Thời sự trong tuần lễ/Kỳ 1
Từ số nầy giở đi, Sông Hương thêm một mục gọi là “Thời sự trong tuần lễ”.
Theo thể lệ báo chí, một tờ báo văn học như Sông Hương chỉ đăng những tin tức thuộc về văn học. Nhưng vì chiều lòng bạn đọc, chúng tôi phải thêm mục nầy.
Có nhiều bạn đọc gởi thư yêu cầu chúng tôi thêm mục Thời sự, lấy cớ rằng mình không thể mua nhiều thứ báo được, chỉ mua một mình Sông Hương mà thôi, nếu Sông Hương không có mục ấy thì mình cũng người đọc báo mà mọi việc xảy ra hiện thời đều không được biết gì cả.
Lời nói nghe có lý lắm, chúng tôi phải vui lòng làm theo.
Kỳ này chúng tôi đăng sơ mấy việc trong nước, kỳ sau sẽ đăng việc nước ngoài.
Trong mục này nếu có tin về chính trị, ấy chỉ là tin thôi, chứ không phải nghị luận về chính trị. Vậy xin bạn đọc đừng thấy vậy mà gởi bài nghị luận về chính trị, chúng tôi không đăng đâu. Hãy nhớ Sông Hương chuyên về văn học mà thôi.
*
* *
HOÀNG THƯỢNG ĐỐI VỚI NẠN DÂN BỊ LỤT Ở BẮC KỲ
sửaVừa rồi ở Bắc Kỳ, ba con sông Nhị, Lô và Đáy bị vỡ đê, làm các miền như Bắc Ninh, Hải Dương, Việt Trì, Sơn Tây ngập lụt lớn lắm, dân sự mấy vùng đó đang trải qua một cơn đồ khổ. Thứ năm tuần trước, quan Thượng bộ Lại có thông tin cho chúng tôi hay rằng vì cái tai nạn ấy Hoàng thượng có đánh điện tín ra cậy quan Thống sứ Bắc Kỳ vì Ngài hỏi thăm hết thảy nạn dân; và Ngài có gởi ra 1500 đồng bạc để chu cấp cho họ.
ỦY BAN KHỞI THẢO NGUYỆN VỌNG CỦA TRUNG KỲ
sửaViện Dân biểu Trung Kỳ nhờ bản báo đăng tin này:
Muốn cho có một ủy ban thay mặt cho cả các giới để thảo quyển nguyện vọng của dân. Chúng tôi tạm thời xin mời các giới ở toàn kỳ đến họp tại Viện Dân biểu ở Huế hôm 20 Septembre 1936, hồi 8 giờ sáng, để cử một ủy ban chánh thức.
PHẠM VĂN QUẢNG, NGUYỄN ĐAN QUẾ, LÊ THANH CẢNH
NGÀY HỌP HỘI ĐỒNG THƯỜNG NIÊN VIỆN DÂN BIỂU TRUNG KỲ NĂM NAY
sửaTheo lời phiếu tấu của bộ Lại ngày 28/8/1936 vừa rồi, bộ ấy đã thương đồng với quan Khâm sứ định chiêu tập hội đồng thường niên viện Nhân dân Đại biểu Trung Kỳ vào ngày 10 Octobre cho đến ngày 17 Octobre, tức là ngày 25 tháng 8 đến ngày mồng 3 tháng 9 ta. Lễ khai mạc cử hành vào lúc 9 giờ mai ngày 10 Octobre và bế mạc vào 3 giờ chiều ngày 17 Octobre. Năm nay các đại biểu cũng sẽ vào thỉnh an Hoàng thượng, lễ ấy làm vào buổi sáng ngày 9 Octobre, do quan thượng thư bộ Lại dẫn kiến. Về các vấn đề đem bàn tại Viện trong kỳ nhóm này, tức là bản nghị sự nhật trình, thì bộ Lại và tòa Khâm còn sẽ duyệt định sau.
CUỘC XỔ SỐ ĐÔNG PHÁP NĂM 1936 LẦN THỨ HAI
sửaVừa rồi chánh phủ Đông Pháp đã quyết định cuộc xổ số năm 1936 lần thứ hai.
Lần nầy có khác mấy lần trước. Vé số có cho đến 800.000 vé, chia làm 4 lô, mỗi lô 200.000 vé, mở 4 lần tại 4 nơi đô thành xứ Đông Pháp: Hà Nội, Sài Gòn, Huế và Nam Vang.
