đăng tin ông Mai được báo Le Populaire, cơ quan đảng xã hội, phỏng vấn. Báo ấy tỏ ý hoan nghinh việc lập Đ.D.Đ.H.N. và đã hỏi ông Mai rất nhiều về tình hình chính trị Đông Dương. Bà Andrée Viollis, hiện đương ở Tây-ban-nha, cũng có gởi thơ về đốc suất ông Francis Jourdain, vận động cho Đ.D.Đ.H.N. được thực hiện.

ĐẠI HỘI ĐỒNG KINH TẾ LÝ TÀI ĐÔNG DƯƠNG NHÓM

Đại hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương năm nay nhóm ở Sài Gòn, nhằm ngày 18 Novembre 1936. Quan quyền Toàn quyền Sylvestre có đến đọc bài diễn văn khai mạc. Buổi chiều bầu ban trị sự. Ông Mazel, đại biểu Trung Kỳ, được bầu làm chủ tịch. Chức phó chủ tịch về hai ông Ballous và Lê Văn Phúc. Thư ký: hai ông Thuận, Combot. Xong, hội đồng chia ra từng ủy ban để làm việc.

PHONG TRÀO ĐÌNH CÔNG TRONG NAM

Báo Điễn tín đăng tin rằng sáng hom 16-11-1936 tất cả thợ ở sở máy cưa Tân Mai đều đình công yêu cầu tăng lương và bớt giờ làm việc. Ngày 17-11, tất cả thợ may hiệu Adam Mode đều nghỉ việc, cùng một mục đích trên.

PHONG TRÀO ĐÌNH CÔNG NGOÀI BẮC

Ngày 16-11 vừa rồi, 6000 thợ mỏ ở Cẩm Phả nổi lên đình công để phản kháng sự các ông chủ mỏ không chịu thi hành luật lao động đối với họ.

VIỆT KIỀU Ở XIÊM BỊ BẠC ĐÃI

Về việc đồng bào ta ở Xiêm vừa rồi làm biểu tình bị bắn chết hai người, chúng tôi nhận được bài thông tin này của chính phủ cậy đăng:

VIỆT KIỀU Ở XIÊM LA

Mới đây nhiều tờ báo bản xứ có đăng tin rằng Việt kiều ở Xiêm La làm biểu tình, bị cảnh sát đàn áp thẳng tay: Hai người bị giết, nhiều người bị thương và vô số người bị bắt. Một vài nhân vật Việt Nam đã yêu cầu chánh phủ Pháp can thiệp với chánh phủ Vọng Các. Mấy ông ấy tuồng như không biết rằng đã có luật quốc tế, và người Việt Nam là người của nước Pháp bảo hộ, thì đã có Sứ thần Pháp ở Vọng Các và và các Lãnh sự Pháp trong một vài thành thị Xiêm La.

Theo tin tức chắc chắn thì một đoàn người Việt Nam, độ 150 người, hội tập gần miền Kong Keng, rồi kéo nhau đến thành thị, người thì cầm khí giới, người thì cầm cờ đỏ có vẽ búa liềm mà hô lên rằng “Đả đảo Chánh phủ Xiêm La”. Họ lại nói trước rằng sẽ chiếm cứ các công sở. Cảnh sát Xiêm La can thiệp để giải tán, nhưng coi chừng không đàn áp nổi nên viên cảnh sát trưởng ra lệnh bắn.

Sự thật là như vậy đó.

Đáng thương tiếc cho hai người bị thiệt mạng, nhưng thử xem, Chánh phủ Xiêm La mà cho mấy vạn người Việt Nam cư trú có phải là để cho họ được phép làm rối loạn trong nước đâu.