Lô thứ nhất mở ngày 23 Octobre 1936 tại Nam Vang; số vé bán từ 000.001 đến 200.000.
Lô thứ nhì mở ngày 17 Novembre 1936 tại Hà Nội; số vé bán từ 200.001 đến 400.000.
Lô thứ ba mở tại Sài Gòn vào ngày 19 Décembre 1936; số vé bán từ 400.001 đến 600.000.
Lô thứ tư mở ở Huế vào ngày 20 Janvier 1937; số vé bán từ 600.001 đến 800.000.
Giá mỗi vé vẫn 1$00. Tất cả những vé ở 4 lô nầy khi đã mở từng lô một rồi mà vé nào dù trúng số hay không cũng vẫn được dự vào cuộc mở đặc biệt ba số độc đắc của ba lô tại Huế.
Kỳ mở đặc biệt này vào hôm 20 Janvier 1937, ngay sau khi mở xong cuộc xổ số thường.
Như vậy, những người mua vé bất cứ vé ở lô nào cũng cứ giữ lấy cẩn thận vì may ra vé của mình mở kỳ thường không trúng, mà trúng vào kỳ mở đặc biệt những số 100.000 $, 40.000 $, và 20.000 $ này chăng.
Số vé trúng của từng lô một (lô thường) như sau này:
1 vé trúng 4.000 $
8 vé trúng 1.000 $
80 vé trúng 100 $
400 vé trúng 50 $
4.000 vé trúng 10 $
Tổng cộng có 4.489 vé trúng trong 200.000 vé.
Kỳ mở đặc biệt số độc đắc có:
1 vé trúng 100.000 $
1 vé trúng 40.000 $
1 vé trúng 20.000 $
Mấy hôm nay những vé về lô thứ nhất mở ở Nam Vang đã bắt đầu bán. Còn những vé về lô thứ nhì mở tại Hà Nội sẽ bán từ ngày 1er Octobre 1936. Những vé thuộc lô thứ ba mở tại Sài Gòn sẽ bán từ 1er Décembre 1936.
Về cách thức mở số đã định như sau này:
Về các lô từng kỳ một thì các số trúng 4.000 $; 1.000 $; 100 $ đều mở riêng từng số một, chỉ có các số trúng 50 $ và 10 $ thì chỉ mở mấy con số sau cùng.
Về cuộc mở ba số lớn 10 vạn, 4 vạn và 2 vạn thì nhất định là mở riêng từng số một.
Các cuốn vé số về các kỳ xổ số này chỉ đóng mỗi quyển có 10 vé thôi, chứ không phải 20 vé như các kỳ trước. Các vé trong mỗi quyển vé đóng từ 6 đến 15, 16 đến 25, 26 đến 35, v.v… chứ không đóng từ 0 đến 9 như trước.
Lần này vé in có nhiều màu khác nhau: 200.000 vé lần thứ nhất in màu đỏ, chia ra 8 vạn tại Nam Kỳ, 6 vạn tại Bắc Kỳ, 2 vạn tại Trung Kỳ, 2 vạn tại Cao Miên và 3 nghìn tại Ai-lao, 2 nghìn tại Quảng Châu Loan. Còn hơn 1 nghìn sẽ để ở sở Tài chánh phòng có đâu thiếu thì gởi đi.
Vé in những 2 số ở hai bên giống nhau, khi cắt đôi ra, người có vé vẫn không mất số của mình. Trúng rồi, lĩnh tiền tiêu rồi mà mình vẫn còn hy vọng chờ mở kỳ đặc biệt.
Vé lô thứ nhất màu đỏ, mở ở Phnompenh;
Vé lô thứ nhì màu xanh, mở ở Hà Nội;
Vé lô thứ ba màu tam tài mở ở Sài Gòn;
Vé lô thứ tư màu vàng, mở ở Huế.
BÁO GIỚI TRUNG KỲ ĐỐI VỚI ỦY BAN ĐIỀU TRA CỦA CHÍNH PHỦ BÌNH DÂN PHÁP
sửaNgày 7-9-1936, tiếp được bức thơ triệu tập của ông Phạm Văn Quảng, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, các đại biểu báo giới Trung Kỳ có mặt tại Huế khai hội tại Viện Dân biểu để thảo luận ba vấn đề sau này:
- Những đều yêu cầu thiết thực và cần kíp của báo giới.
- Những đều yêu cầu thiết thực và cần kíp của quốc dân.
- Cử một ủy ban báo giới Trung Kỳ để đi dự cuộc hội nghị Toàn kỳ ngày 20-9-1936 để thảo luận và cử đại biểu đi dự cuộc Đông Dương đại hội sau này.
Hiện có mặt những ông Phan Khôi, Hoài Thanh (báo Sông Hương); Lê Thanh Cảnh, Hoài Nam, Phan Văn Trang, Lê Thanh Tuyên, Trần Đình Nô (Tràng An báo); Nguyễn Xương Thái (báo Tiếng dân); Đào Duy Anh, Cao Văn Chiễu, Nguyễn Quốc Tuý, Trương Cao Đông, Trần Đang, Lê Hồng Tiệm, Đoàn Văn Phong, Nguyễn Xuân Nghi, họa sĩ Kim San, Nguyễn Khoa Văn.
Viện Dân biểu có ba ông Phạm Văn Quảng, Nguyễn Đan Quế, Lê Thanh Cảnh.
Hội nghị bầu ông Phan Khôi làm chủ tịch, ông Nguyễn Khoa Văn làm thư ký.
Hội nghị khai mạc từ bốn giờ chiều đến chín giờ rưỡi tối mới giải tán.
Quyết nghị án của hội nghị yêu cầu những điều sau nầy:
- Thi hành điều luật báo giới 29 Juillet 1881, và hủy hết thảy những điều luật khác đã hạn chế quyền ngôn luận ở Đông Dương.
- Yêu cầu quan thuế tự trị.
- Giải phóng cho đồng bạc Đông Dương.
- Chánh phủ Pháp đã chi xuất một số tiền 1.000.000.000 quan để cho thuộc địa vay. Xin trích một phần trong số trên ấy để giúp cho nông dân Trung Kỳ canh khẩn làm ăn.
- Thi hành luật bảo hộ lao động và tuần lễ 40 giờ, kiểm sát sự sống của công nhân đồn điền và cho tự do lập công đoàn.
- Bớt thuế thân, thuế điền chánh ngạch, và bỏ các khoản phụ nạp và tư ích.
- Bỏ độc quyền rượu và muối để cho nghiệp hộ tự do làm ăn và nạp thuế thẳng với chánh phủ. Cho dân được tự do trồng thuốc, trữ thuốc, khỏi khai báo, và chỉ chịu đánh thuế khi đem ra bán.
- Bãi bỏ kỳ thi sơ học yếu lược. Học phí các trường tổng, huyện, xin giao cho ngân sách Trung Kỳ chịu. Cho mở trường tư tự do, không hạn tuổi trong các lớp tiểu học, lập thêm trường kỹ nghệ trong xứ, lập một trường đại học hoàn bị ở Hà Nội.
Hợp Trung Kỳ và Bắc Kỳ lại làm một, dưới quyền một chánh phủ, mà chánh phủ ấy phải chịu trách nhiệm trước một nghị viện do toàn dân cử lên, có quyền lập pháp và kiểm sát ngân sách của nhà nước.
Còn sự sản sinh ra chánh phủ ấy thì tùy chánh phủ Pháp với Nam Triều định liệu.
- Xin lập một nền hiến pháp cho toàn quốc để bảo vệ những quyền lợi cho nhân dân như sau nầy:
- a) Tự do ngôn luận và xuất bản,
- b) Tự do hội hiệp, kết xã, lập hội,
- c) Tự do đi lại trong nước và ra nước ngoài,
- d) Tam quyền phân lập.
Hội nghị có cử một ủy ban gồm 11 người để tham dự đại hội nghị ngày 20 Septembre sắp tới đây. Những người được cử như sau này: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Hải Triều, Lê Thanh Cảnh, Đào Duy Anh, Cao Văn Chiều, Nguyễn Xương Thái, Trương Cao Động, Nguyễn Quốc Tuý, Hoài Nam, Nguyễn Quý Hương.
Trước khi giải tán, hội nghị yêu cầu ông Viện trưởng Phạm Văn Quảng xin phép chánh phủ cho mở một cuộc hội nghị công khai ngày 20 September 1936 cho tất cả nhân dân tham dự, để cho cuộc thảo luận sau nầy được đầy đủ ý kiến.
Đến chín giờ rưỡi tối, hội nghị giải tán.
Biên bản làm ngày 8-9-1936
Chủ tịch: PHAN KHÔI
Thơ ký: HẢI TRIỀU